21 tháng 4, 2022

Chùa Pháp Hoa

CHÙA PHÁP HOA
  • Địa điểm: ấp 8, xã An Phước, huyện Long Thành
  • Năm xây dựng: 1966
  • Nguyên trụ trì: Cố Hòa thượng Thích Thiện Thắng
  • Năm trùng tu: 1980, 1992
  • Hệ phái : Bắc Tông
  • Điện thoại: 061. 512210
Năm 1966, Sư cô Diệu Đức đứng ra thành lập chùa Pháp Hoa, nguyên thủy là ngôi cốc nhỏ bằng tranh tre vách lá. Sau giải phóng, Sư cô cúng dường cho Hòa thượng Thích Thiện Thắng, thế danh Nguyễn Trí Tài, nhằm kế tục sự nghiệp đạo pháp cũng như khai mở và duy trì công tác từ thiện xã hội, cứu khổ độ sinh. Năm 1992, Hòa thượng cho xây dựng mới ngôi chánh điện cách vị trí cũ 100m.

Chùa Pháp Hoa

Kết cấu chùa bằng bê tông cốt thép được phân cấp thành 2 tầng trệt lầu riêng biệt, mái có kiến trúc kiểu chồng diêm, lợp ngói. Đặc biệt các đầu đao đều uốn cong trang trí các mô típ: lân, long, quy, phụng và đuôi chim hạc.. tạo nét thanh thoát. Phân bố tổng thể chùa theo chữ Công (工) một lối bài trí thường gặp trong các công trình kiến trúc cổ, bao gồm: tiền điện, chánh điện, hậu Tổ.

Tiền điện có dạng kiến trúc cổ lầu, nổi bật là lầu chuông, lầu trống. Mái cổ lầu trên các đầu đao là motíp tứ linh, cẩn thủy tinh màu cùng chầu về cặp rồng cuộn vào nhau nâng niu quả minh châu. Mặt tiền là 5 bức tranh đắp nổi: Đản sanh, xuất gia, thành đạo, thuyết pháp cho Phật mẫu Ma Da, nhập Niết bàn rất sống động. Bức cuốn thư chính giữa có hàng chữ "Pháp Hoa Tự"; hai bên là "Pháp Luân Thường Chuyển" và "Phật Quang Phổ Chiếu" bằng chữ Hán sắc nét, chân phương. Họa tiết tinh xảo lân, long hòa quyện chầu cửa Phật, cặp sư tử đá (biểu tượng tiền kiếp của Phật) ở trước cửa chùa ... vừa tạo nét thẩm mỹ vừa mang tính biểu trưng sâu xa.

Chánh điện nối thông với tiền điện gồm: giảng đường (lầu 1) và nơi thờ tự (lầu 2). Chánh điện được bố trí hành lang nội cùng 2 hàng cột tròn với rồng mây uốn lượng chầu vào nhau khiến không gian thờ tự mở rộng.

Toàn bộ khuôn bông trang trí trên tường đều dùng biểu tượng sen dây, búp sen tạo sự tinh khiết, trong lành. Nơi Phật điện với đức Phật uy nghi tọa đài sen; bên trái là đức Văn Thù Bồ tát tay cầm sen, bên phải là đức Phổ Hiền Bồ tát tay cầm gậy Như ý, được sơn son thếp vàng trang nghiêm. Phía trước là cặp lục bình sơn mài cao 2m. Bao lam xi măng đắp nổi mô típ tứ linh tạo sự trang nghiêm nhưng vẫn gần gũi. Tượng đức Quan Âm, Thế Chí Phật, Di Đà, Hộ Pháp và Tiêu Diện bài trí trong khoảng không gian giữa chánh điện và tiền điện tạo nét riêng trong nghệ thuật bài trí.

Phật Điện

Nối dài phía sau là: Trai đường (lầu 1) và hậu Tổ (lầu 2). Hậu Tổ có dạng nhà ngang 2 mái, cột vuông ẩn tường, kèo trính vuông bê tông giả gỗ. Hệ thống cột tròn giả gỗ đỡ mái kết nối nhau bằng cây xiên xuyên tâm cột cùng hoa văn kỷ hà trang trí tạo không gian thông thoáng mang nét kiến trúc thường gặp ở Thiền viện. Phía trước chùa là đài Quan Âm hình tứ trụ tọa lạc giữa hồ sen đường kính 25m phần nào tăng thêm cảnh trí huyền diệu của chốn Thiền môn. Với hạnh nguyện đào tạo Tăng tài, Ban Trị sự, Ban Giáo dục Tăng Ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai cùng cố Hòa thượng Thích Thiện Thắng đã mở lớp bổ túc giáo lý (năm 1989) tại chùa Pháp Hoa. Chùa Pháp Hoa là cơ sở chính thức của trường Cơ bản Phật học tỉnh Đồng Nai (1992-1999) đào tạo trên 400 Tăng Ni sinh (khoá 2 và 3). Chùa thành lập Phòng khám Y học dân tộc cổ truyền hàng ngày khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho hàng trăm bệnh nhân. Trong thời gian dài, phòng khám y học dân tộc cổ truyền là cơ sở khám chữa bệnh nổi tiếng trong và ngoài nước. Dưới sự trụ trì của Hòa thượng Thích Thiện Thắng (nay đã viên tịch), chùa luôn hoàn thành tốt mọi việc Phật sự theo tinh thần hòa cùng đạo pháp dân tộc và được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét