- Địa điểm: ấp Bà Ký, xã Long Phước, huyện Long Thành
- Niên đại dựng chùa: không rõ năm
- Năm trùng tu: 1931, 1996.
- Người chủ trương xây dựng: Sư cô Thích nữ Huệ Đạo và bô lão địa phương
- Trụ trì hiện nay: Sư cô Thích nữ Huệ Đạo
- Hệ phái: Bắc Tông
Nguyên thủy chỉ là một ngôi chùa nhỏ, lợp lá đơn sơ, do dân làng dựng lên. Sau đó, không rõ năm nào có một vị Sư về trụ trì, hiện nay trong chùa vẫn còn thờ long vị của Sư: "Lâm Tế Chánh Tông, tứ thập nhứt thế, hủy Nhựt Thăng, thượng Thiện hạ Bình, giải tân yết ma Giác Linh". Sở dĩ long vị này còn là vì lúc Pháp chiếm chùa đã đem hết những tượng Phật và long vị Tổ quăng ra ruộng, dân làng đem về gởi ở chùa Bửu Lộc (Long Thành). Năm 1997, Thượng tọa chùa Bửu Lộc cho các bộ lão thỉnh về lại chùa cũ thờ cho đến nay.
Từ khi xây dựng ngôi chùa đến nay đã trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa, tiêu biểu là lần đại trùng tu khoảng năm 1931 khi ấy ngôi chùa tranh xuống cấp, ông bà Trần Khắc Nhượng là Hội đồng quản hạt quận Long Thành phát tâm xây dựng ngôi chùa lá bằng vật liệu nặng: tường xây bằng đá chẻ dày 0,4cm, cột chánh điện bằng đá, mái lợp ngói ống. Mấy năm sau, có một vị Tăng là người xã Hội Mỹ (huyện Nhơn Trạch) bị mù nhưng giỏi nghề bốc thuốc và coi tướng số về trông coi nhang khói trong chùa. Năm 1946, thực dân Pháp chiếm chùa làm đồn bót để chống phá cách mạng, ông thầy mù cũng sơ tán đi nơi khác và không rõ tịch ở đâu?. Năm 1947, Pháp rút đi, nhân dân địa phương đã tự đốt chùa theo chủ trương của cách mạng "tiêu thổ kháng chiến" chùa bị cháy hết chỉ còn trơ lại 4 cây cột và 4 bức tường đá. Trải qua hơn 40 năm (1947-1993) ngôi cổ tự với những cột đá, tường rêu nhuốm khói lửa chiến tranh và thời gian, vẫn đứng trơ trọi trong khu đồng vắng, do nhân dân địa phương còn nghèo không đủ kinh phí trùng tu.
Năm 1994, bô lão địa phương gồm các cụ: Nguyễn Văn Chà, Bùi Văn Hương, Nguyễn An Cư làm đơn gởi và được chính quyền địa phương, huyện Long Thành cho phép trùng tu lại ngôi chùa trên nền cũ. Để có người trụ trì, trông coi việc xây cất, hai vị Thượng tọa: Thích Chơn Định, trụ trì tu viện An Lạc Hạnh, Thích Minh Lạc trụ trì chùa Pháp Hưng cố vấn hướng dẫn các vị bô lão mời Sư cô Thích nữ Huệ Đạo, thế danh Huỳnh Thị Lình đang tu học ở tịnh thất Pháp Vũ, thôn Vạn Hạnh, thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về chùa thừa kế các bậc tiền nhân để trùng tu ngôi cổ tự. Ngày 29-9-2000, Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai ký quyết định bổ nhiệm trụ trì cho Sư cô (QĐ số 184/QĐ/BTS).
Chùa Bửu Long (chưa trùng tu)
Đứng trước ngôi cổ tự điêu tàn sụp đổ, tứ bề cỏ sậy lau gai, cơ sở hạ tầng tối thiểu cũng không có, Sư cô cũng muốn chùn bước, nhưng vì hạnh nguyện độ tha và trước tấm lòng tha thiết mong mỏi của nhân dân muốn có ngôi chùa làng, nên bước đầu dù gặp rất nhiều khó khăn, Sư cô cũng cố gắng hết sức kêu gọi sự hảo tâm đóng góp của Phật tử xa gần. Nhờ vậy, chỉ 2 năm sau (1996-1997) Sư cô đã cho xây dựng và hoàn thành các công trình: nhà Tổ, trùng tu Đại hùng Bảo điện trên nền, cột, tường đá cũ, sau đó tiếp tục xây nhà Cửu huyền, nhà trù...
Chùa Bửu Long kiến trúc kiểu chữ Đinh (丁), tọa lạc trong khu đất có diện tích rộng 2.000 m². Mặt tiền chùa quay về hướng nam. Trước chùa có đài Quan Âm lộ thiên. Chánh điện kiến trúc kiểu nhà tứ trụ, diện tích (12mx12m), tường xây bằng đá chẻ, cột trụ cũng đá chẻ cao 8m. Mái cổ lầu lợp ngói đỏ nhô cao khỏi nóc chùa chính. Bốn góc mái tạo dáng uốn cong, nhẹ nhàng thanh thoát. Từ xa đã nhìn thấy ngôi cổ tự sừng sững vừa hiện đại vừa cổ kính.
Chùa Bửu Long là ngôi chùa cổ của xã Long Phước nhưng hoạt động lại rất trầm lặng vì chùa tọa lạc ở nơi hẻo lánh, cách xa Quốc lộ 51 nên Phật tử xa gần chưa biết nhiều lắm về ngôi chùa này.
Hằng năm chùa cúng Tổ vào tháng hai. Ngoài ra vào rằm tháng 7 âm lịch tổ chức lễ Vu Lan, để Phật tử có dịp bày tỏ lòng nhớ ơn, biết ơn các đấng sanh thành. Trong dịp này chùa có kết hợp với Hội Chữ thập đỏ xã phát quà tình thương cho dân nghèo.
Hiện nay việc trùng tu ngôi chùa chưa hoàn chỉnh, phía trước mái hiên chùa chưa tô, chưa trang trí. Sư cô Thích nữ Huệ Đạo còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để hoàn chỉnh ngôi cổ tự.
Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét