24 tháng 9, 2021

Chùa Phước Điền

Tên thường gọi: Chùa Hang

Chùa thường được gọi là chùa Hang, tọa lạc tại phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc. Từ chùa Tây An, du khách đi theo đường nhựa về hướng Tây khoảng 2 km là đến cổng chùa rồi lần theo bậc thang đá lên chùa trên núi ở độ cao 300m. ĐT: 076.861158. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Toàn cảnh chùa Phước Điền (năm 1989)

Chùa Phước Điền (năm 1989)

Chùa Phước Điền (năm 2003)

Chùa Hang là một hang đá thiên nhiên, còn ngôi chánh điện, nhà hậu tổ và một số công trình khác do bà Thợ dựng lên bằng tre lá đơn sơ vào khoảng những năm 1840 – 1845.

Sau đó, ông Phán Thông ở Châu Đốc cùng thập phương bá tánh chung góp tiền của xây dựng lại ngôi chùa khang trang. 

Đến năm 1946, Hòa thượng trụ trì Nguyễn Văn Luận cho trùng tu ngôi chùa. Chùa tiếp tục được sửa chữa những năm gần đây, đã toát lên vẻ trang nghiêm hoành tráng và hấp dẫn khách thập phương qua nhiều huyền thoại được truyền tụng.


Điện Phật

Điện Phật và Bồ Tát


Bàn thờ Tổ

Tượng Bồ Tát Văn Thù

Tượng Bồ Tát Phổ Hiền


Tháp Tổ

Điện thờ Phật

Tượng sư tử

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường
Về Châu Đốc ghé thăm Chùa Hang linh thiêng

Chùa Hang hay còn gọi là Phước Điền tự là một Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia nằm trên núi Sam cách cụm di tích chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, miếu Bà Chúa Xứ khoảng 1km. Với không gian yên tĩnh, chùa Hang được xem là điểm đến du lịch tâm linh không thể bỏ qua của du khách khi đến TP. Châu Đốc. 


Chùa Hang do bà Lê Thị Thơ (1818 – 1899) pháp danh Diệu Thiện, làm nghề thợ may tạo lập làm nơi tu hành khi tuổi còn trẻ (biệt danh bà Thợ). Ban đầu, chùa chỉ là một chiếc am nhỏ bằng tre lợp lá. 


Tương truyền, cạnh am bà Thợ tu hành có 1 hang núi sâu, bên trong có đôi mãng xà to, hung tợn. Từ khi bà Thợ đến tu, đôi mãng xà trở nên hiền lành, thường đến am bà Thợ nằm im lắng nghe kinh kệ. Bà Thợ đặt tên chúng là Thanh Xà, Bạch Xà. Sau khi bà Thợ qua đời, đôi mãng xà cũng bỗng dưng biến mất.

Hai pho tượng Thanh Xà và Bạch Xà trước cửa hang 

Năm 1885, cảm mến công đức bà Thợ, ông phán Thông (Nguyễn Ngọc Cang) đã cùng Nhân dân Châu Đốc quyên góp tiền và ngày công xây dựng lại chùa, với nền lót gạch tàu, cột bằng căm xe, kèo thao lao… Từ năm 1937 đến nay, chùa đã nhiều lần được trùng tu và xây dựng. Từ chân núi đến chùa Hang du khách phải vượt qua 300 bậc thang cao. 

Từ chân núi đến chùa Hang du khách phải vượt qua 300 bậc thang cao. 

Trước chùa có hai ngôi bảo tháp màu sắc sặc sỡ, hài hòa, chạm khắc công phu, đứng uy nghi trên triền núi. Phía dưới là bảo tháp của hòa thượng Thích Huệ Thiện, phía trên là bảo tháp của bà Thợ. Ngôi bảo tháp này được xây dựng năm 1899. Đã nhuốm màu rêu phong nay được tu sửa lại. Trước bảo tháp của bà Thợ là mộ thầy Phán Thông, tức ông Nguyễn Ngọc Cang, người có công rất lớn trong việc trùng tu lần đầu tiên. 


Mặt tiền chùa và chánh điện được xây dựng lại khang trang, mỹ thuật hơn xưa. Chính giữa thờ Phật Thích Ca cùng với các vị Quan Âm, A Di Đà, Đại Thế Chí ở hai bên. Đặc biệt, phía trước là cây cột phướn đồ sộ cao hơn 20m. Dưới thềm chùa là hai tượng sư tử bằng xi măng khá sinh động. Bên trái chùa là Tây lang, bên phải là Đông lang đã được xây dựng mới. 


Trong chùa có nhiều bức tượng Phật, đôi mãng xà để thờ và chiêm bái. Gian thờ Tam Bảo với bốn bề tường đều được phủ lấp bằng kính, phản chiếu hình ảnh của các tượng Phật từ mọi phía, tạo cho người xem như lạc vào Phật giới. Kiến trúc đặc sắc của chùa Hang qua nhiều lần trùng tu với các cột gỗ, chạm trổ, điêu khắc tinh xảo. 

Chùa Hang linh thiêng: Ảnh sưu tầm 

Sự linh thiêng của Chùa Hang, cùng cảnh quan yên bình với những cánh đồng lúa, vạt tràm xanh ngát đã thu hút khách tham quan ngày càng đông và tạo thành dấu ấn tôn giáo, văn hóa cho Tp. Châu Đốc.

Đồng Hoa (tổng hợp)
Tuyệt cảnh chùa Hang

Là một trong những điểm tín ngưỡng tâm linh nổi tiếng ở TP. Châu Đốc, chùa Hang (Phước Điền tự) có kiến trúc vô cùng độc đáo, cùng cảnh quan tuyệt đẹp. Du khách thường đến chùa hành hương và thưởng ngoạn rất đông vào dịp cuối tuần.


Được hình thành trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XIX, chùa Hang gắn liền với vị sư nữ Lê Thị Thơ, pháp danh Diệu Thiện. Trước khi xuất gia, bà làm nghề thợ may, nên người dân trong vùng gọi là bà Thợ. Sau mấy trăm năm tồn tại và trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, chùa Hang đã trở thành thắng cảnh nổi tiếng Châu Đốc – núi Sam.


Để lên đến chùa Hang, du khách phải chinh phục 300 bậc thang, với độ dốc vừa phải. Khi vượt qua quãng dốc này, sẽ là tuyệt cảnh mang lại từ ngôi chùa, như phần thưởng xứng đáng sau những cố gắng trong quá trình leo núi.



Với lối kiến trúc hoài cổ, trầm tư, lưng tựa núi, mặt hướng xuống đồng bằng, chùa Hang sở hữu những góc nhìn độc đáo mà hiếm nơi nào có được. Đến với ngôi cổ tự này, du khách có được cảm giác buông bỏ những muộn phiền, bởi khung cảnh yên tĩnh, đẹp như tranh.



Đúng với tên gọi chùa Hang, chùa được xây dựng hệ thống hang động nhân tạo, với nhiều điểm thờ cúng để du khách tham quan, chiêm bái. Khi bước vào hệ thống hang động này, du khách sẽ có cảm giác linh thiêng, trầm mặc, như được trở về với huyền thoại gắn liền với cái tên chùa Hang trong quá khứ.



Tương truyền, xưa kia ở khu vực chùa Hang có đôi rắn to và hung dữ trú ngụ trong hang, được gọi là Thanh Xà – Bạch Xà. Sau khi được sư nữ Lê Thị Thơ cảm hóa, đôi rắn đã phát tâm tu nguyện. Khi sư nữ viên tịch, đôi rắn cũng biến mất và được người dân thờ cúng cho đến ngày nay. Hiện tại, tại chùa Hang vẫn còn những công trình tín ngưỡng liên quan đến đôi rắn này.


Du khách tham quan, hành hương trong hệ thống hang động ở chùa Hang đều cảm thấy lòng nhẹ nhàng, tịch lặng...



Từ chùa Hang, người ta có thể phóng tầm mắt ra cánh đồng bao la phía dưới và cảm nhận sự an nhiên, tự tại trong lòng mình. Nhiều du khách cho biết, họ vẫn rất thích thú bởi vẻ đẹp kiến trúc độc đáo, cùng khung cảnh nên thơ của chùa Hang. Vào mùa Vu Lan báo hiếu, họ đến đây để cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ, người thân luôn bình an, hạnh phúc, vượt qua mọi biến cố của cuộc sống vô thường!





Ngoài vẻ đẹp tổng thể, chùa Hang còn có những góc an yên, trầm lắng, khiến cho lòng người trở nên tĩnh lặng, như thoát khỏi những lo lắng, ưu tư...

THANH TIẾN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét