1 tháng 9, 2021

Chùa Thiên Phúc

Tên thường gọi: Chùa Thầy

Chùa thường gọi là chùa Thầy hay chùa Cả, tọa lạc ở chân núi Sài, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội 35km về phía Tây Nam. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Toàn cảnh chùa

Mặt tiền chùa


Chùa được dựng từ đời Vua Lý Nhân Tông (1072 – 1128), lúc bấy giờ là am Hương Hải, do Thiền sư Từ Đạo Hạnh lập để tu hành, sau dần dần xây dựng thành chùa với quy mô lớn. Theo Đại Nam nhất thống chí thì Thiền sư họ Từ tên tục là Lộ, con quan Đô sát Từ Vinh và bà Tăng Thị Loan, quê ở làng An Lăng, huyện Vĩnh Thuận, nay là làng Láng, Hà Nội.

Trước chùa có nhiều hồ nước tên Long Trì, giữa hồ có nhà Thủy Đình là nơi diễn rối nước trong ngày hội. Hai bên chùa có cầu Nhật Tiên và Nguyệt Tiên do Hoàng giáp Phùng Khắc Khoan (Trạng Bùng) cho xây năm 1602. Cầu mái lợp theo kiểu “thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu). Cầu Nhật Tiên bên trái thông ra Tam Phủ trên một đảo nhỏ giữa ao Rồng. Cầu Nguyệt Tiên bắc qua ao lên núi.

Điện Phật

Điện thờ Phật và thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh


















Tượng La Hán

Khu chính điện của chùa Cả hình chữ nhật, rộng khoảng 40m, dài khoảng 60m, kiến trúc kiểu chữ “Tam”, có hai dãy hành lang chạy kèm theo hai bên. Chùa Thượng thờ tượng Di Đà Tam Tôn ở trên, phía dưới là bệ đá Bách Hoa đài hai tầng với hai lớp hoa sen, các góc có hình thần điểu Garuda, có niên đại thời Trần, để hòm sắc lịch triều tôn phong của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Dưới cùng là tượng Thiền sư nhập định trên một bệ đá thời Lý. Bên trái, thờ tượng toàn thân Thiền sư bằng gỗ chiên đàn đặt trong khám. Gian bên phải thờ tượng vua Lý Thần Tông (hậu thân của Thiền sư) đặt trên ngai vàng, được tạc vào năm Thái Hòa (1499) thời Lê Nhân Tông. Chùa Trung thờ Tam Bảo, ở đây có 2 pho tượng Hộ Pháp (mỗi tượng cao khoảng 4m). Chùa Hạ là nơi lễ bái.

Rời chùa Cả, qua cầu Nguyệt Tiên, vào cổng “Bất nhị pháp môn” để lên núi. Ở lưng chừng núi có chùa Cao với hang Thánh Hóa là nơi Thiền sư Từ Đạo hạnh giải thi để đầu thai làm vua Lý Thần Tông. Trên núi còn có “Chợ Trời”, hang Cắc Cớ …

Chùa là ngôi cổ tự nổi tiếng bậc nhất ở Việt Nam. Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.


Tượng Hộ Pháp

Tượng Phỗng

Tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh

Nhà Thủy Đình

Hình thần điểu Garuda ở bệ thờ

Chạm rồng ở bệ thờ

Một góc bệ đá hoa sen (thời Trần)

Lễ hội Chùa Thầy (7–3 âl)

Du khách tham quan

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường
Ngôi chùa có hang "Sơn Đoòng thu nhỏ" ở Hà Nộ

Chùa Thầy nằm ở khu vực ngoại thành Hà Nội, có phong cảnh núi non tươi đẹp, thanh bình, đặc biệt nơi đây có hang Cắc Cớ được mệnh danh như hang "Sơn Đoòng thu nhỏ".

Chùa Thầy tọa lạc tại chân núi Thầy (hay còn gọi là núi Sài Sơn), thuộc địa phận xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 25km. Chùa từ lâu đã là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách thập phương bởi phong cảnh hữu tình, hòa hợp với thiên nhiên.

Chùa Thầy được xây dựng từ thời nhà Lý, gắn liền với giai thoại cuộc đời Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Lúc đầu chùa chỉ là một am nhỏ gọi là Hương Hải am. Sau đó, vua Lý Nhân Tông cho xây dựng lại gồm 2 cụm chùa là chùa Cao trên núi (Đỉnh Sơn Tự) và chùa Dưới (Thiên Phúc Tự). Chùa Thầy là nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh - người có những đóng góp to lớn cho nhân dân và ông tổ của bộ môn múa rối nước.

Chùa Thầy nằm trên khu đất hình hàm rồng. Phía trước là một sân rộng nhìn ra hồ Long Trì, tạo thành hàm trên, bờ hồ bên trái là hàm dưới. Từ sân có 2 cây cầu Nhật tiên kiều và Nguyệt tiên kiều nối sang 2 bên tạo thành 2 râu rồng, được xây dựng theo kiểu kiến trúc "thượng gia hạ kiểu". 

Ngôi chùa cổ có kiến trúc "tiền Phật hậu Thánh" kiểu chữ Tam gồm ba tòa nằm song song với nhau: chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng. Tòa ngoài là nơi lễ bái của tăng ni phật từ và nơi dạy học, giảng đạo của nhà sư gọi là nhà tiền tế hay chùa Hạ. Tòa giữa là nơi thờ Tam Bảo, là trung điện hay chùa Trung. Và tòa trong cùng là nơi đặt ba pho tượng chuyển kiếp của thiền sư Từ Đạo Hạnh, với tòa bảo điện đồ sộ, nguy nga gọi là thượng điện hay chùa Thượng. Ngoài ra còn có những đền thờ và gác chuông nằm xen kẽ trên con đường lên núi.

Địa điểm đặc sắc nhất mà bất cứ ai cũng không nên bỏ qua khi đến chùa Thầy chính là hang Cắc Cớ - một hang động tự nhiên được ví như "Sơn Đoòng" thu nhỏ ngay gần Hà Nội.

Để tới hang Cắc Cớ, bạn sẽ tốn khá nhiều công sức vì phải vượt qua những con đường gập ghềnh đá nhọn, phải leo bộ xuống một hang động rất sâu và tối. Tuy nhiên, mọi sự khó khăn, vất vả sẽ được đền đáp xứng đáng bằng những cảnh quan đặc sắc và vô cùng tuyệt diệu. 

Đến hang Cắc Cớ, bạn sẽ phải leo xuống một hang động sâu hun hút và khá tối, nhớ bật đèn pin để soi sáng lối đi và đi một cách cẩn thận, từ tốn. 

Hang Cắc Cớ cũng là nơi người người cầu bình an, may mắn, công danh, tình duyên, con cái. Có nhiều giai thoại ghi rằng chùa Thầy là nơi cầu tình duyên ở Hà Nội rất linh ứng, là bởi khi xuống hang Cắc Cớ tối, sâu, người ta hay đi nép vào nhau, con trai con gái sẽ nên duyên sau chuyến đi. 

Tương truyền kể rằng đây là nơi chôn thây của hàng ngàn nghĩa quân Lữ Gia chống giặc, ghi dấu ấn đau thương của lịch sử dân tộc. 

Trong hang, tại những chỗ lộ thiên, ánh sáng mặt trời xuống rọi vào nhũ đã tạo nên những điểm sáng lung linh, huyền ảo, do đó người đi chơi trong hang gọi là động Thần Quang. Nơi đây nhiều người gọi là hang "Sơn Đoòng thu nhỏ" của Hà Nội. 

Thông thường lễ hội truyền thống chùa Thầy được tổ chức từ ngày mùng 5 tới mùng 8 tháng 3 (âm lịch), ngày hội chính là ngày mùng 7 tháng 3 hàng năm. Giá vé tham quan chùa Thầy là 10.000đ/vé

Toàn Vũ
Đất Phật – Chợ trời, cuộc hội ngộ chốn non Sài

Chùa Thầy là một ngôi chùa ở chân núi Sài Sơn, nay thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô khoảng 20 km về phía Tây Nam, đi theo đường cao tốc Láng - Hòa Lạc. Sài Sơn có tên Nôm là núi Thầy, nên chùa được gọi là chùa Thầy. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý, là nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, người làng Láng nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội.

Đất Phật

Qua cầu Nguyệt Tiên nối với con đường lên núi. Trên núi có chùa Cao, vốn là Hiển Thụy Am, còn có tên là Đỉnh Sơn tự, là nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh đến tu hành. Trên vách chùa còn khắc những bài thơ tức cảnh của nhiều tao nhân mặc khách như Trạng nguyên Nguyễn Trực, văn sĩ Nguyễn Thượng Hiền. Tương truyền rằng động Phật Tích ở sau chùa là nơi ngài Từ Đạo Hạnh thoát xác để đầu thai làm vua Lý Thần Tông (ở ngôi 1128- 1138), nên còn gọi là hang Thánh hóa.

Ngoài ra, quanh đỉnh núi còn rất nhiều quần thể kiến trúc Phật giáo và danh thắng được xây dựng trong những khoảng thời gian khác nhau, tạo nên vẻ đẹp huyền bí, thơ mộng, mà dân gian thường coi đây là nơi gặp gỡ giữa người và tiên.

Chúa Trịnh Căn (1682-1709), một vị chúa được coi là có nhiều công lao trong thời gian trị vì, trong buổi thanh bình thong thả dạo chơi miền thôn dã, trải xem các danh lam thắng tích, thấy nơi nào đẹp đều nhập vào ngọn bút phẩm đề. Khi đến chùa Phật Tích (tức chùa Thầy) ở xã Sài Sơn, Quốc Oai đã thốt lên rằng: Nay thấy chùa Thiên Phúc ở núi Phật Tích, như viên ngọc nổi lên giữa đám ruộng sỏi đá, rạng vẻ xuân tươi ở cả bốn mùa. Động tiên hệt như cõi thanh hư, bên vách còn mây ráng; Ao rồng thông sang bến siêu độ, trên cầu đôi vầng nhật nguyệt. Núi tựa bình phong, sông như dải lụa. Đá in dấu lạ, mãi mãi ghi điều thần diệu; vàng gieo sắc sáng, đường đường đầy dẫy quang minh. Trong khi ngoạn thưởng, cảnh hợp lòng người, trời đất mênh mang, ý thơ lai láng. Liền làm bài thơ quốc âm, cho khắc vào đá để ghi việc thực. Thơ rằng:

Càn khôn vẹn thiểu một bầu đông
Nảy nảy siêu nhiên chỉn lạ lùng
Hương vũ trăng thiền soi vặc vặc
Vân song tiếng ngọc nện boong boong
Trì thanh lẻo lẻo ngư long hội
Non nhiễu trùng trùng cẩm tú phong
Lọn thế giới này giai cảnh ấy
Có bề quảng đại có linh thông. 


Chùa Cao là một ngôi chùa có danh tiếng nằm trên núi Sài thuộc khu vực chùa Thày ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai. Tương truyền chùa được xây dựng từ thời Lý, trong khu vực chùa còn có hang thánh hóa, nơi Từ Đạo Hạnh thoát xác để có điều kiện quay lại trần thế ở ngôi Hoàng đế nhà Lý. Phả tích và các tư liệu thành văn có ở chùa ghi nhận, chùa luôn có sư tổ kế đăng nên cảnh chùa thực sự trang nghiêm. Đến đầu thế kỷ 20, Hòa thượng Như Tùng là vị sư trụ trì ở đây. Trong năm mươi năm trụ trì ở đây, Hòa thượng đã mang hết tâm sức lo liệu công việc của chùa, nào là xây tòa tam bảo, nào là tu sửa đường núi lên động, nào xây nhà thiêu hương, nào sửa hang Thánh hóa… đặc biệt còn cho in kinh sách. Có hàng chục bộ kinh sách viết về chùa Thày hoặc có liên quan đến chùa Thày đã được in ở thời kỳ này như Sài Sơn Thánh tổ đại thừa chân kinh, Sài Sơn Thánh tích thực lục, Sài Sơn thi lục, Thánh tổ linh sám v.v…

Trong bài văn phổ khuyến xây dựng chùa, nhà sư Như Tùng đã viết: "Chùa Sài Sơn là một cảnh danh thắng của nước Nam ta, ngàn năm về trước có đức thánh Từ tu luyện ở đó, tới nay dấu hóa vẫn còn, đâu đâu cũng đã biết tiếng. Nói cảnh thiên nhiên là một cảnh đẹp trong nước, vậy thì tô điểm non sông trong Tổ quốc cũng là chức trách của quốc dân ta. Nay tôi theo cảnh thiên nhiên thêm công tu bổ để muốn công đức chung cùng thiên hạ, há phải bán danh cầu phúc mượn tôn giáo mà lấy sự lợi riêng đâu?".

Nơi đây từng in dấu ấn của nhiều vị Thiền sư đã có công hoằng dương Phật pháp, thật là miền đất Phật cạnh miền Kinh đô.

Chợ Trời

Phía trên chùa Cao, trên đỉnh núi có một mặt bằng gọi là chợ Trời với nhiều tảng đá hình bàn ghế, kệ bày hàng, ly rượu,... Trong đó có một phiến đá nhẵn lì được gọi là bàn cờ tiên. Có lẽ nơi đây ngày xưa các bậc trích tiên vẫn ngồi chơi cờ, uống rượu, thưởng trăng và ngâm thơ.

Chợ Trời được dân gian coi là nơi gặp gỡ giữa người và tiên. Người ta chán cảnh mua danh bán lợi nơi trần thế, muốn tìm lên chợ Trời để tìm lấy sự công bình vì nghĩ rằng đã có "Cân giá Thiên bình", tức là cân Trời. Văn sĩ Hà Thành từng coi nơi đây là điểm dừng chân hội ngộ, nơi lánh bụi trần ồn ào những danh và lợi.

Dạo cảnh lên qua đỉnh chợ trời
Mua trời quả núi để về chơi.
Của kho tạo vật là bao vạn
Cân giá Thiên bình đáng mấy mươi.
Mây nước bày hàng mười sáu ngọn
Gió giăng mặc cả một đôi lời.
Đem về nay dẫu không văn tự.
Đã có thiên thư nắm vững rồi.


Hay lại thể hiện bằng bài thơ:

Mua danh bán lợi ngán cho đời
Để vắng bao lâu cảnh chợ trời.
Vầng đỏ chiều đông chồi lá vỗ.
Gió vàng phiên trước cánh hoa rơi.
Đầu cầu ngưu nữ mây man mác
Hàng nước rồng tiên cuội khểnh khơi.
Nên nỗi thằng kia ăn cắp chợ.
Nếu không trời biết dễ mà chơi.


Bước lên đỉnh núi thanh cao, rũ bỏ những âu lo hằng ngày để tận hưởng "của kho vô tận biết ngày nào vơi", tận hưởng không gian bao la thuần khiết mà thiên nhiên ban tặng cho con người:

Tung lên đình đám thấy kì đời
Núi của Thầy mà chợ của Trời.
Buổi nắng ô vàng rung là rụng
Hôm trăng cuội đã cắm hoa chơi.

Đất Phật, chợ Trời, nơi gặp gỡ giữa Tiên và Phật. Mới hay, các bậc tao nhân xưa chỉ lối dẫn đường, để đến ngày nay, du khách thập phương vẫn nao nức một lần được đặt chân đến chùa Thầy, để được chiêm ngưỡng những thành quả kỳ diệu của thiên nhiên để lại cho vùng đất linh thiêng hào hoa này. "Thấy non Sài Sơn có chợ Trời, phen này ta thử, thử lên chơi" như giục giã bước chân ai.

Khánh Văn (hanoitv.vn)
Cuối năm đi lễ tạ chùa Thầy

Nằm gọn dưới chân một dải núi đá vôi hình vòng cung nổi lên giữa vùng đồng bằng xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, chùa Thầy từ lâu đã là điểm đến vãn cảnh, cầu an của du khách thập phương. 

Theo quan niệm của người Việt Nam, khi đã cầu phúc lành vào dịp đầu xuân thì cuối năm phải đi chùa lễ tạ. Do đó, vào những ngày giáp Tết, nhiều đền, chùa tấp nập dòng người đổ về hành lễ cuối năm. 

Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20 km về phía Tây Nam, theo đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, bạn sẽ mất khoảng nửa tiếng đi xe để đến chùa Thầy. Ngoài sự linh thiêng, thoát tục, nơi đây còn là điểm đến đẹp, lý tưởng để kết hợp du lịch và chiêm bái. 

Được xây dựng từ thời vua Lý Nhân Tông, cách nay khoảng nghìn năm trước, tương truyền, chùa được xây dựng trên thế đất hình con rồng, quay mặt về hướng Nam. Phía trước chùa, bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn. 

Nằm giữa Sài Sơn và Long Đẩu là một sân rộng nhìn ra hồ Long Chiểu hay Long Trì, tạo thành hàm của rồng. Từ sân này có hai cầu là Nhật Tiên Kiều và Nguyệt Tiên Kiều nối sang hai bên, tạo thành râu rồng. 

Bắt đầu vào chùa, bạn sẽ thấy nhà Thủy Đình cổ kính, rêu phong, được ví là viên ngọc giữa miệng rồng. Vào những ngày lễ hội, nơi đây trở thành sân khấu của các nghệ sĩ múa rối nước. 

Phần chính của chùa Thầy gồm ba tòa song song với nhau gọi là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Chùa Hạ là nhà tiền tế, bày các tượng Đức Ông, Thánh hiền. Giữa chùa Hạ và chùa Trung có ống muống nối với nhau, tạo thành thế hạ công thượng nhất. Ống muống để tượng Bát bộ Kim Cương. Chùa Trung bày bàn thờ Phật, hai bên có hai tượng Hộ pháp, tượng Thiên vương. 

Chùa Thượng tách biệt hẳn, nằm ở vị trí cao nhất, đồng thời là nhà thánh, nơi đây để tượng Di Đà tam tôn - tượng ba kiếp của thiền sư Từ Đạo Hạnh cùng tượng cha mẹ ông. 

Chùa Thầy còn có hang Cắc Cớ, nơi lưu giữ những câu chuyện linh thiêng từ ngàn xưa, ngày nay còn lưu giữ bể xương người, là nơi những nam thanh nữ tú đến cầu duyên: “Gái chưa chồng trông hang Cắc Cớ/Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy”. Ảnh: Xóm nhiếp ảnh. 

Hội chùa Thầy diễn ra ngày 5 - 7/3 Âm lịch hàng năm. Không riêng gì ngày hội, những ngày cuối năm, lễ tết, tăng ni, Phật tử và du khách từ các nơi khác về chùa hành lễ rất đông. 

Lê Thương - Ảnh: Đoàn Tiến
Non nước chùa Thầy

Hằng năm cứ đến ngày 7 tháng 3 âm lịch là thiện nam, tín nữ khắp nơi lại trở về dự lễ hội chùa Thầy - một sự kiện không chỉ có ý nghĩa tôn giáo mà là một phần trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở xứ Đoài; từ lâu đã đi vào câu thơ ca dân gian: “Gái chưa chồng trông hang Cắc Cớ, trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy”.

Chùa Thầy - tên chữ là Thiên Phúc tự - nằm ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội (trước tháng 8/2008 thuộc tỉnh Hà Tây), cách trung tâm thủ đô khoảng 25km về phía tây nam. Chùa Thầy được xây dựng vào thời Lý Nhân Tông, lưu dấu ấn của một vị cao tăng thời Lý - thiền sư Từ Đạo Hạnh (1072-1116). Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì thiền sư Từ Đạo Hạnh - tục danh là Từ Lộ - là con quan đô sát Từ Vinh, mẹ là bà Tăng Thị Loan, quê ở làng An Lãng, huyện Vĩnh Thuận (nay là làng Láng, thuộc huyện từ Liêm), Hà Nội.

Từ thuở nhỏ, Từ Lộ đã có những hành động khác thường. Lớn lên ngài thi khoa Bạch Liên đỗ đầu những không ra làm quan. Vì mối thù cha nên quyết tâm xuất gia học đạo, rồi cùng với các ngài Giác Hải, Khổng Lộ sang Tây thiên (Ấn Độ) tu luyện. Thiền sư trở về giảng đạo, dạy học, làm thuốc giúp dân… Do đó, dù coi Từ Đạo Hạnh là vị thánh nhưng dân chúng địa phương gọi chùa Thiên Phúc là chùa Thầy, cách xưng hô tôn kính mà gần gũi, thân mật (nhiều người miền Bắc gọi cha đẻ là thầy).

Kiến trúc chùa Thầy gồm ba điện thờ biệt lập, là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Giữa chùa Hạ và chùa Trung có ống muống nối với nhau, tạo thành thế hạ công thượng nhất. Chùa Hạ là nhà tiền tế, thờ tượng Đức Ông và các thánh. Chùa Trung thiết bàn thờ Phật, hai bên có hai tượng hộ pháp, thiên vương. Chùa Thượng hay chùa trên tách biệt hẳn, ở vị trí cao nhất, biển đề Đại hùng Bảo điện, thờ Di Đà tam tôn, tượng ba kiếp của thiền sư Từ Đạo Hạnh, tượng song thân Từ Đạo Hạnh. Xung quanh chùa có hai dãy hành lang, phía sau có lầu chuông, lầu trống. Ảnh: tượng Trừng Ác.

Ban đầu, đây chỉ là một thảo am nhỏ mang tên Hương Hải do thiền sư Từ Đạo Hạnh lập ra để tu lập, sau mới dần đươc xây dựng thành quy mô lớn. Ảnh: tượng Khuyến Thiện.

Phía trước chùa là hồ Long Chiểu (Long Trì - ao Rồng). Giữa hồ có thủy đình, là nơi diễn trò múa rối nước trong các dịp lễ hội. Từ Đạo Hạnh được ghi nhận là ông tổ của hình thức múa rối độc đáo này.

Từ sân trước chùa có hai chiếc cầu lợp mái theo kiểu “thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu) được gọi tên là Nhật Tiên kiều (bên trái) thông ra đền Tam phủ trên một hòn đảo nhỏ giữa ao Rồng và Nguyệt Tiên kiều (bên phải) bắc qua ao, sang con đường lên núi Sài Sơn. Hai cầu này do Phùng Khắc Khoan xây vào năm 1602.

Hàng năm, lễ hội chùa Thầy được mở vào mồng 7 tháng Ba âm lịch, tương truyền là đức thánh viên tịch.

Tương truyền, ngày xưa pho tượng thiền sư bằng gỗ đặt trong khảm. Mỗi lần mở khảm, pho tượng từ từ đứng dậy; đóng cửa, tượng lại ngồi xuống. Đông các đại học sĩ Cao Xuân Dục, lúc làm tri phủ Quốc Oai (Sơn Tây) bàn với các bô lão: “Thánh thì không phải chào người phàm, để ngài phải đứng dậy mỗi lần mở cửa thì chúng ta thất lễ”. Từ đó, mới cắt dây máy, đặt tượng ngồi cố định tư thế ngồi. Ảnh: Lễ Phật trong chánh điện chùa Hạ.

Từ chân núi du khách men theo 251 bậc thang đá uốn quanh qua hai lần cổng rồi mới lên tới đỉnh núi. Ở lưng chừng núi ta gặp chùa Thượng và hang Thánh Hóa là nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh giải thi (trút xác) để đầu thai, trở thành vua Lý Nhân Tông. Lên đỉnh núi, theo con đường mòn đi vòng về phía sau sẽ đến động Thần Quang - dân gian thường gọi là hang Cắc Cớ (do nữ sĩ Hồ Xuân Hương đặt tên). Hang rất sâu và tối om, bậc đá trơn trượt, hơi ẩm nên vào hang phải níu nhau mà đi. Theo lời kể của người dân địa phương, hang Cắc Cớ chính là nơi hẹn hò, nên duyên của nhiều đôi lứa.

Không chỉ là một di tích quý giá của Phật giáo, chù Thầy còn là thắng cảnh tự nhiên xinh đẹp. Trong một bài ký, chúa Trịnh Căn đã phác họa cảnh chùa Thầy "như viên ngọc nổi lên giữa đám sỏi đá, rạng vẻ xuân tươi khắp cả bốn mùa. Động trên hệt như cõi thanh hư, bên vách còn in mây ráng. Ao Rồng thông sang bến siêu độ, cầu tiên Nhật Nguyệt đôi vầng. Hình tựa bình phong, sông như dải lụa". Tuy nhiên, du khách ở xa nên đến viếng chùa Thầy vào những ngày thường và nên đi cùng người quen ở Hà Nội hoặc theo dịch vụ lữ hành; không nên đến đây vào những dịp hội hè đông đúc, dễ gặp điều phiền phức.

Phạm thị Thảo
Thời báo Kinh tế Sài Gòn online - 28/11/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét