19 tháng 4, 2022

Chùa Viên Âm

CHÙA VIÊN ÂM
  • Tên gọi cũ: Tịnh thất Phước Hưng
  • Địa điểm: ấp 2, xã An Phước, huyện Long Thành
  • Năm xây dựng: 1976
  • Người trụ trì: Thượng tọa Thích Minh Đáo
  • Năm trùng tu: 1993
  • Hệ phái: Bắc Tông
  • Điện thoại: 061. 546163
Chùa Viên Âm cách thị trấn Long Thành 3 km về hướng bắc, thuộc địa phận xã An Phước, huyện Long Thành.

Chùa Viên Âm do Thượng tọa Thích Minh Đáo thế danh Võ Văn Lai sáng lập trên khu đất mua lại của ông Nguyễn Văn Hải.

Nguyên thủy, chùa Viên Âm chỉ là một tịnh thất nhỏ bằng tranh, tre, mái lá, nền đất với biển hiệu "Tịnh thất Phước Hưng", đến tháng 2 năm 1993 ngôi tịnh thất được trùng tu lại lấy tên là "Chùa Viên Âm" (theo quyết định số 096 TVP/ĐTS) do Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai cấp.

Thượng tọa Thích Minh Đáo đã sử dụng hai chữ "Viên Âm" đặt làm tên chùa với ý nghĩa: chữ "Viên" có nghĩa một con người học đạo hiểu được trọn vẹn chân lý Đại thừa liễu, chữ "Âm" có nghĩa là tiếng phát âm của người hiểu được chân lý Đại thừa.

Chùa Viên Âm

Thượng tọa Thích Minh Đáo, sinh năm 1951, tại xã Long Thọ, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông là thư ký Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo huyện Long Thành khóa 2, Phó Đại diện khóa 3, Chánh Đại diện khóa 4 và khóa 5, là Đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Long Thành. Thầy được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh Đồng Nai, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Nai, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai trong công tác hoạt động từ thiện xã hội. Tháng 2/1998, thầy được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tấn phong Thượng tọa và bổ nhiệm trụ trì chùa Viên Âm.

Chùa Viên Âm tọa lạc trên khu đất bằng phẳng rộng 2.000 m² ở địa bàn đông dân cư ở miệt vườn huyện Long Thành. Chùa có lối kiến trúc tân cổ kết hợp hài hòa. Chánh điện được xây dựng theo lối kiến trúc cổ, mái chồng diêm, đúc bê tông cốt thép. Các đầu mái uốn cong được trang trí rồng lá cách điệu chầu về Bảo điện. Mái trước có lầu chuông và lầu trống tạo cho chánh điện vừa đại vừa cổ kính lại thanh thoát, nhẹ nhàng.

Chánh điện lại được xây dựng theo kiểu nhà ống, với kiến trúc nhà "Xuyên trính" tạo cho không gian chánh điện thông thoáng rộng rãi.

Thượng Tọa Thích Minh Đáo

Chánh điện có diện tích 140 m² gồm hai phần, phía trước thờ Phật, sau thờ Tổ. Tại Phật điện, trên nóc mái được xây dựng nhô lên một chóp tháp hình bát giác để tận dụng ánh sáng tự nhiên từ trên chiếu xuống nơi thờ Phật, tạo cho nơi đây vừa có không gian sáng sủa, vừa mang vẻ trang nghiêm huyền bí. Trong chánh điện thờ đức Bổn Sư Thích ca Mẫu ni tọa trên đài sen, bên cạnh có Văn Thù Bồ tát tay cầm gậy Như ý tượng trưng cho trí tuệ và Phổ Hiền Bồ tát tay cầm Bông sen tượng trưng cho đức hạnh, tiếp đến là đức Phật Di Lặc, phía dưới là chuông và mõ. Đối diện Phật điện có bàn thờ Hộ Pháp và Tiêu Diện. Sau chánh điện là Tổ đường, tại đây có bàn thờ Tổ Sư Đạt Ma - Tổ của phái Thiền Tông (Trung Quốc) và cũng là người khai sáng môn võ Thiếu Lâm nổi tiếng.

Đến với chùa Viên Âm không những chúng ta được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc mang đậm phong cách phương Đông mà bước chân vào đây, du khách sẽ tận hưởng được hết sự thâm nghiêm, tĩnh mặc của cõi Thiền.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét