- Tên gọi cũ: Quan Âm Ni Viện
- Địa điểm: ấp Thanh Nguyên, xã An Phước, huyện Long Thành
- Năm xây dựng: 1964
- Nguyên trụ trì: Ni sư Thích nữ Như Linh
- Cố vấn chỉ đạo hiện nay: Thượng toạ Thích Minh Trí
- Năm trùng tu: 1982
- Hệ phái : Bắc Tông
- Điện thoại: 061.511253
Năm 1964, Hòa thượng Thượng Nhựt Hạ Minh xây dựng Quan Âm Ni viện làm cơ sở cho chư Ni tu học. Khởi thủy, Quan Âm Ni Viện (tiền thân của chùa Bạch Liên) có diện tích nhỏ khoảng 80 m² (8 m x 10 m) mái lợp tôn xi măng, vách tường, nền xi măng; phía trước là đài Quan Âm lộ thiên được tôn trí trên hồ trồng toàn sen trắng. Bảo điện thờ đức Phật Thích Ca, Văn Thù Bồ tát và Phổ Hiền Bồ tát. Sau khi xây dựng cuộc sống ổn định, Hòa thượng giao ngôi Tam bảo cho Sư cô Diệu Minh trực tiếp quản lý. Trải qua nhiều vị Ni sư kế tục trụ trì, năm 1982 Hòa thượng giao toàn quyền quản lý cho Ni sư Thích nữ Như Linh.
Ngày 19/9/1982, Ni sư Như Linh làm lễ khởi công đặt đá xây dựng ngôi Tam bảo trên nền cũ có mở rộng và xin Hòa thượng đổi tên thành chùa Bạch Liên, đồng thời mua thêm đất, vườn tạo cảnh giới trang nghiêm như ngày hôm nay.
Ngôi chánh điện được kết cấu bằng vật liệu kiên cố với hai cấp mái chồng diêm cổ kính. Việc thiết kế hành lang nội tạo không gian chánh điện được mở rộng, thoáng mát tăng thêm sự trang nghiêm của ngôi Tam bảo, ngoài ra còn có chức năng hình thành thiết kế tổng thể của mặt tiền. Cho nên mặt tiền chánh điện được phân làm 3 khoang với 3 cấp mái tạo dáng như cổng tam quan. Trên đỉnh nóc trang trí hoa văn sen dây cùng hình tượng Bát Chánh đạo, bên dưới là dòng chữ "Bạch Liên Tự” và cặp rồng chầu đắp nổi nâng niu đóa sen gợi mở. Hai cặp câu đối ở 4 hàng cột cùng cặp rồng vươn mình chầu về Bảo đài Thiên thủ - Thiên nhãn càng tăng thêm tính chất huyền diệu chốn Thiền môn. Tại Bảo điện ngoài các tượng thờ: đức Phật Di Đà, Chư Bồ tát, Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, Phật Thích Ca, Văn Thù, Phổ Hiền, Phật Di Lặc, Dược Sư, Bồ tát Địa Tạng, Tôn Giả A Nan; còn có thờ đức Quan Thánh và Lê Sơn thánh mẫu. Phía sau, tiền Tổ thờ Tổ sư Đạt Ma, hậu Tổ thờ di ảnh cố Ni sư Thích nữ Như Linh.
Năm 1986, Ni sư xây dựng phòng thuốc từ thiện, xã hội với tinh thần cứu khổ độ sanh; Ni sư trực tiếp khám chữa bệnh, hốt thuốc, bấm huyệt và duy trì phòng thuốc đến năm 1998.
Tượng Phật nhập Niết Bàn
Dòng suối nguồn trước chùa cũng được cải tạo: lát kè đá chẻ dọc hai bờ, bắc cầu qua lại. Đồng thời xây dựng Thánh miếu Cửu Thiên Huyền Nữ (18m) bằng bê tông cốt thép. Năm 1996, xây dựng 6 cảnh động tâm của đức Phật: đản sanh, xuất gia, khổ hạnh, thành đạo, chuyển pháp luân, nhập Niết bàn. Sáu cảnh này được phân bố đan xen cùng các mảng cây xanh nối liền khuôn viên Phật Tích Tòng Lâm tạo không gian thuần khiết của cõi Phật. Năm 2000, Ni sư xây dựng Bảo đài tôn thờ đức Phật Di Lặc. Đến ngày 11 /5 âm lịch năm 2001, Ni sư đã hóa duyên ký tất. Môn đệ pháp quyến Đạo Tràng Bạch Liên đồng xây dựng chơn tháp tôn chí Huyễn thân cố ân Sư... Cổng tam quan với 3 cấp mái uy nghiêm, trang trí Bát Chánh đạo trên đỉnh nóc. Ngoài ra, nơi đây cũng được tô điểm bởi hệ thống câu đối chữ Hán và các mảng hoa văn hình học, sen dây. Nét kiến trúc cơ bản chùa Bạch Liên giản dị, mang phong cách Á Đông thể hiện trên các đầu đao cong vút, mái ngói chồng diêm, con sơn, hoa văn kỷ hà, Bửu tháp ... Nghệ thuật bày trí trong chùa được dùng hai phông màu trắng - xanh hòa quyện nhau. Màu xanh của ngói lưu ly như màu lá sen, màu trắng của các mảng trang trí sen búp, sen dây - ngoài biểu trưng cho sự thanh khiết còn có ý nghĩa là những dấu sen bước chân Phật hình thành trong hơn 2.600 năm qua.
Ni Cô Thích Nữ Như Linh
Các hạng mục kiến trúc đơn lẻ phân bố hai bên bờ suối đan xen cùng các mảng cây xanh tạo nên một tổng thể hài hoà thanh tịnh, quanh khuôn viên lắng nghe tiếng xì xào của lá, của gió hoà quyện cùng tiếng chuông chùa khiến ta như gác lại mọi lo toan thường nhật, dung thông với vô thường vĩnh cửu. Về Bạch Liên ta sẽ hiểu thêm tâm nguyện của người dày công kiến tạo duy trì nền Đạo pháp. Những cống hiến của Giác Linh Ni sư Thích nữ Như Linh đã được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Huy chương "Vì sự nghiệp Chữ Thập đỏ" năm 2000, cùng nhiều bằng khen, giấy khen của Giáo Hội cũng như của Nhà nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét