24 tháng 9, 2021

Chùa Linh Thứu

Tên thường gọi: Chùa Sắc Tứ

Chùa thường được gọi là chùa Sắc tứ, tọa lạc gần chợ Xoài Hột, ấp Chợ, xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. ĐT: 073.893080. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Tam quan chùa

Cổng chùa

Mặt tiền chùa (năm 1990)

Mặt tiền chùa Linh Thứu (năm 1998)

Mặt tiền chùa (năm 2002)

Mặt tiền chùa

Chùa được dựng vào khoảng thế kỷ XVIII. Năm 1811, Vua Gia Long đổi tên chùa là Long Tuyền. Đến năm 1841, Vua Thiệu Trị đổi tên Linh Thứu. Chùa được trùng tu nhiều lần dưới thời Thiền sư Nguyệt Hiện (giữa thế kỷ XVIII), Hòa thượng Chánh Hậu (cuối thế kỷ XIX) và các Ni trưởng Như Nghĩa, Thông Huệ và Như Chơn (từ năm 1945 đến nay). 

Điện Phật được bài trí trang nghiêm. Chùa còn bảo tồn nhiều pho tượng cổ, đại hồng chung (năm 1745), các bao lam chạm trổ công phu và nhiều câu đối có ý nghĩa Phật pháp.




Điện Phật

Bàn thờ Quan Âm và Hộ Pháp

Bàn thờ Tổ

Bàn thờ Tiêu Diện

Tượng đức Phật nhập niết bàn

Tượng đức Phật Thích Ca lộ thiên

Tượng đức Phật A Di Đà

Đại hồng chung

Tụng kinh

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường
______________

H. Châu Thành: Lịch Sử chùa Sắc Tứ Linh Thứu

LƯỢC SỬ CHÙA SẮC TỨ LINH THỨU
(Xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang)

Chùa Sắc Tứ Linh Thứu nguyên thuở trước là Long Tuyền Tự. Tương truyền lời của các bậc kỳ lão, thì chùa được khởi thủy từ đời nhà Lê vua Cảnh Hưng (vì lâu quá không rõ niên hiệu). Thuở ấy, nền chùa là một khu đất hoang vu tịch mịch, cách xa làng xóm. Bọn Mục đồng theo lệ thường, mỗi ngày thả trâu đi ăn, cùng nhau hội hợp tại đây để chơi giỡn. Chúng đốn cây, kéo lá, cất một cái chòi, nắn tượng Phật mà thờ phụng. Từ đó mỗi sớm sớm chiều chiều, thường dùng cảnh chùa giả ấy làm nơi nghỉ mát vui chơi hằng ngày. Ngày tháng trôi qua, bóng quang thấp thoáng, thời tiết đổi thay, chắc cũng có nhân duyên, nên các bậc tiền đức mới lần lần nối nhau xây dựng thành tòa Lan nhã. Lúc ấy có thầy địa lý, nhân dịp tá túc tại chùa, xem khu đất xong khen rằng: “Chùa này phong thủy rất đẹp, lại ở nhằm mạch suối rồng, ngày sau sẽ có chơn mạng Đế Vương đến ngự”. Nhân đó mới đặt là “Long Tuyền Tự” (龍 泉 寺) tức là chùa suối rồng. Từ đó về sau trăng khuya bóng xế, êm đềm soi cảnh tịnh am tranh, mõ sớm chuông chiều, chim gió hòa cùng hơi pháp ngữ.


Quả đúng như lời của nhà địa lý tiên đoán. Vào thời “Nam Bắc phân tranh”, Nguyễn Ánh (tức là đức Cao Hoàng triều Nguyễn) lúc ấy thế còn cô yếu, mà quân Tây sơn lại mạnh mẽ, nên Ngài bị thua, ra Bắc vào Nam, khi hiện lúc ẩn, rất là long đong khổ sở.

Một ngày nọ, đức Cao Hoàng bị thất trận to, quân Tây Sơn đuổi theo, ngài cùng ông Nguyễn Huỳnh Đức vượt suối trèo non, ngẫu nhiên đến chùa Long Tuyền, bèn vào tỵ nạn. Lúc ấy, Hòa Thượng trụ trì chùa là Ngài Nguyễn Phước Chánh, đạo hiệu Nguyệt Hiện Thiền sư. Khi Cao Hoàng đến chùa, cách trang phục như kẻ thường dân, nói là khách phương xa đến xin nghỉ nhờ, Ngài chẳng cho biết rõ tung tích. Hòa thượng Nguyệt Hiện là người thông minh, xem dung mạo cử chỉ và xét tình thế hiện tại cũng đã thầm nghi, nhưng chẳng nói ra, chỉ tiếp đãi tử tế mà thôi. Lúc ấy Cao Hoàng vì lo nổi nhà thế nước, thân thể lặn lội gió sương, nên cảm phải chứng thương hàn, ăn ngủ không an, tinh thần hoảng hốt, bệnh tình chỉ tăng chứ không giảm. Trong tình cảnh ấy, ông Nguyễn Huỳnh Đức lấy làm bối rối, vì chùa cách xa làng xóm, không biết đâu tìm thuốc, tìm thầy, thêm đức vua đương lúc ẩn tích, nên chưa quyết định ra sao. May thay, Hòa Thượng trụ trì là người giỏi về dược thảo, thấy vậy động dạ từ bi, nguyện xin điều trị. Nhân khi điều trị Thiền Sư thấy rõ nỗi tâm ưu của vua, lại sẵn có lòng nghi, nên cạn lời thưa hỏi. Đức Cao Hoàng thấy Hòa Thượng là người có vẻ từ bi, đạo hạnh, tính cách trung hậu nên Ngài nhận thật. Từ đó, Hòa Thượng gia tâm lo bề thuốc thang cơm cháu. Vài hôm sau, vua vừa khỏe thì quân Tây Sơn đuổi đến ruồng bắt. Lạ thay cửa chùa lúc ấy thoạt nhiên nhện giăng bích phủ cả lối vào, cảnh trông hoang vắng, như đã lâu không người đặt chân đến. Khi quân Tây Sơn rầm rộ đến nơi, thấy đường xá cỏ tranh rậm rạp, mạn nhện phủ che, do dự hồi lâu, rồi có lẽ nghĩ chắc không ai, nên kéo nhau đi thẳng. Lúc ấy, trong chùa Chúa tôi hoảng hốt, chưa biết nơi nào ẩn thân, thì Hòa Thượng trực nhớ cái Đại hồng chung trên đại điện, liền quì xuống tâu với vua, xin vua tạm vào đó lánh nạn.

Đại Hùng Bửu Điện chùa Sắc Tứ Linh Thứu, từ ngoài cửa bước vào chúng ta thấy Đại Hồng Chung ở bên tay trái.

Đức Cao Hoàng nhận lời, Hòa Thượng cùng vài điệu nhỏ phụ nhau úp chuông xuống, dọn dẹp xong xuôi, đoạn ông Nguyễn Huỳnh Đức thoát ra ngoài tìm chỗ ẩn dạng. Một vài phút sau, có toán quân nữa kéo đến tìm tiếp. Lúc ấy quân Tây Sơn thẳng vào bao vây xung quanh bên ngoài chùa, song chẳng thấy chi cả, sau cùng đến chỗ Đại hồng chung, một ít tên quân có ý nghi, cùng nhau xô thử, song chẳng thấy chuyển, chúng kêu lại thật đông, góp sức nhau đẩy lên. Nhưng lạ thay, càng đẩy càng không thấy xê xích chút nào, quân sĩ ngơ ngẫn, cùng nhìn nhau lấy làm lạ. Vừa lúc ấy có viên thủ lãnh quân bàn rằng: “Cái chuông này nằm đây đã lâu, mà trong chùa có ông già với điệu nhỏ làm thế nào mà đỡ nổi đặng, thôi chúng ta đi tìm kiếm nơi khác kẻo mất thời giờ”. Quân sĩ không biết làm sao, lại vì tuân lệnh thủ lãnh nên kéo nhau đi hết. Vì thế mà Đức Cao Hoàng thoát nạn. Ấy cũng bởi Cao Hoàng là vị chơn mạng Đế vương và cũng nhờ Tam Bảo oai linh, nên khiến Thánh Thần mặc hộ. Khi quân Tây Sơn hết tìm kiếm, đức Vua vẫn còn ở lại chùa vài ngày, bịnh tình đã thuyên giảm, bèn tính cùng ông Nguyễn Huỳnh Đức dời chân đi. Hòa Thượng thấy vua trong mình hãy còn yếu, nên hết lời mời vua ở lại uống thuốc thật khỏe rồi đi. Nhưng đức Cao Hoàng vẫn một dạ quyết định, biết thế cản ngăn không đặng, Thiền Sư sắm sửa lương phạn cùng đồ hành lý, rồi lén đưa chúa tôi đến Hà Tiên.

Đến khi Cao Hoàng an ban phục quốc rồi, nhớ lại chuyện cũ, bèn hạ chiếu chỉ, mời Hòa Thượng Nguyễn Phước Chánh lai Kinh. Cảm ơn Phật lực hộ trì, đức vua tu bổ và phong cho hiệu chùa là: “Sắc Tứ Linh Thứu Cổ Tự” ( 勅 賜 靈 鷲 古 寺), lại cũng vì nhớ công phụng sự, vua sắc phong cho ngài Nguyễn Phước Chánh hàm ân là Mẫn Huệ Thiền Sư Đại Lão Hòa Thượng.


Chữ Linh Thứu trên đây, tiếng Phạn gọi là: “Kỳ-xà- quật”, nguyên vốn tên hòn núi mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni thường thuyết Pháp khi xưa. Bởi cảm ân cứu tử và truy cứu ra điển tích, nên đức Vua dùng ý nghĩa ấy để sắc phong kỷ niệm. Lúc ấy nhằm niên hiệu Gia Long năm thứ nhất.

Từ đó về sau, đức Cao Hoàng hạ lệnh cho quan tỉnh lo săn sóc ngôi Đại Già Lam. Cứ mỗi năm có 12 người dân khỏi thâu thuế để sửa sang việc chùa. Mỗi khi Hòa Thượng đi ra đường thì có bê son tích trượng giàn hầu; Bởi thế thuở bấy giờ người trong xứ có câu ca dao rằng:

“Sắc vua phong tặng bảng vàng,
Trang nghiêm Phật Pháp vẻ vang nước nhà”.

Khi Hòa thượng sắp viên tịch, thì Ngài đội mão đắp y ngồi tọa thiền trước bàn Phật nơi chánh điện đúng giờ ngọ, vào ngày rằm tháng bảy mà viên tịch. Chuyện truyền ra ai cũng đều biết, có báo đến tỉnh, chẳng bao lâu ngoài triều phái quan quân vào lo việc điếu tế và xây Tháp rất trọng thể. Hiện nay Bảo Tháp của Mẫn Huệ Thiền Sư vẫn còn ở sau chùa.


Kế thế Hòa thượng Nguyệt Hiện có Sư Trí Huệ. Ngài có đạo hạnh cao siêu, người người đều ngưỡng mộ.

Nối tiếp sư Trí Huệ là Hòa thượng Thoại Lâm. Ngài có đến kinh đô, vua phong cho đạo hiệu là Gia Lợi Đại Sư. Đại Sư là một bậc chơn tu, đạo đức cảm hóa đến loại bàn sanh. Tương truyền rằng thuở ấy phía sau chùa có cái ao lớn, những lúc trời chiều mát mẻ. Đại Sư tay lần chuổi bồ đề, chậm bước dạo quanh vườn đến ao, Ngài kêu con rùa thì rùa nổi lên, kêu cá thì cá trừng lên mặc nước, gọi ong thì ong bay lại đậu trên tay mà không chích.

Sau khi Thoại Lâm Hòa thượng viên tịch, đệ tử của Ngài là ông Nguyễn Văn Nhàn, Pháp hiệu là Huệ Thắng Đại Sư kế thế. Đại Sư cũng là bực đạo đức chơn tu, khi lâm chung dự biết ngày giờ trước, nên mời hết bổn đạo đến từ giả rồi viên tịch. Vừa lúc ấy có bạch hào quang xông thẳng lên hư không.

Vào khoản niên hiệu Thiệu Trị năm đầu, trong khi ban bố cho tất cả nhân dân, đức vua cũng có lòng chiếu cố đến các chùa, vì chùa Sắc Tứ có công với đức Cao Hoàng, càng được chú trọng hơn nữa. Hiện nay tấm biển của đức Thiệu Trị trùng phong cho hãy còn. Hân hạnh thay! Chùa Linh Thứu lúc ấy bên ngoài thì nhân dân tán ngưỡng, bên trong lại có các bậc Đại Đức trụ trì, như đèn gần gương sáng, như gấm điểm thêm hoa, cái thanh thế rực rỡ vẻ vang biết là dường bao.

Nhưng nước hết lớn rồi lại ròng, trăng tròn rồi lại khuyết, biển cả ruộng dâu hằng lẽ thế, gò cao lầu rộng nghỉ thêm thương! Các tướng vốn không thường sao khỏi có thời kỳ biến đổi. Trong đời đức Dực Tôn Hoàng Đế, gặp hồi Pháp quốc thế mạnh sang chiếm xứ Nam Kỳ, thì nước nhà rối loạn, chúa tôi thất thủ, Phật Pháp cũng vì đó mà suy đồi. Đạo Thiên Chúa nhân đó lấy chùa làm cơ quan truyền giáo trải qua một thời gian khá lâu. Thời gian sau, nhờ ông cai tổng Nguyễn Văn Ngươn thấy việc bất bình, làm đơn ra giữa tòa công án Langsa kiện đòi chùa lại, thờ Phật y như củ. Đạo Thiên Chúa phải lập nhà Thờ riêng (hiện nay nhà thờ Thiên Chúa vẫn còn ở cách chùa chừng vài trăm mét). Vì cớ ấy nên những sắc ấn của đức Cao Hoàng phong cho, đã tiêu lạc hết. Trong chùa hiện nay vẫn còn có: hai tấm biển, một tấm đề “Long Tuyền Tự”; một tấm là đề “Sắc Tứ Linh Thứu Tự”; một vị Phật bằng đồng đen cao 8 tất tây, và cái hồng chung có khắc chữ Gia Long Sắc Tứ. Đó là những vật cũ kỷ còn di tích lại.

Đến niên đại Bảo Đại thứ 12, đức Hoàng Thượng niệm tình đến chùa có công ơn với Hoàng Tổ thuở xưa, cũng truy phong cho tấm biển đề mấy chữ như vầy: “Nam triều lễ nghi bộ cung lục, Sắc Tứ Linh Thứu cổ tự. Bảo Đại thập nhị niên lục ngoạt kiết nhựt”.

Hay thay, nhờ oai thần Tam Bảo hộ trì, mà chùa Sắc Tứ được mấy đời chiếu cố, tiếng khen ngợi đồn xa, ai nghe đến không khỏi chút lòng ngưỡng mộ.

Ông Đặng Hồng Vân, người Trung Kỳ, tỉnh Hà Tĩnh, một chuyến vào Nam chơi, đến viếng chùa Sắc Tứ có cảm đề một bài thi như sau:

SẮC TỨ LINH THỨU SỰ TÍCH THI

Dực chúa công cao ngưỡng Phật nhơn,
Hoàng hoàng Sắc Tư tự trung xuân,
Long Tuyền địa chiến thiên thu nguyệt,
Linh Thứu thiên khai vạn cổ vân,
Nhứt thốc lâu đài chiêm hoán cựu,
Lưỡng triều vỏ lộ cảnh trùng tân,
Hồi tư thánh giá quang lâm nhựt,
Sắc sắc không không biệt hữu thần.

Tạm dịch:

Công cao giúp chúa cảm từ vương,
Sắc Tứ chùa nay rạng vẻ xuân,
Nguyệt rọi Long Tuyền ghi hiển tích,
Mây che Linh Thứu để trinh tường,
Lầu giăng một dãy lầu xưa khác,
Cảnh gội hai triều đượm móc sương,
Xe thánh tưởng hồi khi ngự đến,
Sắc không tinh túy thảy riêng nhường.

Thích Thành Đạo Cẩn Bút

BẢNG KẾ THẾ CHƯ TỔ TRỤ TRÌ CHÙA SẮC TỨ LINH THỨU TIỀN GIANG
  1. Chư Tổ trụ trì đầu tiên không để lại tên?
  2. Tổ Thượng NGUYỆT Hạ HIỆN
  3. Hòa thượng Thượng TRÍ Hạ HUỆ
  4. Hòa thượng Thượng THOẠI Hạ LÂM
  5. Hòa thượng Thượng HUỆ Hạ THẮNG
  6. Hòa thượng Thượng LIỄU Hạ KIM
  7. Hòa thượng Thượng TRÍ Hạ HOÀNG
  8. Hòa thượng Thượng CHÁNH Hạ HẬU
  9. Hòa thượng Thượng CHÍ Hạ THIỀN
  10. Hòa thượng Thượng CHƠN Hạ HUỆ
  11. Hòa thượng Thượng THÀNH Hạ ĐẠO
  12. Đến năm 1951 có một sự chuyển biến lớn, do hoàn cảnh khách quan, Hòa thượng Thích Thành Đạo đã quyết định để lại ngôi vị trụ trì chùa Sắc Tứ Linh Thứu cho ba vị Ni Trưởng đảm nhiệm. (Ni Trưởng Như Nghĩa; Ni Trưởng Thông Huệ và Ni Trưởng Như Chơn).
  • Ni Trưởng Thượng Như Hạ Nghĩa - viên tịch năm 1988
  • Ni Trưởng Thượng Thông Hạ Huệ - viên tịch năm 1984
  • Ni Trưởng Thượng Như Hạ Chơn trụ trì đến năm 1994, vì niên cao lạp trưởng, Ngài chuyên tâm niệm Phật. Nên Ni Trưởng truyền trao ngôi pháp Bảo cho 3 vị đệ tử là: Ni Sư Như Quang; Ni Sư Như Thanh và Ni Sư Như Phú. Vì tuổi cao sức yếu Ni Trưởng thượng Như hạ Chơn viên tịch vào năm 2008.
  • Năm 1994 Ni Sư Thích Nữ Như Quang kế thế trụ trì đến năm 1996 thì viên tịch.
  • Từ năm 1996 đến nay, Ni Trưởng TN. Như Minh kế vị trụ trì thừa hành Tổ nghiệp.

Như vậy, từ buổi khai sơn mãi đến nay, đã trải qua hơn 16 đời trụ trì. Chư Hòa Thượng, Ni Trưởng tiền bối nhiều lần tu bổ, tôn tạo mới có được nét độc đáo cho ngôi chùa Sắc Tứ Linh Thứu như hiện nay.

Về phần kiến trúc: Chùa được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ quý theo kiến trúc nhà Nam bộ; Phần Chánh điện gồm 5 gian 2 chái với tổng cộng 48 cây cột gỗ căm xe, kèo chạm võ đậu, chồng rường đơn, máy lợp ngói âm dương. Phía trước Đại điện là ba gian thờ Tam thế Phật; Gian chính giữa có thờ thêm bộ Tây phương Tam Thánh. Mỗi gian thờ đều có trang trí hoành phi, gian giữa có gắn đôi liễn miêu tả về hai từ ‘Sắc Tứ’ của vua ban. Phía sau Đại diện là Ban thờ chư Tổ và chư Hòa Thượng tiền bối Trụ trì, tu tập tại Tổ đình.

Nối liền Đại điện với nhà Hậu Tổ là hai dãy nhà Đông và Tây lang bao bọc xung quanh giếng trời để lấy ánh sánh và gió từ thiên nhiên.


Nhà Hậu Tổ phía trước là Ban thờ tôn tượng Bồ tát Chuẩn Đề và trai đường; Phía sau, Ban giữa thờ ba vị Ni Trưởng, chư vị Ni Sư trụ trì Tổ đình. Hai bên tả hữu là Ban thờ chư vị Phật tử, thiện tín có công đóng góp lớn cho việc xây dừng Tổ đình qua nhiều thế hệ.

Nói về ngôi chùa, từ khi ba vị Ni Trưởng kế nghiệp, ngoài việc trùng tu cơ sở vật chất; Quý Ni Trưởng còn xây dựng nơi này thành chốn Già lam tịnh địa tu học cho Ni giới nói chung và Ni giới tỉnh Tiền Giang nói riêng. Năm 1956 ba vị Ni Trưởng đã cùng với chư Ni Trưởng Ni bộ Bắc tông mở lớp Sơ đẳng Gia giáo Phật học tại chùa Sắc Tứ Linh Thứu. Suốt khóa học bốn năm, Ni trưởng Thích Nữ Thông Huệ đảm nhận chức vụ Giám đốc kiêm Giáo thọ sư, chăm lo sự nghiệp giáo dục đào tạo lớp Ni kế thừa ở miền Tây Nam bộ và các tỉnh lân cận. Nơi đây, quý Ni Trưởng cũng đã nhiều lần được chư Tôn đức cho phép mở đại Giới đàn truyền Đại giới cho chư Ni nhiều thế hệ. Và cũng là điểm thường xuyên mở Khóa An cư tu học cho chư Ni tại Tiền Giang.


Với Ni trưởng Thích Nữ Như Minh, từ khi đảm nhận chức vụ Trụ trì ngôi Tổ đình đến nay, Ni Trưởng đã từng bước kiến tạo lại khuôn viên chùa: Đặt Bia đá ghi nhận sơ lượt tiểu sử của Tổ đình để tiện cho mọi người đến chiêm bái Phật và tìm hiểu về ngôi chùa; Tôn tạo lại toàn bộ các ngôi Bảo Tháp của chư Tổ tiền bối được xây cất tại khuôn viên,...

Năm 2013, với mong muốn thuận tiện hơn cho mọi người được chiêm bái những Thánh tích của Phật giáo mà không có dịp về quê hương đức Phật tại đất nước Ấn Độ thăm viếng, Ni trưởng Thích Nữ Như Minh đã cho xây dựng bốn Thánh tích trứ danh của Phật giáo là: Lumbini (Lâm Tì Ni) nơi Phật Đản sanh, Bodhgaya (Bồ Ðề Ðạo Tràng) nơi Phật thành đạo, Sarnath (Lộc Uyển) nơi Phật chuyển pháp luân - thuyết pháp lần đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như và Kusinara (Câu Thi Na) nơi Phật nhập Niết Bàn ở phía trước khung viên chùa. Công việc này đã góp phần tôn thêm vẻ đẹp và uy nghi của ngôi Cổ tự thân thương này.


Nhìn chung, chùa Sắc Tứ Linh Thứu, là một ngôi chùa có giá trị bề dày lịch sử, cũng như kiến trúc và mỹ thuật cổ kính so với các ngôi chùa ở miền Tây Nam bộ. Cho nên, chùa Sắc Tứ Linh Thứu được bộ Văn Hóa cấp bằng xếp hạng DI TÍCH CẤP TỈNH THÀNH PHỐ về Nghệ Thuật Kiến Trúc vào ngày 9 tháng 12 năm 2010.

Hiện tại, chùa mang nét thánh thoát cổ kính, dáng vẻ uy nghiêm nhưng rất gần gũi khiến cho lòng người đến chùa, cảm nhận được sự bình yên, ấm cúng. Khi tham quan, du khách như được thưởng ngoạn cảnh sắc chan hòa giữa nắng ấm và khói hương lan tỏa, nơi chốn linh thiêng, gợi cho con người quên hết lao nhọc đời thường.

Ban Biên tập lịch sử tự viện tỉnh Tiền Giang xin giới thiệu ngôi chùa đến với bạn đọc.

Ghi chú:
  • Chùa Sắc tứ Linh Thứu
  • Trụ trì hiện tại: Ni trưởng Thích Nữ Như Minh.
  • Số điện thoại: 02733.893080.
Sau đây là một số hình ảnh tư liệu được ghi nhận:

Mặt ngoài cổng chùa Sắc tứ Linh Thứu


Mặt trong cổng chùa Sắc tứ Linh Thứu

Đất ruộng của chùa Sắc tứ Linh Thứu



Những hình ảnh của Tứ động tâm tại chùa Sắc tứ Linh Thứu









Tượng Phật bằng đồng đen - một trong những di vật xưa còn lại của chùa Sắc tứ Linh Thứu





Kiến trúc hiện tại của chùa Sắc tứ Linh Thứu



Những hình ảnh chư ni An cư tại chùa Sắc tứ Linh Thứu


Bảo Tháp chư Tổ trụ trì chùa Sắc tứ Linh Thứu tiền nhiệm

Ảnh tư liệu: Ni trưởng Thông Huệ cùng chư Ni lớp Sơ đẳng Phật học tại chùa Sắc tứ năm 1956

Người viết : Ban TTTT Phật Giáo Tỉnh Tiền Giang
Chuyện chiếc chuông cứu chúa ở chùa Sắc Tứ Linh Thứu

Tui viếng thăm chùa Sắc Tứ Linh Thứu (Châu Thành, Tiền Giang) trong một dịp đến Trại rắn Đồng Tâm. Trên đường từ quốc lộ 1A rẽ vô Trại rắn khoảng 2 km là tới chùa Linh Thứu (đi tiếp 2,5 km nữa là tới trại rắn).


Cổng chùa Sắc Tứ Linh Thứu. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Ngôi chùa có kiến trúc khá ấn tượng, nhưng ấn tượng hơn cả lại là những truyền thuyết chung quanh nó. Qua lời kể của những người ở chùa và tìm hiểu thêm qua website của Phật giáo Tiền Giang thì những giai thoại ấy như sau:

Thuở xưa, nền chùa là một khu đất hoang vu. Mục đồng thả trâu đi ăn, thường tụ họp tại đây để chơi đùa. rồi đốn cây, kéo lá, cất một cái chòi để nghỉ ngơi, nắn tượng Phật mà thờ phụng. Sau dân làng thấy có nhân duyên, nên dựng thành chùa gọi là chùa Mục đồng. Sau nữa, có thầy địa lý, nhân dịp tá túc tại chùa, xem khu đất xong khen rằng: “Chùa này phong thủy rất đẹp, ngày sau sẽ có chơn mạng Đế Vương đến ngự”. Nhân đó mới đặt tên chùa là Long Nguyên.

Mặt trong cổng chùa. Ảnh: Phật giáo Tiền Giang

Vào khoảng giữa thế kỷ 18, nhà sư Nguyễn Phước Chánh (? -1816) đến trụ trì (sau là hòa thượng Nguyệt Hiện, pháp danh Thiệt Thanh). Trong thời gian ông trụ trì, có lúc chúa Nguyễn bị quân Tây Sơn truy đuổi chạy đến tá túc tại chùa.

Khi Nguyễn Phúc Ánh đến chùa, trang phục như kẻ thường dân, nói là khách phương xa đến xin nghỉ nhờ, không cho biết rõ tung tích. Hòa thượng Nguyệt Hiện xem dung mạo cử chỉ và xét tình thế hiện tại cũng đã thầm nghi, nhưng chẳng nói ra, chỉ tiếp đãi tử tế mà thôi. Lúc ấy chúa Nguyễn lâm bịnh nặng, may nhờ hòa thượng là người giỏi về dược thảo, điều trị được thuyên giảm. Khi ấy, chúa Nguyễn mới nhận thật với sư.

Vài hôm sau, quân Tây Sơn đuổi đến. Cửa chùa lúc ấy bỗng nhiên nhện giăng phủ cả lối vào, cảnh trông hoang vắng, như đã lâu không người đặt chân đến. Toán quân đầu tiên thấy đường xá cỏ tranh rậm rạp, mạng nhện phủ che, do dự hồi lâu, rồi có lẽ nghĩ chắc không ai nên kéo nhau đi thẳng.

Chùa Sắc Tứ Linh Thứu. Ảnh: Phật giáo Tiền Giang

Vì vẫn còn những toán quân sau nên trong chùa Chúa tôi hoảng hốt, chưa biết nơi nào ẩn thân, thì hòa thượng sực nhớ cái đại hồng chung trên đại điện, liền quì xuống tâu với chúa, xin tạm vào đó lánh nạn. Thế rồi hòa thượng cùng vài chú tiểu phụ nhau úp chuông xuống, cho Nguyễn Ánh chui vào trong.

Khi toán quân kế tiếp đến bao vây xung quanh chùa, song chẳng thấy chi cả. Đến chỗ đại hồng chung, một ít quân có ý nghi, cùng nhau xô thử, song chẳng thấy chuyển, sau cùng toán quân bỏ đi. Nguyễn vương thoát nạn.

Đại hồng chung tại chùa Linh Thứu. Ảnh: Phật giáo Tiền Giang

Nhờ công trạng đó nên vào năm Gia Long thứ 11 (1812), hòa thượng Nguyệt Hiện được phong Tăng Cang, chùa Long Nguyên được “sắc tứ” và đổi tên là Sắc tứ Long Tuyền tự, vua còn cấp cho 10 dân phu chăm sóc quét dọn chùa. Khi hòa thượng viên tịch, triều đình ban thụy hiệu là Mẫn Huệ hòa thượng.

Năm 1830, nhân lễ Tứ tuần Đại khánh của vua Minh Mạng, triều đình đổi hiệu “Sắc tứ Long Tuyền tự” thành “Sắc tứ Linh Thứu tự”.

Khoảng năm 1890, Sắc tứ Linh Thứu tự được hòa thượng Trà Chánh Hậu trùng tu khá quy mô. Đến đời Bảo Đại, chùa Linh Thứu được sắc tứ lần thứ ba.

Như vậy, ban đầu chùa là chùa Mục Đồng, chùa Long Nguyên, rồi chùa Long Tuyền, sau đó là Sắc Tứ Long Tuyền từ 1812 rồi Sắc Tứ Linh Thứu từ 1830.

Câu chuyện về chiếc chuông đồng cứu Chúa và những tình tiết ly kỳ xung quanh được thêu dệt rất nhiều, và tất nhiên là khách viếng chùa (như tui chẳng hạn) đều được kể lại và được chỉ vào chiếc chuông vẫn đang còn tại chùa như một minh chứng, với niềm tự hào rất lớn. Thế nhưng...

Nhiều nhà nghiên cứu nghi ngờ tính xác thực của câu chuyện. Câu chuyện chuông đồng cứu chúa chỉ mới được ghi nhận trong Địa chí Mỹ Tho năm 1937 (Monographie de la province de Mytho 1937), còn trước đó trong các tư liệu lịch sử về chùa chiền ở Nam bộ chưa hề thấy ghi chép. Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường cho biết chuông đồng này chỉ mới được đúc năm 1805. Cụ thể, trên thân chuông có khắc chữ: “Thiên vận Ất Sửu niên, tứ nguyệt cát tạo; Long Nguyên tự bổn đạo chú tạo hồng chung” (theo ông, năm Ất Sửu chính là 1805).

Đại hồng chung tại chùa Linh Thứu. Ảnh: Báo Thanh Niên

Chuông được đúc sau khi chúa Nguyễn lên ngôi 3 năm, vậy sao trước đó khi còn lưu lạc ông có thể chui vào ẩn núp dưới chuông được? Do vậy, giai thoại nói chúa Nguyễn Ánh từng trốn trong chuông như đã mô tả trong nhiều tài liệu từ năm 1936 đến nay là phi lý. Hơn nữa, quả chuông quá nhỏ, không thể chứa được một thanh niên cỡ chúa Nguyễn lúc bôn tẩu được.

Nếu đã lập luận như trên, ắt hẳn phải có ai đó, lúc nào đó, vì lý do nào đó đã dựng lên câu chuyện. Tác giả Hoàng Phương - Ngọc Phan trên báo Thanh niên số ra ngày 5/8/2012 nêu ra lời giải khá... giựt mình như sau:

Lần theo câu chuyện, có tài liệu cho rằng vào năm 1929, chùa Linh Thứu có một nhà sư đam mê nghề làm báo rồi thiếu nợ bèn đem… đại hồng chung qua Bến Tre bán. Sau đó bị dư luận phản đối nên tìm cách chuộc về, trùng dịp vua Bảo Đại sắc tứ chùa lần thứ ba, ông lập giới đàn lên làm hòa thượng, trong lúc cao hứng đã tạo ra giai thoại chúa Nguyễn Ánh từng trốn trong đại hồng chung kể cho mọi người nghe. Và huyền thoại ấy được những người tham dự lưu truyền rồi ghi vào tài liệu.

Tranh vẽ vua Gia Long tại chùa. Ảnh: Phật giáo Tiền Giang

Những người bênh vực cho truyền thuyết có thể cãi rằng Ất Sửu không phải là 1805 mà là... 1745, cái chuông tuy nhỏ nhưng lúc ấy tình thế cấp bách Nguyễn Phúc Ánh vẫn có thể chui vào, hoặc táo bạo hơn: đó là... cái chuông khác, giờ đã mất rồi!

Dù sao thì cuối cùng có một chuyện mà ta tin chắc là có thiệt: đó là Nguyễn Ánh đã từng chạy loạn tới đây, được nhà chùa cứu giúp. Nhớ ơn đó, ông đã sắc tứ cho chùa. Những chuyện còn lại thì... nghe cho vui, đúng cũng được mà sai cũng được!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét