- Địa điểm: ấp Phước Hội, xã Long Hưng, huyện Long Thành
- Năm khai sơn: khoảng cuối thế kỷ XVIII
- Người trụ trì: Đại đức Thích Tịnh Hiệp
- Năm trùng tu: 1954, 1995 và 2001
- Hệ phái gốc: Bắc Tông
- Điện thoại: 0913. 774444
Theo các cụ bộ lão trong làng kể lại thì: chùa Long Bửu được nhân dân làng Long Hưng (nay là xã Long Hưng) xây dựng cách nay khoảng 200 năm. Năm 1946, thực hiện lệnh tiêu thổ kháng chiến, chùa Long Hưng bị đốt cháy.
Năm 1954, hòa bình lập lại, dân làng cùng đóng góp công của xây dựng lại ngôi chùa, trên nền ngôi chùa cũ, bằng vật liệu kiên cố, đồng thời thỉnh Yết Ma ? (nay không rõ pháp danh) về trụ trì.
Từ khi khai sơn cho đến nay, chùa Long Bửu đã trải qua 3 lần trùng tu vào các năm: 1954, 1995 và 2001. Được các Tổ sư nối tiếp các đời trụ trì: Yết Ma ? (1954-1964), Hòa thượng Trụ Khải (1965-1980), Hòa thượng Thích Thiện Thọ (1981-1991), Hòa thượng Thích Thiện Phát (1992-1997) và trụ trì chùa hiện nay là Đại đức Thích Tịnh Hiệp (từ năm 1998).
Đại đức Thích Thiện Hiệp, thế danh Lương Thanh Tâm, sinh năm 1971 trong một gia đình có truyền thống Phật giáo ở Sài Gòn. Năm 15 tuổi, Đại đức xuất gia tại tịnh thất Nhật Quang, (Q.Bình Thạnh Tp.Hồ Chí Minh), sau đó tu tập tại Điện Bà (núi Bà Đen - Tây Ninh). Đến 1992, thầy về lại Tp.Hồ Chí Minh tu tập tại chùa Phật Quang. Đến năm 1998, được sự thỉnh cầu của Ban Hộ tự chùa Long Bửu cùng các Phật tử trong chùa và được sự đồng ý của Ban đại diện Giáo hội Phật giáo huyện Long Thành, thầy về đảm trách công việc trụ trì tại chùa Long Bửu. Hiện nay, thầy đang chờ quyết định bổ nhiệm trụ trì chính thức của Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai.
Từ khi xuất gia đến nay, Đại đức Tịnh Hiệp không ngừng trao đổi kiến thức đời và đạo, thầy đã tốt nghiệp trường Cao đẳng Phật học (Tp.Hồ Chí Minh), tham dự lớp dự thính giảng sư Trung ương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và luôn làm tốt công tác giữa đạo và đời.
Đại Đức Thích Tịnh Hiệp
Mặc dù chùa đã được trùng tu sửa chữa bằng vật liệu kiên cố, song nhìn chung, Long Bửu Tự vẫn giữ được những đường nét kiến trúc của một ngôi chùa làng đặc trưng ở Nam bộ. Chánh điện được xây dựng theo lối kiến trúc dạng nhà tứ trụ (nhà vuông, nhà mái bánh ít), với kết cấu sườn mái theo kiểu "tứ tượng", diện tích chánh điện được mở rộng ra 4 phía bằng bộ kèo đâm và kèo quyết vuông vức. Chùa thờ theo trường phái truyền thống: tiền Phật, hậu Tổ (trước thờ Phật, sau thờ Tổ). Nội thất chánh điện là một không gian rộng rãi, thoáng mát. Tượng thờ ở đây được giản lược đi nhiều, nhưng không vì thế mà điện thờ Phật kém vẻ tôn nghiêm. Đặc biệt, chùa còn cặp liễn đối hình lòng máng với nội dung câu chữ tinh túy, hoa văn trang trí sắc sảo và một trống Bát Nhã (đường kính 80cm dài 1,2m); Trống được làm từ một thân cây gỗ lớn, khoét rỗng bên trong tạo cho tiếng kêu của trống vang xa, trầm lắng và một tiểu hồng chung (đường kính 50cm) có từ thời lập chùa. Phía sau Phật điện có một bức tranh phong cảnh vẽ trên tường làm nền phông để tôn trí tượng Tổ sư Đạt Ma cùng một số linh vị của các Tổ sư đã trụ trì tại chùa.
Khác với chánh điện, nhà hậu Tổ được xây dựng theo kiến trúc nhà ngang (3 gian 2 mái). Tại đây, thờ tượng Chuẩn Đề và Địa Tạng cùng các di ảnh, hương linh của Phật tử gần xa.
Rải rác dưới bóng cây cổ thụ trong khuôn viên của chùa có tượng Phật Di Lặc và Quan Âm Bồ tát lộ thiên tạo cảnh quan và làm tăng thêm vẻ linh thiêng của ngôi chùa.
Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét