23 tháng 4, 2022

Chùa Liên Trì

CHÙA LIÊN TRÌ
  • Địa điểm: ấp Hàng Gòn, xã Lộc An, huyện Long Thành
  • Năm khai sơn: 1978
  • Người trụ trì: Ni sư Thích nữ Như Định
  • Năm trùng tu: 1980, 1995, 1998
  • Hệ phái gốc: Khất Sĩ, nay là Bắc Tông
  • Điện thoại: 061. 845384
Năm 1978, Sư cô Thích nữ Như Định (nay là Ni sư Như Định) về ấp Hàng Gòn, xã Lộc An cất một ngôi chùa nhỏ trên khu đất gần 5.000 m² của cô Tâm ở Thủ Đức (Tp. Hồ Chí Minh) cúng dường, đặt tên là Liên Trì để tịnh tu, hoằng dương Phật pháp.

Năm 1980, Sư cô Như Định được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai bổ nhiệm trụ trì chùa Liên Trì cho đến nay.

Năm 1995, được sự trợ duyên của Phật tử gần xa, Ni sư Như Định đã làm đơn gởi chính quyền địa phương xin được trùng tu lại ngôi chùa trên nền cũ và được chấp thuận (giấy phép xây dựng số 291/GP.UBH, ngày 19-9-1995) của UBND huyện Long Thành.

Chánh điện được xây dựng lại có diện tích 72 m² (12mx6m), cao 8m. Mặt tiền chùa quay hướng bắc (ban đầu quay hướng đông).

Chùa Liên Trì

Để hoàn thiện ngôi chùa, năm 1998, Ni sư Như Định lại tiếp tục làm đơn gởi UBND huyện Long Thành xin đại trùng tu lại Tổ đường. Ngày 4-5-1998, UBND huyện Long Thành ra quyết định số 159/GP.UBH cho phép trùng tu nhà hậu Tổ chùa Liên Trì có diện tích 120 m² (12mx10m).

Chùa Liên Trì, từ ngôi chùa tranh, tre, lá nay đã trở thành ngôi chùa có qui mô và kiến trúc khá bề thế.

Chùa tọa lạc trong một khu đất rộng có nhiều cây ăn trái. Trước chùa có tượng Quan Thế Âm lộ thiên. Chùa xây bằng gạch, nền lót gạch bông, hai mái lợp tôn giả ngói màu đỏ. Chánh điện khang trang, rộng rãi. Điện Phật được bày trí trang nghiêm. Các pho tượng thờ đều khá lớn, thếp vàng lộng lẫy. Phía trên cùng thờ Di Đà Tam tôn (chính giữa là đức Di Đà, hai bên là Quan Thế Âm và Đại Thế Trí). Bậc kế tiếp: Chính giữa thờ Bổn sư Thích ca Mâu ni, tả hữu là Văn Thù Bồ tát và Phổ Hiền Bồ tát. Bậc cuối cùng thời đức Phật Di Lặc. Các pho tượng làm bằng chất liệu xi măng, đúc tại lò Giác Hải (Tp. Hồ Chí Minh) năm 1995, riêng tượng Phật Di Lặc làm tại Đài Loan, chất liệu bằng sành. Giữa hai cột ở bàn thờ Phật có tấm bao lam bằng xi măng giả gỗ trang trí đề tài rồng, phụng chầu mặt trời sơn son thếp vàng. Phía trên là biểu tượng cuốn thư nổi bật dòng chữ Hán: "Đại hùng Bảo điện".

Sau chánh điện là nhà Tổ còn gọi là Tổ đường. Nơi đây thờ đức Bồ Đề Đạt Ma và đức Bồ tát Chuẩn Đề. Phía trên có các tấm hoành phi nội dung: "Tổ Ấn Trùng Quang", "Pháp Luân Thường Chuyển", "Phật Pháp Vô Biên".

Sư Cô Thích Nữ Như Định

Ni sư Như Định, thế danh Nguyễn Thị Bình, sinh năm 1943, quê tại xã Lộc An (huyện Long Thành), Sư cô xuất gia năm 1960, tu học đầu tiên tại tịnh xá Ngọc Thành (thị trấn Long Thành) thuộc hệ phái Khất Sĩ, thọ Tỳ kheo năm 1970 tại tịnh xá Ngọc Phương (Tp. Hồ Chí Minh).

Sau ngày miền Nam giải phóng, Ni sư về quê Lộc An cất chùa để tịnh tu và đổi sự tu tập từ hệ phái Khất Sĩ sang phái Bắc Tông.

Từ năm 1980 đến nay, Ni sư Như Định đã trải qua các chức vụ: Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ là thành viên Ban chấp hành Chữ Thập đỏ và là Ủy viên Mặt trận Tổ quốc xã Lộc An. Ngoài việc tu hành, Ni sư còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, giúp đỡ người nghèo khó, neo đơn ở địa phương, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt... Ni sư đã nhận được nhiều giấy khen của BCH hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Nai về các thành tích trên.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét