31 tháng 8, 2021

Chùa Pháp Vân

Tên thường gọi: Chùa Dâu

Chùa thường được gọi là chùa Dâu, tọa lạc ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 30km. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Toàn cảnh chùa

Mặt tiền chùa

Chùa Pháp Vân cùng các chùa Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện hợp thành chùa Tứ Pháp. Ngoài thờ Phật còn thờ các nữ thần: chùa Pháp Vân thờ Bà Dâu, chùa Pháp Vũ thờ Bà Đậu, chùa Pháp Lôi thờ Bà Tướng, chùa Pháp Điện thờ Bà Dàn.

Chùa được xây dựng vào khoảng đầu Tây lịch ở vùng Dâu, thời thuộc Hán gọi là Luy Lâu, là một trung tâm Phật giáo Việt Nam xưa nhất. Thiền sư Tì-ni-đa-lưu-chi (Vinitaruci) – người Nam Thiên Trúc, sang Trung Hoa, đắc pháp với Tam Tổ Tăng Xán, được Tam Tổ chỉ dạy về phương Nam truyền đạo – đã đến chùa vào tháng Ba năm Canh Tý (580), mở đạo tràng thuyết pháp, lập nên Thiền phái đầu tiên ở Việt Nam.

Chùa đã được Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đứng ra dựng lại với quy mô lớn vào thế kỷ XIV và được trùng tu nhiều lần ở các thế kỷ sau.

Điện Phật

Đền thờ bà Pháp Vân


Bàn thờ Tứ Pháp

Bàn thờ Thánh Mẫu

Tượng bà Pháp Vân

Tượng bà Chúa Trắng *Bà Thái phi Trương thi Ngọc Chữ)



Tượng Ngọc Nữ


Tượng thờ

Ở tòa thượng điện còn một số mảng chạm khắc của thời Trần, thời Lê. Ở đây còn có tượng Bà Chúa Trắng Trương Thị Ngọc Chử và tượng Bà Hậu Khe Nguyễn Thị Cảo. Tượng Thái phi Ngọc Chử (1666 – 1750) được tác dạng bán khỏa thân tọa thiền trên một tòa sen. Bà là mẹ của An Đô Vương Trịnh Cương (1685 – 1729) là vị chúa có nhiều tâm huyết với công cuộc cải cách kinh tế, chính trị. Bản thân Bà cũng đã cho xây dựng, trùng tu nhiều công trình văn hóa dân tộc như chùa Hàm Long, chùa Hồ Thiên, chùa Bút Tháp, chùa Pháp Vân…


Bàn thờ Phật

Tượng Tam Thế Phật

Bàn thờ Tam Bảo Phật

Tượng Bồ tát Chuẩn Đề

Bàn thờ Thập Điện Minh Vương

Bàn thờ Tổ Ni

Bàn thờ Tổ Tăng

Bàn thờ Hộ Pháp

Bàn thờ Đức Chúa Ông

Bàn thờ Đức Thánh Hiền


Bàn thờ Lục Vị Công Tào











Tượng La Hán


Tượng Hộ Pháp

Tượng Kim Cang

Chùa có tháp Hòa Phong nổi tiếng, tương truyền có 9 tầng, nay chỉ còn 3 tầng, được đại trùng tu vào năm 1737. Ca dao xưa có câu:

Dù ai đi đâu về đâu
Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về.

Chùa Pháp Vân là một danh lam bậc nhất của xứ kinh Bắc xưa nay, được xem là ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo Việt Nam. Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.

Tháp Hòa Phong

Bản khắc gỗ "Cổ Châu Phật bản hạnh"

Cừu đá

Chạm gỗ ở tòa thượng điện


Bia chùa

Đại hồng chung

Khánh đồng trong tháp Hòa Phong

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường

Chùa Dâu - ngôi chùa cổ nổi tiếng xứ Kinh Bắc

Nằm ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, chùa Dâu được du khách gần xa biết đến với những nét kiến trúc - văn hóa - lịch sử vô cùng độc đáo...

1. Chùa cổ nhất Việt Nam. Theo một số nguồn sử liệu, chùa Dâu được khởi công xây dựng năm 187 và hoàn thành năm 226, là trung tâm Phật giáo đầu tiên của người Việt. Vào cuối thế kỷ 6, nhà sư Tì-ni-đa-lưu-chi từ Trung Quốc đến chùa và lập nên một phái Thiền mới.

Vào năm 1313 dưới triều vua Trần Anh Tông, chùa Dâu được Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi dày công tu bổ thành chùa 100 gian, tháp 9 tầng, cầu 9 nhịp. Chùa tiếp tục được trùng tu nhiều lần qua các thế kỷ tiếp theo.

2. Tháp Hòa Phong. Ngày nay, chùa Dâu mang kiểu kiến trúc “nội công ngoại quốc” điển hình của các ngôi chùa cổ miền Bắc. Công trình kiến trúc đặc sắc nhất của chùa là tòa tháp Hòa Phong nằm ở khoảng sân chùa sau tiền điện.

Tháp vốn có 9 tầng nhưng nay chỉ còn ba tầng dưới, xây theo bình đồ vuông, mỗi cạnh tầng một rộng gần 7 mét. Mỗi tầng có bốn cửa vòm ở bốn mặt. Mặt trước tầng hai có gắn bảng đá khắc chữ “Hòa Phong tháp”. Trong tháp có chuông đồng đúc năm 1793 và một chiếc khánh đúc năm 1817.

3. Bức tượng cừu bí ẩn. Bên trái tháp Hòa Phong có tượng một con cừu đá là dấu vết duy nhất còn sót lại từ thời nhà Hán. Đây chính là di vật cổ xưa nhất còn được lưu giữ của chùa Dâu.

Con cừu được tạc từ một tảng đá nguyên khối với những đường nét chắc khỏe nhưng cũng không kém phần sinh động. Do con cừu đá 2.000 tuổi này có một chòm râu dài nên một số người cho rằng nó thực chất là… dê chứ không phải cừu.

4. Tục thờ Tứ Pháp. Về tín ngưỡng, nét đặc biệt của chùa Dâu là ngôi chùa này thờ Tứ pháp, gồm Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Đây là một hệ thống thờ tự độc đáo mang đặc trưng của dòng thiền xứ Kinh Bắc cổ xưa.

Những bức tượng Tứ Pháp của chùa Dâu (Pháp Vân), chùa Đậu (Pháp Vũ), chùa Tướng (Pháp Lôi), chùa Dàn (Pháp Điện) đã được công nhận là Bảo vật quốc gia từ năm 2017, với tên chung là bộ tượng Phật Tứ Pháp vùng Dâu-Luy Lâu.

5. Biểu tượng của tỉnh Bắc Ninh. Vào năm 2013, chùa Dâu cùng với chùa Bút Tháp là hai di tích lịch sử đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam.

Trên logo của tỉnh Bắc Ninh có những nét cong, là tượng trưng cho “những đường nét đầu đao độc đáo của ngôi chùa Dâu đầy huyền sử”, theo Cổng thông tin điện tử Tỉnh Bắc Ninh.

Quốc Lê
Chùa Dâu – Ngôi chùa cổ xưa nhất Việt Nam

Chùa Dâu tọa lạc tại xã Thanh Khương (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Theo những sử liệu, chùa được xây dựng từ năm 187 và hoàn thành vào năm 226. Đây được coi là ngôi chùa cổ xưa nhất gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo tại Việt Nam.

Chùa Dâu còn có tên gọi khác là Cổ Châu tự, Diên Ứng tự, Pháp Vân tự, Thiền Định tự, chùa Bà Dâu, thuộc thôn Khương Tự, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Theo thư tịch cổ, chùa được khởi dựng ở vùng Dâu (Luy Lâu) vào thế kỷ II đầu Công nguyên, thời kỳ Sĩ Nhiếp (nhà Hán) làm Thái thú quận Giao Chỉ (sau đổi thành Giao Châu). Đây được coi là trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta, là dấu tích quan trọng gắn với quá trình hình thành và phát triển Phật giáo Việt Nam.

Về kiến trúc, chùa Dâu in đậm dấu ấn kiến trúc, điêu khắc của nhiều thời kỳ lịch sử, với hệ thống tượng mang nghệ thuật đặc sắc của thời Lê - Nguyễn, đặc biệt là hệ thống tượng Tứ Pháp. Tổng thể chùa được quy hoạch theo phong cách “nội công ngoại quốc” (bên trong, các dãy nhà được sắp đặt theo hình chữ "công" (工), còn bên ngoài có hình chữ "quốc" (国).

Nổi bật nhất trong các công trình của chùa là tòa tháp Hòa Phong. Theo thư tịch cổ, vào thời Trần, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi cho trùng tu chùa Dâu, xây tháp cao 9 tầng. Nhưng kiến trúc của tòa tháp hiện còn là của thời Lê Trung Hưng. Tháp được xây bằng gạch nung già, với 3 tầng, cao 15m.

Trong tháp, treo một quả chuông đồng đúc năm 1793 và một chiếc khánh đúc năm 1817.

Bên ngoài tháp có tượng một con cừu đá dài 1,33 m, cao 0,8 m.


Tháp Hòa Phong nhìn từ khoảng sân của nhà thờ tổ và thờ mẫu.


Tượng Pháp Vân được thờ trong chính điện, được cho đã xuất hiện vào thế kỷ XVIII.

Do chùa Đậu bị phá huỷ thời kháng chiến chống Pháp, nên tượng Bà Đậu cũng được đưa về thờ ở chùa Dâu. Theo truyền thuyết, bốn bà (Tứ Pháp) gồm Pháp Vân (bà Dâu), Pháp Vũ (bà Đậu), Pháp Lôi (bà Tướng), Pháp Điện (bà Dàn) cùng do bà Phật Mẫu Man Nương - "người mẹ xứ sở" sinh ra. Bà Dâu được coi là người con đầu.

Được coi là danh lam bậc nhất của xứ Kinh Bắc xưa nay, chùa Dâu được chứng nhận là di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam vào tháng 9/2013.


Khu vực nối tiền thất và hậu đường là nơi thờ Thập bát La Hán (18 đệ tử đắc đạo của Phật đã tu đến cảnh giới La Hán). Ngoài ra, các pho tượng Bồ tát, Tam thế, Đức ông, Thánh tăng được đặt ở phần hậu điện.

Phía sau của chùa còn có một hồ nước nhỏ trong xanh, không gian thoáng mát.

Ngay bên cạnh là vườn tháp cổ - nơi để tro cốt, nhục thân của các vị trụ trì đã viên tịch.

Vùng Dâu thời thuộc Hán còn gọi là Luy Lâu, có năm ngôi chùa cổ. Trong đó, bốn chùa thờ Tứ Pháp: Chùa Dâu thờ Pháp Vân (thần mây), chùa Đậu thờ Pháp Vũ (thần mưa), chùa Tướng thờ Pháp Lôi (thần sấm), chùa Dàn thờ Pháp Điện (thần chớp). Ngôi chùa thứ 5 là chùa Tổ - thờ Man Nương, mẹ của Tứ Pháp. Việc năm chùa này ngoài thờ Phật còn thờ Tứ Pháp và bà Man Nương là biểu hiện sinh động của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tín ngưỡng dân gian của người Việt với Phật giáo khi mới du nhập.

Kim Sơn
Thi "cướp nước" trong lễ hội chùa Dâu 

Chùa Dâu thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Năm 2013, Chùa Dâu được xếp hạng: "Di tích lịch sử văn hóa đặc biệt" của quốc gia. Sự suy tôn ấy là rất đúng, bởi lẽ Chùa Dâu là chốn tổ đình của Phật giáo Việt Nam, đồng thời cũng là nơi thờ tín ngưỡng bản địa của người Việt ta xưa. 

Hội Dâu thường được diễn ra vào ngày mùng Tám tháng Tư âm lịch hàng năm. Hội rất đông vui, hội của 12 làng xã trong tổng Khương. Lễ hội thường có 2 phần: Lễ và Hội. Lễ ở trong chùa, khách thập phương từ khắp nơi đến cầu nguyện. Còn Hội ở phía ngoài sân bãi, người ta rước 11 kiệu Phật ra ngoài trời để đi bái tổ ở chùa tổ Nghiêm Phúc Tự, rồi quay về tham dự các trò diễn xướng, vui chơi. Đó là hát Trống Quân, hát Chèo, hát Ca Trù, thi múa gậy, múa trống và trong đó đặc sắc nhất vẫn là thi "cướp nước".

Theo như lời các cụ xưa kể lại thì ngày xưa, cổng Tam Quan của Chùa Dâu ở phía trước, cách cửa Chùa Dâu khoảng chừng 200m. Cổng chùa rất to, cao, có 7 vòm cửa ra vào. Vào ngày lễ hội, người ta dựng 2 cái nhà rạp lớn ở 2 bên phía trong cổng chùa để sẵn sàng phục vụ cho cuộc thi.


Sau khi đi bái tổ về, cả 4 pho tượng trong hệ thống Tứ Pháp đều được dàn hàng ngang ngồi công đồng ở phía ngoài của dãy Tiền đường. Rồi khi bước vào cuộc thi chỉ có 2 pho tượng được tham gia. Đó là bà Pháp Vũ, Pháp Lôi.

Theo quy định thì mỗi pho tượng được tham gia thi cướp nước chỉ được 8 người rước, kiệu. Đó là những chàng trai to khỏe, cao bằng nhau, đầu đội mũ nậu, mình mặc áo vàng nẹp đỏ. Về phía 2 pho tượng Phật cũng được phong áo mũ miều trông rất đẹp. Rồi khi hiệu lệnh được phát ra, 16 chàng trai đồng loạt cùng nâng kiệu lên vai trong tư thế sẵn sàng.

Tùng tùng! Tùng! Cuộc thi bắt đầu. Tiếng trống ngũ liên ròn rã nổi lên, thôi thúc, âm vang khắp cả một vùng. Trong khi đó thì có đến hàng trăm hàng nghìn người đứng hai bên m, cùng hò reo cổ vũ náo nhiệt. Mười sáu chàng trai cùng co chân chạy như bay như biến về phía trước. Gió thổi làm áo Phật căng phồng lên.

Vậy là, pho tượng nào về tới đích trước thì được coi là thắng cuộc. Đích chính là hai cái nhà rạp đã được dựng lên ở ngay phía trong cổng chùa. Và theo thường lệ thì năm nào bà Đậu, tức tượng Pháp Vũ cũng được nước, bởi 2 lý do:

Thứ nhất: Theo như sự tích Tứ Pháp thì sư thầy Khâu Đà La đã niệm chú làm cho cây dâu nứt toác ra rồi gửi người con gái vào đó. Người con gái đó sau hóa đá được đưa lên thờ gọi là Đức Thạch Quang. Còn cây dâu sau được cưa thành bốn khúc tạo thành bốn pho tượng gọi là Tứ Pháp. Đó là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, tượng trưng cho mây, mưa, sấm, chớp thờ ở bốn chùa khác nhau. Và trong bốn pho tượng đó thì bà Pháp Vũ được coi là nhẹ nhất, trong ruột khúc gỗ tạc lên bà Pháp Vũ bị rỗng vì trong đó là nơi đã từng được gửi Đức Thạch Quang. Mà đã là nhẹ nhất thì khi rước, kiệu bao giờ cũng nhanh hơn.

Thứ hai: Theo như cảm nghĩ của người dân trong vùng thì năm nào mà bà Pháp Lôi "được nước" thì y như năm đó nắng hạn, đồng điền khô khan, lại thêm nhiều đỉa. Còn năm nào mà bà Pháp Vũ "được nước" thì y như năm đó mưa thuận gió hòa, làm ăn rất dễ. Và do đó, gần như là sự cố ý để cho bà Pháp Vũ về đích trước.

Rồi tiếp đó, 2 pho tượng ngồi ngự trong hai cái nhà rạp để khách thập phương cùng với dân bản địa suốt ngày đêm thắp hương cầu nguyện.

Đó là tất cả những gì mà lễ hội đã diễn ra. Thi "cướp nước" là tín ngưỡng của người Việt cổ ta xưa, là một nét văn hóa độc đáo của lễ hội Chùa Dâu nói riêng, của Việt Nam nói chung. Tiếc rằng cho đến ngày hôm nay, chùa Dâu không còn được rước như ngày xưa nữa, trò thi "cướp nước" lại càng không thể diễn ra. Giá như lễ hội Chùa Dâu lại tưng bừng như ngày xưa thì vui biết bao! 

Nguyễn Hữu
Chùa Dâu đất Luy Lâu

Vùng đất cổ tích Dâu - Luy Lâu cách Hà Nội chỉ hơn 20km về phía đông, mang trong lòng bao câu truyện cổ. "Dù ai đi đâu về đâu/ Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu"... Ai đã một lần đi về Thuận Thành, Bắc Ninh, hãy một lần về thăm chùa Dâu, ngôi chùa cổ kính xưa nhất Việt Nam này.

Theo ghi chép trong sách sử, bia đá, là ngôi chùa Phật giáo cổ nhất Việt Nam, được xây dựng từ thế kỉ thứ 2 dưới thời Sĩ Nhiếp làm thái thú. Chùa Dâu còn có tên là chùa Diên Ứng, thờ nữ thần Pháp Vân nên còn gọi là chùa Pháp Vân, và nằm trong vùng đất Cổ Châu nên cũng gọi là chùa Cổ Châu. Chùa gắn liền với truyện cổ tích Tứ pháp của người Việt xưa.

Chùa Dâu

Truyện rằng, thuở xưa nàng Man Nương ở vùng Dâu, vì thiền sư Khâu Đà La bước qua người mà mang thai, sinh ra đứa con đem trả nhà sư. Thiền sư bỏ đứa trẻ vào gốc cây dung thụ, lại đưa cho Man Nương cây thiền trượng có thể làm phép lấy nước cứu dân bị hạn hán. Ngày cây dung thụ bật gốc trôi về sông Dâu, thái thú Sĩ Nhiếp muốn vớt lên nhưng không sao làm được, chỉ có nàng Man Nương dùng dải yếm buộc vào nhẹ nhàng đem lên bờ.

Từ thân cây thần kì ấy, người dân tạc bốn pho tượng Nữ thần Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, tức là bốn chị em thần Mây, Mưa, Sấm, Chớp của tín ngưỡng nông nghiệp, và đặt thờ ở bốn ngôi chùa Dâu, Đậu, Tướng, Dàn. Giữa cây dung thụ còn một khối đá, gọi là Thạch Quang Phật, được thờ chung ở chùa Dâu. Bà mẹ Man Nương khi mất được thờ trong chùa Tổ cách đó không xa.

Từ câu truyện cổ đó, đã tạo nên một hệ thống chùa Tứ Pháp rất đặc biệt của riêng người Việt: chùa thờ Nữ thần nông nghiệp, thờ người Mẹ Việt, lấy tượng Nữ thần làm trung tâm chứ không phải là tượng Phật. Phật và Nữ thần hòa quyện, bà mẹ của các Nữ thần cũng được tôn là Phật Mẫu Man Nương.

Tượng cừu bằng đá bị mài mòn vết ở chùa Dâu

Kiến trúc chùa Dâu còn đến ngày nay được dựng dưới thời Trần, do trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi trùng tu. Bao quanh tòa điện chính chữ công là những dãy nhà ngang, nhà dọc vây kín theo kiểu nội công ngoại quốc. Chính giữa sân chùa trước bái đường, Mạc Đĩnh Chi đã cho dựng ngôi tháp Hòa Phong cao chín tầng, nay chỉ còn ba. Ngôi tháp vuông xây bằng gạch trần, dáng chắc khỏe nổi bật giữa khung cảnh xung quanh. Tháp tượng trưng cho ngọn núi vũ trụ, bốn góc tháp có bốn tượng Thiên vương trấn giữ, trên tháp treo một khánh đồng cổ.

Dưới chân tháp Hòa Phong có một bức tượng cổ hình một con cừu đá nằm quỳ hai chân trước, được tạc từ gần 2.000 năm trước. Truyện rằng xưa Sĩ Nhiếp có hai con cừu, khi ông chết đi, hai con cừu lang thang khắp ruộng đồng, một con tìm được về lăng Sĩ Nhiếp nằm phủ phục, một con lạc đến chùa Dâu không biết đường về nên ở luôn lại đó nghe kinh. Trên lưng cừu đá có một vết lõm của rất nhiều thế hệ đã mài dao kéo lên đây.

Tháp Hòa Phong dựng từ thời Trần

Trong chính điện chùa Dâu, pho tượng lớn nhất và đẹp nhất là bà Dâu - nữ thần mây Pháp Vân. Pho tượng màu gụ, được ngồi trên tòa sen như tượng Phật, nét mặt như một người mẹ hiền từ nhìn xuống, bàn tay phải đưa ra như vỗ về an ủi, tay trái đặt trong lòng. Bốn phía tòa sen có các vòng sắt để có thể di chuyển tượng trong ngày lễ hội. Tượng được phủ lớp áo vàng, ngày hội khi làm lễ tắm tượng mới thay áo.

Phía trước là nơi đặt Thạch Quang Phật, bàn thờ trước nữa là người em hai Pháp Vũ. Nguyên chùa Đậu bị phá thời Pháp, người dân đem tượng Pháp Vũ về thờ chung với chị tại chùa Dâu. Hai bên bà Dâu còn hai tượng nữ thần giữ chùa, để khi các Bà về thăm mẹ chùa có người coi sóc.

Tượng Nữ thần Pháp Vân tại chính điện

Trong chùa Dâu còn hai pho tượng rất đẹp là tượng Kim đồng và Ngọc nữ, với khuôn mặt sống động, đứng trong tư thế của một điệu múa cổ xưa, đặc biệt tượng Ngọc nữ vấn khăn, rẽ tóc mang đậm tâm hồn người Việt. Ngoài ra trong chùa chính còn rất nhiều các pho tượng cổ: tượng tổ sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi, tượng Mạc Đĩnh Chi, các pho Kim Cương, Hộ pháp. Tượng Phật, Bồ tát, Thánh tăng, Đức ông được bày phía sau cũng là những tác phẩm điêu khắc giá trị.

Tượng Ngọc nữ

Tượng Kim đồng

Chính hội chùa Dâu vào ngày 8 tháng 4 âm lịch, cũng là ngày Phật đản theo truyền thống cổ, nhưng lễ hội được tổ chức kéo dài từ mấy ngày trước đó. Vào ngày hội, kiệu của các Nữ thần Pháp Vũ từ chùa Đậu, tượng Pháp Lôi từ chùa Tướng, tượng Pháp Điện từ chùa Dàn tụ về chùa Dâu, rồi cùng kiệu Pháp Vân đi đến chùa Tổ thăm mẹ Man Nương.

Trong bốn chị em, Pháp Điện trẻ nhất lại ở xa nhất, vì vậy bao giờ cũng phải đi sớm hơn, nhưng bao giờ cũng đến chùa Dâu trước tiên. Còn khi đã gặp chị cả Pháp Vân ở chùa Dâu, thì phải theo thứ tự mà đi về thăm mẹ. Vì vậy xưa kia sân phía trước chùa rất rộng mới đủ chỗ cho các cỗ kiệu và nghi trượng, tam quan ở tận bến sông Dâu. Ngày nay một phần đất chùa cũng đã bị lấn chiếm, và tam quan chùa cũng lùi vào nhiều lắm.

Các vị Kim cương và Hộ pháp chùa Dâu

Dân gian vùng Dâu đã có câu ca dao nhắc về chùa và hội chùa:

Dù ai đi đâu về đâu
Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về,
Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu.

Ai đã một lần đi về Thuận Thành, Bắc Ninh, hãy một lần về thăm chùa Dâu, ngôi chùa xưa nhất Việt Nam. Và nếu vẫn chưa thỏa tâm nguyện, hãy tìm đến với chùa Tướng, chùa Dàn cách đó không xa. Và đặc biệt là ngôi chùa Tổ thờ người Mẹ Việt - Man Nương đã được tôn lên là Phật Mẫu. Nếu may mắn, các bạn sẽ được nghe các cụ già trong chùa ngồi kể lại câu truyện Phật Mẫu Man Nương qua bản thơ lục bát cổ xưa “Cổ Châu Phật bản hạnh”:

…Bốn chùa Sĩ Vương dựng làm
Trung trùng điện các tượng vàng tốt thay
Người ta hội họp rồng mây
Đôi bên phố xá xem tày cảnh tiên
Khai quang khánh tán mãn viên
Đặt làm lệ hội Tràng Yên thuở này…


Bài và ảnh: CHITTO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét