26 tháng 9, 2021

Chùa Sùng Hưng

Tên thường gọi: Chùa Sùng Hưng

Chùa tọa lạc ở thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. ĐT: 077.847122. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Toàn cảnh chùa (năm 1990)

Tam quan chùa (năm 1990)

Chùa được thành lập vào cuối thế kỷ XIX. Các vị Hòa thượng Thích Đạt Vĩnh và Thích Minh Khiêm, thuộc dòng Lâm Tế Chánh tông đời thứ 39 đã từng trụ trì chùa. Năm 1910. Hòa thượng Thích Minh Khiêm viên tịch, Hòa thượng Thích Tịnh Nghĩa kế thế trụ trì đến năm 1922.

Hòa thượng Thích Huệ Chánh kế tục trụ trì cho đến ngày nay. Hòa thượng đã cho trùng tu ngôi chùa vào năm 1924 và 1960.

Tại tam quan chùa có câu đối nói lên ý nghĩa tên chùa:

Sùng đức tu thân hòa chủng Bồ đề huệ phát chơn tông hoằng Phật pháp,
Hưng nhơn dưỡng tánh thượng sanh Bát nhã chánh khai tâm lý diễn thiền môn.

Điện Phật được bài trí trang nghiêm. Trong khuôn viên chùa có thờ tượng Bồ tát Quán Thế Âm, Phật đài A Di Đà, Phật đài đức Phật Thích Ca nhập niết bàn. 

Hiện nay, quản tự ngôi chùa là thầy Thích Huệ Thông.

Điện Phật

Bàn thờ Bồ Tát Quan Âm

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường
Chùa Sùng Hưng - Ngôi chùa lâu đời nhất trên đảo Phú Quốc

Sùng Hưng cổ tự - ngôi chùa lâu đời nhất ở H.Phú Quốc (Kiên Giang) - hiện là một điểm tham quan không thể thiếu trong các tour du lịch lữ hành trên đảo. 

Sùng Hưng cổ tự tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo (đối diện với trung tâm Viễn Thông, gần chợ đêm Dinh Cậu Phú Quốc). Khuôn viên chùa khá rộng, gồm các công trình kiến trúc, nhà thờ tổ, tòa chính điện… Các công trình Phật sự trong chùa được làm với mái lợp ngói âm dương và tường gạch từ năm 1924. Sùng Hưng cổ tự được xây dựng theo phong cách dân gian “trước miếu, sau chùa”. Ngay chính diện là khoảng sân rộng và vườn tỳ ni với sự góp mặt của nhiều loại cây cảnh cùng những pho tượng đắp nổi theo phong cách kiến trúc quen thuộc của Phật giáo. Trong sân chùa có tượng Quan Âm Nam Hải, kế sau là cột cờ. Bên trái nền và miếu cũ có miếu thờ bà Chúa Xứ Nương Nương, bên phải thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Hai bên chánh điện có thờ Thập Điện Diêm Vương và Ngũ Điện Diêm Vương, còn các tượng khác trên bàn thờ chính. Sau chánh điện là khu Hậu tổ và Hậu liêu. Bên hông chùa có đường lên viếng đài Phật tổ A Di Đà. Phía sau là đài Thích Ca Niết Bàn được xây dựng vào năm 1960 cùng các ngôi miếu và những hàng cây cổ thụ tỏa bóng mát sum suê…Với quy mô và kiến trúc độc đáo, từ lâu chùa Sùng Hưng cùng với đình thần Dương Đông, Dinh bà Thủy Long Thánh mẫu và Dinh Cậu đã trở thành cụm văn hóa tâm linh liên hoàn nơi đảo ngọc. 


Người dân đến dự lễ Vu lan tại chùa Sùng Hưng - Ảnh: Giang Sơn 

Thầy trụ trì chuẩn bị cơm cúng Bác Hồ - Ảnh: Giang Sơn 

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Sùng Hưng cổ tự là một điểm liên lạc bí mật cho cách mạng. Đặc biệt, hơn 40 năm nay, chùa Sùng Hưng đã liên tục duy trì lễ cúng ngọ Bác Hồ. Theo Đại đức trụ trì Thích Huệ Thông, do mến mộ và tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên hằng ngày cứ đến giờ Ngọ (12 giờ trưa), thầy trụ trì chùa lại dâng cơm trắng (cơm lạt) cúng Bác, gọi là cúng Ngọ. Cũng theo lời Đại đức Thích Huệ Thông, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mất năm 1969, hòa thượng Thích Huệ Chánh là trụ trì chùa khi ấy đã thường xuyên tổ chức cúng Bác Hồ theo những nghi lễ trang trọng.

Hiện mỗi ngày có khoảng trăm khách thập phương đến Sùng Hưng cổ tự tham quan, vãn cảnh. Nhiều người dân thị trấn Dương Đông cũng thường đến đây dâng hương trong các dịp lễ tết và thư giãn tĩnh tâm sau những giờ phút lao động căng thẳng.

Giang Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét