Thị xã Cai Lậy: Lịch Sử Chùa Long Thanh
Chùa Long Thanh tọa lạc tại ấp 7, xã Tân Bình, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Sư cô Thích Nữ Nguyên Trọng đương nhiệm trụ trì.
Chùa Long Thanh được xây dựng vào năm 1930 do Hòa thượng Yết-ma Lai thành lập trên phần đất nhà để làm nơi tu tập. Ngôi chùa bấy giờ chỉ được làm bằng cây lá đơn sơ.
Vùng đất này trước đây hàng năm vào khoảng tháng 8 đến thàng 10 âm lịch đều bị ngập lụt, vì vậy kinh tế bấy giờ chỉ dựa vào việc trồng lúa và các cây hoa màu ngắn hạn, cho nên đời sống người dân còn nhiều khó khăn, chùa chiền vì thế cũng khó phát triển.
Sau khi Hòa thượng Yết-ma Lai viên tịch. Chùa Long Thanh được giao lại cho ông Nguyễn Văn Hổ, là người trong gia tộc trong coi.
Cuối năm 2009, Ban Đại diện Phật giáo huyện Cai Lậy đã đề cử Sư cô Thích Nữ Nguyên Trọng hiệu Huệ Nghiêm, thế danh Võ Thị Xuân Trang, sinh năm 1975, về đảm nhiệm trông coi chùa Long Thanh. Sau đó Sư cô cũng được Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang bổ nhiệm trụ trì theo tinh thần Quyết định số 005/QĐ-BTS ký ngày 02 tháng 08 năm 2010.
Tiếp nhận ngôi chùa trong trình trạng lâu năm đã bị hoang phế, diện tích đất lại nhỏ hẹp; để có nơi tu tập và sinh hoạt đạo tràng, Sư cô Thích Nữ Nguyên Trọng đã cất lại liền ngôi Chánh điện và một số công trình phụ bằng chất liệu bán kiên cố vào năm 2009.
Năm 2012 Sư cô trụ trì tiến hành xây dựng ba pho đại tượng Tây phương Tam thánh làm nơi chiêm ngưỡng cho bá tánh trong vùng. Bên dưới chân các bệ tượng được thiết kế làm phòng khách và nơi sinh hoạt cho Phật tử.
Tiếp theo đó Sư cô vận động xây dựng cây cầu bắt ngang sông kênh 12, nối liền đường lộ kênh 12 (Tỉnh lộ 868) qua chùa Long Thanh. Công trình này hoàn thành giúp cho Phật tử và người dân qua lại chùa dễ dàng hơn trước đây rất nhiều.
Do vì ngôi Chánh điện trước đây được làm gấp rút và tạm thời nên bị xuống cấp. Hiện tại để đảm bảo an toàn cho đạo tràng, Sư cô Trụ trì đã tháo dỡ ra và đang tiến hành các thủ tục xin phép xây dựng lại. Rất mong công trình sớm hoàn thành để làm nơi quy hướng tu tập, phát triển tâm linh cho hàng Phật tử; đồng thời góp phần với địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới nâng cao.
Một số ảnh tư liệu:
Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang
Giáo hội Phật giáo Tiền Giang - 11/11/2024
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét