14 tháng 4, 2022

Chùa Long Quang

CHÙA LONG QUANG
  • Địa điểm: tổ 27, khu phố 4, phường Tân Mai, Tp. Biên Hòa
  • Năm khai sơn: 1890
  • Trụ trì hiện nay: Đại đức Thích Thiện Huệ
  • Năm trùng tu: 1956, 1986
  • Hệ phái: Bắc Tông (Lâm Tế Chánh Tông)
  • Điện thoại: 061. 813586
Nằm cách Quốc lộ 15 khoảng 50m về hướng tây, trong khuôn viên rộng 3000 m², có nhiều cây cao bóng mát, thuộc phường Tân Mai (Tp. Biên Hòa), chùa Long Quang được Phật tử gần xa biết đến như một ngôi chùa cổ có kiến trúc dạng "Chùa làng" còn sót lại ở Đồng Nai.

Chùa Long Quang

Theo lời kể của các bô lão ở địa phương và vị sư trụ trì tại chùa thì: Long Quang Tự được nhân dân làng Tam Hiệp xây dựng vào khoảng năm 1890. Khi ấy, chùa có bộ sườn, mái theo kiểu "tứ tượng", cột gỗ tròn có đế kê cao, vách ván, mái lợp ngói âm dương.

Năm 1946, thực hiện lệnh "tiêu thổ kháng chiến", chùa Long Quang bị thiêu hủy hoàn toàn.

Năm 1956, chùa được xây dựng lại trên nền cũ: tường xây, cột kèo gỗ, mái lợp ngói vẩy cá, có Đông lang và Tây lang. Đây là một kiểu kiến trúc của chùa làng xưa. Từ khi khai sơn đến nay, chùa Long Quang đã trải qua nhiều đời Sư trụ trì. Ban đầu chùa do Ban Hộ tự làng quản lý.

Năm 1972, Thượng tọa Thích Thiện Tấn, tu tập tại chùa Đại Phước, được dân làng thỉnh về trụ trì tại chùa cho đến năm 1983 thì viên tịch. Sau đó, Thượng tọa Thích Thiện Hanh tu tập tại chùa Long Thiền, được Giáo hội Tỉnh bổ nhiệm về trụ trì, đến năm 1991 thì viên tịch. Kế tiếp, Đại đức Thích Thiện Huệ (là con thứ hai của Thượng tọa Thích Thiện Tấn) được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai bổ nhiệm về trụ trì cho đến ngày nay.

Đại đức Thích Thiện Huệ, thế danh Lê Văn Phúc, sinh năm 1973 trong một gia đình gốc Phật giáo ở phường Bửu Hòa - Tp. Biên Hòa. Ông nội và phụ thân đều xuất gia tu tập tại các chùa lớn trong tỉnh. Từ nhỏ, cậu bé Phúc đã thích nghe tiếng chuông chùa nên thường theo ông và cha vào chùa bái Phật. Năm lên 11 tuổi, thầy bắt đầu xuất gia tu tập tại chùa Long Thiền "cái nôi" của Phật giáo đàng Trong. Trong thời gian tu tập tại chùa, thầy đã tốt nghiệp trường Trung cấp Phật học vào năm 1992. Hiện nay, với cương vị người trụ trì, ngoài công việc hoằng pháp độ sanh, Đại đức Thiện Huệ còn tích cực tham gia công tác xã hội được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ Tp. Biên Hòa, là Đại biểu Hội đồng nhân dân phường Tân Mai khóa 7 và 8, kiêm Ban Đại diện Phật giáo, thành viên Mặt trận Tổ quốc phường Tân Mai.

Đại Đức Thích Thiện Huệ

Chùa Long Quang dù đã được trùng tu 2 lần, nhưng vẫn còn lưu giữ được những đường nét cổ kính ban đầu. Gian chánh điện tuy không được hoành tráng như một số chùa khác ở Đồng Nai nhưng lại là nơi tập trung các pho tượng cổ quý của chùa. Tại Phật điện còn lưu giữ pho tượng cổ Di Đà, Ngọc Hoàng Thượng Đế bằng gỗ mít rừng. Ngoài ra, trong chánh điện còn bài trí một số tượng cổ như: Thập điện Minh Vương, Thập bát La Hán, Quan Thánh Đế Quân, Châu Xương, Quan Bình cũng được tạc bằng gỗ mít rừng. Đây là những pho tượng hiếm, ít thấy ở các ngôi chùa có niên đại muộn.

Sau chánh điện là nhà Tổ, trên tường có bức tranh phong cảnh làm nền, tôn thờ tượng Bồ Đề Đạt Ma và di ảnh của Thượng tọa Thích Thiện Tấn, Thích Thiện Hanh là những vị sư đã trụ trì tại chùa.

Tiếp nối với nhà Tổ là giảng đường có diện tích khá lớn nơi sư trụ trì hoằng đạo thuyết pháp và tiếp khách. Ở đây chỉ thờ một pho tượng cổ (ông Giám Trai). Hiện nay trong khuôn viên chùa, ngoài đài Quan Thế Âm Bồ tát còn có đài thờ Phật Di Lặc, mái ngói màu lưu ly đã góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp cổ kính cho ngôi chùa.

Có thể nói chùa Long Quang là một trong những ngôi chùa cổ ở Đồng Nai còn lưu giữ lại nhiều dấu tích của một ngôi chùa làng. Đặc biệt ở đây còn lưu giữ các pho tượng cổ bằng gỗ. Bước chân vào đây, du khách sẽ tận hưởng mùi thơm của bông sứ, bông xoài, hoa ngọc lan cùng sự tĩnh lặng của chốn Thiền môn giữa nơi phố thị ồn ào.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét