20 tháng 4, 2022

Chùa Thiền An

CHÙA THIỀN AN
  • Địa điểm: ấp 4, xã Tam An, huyện Long Thành
  • Năm xây dựng: 1925-1926
  • Người trụ trì: Đại đức Thích Thiện Duyên
  • Năm trùng tu: 1984
  • Hệ phái gốc: Tịnh Độ Tông
  • Điện thoại: 061. 546343
Chùa Thiền An xây dựng khoảng năm 1925-1926 do bà Phủ Niệm là cư sĩ ở thành phố Hồ Chí Minh đến lập để tu tại gia. Năm 1960, cư sĩ Phủ Niệm pháp tâm cúng dường cho ông Nguyễn Văn Tôn là người địa phương trông coi, chăm sóc. Nguyên thủy, chùa Thiền An kiến trúc theo lối mái bánh ít gồm chánh điện và nhà giảng xây nối tiếp nhau, mái lợp ngói âm dương, vách ván, hệ thống cột và vì kèo bằng gỗ. Chiến tranh cộng với những biến đổi khắc nghiệt của thiên nhiên, ngôi chùa đã xuống cấp đi nhiều. Đến năm 1984, được sự trợ duyên của Giáo Hội, thầy Thiện Duyên về trụ trì chùa và đã tôn tạo lại ngôi chánh điện. Năm 1996, thầy Thiện Duyên đứng ra lo việc đại trùng tu lại ngôi chùa bằng vật liệu kiên cố: tường gạch, mái ngói. Năm 1999, xây thêm nhà Ni và cổng chùa.

Chùa Thiền An

Với lối kiến trúc đơn giản mộc mạc, chùa Thiền An tọa lạc trên khuôn viên đất rộng khoảng 5.500 m² rợp bóng cây xanh. Chánh điện kết cấu theo kiểu tứ trụ, bốn cột cái tạo thành một gian trung tâm vuông vắn, hệ thống xà ngang, vì kèo bằng xi măng đỡ lấy mái ngói. Hành lang phía trước rộng, thoáng đãng. Phật điện đặt ở trung tâm chánh điện thờ Tam Thế Phật (A Di Đà, Quan Âm, Thế Chí), Bổn sư Thích ca Mâu ni, Đại trí Văn Thù, Đại hạnh Phổ Hiền; tiền điện là gian thờ Hộ Pháp, Tiêu Diện; hậu điện thờ Đạt Ma Tổ sư, long vị và di ảnh cố Hòa thượng đã tịch. Trước cổng chánh điện là đài Phật Di Lặc, Dược Sư, Quan Âm, Thiên thủ Thiên nhãn dưới tàn cây bồ đề. Không hoành tráng uy nghi như những ngôi đại tự khác, chùa Thiền An lặng lẽ giấu mình sau những tàn cây xanh, hàng đêm tiếng chuông chùa lại vang lên đem duyên lành đến cho mọi người. Với giáo lý từ bi, vị tha, vô ngã, thầy Thiện Duyên từ khi phát tâm xuất gia cho đến nay lúc nào cũng đem khả năng và tấm lòng phục vụ đạo pháp, phục vụ xã hội. Hàng năm, thầy đều tham gia các phong trào từ thiện của địa phương và trực tiếp đi cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt. Dân làng quanh vùng rất mến mộ đức độ của thầy nên vào những dịp lễ, các ngày rằm thường đến chùa tụng kinh, nghe thầy giảng đạo rất đông.

Phật Điện

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét