3 tháng 12, 2024

Chùa Long Thạnh

Thị xã Cai Lậy: Lịch Sử Chùa Long Thạnh

Chùa Long Thạnh tọa lạc tại ấp Hòa Trí, xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Đại đức Thích Trí Nguyên đảm nhiệm trụ trì.

Khởi nguyên chùa Long Thạnh là am tranh do các Mục Đồng thành lập. Đến năm 1885 có vị Tỳ kheo Thích Phước Huệ, thế danh Hồ Văn Lược đứng ra thành lập thành ngôi Tự và đặt hiệu là “Chùa Long Thạnh”. Lúc này chùa Long Thạnh được làm bằng chất liệu bán kiên cố, mái lợp ngói âm dương, vách ván, nền lát gạch tàu và có diện tích đất là 4.141 m². Thầy Thích Phước Huệ an trú nơi đây tu tập và hành đạo cho đến ngày viên tịch.


Sau khi thầy Thích Phước Huệ viên tịch, chùa Long Thạnh không có Sư kế vị nên được ông Phạm Văn Đời phát tâm đến chăm lo nhang khói ngôi Tam Bảo một thời gian, sau đó ông Đời bị bệnh và mãn phần. Bấy giờ ông Phan Văn Châu (tục gọi là ông Tư Châu) là người địa phương phát tâm đến tiếp lo nhang khói cũng được một thời gian thì mãn phần.


Năm 1989 thầy Thích Quảng Hoa, thế danh là Võ Văn Tươi, sinh năm 1939 phát tâm về chăm lo Tam Bảo chùa Long Thạnh. Thời gian làm Giám tự, chùa Long Thạnh đang vào giai đoạn xuống cấp trầm trọng do biến cố lịch sử và thời gian. Được sự phát tâm của tín đồ Phật tử gần xa, thầy Thích Quảng Hoa đã cho trùng tu lại ngôi Chùa vào năm 1992, mái lợp tol, vách ván, nền lát gạch men. Đến năm 1996, Thầy cho xây lại vách tường và thay thành cửa sắt.


Năm 2010, vì thấy tuổi cao sức yếu nên thầy Thích Quảng Hoa giao chùa Long Thạnh lại cho Giáo hội quản lý và điều hành Phật sự. Bấy giờ qua đề nghị của Ban Đại diện Phật giáo huyện Cai Lậy, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang đã có công văn số 015 ký ngày 31 tháng 12 năm 2010, bổ nhiệm Đại đức Thích Trí Nguyên, thế danh Nguyễn Thanh Tuấn, sinh năm 1976 đảm nhiệm Trụ trì chùa Long Thạnh cho đến ngày nay.


Năm 2011, được sự cho phép của các cấp Giáo hội và sự chấp thuận của các cơ quan hữu quan, Đại đức Thích Trí Nguyên đã khởi công trùng tu lại toàn bộ công trình chùa Long Thạnh bao gồm: Chánh Điện, nhà Tổ, nhà khách, Tăng xá, nhà trù và một số công trình phụ khác để phục vụ cho việc sinh hoạt tu học của chư Tăng và đạo tràng Phật tử.

Sau khi hoàn thành các hạn mục cơ bản, Đại đức Trụ trì tiến hành xây dựng Điện thờ Đức Phật A Di Đà, xây Đại tượng Đức Phật Niết Bàn và đài thờ Bồ Tát Quán Thế Âm; đồng thời kiến tạo lại toàn bộ khuôn viên phía trước sân chùa tao nhã như hiện nay.


Các công trình chùa Long Thạnh được làm bằng chất liệu bê tông cốt thép. Ngôi Chánh điện hiện tại được lợp tol, vách tường, cửa gỗ, nền lát gạch men kiến.

Song song với việc xây dựng cơ sở, Đại đức Thích Trí Nguyên cũng mở đạo tràng niệm Phật định kỳ để quý Phật tử gần xa trở cộng tu, xiểng dương Pháp môn Tịnh Độ, làm an lạc cho cuộc đời.

“Long Thạnh chùa quê xứ miệt vườn,
Trải bao tuế nguyệt với gió sương,
Thịnh suy bao cuộc không dời đổi,
Tam Bảo ngày nay thật đẹp thay.”

Một số ảnh tư liệu:











Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét