26 tháng 9, 2021

Chùa Bửu Sơn

Tên thường gọi: Chùa Đất Sét

Chùa thường được gọi là chùa Đất Sét, tọa lạc tại số 163 đường Lương Định Của, phường 5, thị xã Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. ĐT: 079.828723.

Chùa thuộc đạo Bửu Sơn Kỳ Hương.

Điện Phật

Tài liệu của chùa cho biết, chùa do ông Ngô Kim Tây cất lên để tu tại gia. Năm 1906, chùa được trùng tu lần đầu. Đến năm 1926, con thứ 5 của ông Ngô Kim Tây là Ngô Kim Tòng, bấy giờ 20 tuổi, đã bắt tay vào việc thay đổi tất cả tượng thờ trong chùa bằng đất sét. Công việc kéo dài liên tục 42 năm, cho đến lúc ông qua đời ngày 18 – 7 – 1970.

Chánh điện thờ rất nhiều vị Phật, Bồ tát như: đức Phật A Di Đà, đức Phật Thích Ca, Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Đại Thế Chí... 

Chùa không có quy mô kiến trúc to lớn, nhưng hấp dẫn khách du lịch trong nước và nước ngoài do chùa có hàng trăm tượng thờ bằng đất sét và 8 cây đèn cầy khổng lồ, gồm 6 cây lớn, mỗi cây nặng khoảng 200kg, và 2 cây nhỏ, mỗi cây nặng khoảng 100kg.

Điện thờ

Tượng sư tử bằng đất nung

Cây nến

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường
Chùa Đất Sét, ngày trở lại

Tôi đến chùa Đất Sét ở Sóc Trăng lần đầu vào năm 2001. Đây là ngôi am tự nhỏ mà tất cả các tượng Phật đều được làm bằng đất sét (884 tượng độc lập và khoảng 1200 tượng nhỏ trong các nhóm tượng), có đôi đèn cầy được thắp sáng liên tục suốt mấy chục năm... Toàn bộ công trình này được thực hiện bởi bàn tay của một con người trong suốt 42 năm: cư sĩ Ngô Kim Tòng, (xem bài viết Chỉ là đất sét)

Rất ấn tượng với công trình nghệ thuật - tín ngưỡng này, tôi liên tục trở lại đây nhiều lần vào các năm 2002, 2003 để giới thiệu cho những người thân quen. Hồi ấy tiếp chúng tôi là một ông cụ già, tự giới thiệu là em ruột ông Ngô Kim Tòng. Lần nào cũng vậy, ông đều kể tỉ mỉ cùng chúng tôi lai lịch của những bức tượng, cách thức người anh của mình là Ngô Kim Tòng đã tạo nên những cặp đèn cầy như thế nào. Chỉ nhỏ hơn ông Ngô Kim Tòng độ 10 tuổi, nên những kỷ niệm cùng người anh thân yêu vẫn đậm nét trong ông, ông kể lại với tấm lòng trân quý người anh của mình cùng di sản của anh ấy. Tôi nhớ, ông như muốn khóc khi chỉ những vết hằn trên bức tượng voi trắng: Khách vô đây họ hổng có ý thức. Tui nói tượng làm bằng đất sét mà họ hổng tin. Họ bấm, họ bẻ coi có phải đất sét thiệt hông. Họ làm tượng của ông anh tui bị hư hại.

Ông Ngô Kim Giảng, em ruột ông Ngô Kim Tòng, người trông coi chùa Đất Sét với nhiều tâm huyết. Ảnh chụp năm 2001.

Bẵng đi hơn 10 năm, tháng 2/2015 tôi mới có dịp về thăm lại chùa Đất Sét. Cảnh vật vẫn như xưa, những bức tượng vẫn như xưa. Mà di tích này 
phải như xưa thôi, không thể nâng cấp hay trùng tu được, nếu không nó sẽ chẳng còn là chính nó.

Thế nhưng vẫn có những điều thay đổi...

Cặp đèn cầy trong ảnh trên được thắp từ năm 1970 (năm ông Ngô Kim Tòng qua đời), đến thời điểm chụp ảnh đã cháy liên tục hơn ba mươi năm. Khi tôi trở lại thăm thì cặp đèn cầy đã cháy được 45 năm và vẫn đang tiếp tục cháy, chỉ có điều đã tới gần sát chân đèn.

3 cây nhang năm 2001

... và năm 2015 (người già thêm 14 tuổi, còn nhang chưa thắp nên vẫn còn nguyên!)

Đa số các tượng được bao phủ trong lồng kiếng, có đèn chiếu sáng và có bảng thuyết minh (trước đây không có bảng thuyết minh, nếu có thì viết khá nguệch ngoạc bằng nét chữ của người thôn quê)

Năm 2015

Trước đây thuyết minh được viết ngắn gọn trên bìa cứng và treo toòng teng như thế này. Ảnh năm 2002.

Người xưa đâu?

Không còn thấy ông cụ Ngô Kim Giảng ra tiếp chúng tôi nữa, chúng tôi tự mình đi lang thang trong chùa. 

Và rồi tôi đã tìm thấy ông tại đây:


Ông cụ đã qua đời 5 năm rồi! Bây giờ ngôi chùa Đất Sét do con cháu của các ông (Ngô Kim Tòng, Ngô Kim Giảng...) trông coi. Có lẽ sự cách xa đến 1 - 2 thế hệ khiến sự gắn bó của các vị này với ngôi chùa không được như cha chú ngày xưa.

Ngoài ra có một điểm khác nữa. Có thêm một bàn thờ trang trọng, thờ một vị không phải là Phật. Bàn thờ đó đây:


Xin được nhắc lại, chùa Đất Sét tên chính thức là Bửu Sơn tự, khởi thủy là một am nhỏ do gia đình lập ra để tu tại gia từ cách đây hơn 200 năm. Cho đến giờ đây vẫn là ngôi chùa gia đình để thờ Phật, không có sư trụ trì. Ngôi chùa lập ra không phải do chỉ đạo của ai, cũng không nhằm mục đích làm điểm du lịch. Khách thập phương đến viếng nơi đây vì muốn chiêm ngưỡng một công trình tâm huyết, bàn tay tài hoa của một con người.

Tôi đọc được một thông tin rằng chùa Đất Sét được UBND tỉnh Sóc Trăng ký quyết định xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa ngày 10/12/2010. Có lẽ vì thế nên có bàn thờ nói trên chăng? Có cần như thế chăng?

Vào chùa không phải là vào khu du lịch, nên đương nhiên không bán vé, thu phí (đâu phải do Nhà nước làm ra, cũng không phải do nhà đầu tư nào bỏ tiền xây dựng). Khi chúng tôi rời chùa để lên xe ra về (xe đậu bên kia đường, dưới bóng cây) thì lái xe nhăn nhó đưa xem phiếu thu: Mình đậu xe ở đây mà nó thu phí 15.000 đ. Phiếu thu ghi đơn vị thu là UBND Phường!

Thôi, nhiêu đây đủ rồi. Không kể nữa!

Phạm Hoài Nhân
2/2015
Chỉ là đất sét...

Xưa kia có một gia đình lưu dân đến khẩn hoang lập nghiệp ở Sóc Trăng. Người chủ gia đình là ông Ngô Kim Tây lập một am nhỏ để tu tại gia. Đời này sang đời khác đều có người trong họ chăm lo nhang khói, tu hành. Đó chỉ là một am nhỏ, không có sư trụ trì.

Đầu thế kỷ trước, ông Ngô Kim Tòng là người trụ trì đời thứ tư của ngôi chùa gia đình này. Ông sinh năm 1909, vào giai đoạn gia đình cực kỳ khó khăn. Năm ông 18 tuổi, cha ông là Ngô Kim Đính làm phu lục lộ vì tuổi già sức yếu phải thôi việc. Từ 18 đến 20 tuổi ông Ngô Kim Tòng phải lao động vất vả để lo sinh kế cho gia đình và đổ bệnh nặng. Suốt thời gian nằm bệnh khi tỉnh khi mê ông mơ những giấc mơ về một ngôi chùa thờ Phật và rồi khi tỉnh dậy ông bắt tay nặn tượng Phật để thờ.

Đi ra mảnh ruộng phía Tây, cách chùa 1km, ông đào đất sét gánh về. Đất sét phơi khô, bỏ vào cối giã gạo giả nhuyễn, rây bỏ rễ cỏ, rễ lúa, tạp chất, rồi trôn chung với bột nhang, ô dước làm vật liệu đắp tượng. Không học mỹ thuật, không có bản vẽ thiết kế, chỉ với đôi tay và tấm lòng ông đã dày công đắp tượng suốt 42 năm!


Bảo tòa, đầu mỗi búp sen là một tượng Phật

Ông đã tuần tự hoàn thành các tượng Phật A Di Đà, Thích Ca Mâu Ni, Quan Thế Âm Bồ Tát, cùng các tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế, Khổng Phu Tử... Bảo Tòa được ông hoàn thành với 1.000 cánh sen, mỗi cánh sen là một tượng thần. Dưới đài sen có 8 cung Bát Quái, mỗi cung có hai tiên nữ đứng hầu; dưới đài sen và Bát Quái có Tứ Đại Thiên Vương trấn giữ.

Cư sĩ Ngô Kim Tòng còn lập tháp Đa Bảo cao 3,5m. Tháp có 13 tầng, 208 cửa với 208 vị thần trấn giữ. Dưới chân tháp có 126 con rồng nâng đỡ. Ngoài ra còn có những tác phẩm bằng đất sét khác của cư sĩ Ngô Kim Tòng, như: Lục Long Đăng có 3 chóp đỉnh lớn, 7 lư hương nhỏ: các cặp Kim Lân, Thanh Sư, Bạch Tượng, Bạch Hổ, Long Mã... 


Kỳ vĩ hơn nữa là tác phẩm Nhang Đăng Hiếu Lễ. Đó là 4 cặp đèn cầy (8 cây), trong đó có 3 cặp lớn, mỗi cây chứa 200kg sáp. Các cây đèn cầy nầy đều cao 2,6m. Bình quân mỗi cây đèn cầy cháy suốt ngày đêm phải mất đến 70-80 năm.

Bên trái là cây đèn cầy cháy liên tục suốt 70 năm

Ba cây nhang, mỗi cây chứa 50 kg trầm

Hiện nay trong ngôi chùa này có khoảng 884 pho tượng độc lập và những nhóm tượng trong biểu tượng với trên 1.200 tượng nhỏ. Tất cả làm bằng đất sét.

Ngọn Lục Long Đăng là tác phẩm cuối cùng của cư sĩ Ngô Kim Tòng, hoàn tất ngày 10/07/1970, cũng là lúc ông lâm trọng bệnh. Ông quy tiên ngày 18/07/1970.

Mộ ông Ngô Kim Tòng ở sau chùa

Ảnh này chụp cách đây 10 năm, người áo trắng là em ruột ông Ngô Kim Tòng, trông nom chùa trong thời gian đó. Nay không biết ông còn không hay đã quá vãng rồi?

Suốt 42 năm ngày đêm miệt mài đắp tượng với tấm lòng thành và đôi tay tài hoa, cư sĩ Ngô Kim Tòng âm thầm để lại cho đời tâm nguyện của mình. Không phô trương, không đăng ký kỷ lục này nọ, cũng chẳng mấy người biết đến viếng chùa để chiêm ngưỡng công trình có một không hai này. Bởi vì đây chỉ là ngôi chùa nhỏ của dòng họ thôi mà.

Rồi mãi hai mươi năm sau nữa cũng chẳng ai biết đến ngôi chùa này. Đến năm 1991, một số nhà báo ở Sóc Trăng tình cờ phát hiện và sửng sốt. Ngôi chùa được giới thiệu trên báo. Người ta biết đến và viếng thăm chùa với niềm kính phục vô biên. Rồi cả nước biết, ngôi chùa thành điểm đến của khách thập phương.

Tòa Tam gíao cộng đồng với các tượng Phật A Di Đà, Thích Ca Mâu Ni, Quan Thế Âm Bồ Tát, cùng các tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế, Khổng Phu Tử...

Ngôi chùa này có tên chính thức là chùa Bửu Sơn, tọa lạc tại 286 Tôn Đức Thắng, khóm 1, phường 5, TP Sóc Trăng, nhưng người dân vẫn quen gọi là chùa Đất Sét. 

Bạn muốn chiêm ngưỡng những pho tượng Phật đồ sộ đạt kỷ lục này nọ? Bạn muốn ngắm những ngôi chánh điện hoành tráng uy nghi? Không, không, ở đây không có gì như thế cả! Chỉ là đất sét thôi mà, đất sét trong một am nhỏ nghi ngút khói hương...

Thế nhưng giờ đây dù có bỏ tiền muôn bạc vạn cũng không thể xây nên một ngôi chùa như thế. Một người trình độ văn hóa chỉ mới tới lớp 3 trường làng, nghèo khó, không được đào tạo về mỹ thuật, không được học qua ông thầy điêu khắc nào... chỉ với đôi bàn tay tài hoa và tấm lòng thành đã dành hẳn 42 năm cuộc đời, để lại cho hậu thế một kỳ công.

Vâng, chỉ là đất sét thôi bạn à. Bạn có muốn viếng thăm không?

Phạm Hoài Nhân
Chùa Đất Sét

Thành phố Sóc Trăng có hai ngôi chùa Khmer nổi tiếng là chùa Dơi và chùa Chén Kiểu. Nhưng du khách đến địa phương nầy ai cũng háo hức tìm đến một ngôi chùa Việt cũng nổi tiếng không kém: đó là chùa Đất Sét, di tích lịch sử văn hóa của tỉnh Sóc Trăng.

Tam quan chùa Đất Sét. 

Chùa Đất Sét, tên chữ là Bửu Sơn Tự, tọa lạc tại số 286 đường Tôn Đức Thắng, khóm 1, phường 5, thành phố Sóc Trăng. Người dân địa phương gọi tên chùa Đất Sét không phải vì nó được xây dựng hoàn toàn bằng đất sét, mà chính vì vật kiến trúc, thờ tự trong chùa được hoàn thành bằng loại vật liệu rẻ tiền, đơn giản là đất sét. Đó mới là điều tài tình và kỳ công của nghệ nhân làm ra nó.

Ngôi chùa này được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, do dòng họ Ngô tự lập để tu hành tại gia. Ban đầu, chùa chỉ là một am nhỏ bằng cây lá dựng tạm, đơn sơ trên một diện tích đất nhỏ hẹp. Mãi đến đời thứ tư là cư sĩ Ngô Kim Tòng (1909-1970), chùa mới được tôn tạo, mở rộng như ngày nay. Cư sĩ Ngô Kim Tòng vốn có năng khiếu thẩm mỹ, lại có đầu óc sáng tạo, nên đã nghĩ ra cách làm hình tượng và vật thờ cúng trong chùa bằng vật liệu đất sét. Công việc nầy không phải ông hoàn thành trong một thời gian ngắn, mà là một kỳ công suốt 41 năm cuộc đời ông.

Bàn thờ cư sĩ – nghệ nhân Ngô Kim Tòng, pháp danh Huệ Viên Thành. 

Để hoàn thành tác phẩm, ông ra sức khuân đất sét từ cánh đồng của gia tộc ông, cách xa chùa hàng mấy cây số. Không phải đất sét nào cũng được ông sử dụng, mà ông cẩn trọng chọn lấy những miếng đất sét tốt, đem về phơi khô, cho vào cối giã nhuyễn, loại bỏ hết tạp chất, rồi trộn nó chung với ô dước, mạt cưa, sau đó quết nhuyễn. Khi vật liệu có độ dẻo, bền như ý, ông mới bắt tay vào việc hoàn thành tác phẩm theo trí tưởng tượng phong phú của mình.

Dưới bàn tay tài hoa và tâm thành, ông đã tuần tự hoàn thành các tượng Phật A Di Đà, Thích Ca Mâu Ni, Quan Thế Âm Bồ Tát, cùng các tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế, Khổng Phu Tử... Đáng chú ý là Bảo Tòa Thỉnh Phật Trụ Thế Chuyển Pháp Luân được ông hoàn thành với 1.000 cánh sen, mỗi cánh sen có một vị thần ngự. Bên dưới đài sen lại có Bát Quái Thiên Tiên gồm 8 cung: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài, mỗi cung có hai tiên nữ đứng hầu; dưới đài sen và Bát Quái có Tứ Đại Thiên Vương trấn giữ. Đây quả là một một công trình nghệ thuật dân gian hiếm có, làm nên vẻ đẹp tâm linh của Bửu Sơn Tự.

Nhưng đâu chỉ có vậy. Cư sĩ Ngô Kim Tòng còn để lại cho chùa tháp Đa Bảo cao 3,5m. Tháp nầy có 13 tầng, với 208 cửa với 208 vị thần trấn giữ. Dưới chân tháp có 126 con rồng nâng đỡ tháp. Trong không gian không lấy gì to rộng của Bửu Sơn Tự còn có những tác phẩm bằng đất sét khác của cư sĩ Ngô Kim Tòng, tác phẩm nào cũng đáng cho ta trân trọng: Lục Long Đăng có 3 chóp đỉnh lớn, 7 lư hương nhỏ: các cặp Kim Lân, Thanh Sư, Bạch Tượng, Bạch Hổ, Long Mã... Tất cả đều óng ánh màu kim nhũ che phủ bên ngoài lớp đất sét bên trong.

Bạch tượng. 

Đáng nể hơn nữa là ông Ngô Kim Tòng đã hoàn thành tác phẩm Nhang Đăng Hiếu Lễ. Những nhang đăng nầy vượt hơn kích thước những nhang đăng bình thường trong dân gian. Đó là 4 cặp đèn cầy (8 cây), trong đó có 3 cặp lớn, mỗi cây chứa 200kg sáp. Tất cả các cây đèn cầy nầy đều cao 2,6m. Bình quân mỗi cây đèn cầy cháy suốt ngày đêm phải mất đến 70-80 năm. Hồi bắt tay làm đèn cầy, mỗi khi muốn đổ sáp nóng chảy ông phải uốn tôn thành khuôn, rồi leo thang đổ sáp. Bên cạnh đó là 3 cây nhang đại, mỗi cây chứa 50kg trầm. Trên mỗi thân nhang đều khắc ghi dòng chữ Nho: “Phật pháp diệu hương”, “Phật mãn thiên hương”, “Tam giáo linh hương”.

Với sự sáng tạo đầy kỳ công và tài hoa, cư sĩ Ngô Kim Tòng còn để lại cho hậu thế khoảng 884 pho tượng độc lập và những nhóm tượng trong biểu tượng với trên 1.200 tượng nhỏ. Từ con đường chính vào chùa, ta thấy tượng voi trắng đưa chiếc vòi cong vút như chào khách thập phương. Con voi trắng nầy tạc theo Phật tích. Cửa hông là con Lân Mã với chiếc đầu rồng một sừng ngẩng cao với mình ngựa lực lưỡng, thân, bờm và đuôi ngựa là vẩy rồng và đuôi rồng. Cả hai tượng Bạch Tượng và Lân Mã đều cao khoảng 2 mét.

Ngoài ra còn có những bức hoành phi treo khắp nơi trong chánh điện, cũng đều do ông Ngô Kim Tòng tỉ mẩn tạo nên. Chùa Đất Sét tuy nhỏ bé nhưng được chống đỡ bằng 24 cây cột. Thân cột được bao bọc toàn bộ bằng đất sét. Không thể không trang trí cho cột thêm phần linh hoạt, sinh động, ông Ngô Kim Tòng đã khắc chạm nhiều hoa văn cùng hình tượng rồng uốn lượn từ dưới chân cột lên tới đỉnh cột.

Từ ngày ông Ngô Kim Tòng quá vãng, các em ông rồi các cháu ông tiếp nối nhau lo việc hương khói và tiếp khách khách hành hương viếng chùa. Với những kỳ tích khó ai có lòng kiên trì tạo dựng như vậy, nên chùa Đất Sét là một kỳ quan của thành phố Sóc Trăng, nơi bảo tồn các bộ tượng bằng đất sét được sáng tạo theo Phật tích, đậm phong cách dân gian Nam bộ. Ngày nào chùa Đất Sét cũng thu hút bước chân khách muôn phương đến viếng.

Cát Lộc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét