20 tháng 4, 2022

Chùa An Linh

CHÙA AN LINH
  • Địa điểm: ấp 3, xã Tam An, huyện Long Thành
  • Niên đại dựng chùa: đầu thế kỷ XX
  • Trụ trì hiện nay: Sa môn Thích Minh Trí
  • Hệ phái: Thiên Thai Giáo Quán Tông
  • Điện thoại: 061. 546335
Theo lời kể của ông Hai Ngưu và ông Ba Yên là các bô lão ở địa phương, nay đã ngoài 80 tuổi cho biết: Chùa An Linh có cách ngày nay hơn 100 năm. Ngôi chùa có từ đời cha của các ông. Sáng lập chùa An Linh là ông Võ Văn Bửu, người ở địa phương xuất gia. Sau khi Ngài viên tịch, kế thừa trụ trì chùa là ông Đinh Văn Sanh, pháp danh Thiện Thu.

Chùa An Linh

Nguyên thủy, chùa An Linh có qui mô khá lớn gồm 3 nếp nhà nối tiếp nhau: chánh điện, nhà Tổ, nhà trù (nhà bếp), được xây cất bằng vật liệu: tường gạch, cột cây, mái ngói âm dương. Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có hai ngôi Bảo tháp.

Năm 1968, Mỹ-ngụy nghi ngờ chùa có nuôi giấu cán bộ cách mạng nên đã dùng xe tải ủi chùa thành bình địa.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1975), có ông Biện Tư là người có uy tín ở địa phương đứng ra vận động nhân dân trong làng góp công, của xây dựng lại ngôi chùa ở vị trí cũ có diện tích 77 m² (11mx7m) bằng vật liệu bán kiên cố bao gồm: chánh điện và hậu Tổ. Sau đó giao chùa cho cô Sáu Vân là cư sĩ lo hương khói.

Đến năm 1985, một số Phật tử ở địa phương làm đơn gởi Ban Tôn giáo Tỉnh và Ban Trị sự Hội Phật giáo Đồng Nai xin được thỉnh thầy Thích Minh Trí về trụ trì chùa (khi ấy, thầy Minh Trí đang tu học và làm thuốc Nam tại chùa Pháp Hoa, xã An Phước) được Ban Tôn giáo và Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh chấp thuận, Chánh Đại diện Phật giáo huyện Long Thành khi ấy là Thượng tọa Thích Trí Thâm cùng Viện chủ chùa Bửu Lâm, tu viện An Lạc Hạnh, chính quyền địa phương và một số Tăng Ni trong huyện làm lễ cung đón Thượng tọa Thích Minh Trí về chùa.

Được sự giúp đỡ của các chính quyền, đồng bào Phật tử địa phương, huyện Long Thành và Tp.Hồ Chí Minh; đặc biệt có sự trợ duyên rất lớn của các gia đình: ông Đức Phương, cô Ba Hồng, cô Diệu Hiền, cô Diệu Hoa, Quảng Ngọc, Thanh Mai, An Bảo, chú Ba Thúy (Minh Luận), chú Lân (Trung Tín)... ; hội đủ duyên lành, ngày 10/9/1987, chùa An Linh được đại trùng tu bằng vật liệu bền vững có kiến trúc như hiện nay.

Chùa tọa lạc trên một khuôn viên đất rộng khoảng 4.400 m², xung quanh có hệ thống tường rào gạch và kẽm gai. Mặt tiền chùa quay theo hướng bắc. Cổng chùa xây kiểu cổng tam quan, phía trên có cặp rồng chầu mặt trời bằng gốm men xanh.

Chùa xây theo dạng kiến trúc cổ Á Đông giản dị hài hòa, với hai nếp mái chồng diêm. Phía trước có lầu chuông và lầu trống. Bờ nóc mái có cặp rồng chầu Bát chánh đạo bằng xi măng, ngoài cẩn sành nhiều màu óng ánh, mang dáng dấp kiến trúc những ngôi chùa cổ ở cố đô Huế.

Chánh điện có diện tích 200 m² (25mx 8m) gồm: tiền điện, chánh điện và hậu điện.

Tiền điện chia làn ba gian: gian giữa thờ tượng Phật Di Lặc tọa thiền ở tư thế thảnh thơi. Hai gian bên thờ Hộ Pháp và ông Tiêu.

Tượng Quan Thế Âm

Chánh điện có bệ thờ xây gạch xi măng, bề mặt ốp gạch men và đá hoa cương chia làm ba bậc: bậc trên cùng sát mái nhà thờ Bổn sư Thích ca Mâu ni, tượng cao 2,1m đúc bằng đồng. Bậc giữa thờ tượng Phật đản sinh. Bậc dưới thờ 7 pho tượng Phật Dược Sư bằng gốm Trung Quốc, được trang trọng đặt trong lồng kính. Bậc cuối cùng là bộ Tam sự (lư hương, chân đèn, chuông gia trì, mõ gỗ). Giữa chánh điện và tiền điện có đỉnh khá lớn làm bằng đá rửa.

Sa môn Thích Minh Tri

Hậu điện thờ Đạt Ma Tổ Sư và bài vị của thầy Thiện Thu cùng các vị sáng lập tự. Đối diện bàn thờ Tổ là bàn thờ Chuẩn Đề Bồ tát, tượng tạc bằng gỗ cẩm lai. Phía sau tượng Chuẩn Đề là ba dãy bàn Quả đường. Gian cuối cùng là nhà giảng thờ: tượng Địa Tạng Vương Bồ tát cao 1,6m, đúc bằng đồng và vong linh thiện nam, tín nữ. Hàng năm vào ngày 17/7 âm lịch, chùa An Linh tổ chức đại lễ Vu Lan có lễ bông hồng cài áo rất long trọng. Dịp này, chùa phát quà cho đồng bào nghèo ở trong xã.

Sa môn Thích Minh Trí, thế danh Nguyễn Minh Long, sinh năm 1936, trong một gia đình nông dân tại tỉnh Tiền Giang, thọ Tỳ kheo năm 1980 tại chùa Long Hoa (Bà Rịa). Thầy và chúng trong chùa tu theo lối: Phước Huệ song tu. Ngoài nhiệm vụ trụ trì ngôi Tam bảo, thầy Minh Trí còn rất tích cực vận động nhân dân, Phật tử đóng góp cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt và cứu giúp những đồng bào nghèo khó, dân tộc ít người trong tỉnh. Thầy Minh Trí có một hoài bão nung nấu từ bao năm nay là mở một bệnh viện cho Tăng Ni chữa bệnh và hướng dẫn họ tu tập đi vào Chánh pháp.

Nguyện cầu đức Phật gia hộ cho Phật sự này sớm thành hiện thực.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét