Thị xã Cai Lậy: Lịch Sử Chùa Bửu Long
Chùa Bửu Long tọa lạc tại ấp Quý Thành, xã Nhị Quý, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Thượng tọa Thích Đức Thông đương nhiệm trụ trì.
Chùa Bửu Long được thành lập theo hình thức “cải gia vi tự” (chuyển đổi từ đất hộ gia đình sang đất tôn giáo). Vào năm 1977, ông Nguyễn Văn Mén, sinh ngày mùng 8 tháng 4 năm 1938, đã mua một sở đất 5.000 m² tại ấp Quý Thành để cach tác. Vợ ông là bà Trương Thị Ngọc Dung sinh ngày 01 tháng 01 năm 1953, bà là người có duyên với Phật pháp từ nhỏ.
Năm 1961, bà Trương Thị Ngọc Dung đã có duyên đến cầu pháp tu học với cố Đại lão Hòa thượng Thích Bửu Đức (1880 – 1974) tại núi Trà Sư (Kỳ Lân Sơn), thuộc thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, được Hòa thượng ban Pháp danh là Huệ Ngọc (Giai đoạn này cô Huệ Ngọc chỉ là hình thức chú tiểu, chưa thọ Đại giới). Cố Đại lão Hòa thượng Thích Bửu Đức là Chứng minh Đạo sư Hệ phái Liên tông Tịnh Độ Non Bồng, khai sơn Tổ đình Thành An Tự (ấp Đông Sơn 1, thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Đến năm 1988 Cô Huệ Ngọc mới chính thức xuất gia tu học theo giới luật quy định.
Về phần ông Nguyễn Văn Mén, ông là tín đồ đạo Cao Đài, năm 33 tuổi là chức sắc đạo Cao Đài và hoạt động tại Thánh thất Cao Đài ở xã Nhị Quý. Năm 1980, ông 43 tuổi, sau khi tái hôn với bà Trương Thị Ngọc Dung, ông đã cải đạo theo Phật giáo. Đến ngày 15 tháng 7 năm 1980 ông đã đến cầu xuất gia, thọ giáo tu học với cố Hòa thượng Thích Chơn Huệ tại chùa Bửu Vương, phường Nhị Mỹ, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang, được Hòa thượng ban Pháp danh là Thích Đức Thông. Đây là ngôi chùa thuộc Hệ phái Lục Hòa (Phật giáo Cổ truyền Việt Nam).
Đến năm 1981, thầy Thích Đức Thông và gia đình đã về xây dựng am thất nhỏ trên phần đất nhà tại ấp Quý Thành để tụng Kinh, lễ bái tu hành và thờ cúng tổ tiên, lấy hiệu là “Chùa Bửu Long. Đến năm 1984, chùa Bửu Long xin gia nhập sinh hoạt trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho đến nay.
Năm 1988, thầy Thích Đức Thông cho xây dựng mở rộng Chánh điện và hậu Tổ, lợp mái ngói, lát gạch tàu; phần nhà ở được lợp lá mái tranh, vật liệu thô sơ và nền đất; nguồn kinh tế tự cung tự cấp. Sinh hoạt đạo tràng chuyên tu pháp môn Tịnh độ, hoạt động từ thiện xã hội, mở phòng thuốc nam.
3 giờ rạng sáng ngày 24 tháng 8 năm 2000 (nhằm ngày 23 tháng 7 năm Canh Thìn), cơn lốc xoáy làm sập toàn bộ ngôi chùa. Tháng 11 năm 2000, chùa chuyển đổi Quyền sử dụng đất từ hộ gia đình sang đất cơ sở tôn giáo. Năm 2001, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang ký quyết định cho phép xây dựng lại chùa. Ngày mùng 6 tháng 2 năm Đinh Tỵ (2001) chính thức làm Lễ đặt đá xây dựng. Đến năm 2007, ngôi Chánh điện được xây dựng hoàn thành. Các hạng mục công trình phụ khác được xây dựng trong nhiều năm liên tiếp đến năm 2016, hoàn thành trang nghiêm ngôi Tam bảo.
Diện tích cơ sở thờ tự hiện nay của chùa Bửu Long là 4.025 m², trong đó đã xây dựng là ~ 3.500 m² (Từ năm 1975 đến năm 25/08/1994 có diện tích là 5.000 m² trước khi dự án mở rộng quốc lộ 1A triển khai).
Công trình các hạng mục đã xây, tạo dựng hiện nay gồm có: Đài Quán Thế Âm; Núi đá nhỏ thờ ba sự kiện của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Đản sinh, Thành đạo, Niết bàn); Các tượng lộ thiên (tượng Phật A Di Đà bằng bê - tông cốt thép cao 19m; tượng Phật Di Lặc, Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Địa Tạng bằng đá hoa cương trắng); Chánh điện - hậu Tổ nối liền; gác Chuông; lầu Trống; Tháp Tổ; Tháp thờ bài vị-cốt hương linh; Nội xá; nhà bếp.
Chùa cũng đã được công nhận cơ sở thờ tự văn hóa năm vào 2011 do Ủy ban Nhân dân huyện Cai Lậy ký quyết định số 6540/QĐ-UBND ngày 24/10/2011.
Thầy Thích Đức Thông được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tấn phong Giáo phẩm Thượng tọa tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII ngày 24 tháng 11 năm 2012.
Thượng tọa cũng tích cực tham gia hoạt động với Giáo hội, đảm nhận chức vụ Trưởng ban kiểm soát Ban Trị sự Phật giáo huyện Cai Lậy nhiệm kỳ 2007 - 2012.
Sư cô Huệ Ngọc cùng chư Ni tại bổn tự cũng tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Thông qua các hội, đoàn như: Hội Khuyến học Tiền Giang; Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi Tiền Giang,… chùa Bửu Long đã mang nhiều niềm vui đến với các mãnh đời bất hạnh, góp phần đem Đạo vào Đời làm cho cuộc sống ngày thêm tươi đẹp.
Một số ảnh tư liệu:
Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang
Giáo hội Phật giáo Tiền Giang - 01/11/2024
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét