25 tháng 9, 2021

Chùa Angkoreaja Purêy (Khmer)

Tên thường gọi: Chùa Âng

Chùa thường được gọi là chùa Âng, tọa lạc ở ấp Ba Se, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành, nay là phường 8, thị xã Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. ĐT: 074.842062. Chùa thuộc hệ phái Nam tông (Khmer).

Toàn cảnh chùa

Kiến trúc mặt bên chùa

Ao Bà Om (thắng cảnh du lịch ở chùa Âng)

Chùa có diện tích khoảng 4 hecta, nằm cách trung tâm thị xã Trà Vinh 7km, ẩn mình trong rừng cây cổ thụ của ao Bà Om, một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Trà Vinh. Ao hình chữ nhật, chiều dài 500m, chiều rộng 300m, mặt nước trong và phẳng lặng, nhiều cây với phần rễ trồi lên mặt đất tạo thành những hình dạng kỳ thú. Trước chùa là Nhà Bảo tàng Văn hóa Dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh.

Chùa được lập từ lâu đời, gắn với sinh hoạt, tín ngưỡng của người dân Khmer trong vùng.

Điện Phật được bài trí trang nghiêm, tôn trí nhiều pho tượng đức Phật Thích Ca. Ở đây có những bức bích họa trên vách và trên trần nhà tuyệt đẹp do các nghệ nhân Khmer vẽ các Phật tích theo phương pháp cổ truyền. 

Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.

Điện Phật

Bàn thờ Phật

Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer (trước mặt chùa)

Tượng trang trí chim thần

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường
Cổ kính chùa Âng

Trong hệ thống 141 ngôi chùa Khmer trên đất Trà Vinh, chùa Âng (tiếng Khmer là Angkorajaborey), được xem là ngôi chùa cổ kính nhất, độc đáo nhất và có lẽ đẹp nhất, với những giá trị nghệ thuật, văn hóa, điêu khắc và tôn giáo còn lại ở đây. Vì thế, đến với đất Trà Vinh thì không thể không đến với chùa Âng một lần.

Nằm cách trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 7km, chỉ một cuốc xe ôm hoặc một chuyến taxi ngắn là tới chùa Âng, nằm trong khuôn viên rộng khoảng 4ha với không gian êm đềm, cổ kính và thơ mộng. 


Theo truyền thuyết, chùa Âng được xây dựng lần đầu tiên vào khoảng năm 990, cuối thế kỷ 10, nhưng thông tin này đến nay vẫn chưa xác định rõ thực hư. Nhưng nếu tính từ đời vị trụ trì đầu tiên, cũng như theo nhiều sách sử còn lưu lại, chùa Âng có khả năng được xây dựng bằng tre lá từ năm 1695, đến năm 1842 thì được dựng lại bằng gỗ quý. Sau đó còn được xây dựng, sữa chữa, trùng tu vài lần cho đến ngày nay. 


Chùa Âng được xây dựng hoàn toàn theo phong cách chùa Khmer Nam bộ, xung quanh có hào nước sâu bao bọc. Cổng chùa là ba ngọn tháp cao có đắp biểu tượng con chằn. Phía trước chính điện là 6 cây cột cao, chạm khắc nhiều hình tiên nữ, chim thần vô cùng sống động. Mái chùa khá đặc biệt, lợp ngói, chia thành 3 tầng, được chống đỡ bằng 12 cột gỗ quý. Mái trên cùng rất dốc và cao hơn hai mái còn lại, các chóp mái cong vút và vươn cao, tạo nên sự hài hòa vô tận giữa con người, tôn giáo và thiên nhiên bao la. Các gò mái có thần rắn Naga đuôi cong vút, tượng trưng cho sự dũng mãnh vĩnh cửu. Xung quanh còn có những cột trụ, hàng rào với đầu thần Bayon bốn mặt. 


Cửa chính của chùa mở về hướng Đông, thêm cửa hậu mở về hướng Tây, dẫn vào chính điện trên một nền đất đắp cao khoảng 2m. Giữa trang chính điện là bệ thờ theo phái Phật giáo Nam Tông, chỉ thờ Phật Thích Ca với tượng Phật chính cao 2,1m, nét mặt hiền từ. Xung quanh còn có khoảng 50 tượng Phật lớn nhỏ tạc bằng đá hoặc gỗ, bức tượng nào cũng có thần thái hết sức sinh động, là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao. Các bức tường quanh chính điện là những bức tranh vẽ, kể về cuộc đời Đức Phật Thích ca. Đặc biệt, trên trần của chính điện là bốn bức bích họa lớn, mô tả bốn giai đoạn trong cuộc đời Đức Phật: Đản sanh, xuất gia, đắc đạo và nhập niết bàn. 




Có thể nói, chùa Âng không chỉ là một ngôi chùa, còn là một trung tâm văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, giáo dục quan trọng, là nơi bảo tồn, gìn giữ, và phổ biến những kinh điển, giáo lý, sách báo, các tác phẩm văn học nghệ thuật quan trọng của người dân trong vùng cũng như của khách thập phương. Những bức tượng, bích họa, điêu khắc trang trí trong chùa chính là những công trình kiến trúc - mỹ thuật và nghệ thuật độc đáo, tiêu biểu.

Ngoài ra, chùa Âng còn là một trung tâm văn hóa - giáo dục quan trọng, là nơi dạy chữ Khmer cho trẻ em và sư sãi trong vùng, là ngôi trường mà các thanh niên Khmer đến tu học.

Đến thăm chùa Âng, chiêm ngưỡng những giá trị kiến trúc, nghệ thuật độc đáo, lắng nghe tiếng kinh kệ thanh bình, vui với tiếng ê a đọc chữ của trẻ em, thư thái tản bộ quanh chùa để cảm nhận thiên nhiên và cuộc sống đang hòa quyện vào nhau...là những cảm xúc khó quên.

Bài và ảnh: HUỲNH THU DUNG

Chùa Âng – Di tích nghìn năm tuổi ở Trà Vinh

Chùa Ang Kon Raig Borei còn gọi là chùa Âng, tọa lạc khóm 4, phường 8, Tp.Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Ngôi chùa được xây dựng vào cuối thế kỷ X (năm 1534 Phật lịch, tức năm 990 Dương lịch). Chính điện được xây dựng vào năm 2386 Phật lịch, tức năm 1842 Dương lịch với những giá trị kiến trúc độc đáo còn lưu giữ đến hôm nay. Cổng chùa ở hướng đông được xây dựng với ba ngọn tháp ở trên, trang trí các hình tượng truyền thống của người Khmer như Yăk (chằn), Key No (tiên nữ), Krud (chim thần)… Bên trong hàng rào bao quanh chùa Âng là hào nước.


Chính điện hình chữ nhật dài 36 m, rộng 24 m được xây dựng ở trung tâm chùa trên nền cao và hành lang rộng bốn phía. Nền chùa cao 2 m gồm hai bậc, mỗi bậc được bao quanh bởi hàng rào. Ở hai hướng đông và tây có cổng ra vào.


Khung sườn của chính điện gồm 12 cột chính bằng gỗ quý, trên những cột được trang trí hình tượng Phu chông (rồng). Mái được lợp bằng ngói, cấu tạo gồm ba cấp mái, hai cấp mái trên cùng thì dốc và cao hơn cấp mái dưới. Hai đầu mái (đầu hồi) đóng kín bằng một tấm gỗ hình tam giác (Hộ cheang) chạm khắc hình tượng Chư thiên đội mâm đựng tam tạng kinh và hoa hướng dương. Trên các diềm mái là hình Phu chông (rồng) nằm xoãi dài theo bờ dải.


Nội thất chính điện là nơi thờ Phật. Bàn thờ Phật có chiều dài 7,7 m, rộng 3,6 m, cao 1,6 m gồm 04 bậc. Tượng Phật chính cao 2,1 m an tọa trên một tòa sen làm vào năm 1882 Dương lịch. Xung quanh tượng Phật chính còn có 50 tượng Phật lớn nhỏ trong đó có 43 tượng bằng đá, 11 bằng gỗ, phần lớn là tượng Phật thiền định và một ít tượng Phật cứu độ chúng sinh, Phật đắc đạo. Phía trước bàn thờ Phật là bao lam bằng gỗ sơn son thếp vàng, được chạm khắc rất sắc sảo hình hoa lá, muông thú. Trên bốn vách tường chính điện trang trí rất nhiều bức bích họa xoay quanh về cuộc đời của đức Phật. Trên trần được trang trí 04 bức tranh lớn gồm: Phật Thích Ca đản sinh, xuất gia, đắc đạo và nhập niết bàn do nghệ nhân Thạch Chan vẽ năm 1940.

Đặc biệt, phía trước chính điện chùa có một tháp 05 ngọn, bốn góc chân tháp có 04 Rech cha sey (vua sư tử) canh gác. Theo quan niệm Ấn Độ giáo, các vị thần trên đỉnh núi So Me Ru, tức núi vũ trụ có 05 ngọn, xung quanh là đại dương và thành quách bao bọc, cho nên tháp này tượng trưng cho đỉnh núi So Me Ru, những vòng rào hồi lang quanh chân tháp và hào nước phía trước tượng trưng cho lục địa và đại dương bao bọc núi vũ trụ.


Xung quanh chính điện còn có rất nhiều tháp, thân tháp có nhiều tầng nhỏ dần từ dưới lên trên. Trên đỉnh tháp là đầu thần 4 mặt Ma ha prum, tiền thân là Brah ma, vị thần sáng tạo ra thế gian. Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn nhiều công trình kiến trúc khác như sa la, tăng xá, tháp cốt,… Riêng ngôi sa la của chùa Âng là ngôi nhà sàn bằng gỗ còn gìn giữ đến nay.


Chùa Âng không chỉ là nơi tu hành của các vị sư, là nơi thanh niên Khmer đến tu học, mà còn là một trung tâm văn hóa. Hàng năm, lễ hội Ok Om Bok diễn ra vào ngày Rằm tháng 10 Âm lịch là lễ hội lớn nhất của chùa.

Ngày 12/7/1994, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ban hành Quyết định số 123/QĐBVHTT xếp hạng chùa Ang Kor Raig Borei là di tích quốc gia thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật.

Khánh Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét