20 tháng 4, 2022

Pháp Hưng cổ tự

PHÁP HƯNG CỔ TỰ
  • Địa điểm: ấp Phước Hòa, xã Long Phước, huyện Long Thành
  • Năm khai sơn: thế kỷ XIX
  • Trụ trì hiện nay: Thượng tọa Thích Minh Lạc
  • Năm trùng tu:
  • Hệ phái: Bắc Tông (Thiên Thai Giáo Quán Tông)
  • Điện thoại: 061. 841320
Chùa Pháp Hưng nguyên là chùa Già Lam thành tạo cách đây gần 200 năm. Theo các bộ lão trong làng thì chùa được xây dựng vào khoảng năm 1810 trong một khu rừng với vật liệu đơn sơ, mái lá, vách ván. Năm 1926, ông bà Nguyễn Văn Thông phát tâm cúng dường cho chùa 2 phần ruộng để tạ ơn. Năm 1935, với sự góp công của Phật tử chùa được trùng tu lại: mái lợp ngói âm dương, vách ván, nền lát gạch Tàu. Chùa Già Lam thờ: Quan Công, Quan Bình, Châu Xương (những vị phúc thần của người Trung Hoa). Năm 1936, chùa đổi tên thành "Tập Phước Tự", do thủ tạ Lê Văn Chính trụ trì. Năm 1945, trước sự chuyển biến của đất nước, quê hương, ngôi chùa cũng chịu chung hoàn cảnh thăng trầm của thế sự, khói lửa, đạn bom đã tàn phá hoàn toàn. Đến năm 1966, do nhu cầu tâm linh của các Phật tử cần có một ngôi chùa để tịnh tâm, ông Lê Văn Chính và Võ Văn Nêu phát tâm cúng tole và xi măng để trùng tu khôi phục lại chùa. Năm 1972, Hòa thượng Thượng Đạt Hạ Hảo cố vấn cho chùa đổi tên lại thành Pháp Hưng theo hệ phái dòng Thiên Thai Giáo Quán Tông và chứng minh cho Hòa thượng Thích Tắc Phước trụ trì. Năm 1984, Hòa thượng viên tịch, kế vị là Thượng tọa Thích Minh Lạc trụ trì cho đến nay.

Chùa Pháp Hưng

Thượng tọa Minh Lạc, sinh quán tại Phú An (Cai Lậy-Tiền Giang), xuất gia tu học với Hòa thượng Thượng Thiên Hạ Bình Viện chủ Tổ đình Thiên Phước (Tiền Giang). Kế tục những công trình còn dang dở của các bậc tiền bối, Thượng tọa Thích Minh Lạc cùng với các Phật tử của mình đã kiến thiết trùng tu toàn bộ ngôi chùa như ngày nay.

Pháp Hưng Tự tọa lạc trên một khuôn viên đất rộng khoảng 4.000 m², kiến trúc theo lối chữ Đinh (丁) gồm chánh điện, nhà hậu Tổ và giảng đường nối tiếp nhau. Cổng chùa xây theo kiểu tam quan, trên hai trụ nổi bật câu đối:

Pháp bổn vô pháp đốn giáo trụ phi không diệu nghĩa.
Hưng Từ tánh hưng tiêm tu trì thị giả quy nguyên.

Hai chữ đầu câu liễn đối ghép lại là tên hiệu của chùa (Pháp Hưng). Chánh điện được xây khá bề thế, mái "thượng lầu, hạ hiên", lợp ngói, duyên dáng với những bờ nóc cong vút, các đầu mái trang trí biểu tượng "Cửu long phún thủy". Nội thất chánh điện trang nghiêm với những cột cao treo câu đối:

Phật tổ thân chinh, tỳ ni thọ hạ khai môn tử chúng ngộ hoằng đăng qui chính pháp.
Thích Ca diệu dụng song lâm thị tịch huyền ký tam thừa lãnh hội đắc kiến Như Lai.

Phật Điện

Gian chính của chánh điện thờ Bổn sư Thích ca Mâu ni; hậu điện thờ Đạt Ma Tổ sư, tượng Hộ Pháp và đức Địa Tạng Vương Bồ tát. Ở gian thờ Địa Tạng có hai câu đối:

Địa Linh độ nhơn quy Cực lạc
Tạng Thức phù chúng hội quang minh

Hậu Tổ thờ Phật Di Đà và Chuẩn Đề Bồ tát. Ở gian thờ Tổ cũng treo hai câu đối:

Thiếu thất đình tiền thiền trượng bạch vân hàn lập tuyết
Huỳnh Mai lâm lý, nhứt luân minh nguyệt dạ truyền y.

Chùa Pháp Hưng thành tạo bằng công sức của những người một lòng với Phật pháp. Chùa là một trong những cơ sở tham gia tốt phong trào từ thiện của địa phương, đã được Nhà nước tặng Huy chương "Vì sự nghiệp Chữ Thập đỏ Việt Nam" và nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh Đồng Nai và huyện Long Thành.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét