21 tháng 4, 2022

Chùa Bửu Tháp

CHÙA BỬU THÁP
  • Tên gọi cũ: Tịnh Thất Bửu Tháp
  • Địa điểm: tổ 2, ấp Đồng , xã Phước Tân, huyện Long Thành
  • Năm xây dựng: 1970
  • Người trụ trì: Đại đức Thích Vạn Đức
  • Năm trùng tu: 1994
  • Hệ phái gốc: Bắc Tông
  • Điện thoại: 061. 930413
Năm 1970, Đại đức Thích Ngộ Chơn (thế danh Nguyễn Đình Thọ) đã xây dựng một tịnh thất nhỏ bằng tranh tre, vách lá trên diện tích đất khai phá và lấy tên là Bửu Tháp. Xuất xứ của "Bửu Tháp" được trích trong Kinh Pháp Hoa đoạn "Phẩm hiện bửu tháp thứ 11". Bửu Tháp còn có nghĩa nữa là "Tháp quý" nhằm nhắc nhở các môn đệ cùng quý Phật tử gần xa, hãy nâng niu giữ gìn và hướng về cội rễ của chốn Thiền môn.

Chùa Bửu Tháp

Tịnh thất Bửu Tháp tồn tại được 24 năm, trải qua các đời trụ trì: Đại đức Thích Ngộ Chơn (1970-1983), Thượng tọa Thích Đồng Nghĩa (1983-1989), Đại đức Thích Vạn Đức (1989 đến nay). Năm 1994, ngôi tịnh thất xuống cấp trầm trọng, được sự ủng hộ của quý Phật tử gần xa Đại đức Thích Vạn Đức đại trùng tu ngôi tịnh thất và đổi tên thành chùa Bửu Tháp.

Chùa Bửu Tháp được xây dựng trên cơ sở mô phỏng lại kiến trúc và nền văn hóa cố đô Huế với điểm nhấn cơ bản là kiến trúc nơi chánh điện và hạng mục tháp, động, cùng, mảng văn hóa thể hiện trên nền kiến trúc đó. Các yếu tố trên hòa quyện lẫn nhau, bổ sung và tôn thêm giá trị văn hóa kiến trúc nghệ thuật của ngôi chùa.

Chánh điện của chùa Bửu Tháp được kiến trúc theo kiểu nhà tứ trụ, cột ẩn tường, đặc biệt hành lang đông, tây, trước, sau tạo không gian chánh điện thoáng mát và rộng rãi. Trên Bảo điện được bài trí các tượng thờ: đức Bổn sư Thích Ca, Quan Âm Nam Hải, Địa Tạng Vương Bồ tát, đức Phật Di lặc. Tiền điện thờ Tiêu Diện và Hộ Pháp; bên tả là đại hồng chung cao 2m đường kính 90cm. Trên tường chánh điện được bài trí bảy bức tranh lấy trong kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni xuất tượng. Đấy là bảy vị Bồ tát luôn bảo bọc, chở che cho mọi người khi làm bất kỳ việc gì và tâm hướng thiện.

Đại Đức Thích Vạn Đức

Mặt tiền chánh điện có dạng cổ lầu mái chồng diêm, mô phỏng theo kiến trúc Ngọ môn (Huế). Các đầu đao đầu uốn cong trở lên, đấy là hình tượng rồng lá chầu về bốn hướng theo quan niệm Phật ngự tại bốn phương. Phía trên cổ lầu có 4 bức phù điêu diễn tả quãng đời của đức Phật: đản sinh, xuất gia, nhập Niết bàn và thành đạo. Trên nóc là hình tượng rồng chầu Bánh xe Pháp luân.

Hành lang ngoài chánh điện trang trí 3 bức quyển thư: Đại Hùng Bảo Điện, Từ Bi, Hỉ Xả. Và 3 cặp liễn đối chữ Hán do Đại đức Thích Vạn Đức sáng tác.

Trước chánh điện nơi sân chùa là 4 rồng vươn mình về phía trước được chế tác công phu. Hai bên là 2 con lân và 2 đỉnh hương bằng đá mang tính nghệ thuật cao. Cặp rồng ẩn vào cột như bảo bọc che chở cho ngôi chánh điện.

Phía trái chánh điện là tháp Phổ Đồng 7 tầng. Sư trụ trì đã mượn con số bảy "Thất trùng lan thuấn" trong kinh Di Đà để tượng trưng cho ý tưởng của mình. Tháp cao 15m hình lục giác, mái giả ngói, các đầu đao đều trang trí rồng lá chầu tâm tháp. Quanh lan can tháp là 6 bức tranh đắp nổi sắc sảo, chuyển tải các mô típ: sơn thủy, tùng lộc, trúc tước... Mỗi bức tranh đều phụ đề ứng tác lúc thì tức cảnh sinh tình, khi thì mượn các tích trong kinh Phật. Tầng hai của tháp là 5 chữ Hán: Lâm, Chung, Tây, Phương, Cảnh (người theo đạo Phật, tâm thành thì khi mất đi được trở về với cảnh giới Tây phương).

Cổng tam quan mô phỏng theo trụ biểu hay trụ đèn tại cố đô Huế. Quanh 4 mặt của từng trụ được đắp nổi phù điêu phong cảnh sơn thủy của đất nước; câu đối chữ Hán. Trụ đèn có 3 tầng, các tầng đều có mái và rồng chầu, đỉnh là bông sen.

Ý tưởng trang trí các đề tài dân gian, tứ linh, nội dung sâu sắc của các câu đối chữ Hán nơi chánh điện, cổng, động, tháp mang tính nghệ thuật cao đều do Đại đức Thích Vạn Đức thiết kế và thể hiện trên công trình kiến trúc của mình. Sự sống động của nghệ thuật bài trí đã tạo cho chùa Bửu Tháp nét riêng biệt, đặc trưng, sáng tạo.

Đại đức Thích Vạn Đức nguyên quán Quảng Nam-Đà Nẵng, tốt nghiệp Trung cấp Phật học. Hiện là giảng viên y Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai, là đại diện Phật Phước Tân, thành viên Mặt trận Tổ quốc xã Phước Tân, đại biểu Hội đồng nhân dân xã khóa 7 và 8. Ông đã được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai tặng bằng: Tán dương công đức, bằng khen của Mặt trận Tổ quốc huyện Long Thành. Ông là thành viên tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội. Năm 1996, Đại đức Thích Vạn Đức nhận quyết định bổ nhiệm trụ trì tại chùa Bửu Tháp.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)
Chùa Bửu Tháp

Tên tự viện: CHÙA BỬU THÁP

Địa chỉ: Số 90, Quốc lộ 51, tổ 4, khu phố Hương Phước, phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Số điện thoại liên lạc: 091 3980382.

Hệ phái: Bắc tông

Tông phong: Liễu Quán

Năm thành lập: 1970.

Khai sơn: Cố Đại đức Thích Ngộ Chơn.

Trụ trì hiện nay: Hòa thượng Thích Vạn Đức. (ĐT: 091 3980382).

Chùa Bửu Tháp đã được GHPGVN và Nhà nước công nhận.








Đức Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét