13 tháng 4, 2022

Chùa Phước Long

CHÙA PHƯỚC LONG
  • Tên gọi khác: Chùa Gò Cát
  • Địa điểm: ấp Tam Hòa, xã Hiệp Hòa (Cù lao Phố), Tp. Biên Hòa
  • Khai sơn: khoảng đầu thế kỷ XIX
  • Người tạo dựng: Mục đồng
  • Trụ trì hiện nay: Sư cô Thích nữ Như Hoài
  • Năm trùng tu: 1942, 1972, 1998
  • Hệ phái: Bắc Tông
  • Điện thoại: 061. 855015
Chùa Phước Long còn có tên gọi là chùa Gò Cát (chùa xây trên gò cát), do nhóm mục đồng dựng lên cách nay khoảng 200 năm. Năm 1912 có ông Đào Văn Nuôi là cư sĩ tại gia ở địa phương đã đến chùa trông coi, nhang đèn, tụng kinh, niệm Phật (hiện nay, ngôi mộ của ông Đào Văn Nuôi vẫn còn tại chùa, nhưng mộ bia bằng đá khắc chữ đã lu mờ).

Chùa Phước Long

Nguyên thủy, chùa chỉ là một lều rơm thờ nhiều tượng Phật nhỏ bằng đất sét do nhóm mục đồng nặn. Năm 1942, chùa bị dột nát, ông Đào Văn Nuôi đã vận động Phật tử ở địa phương trùng tu, mở rộng ngôi chùa: vách bằng gỗ, nền xi măng, mái lợp ngói âm dương. Đến năm 1972, Hòa thượng Thích Huệ Đức, trụ trì tại chùa đã cho xây dựng lại toàn bộ ngôi chùa: tường xây bằng gạch, xi măng, mái lợp ngói vẩy cá, mở rộng diện tích chùa, xây nhà khách, nhà thờ vong ở phía sau chánh điện. Năm 1998, Sư cô Thích nữ Như Hoài, trụ trì tại chùa đã cùng với một số Phật tử trùng tu lại nhà khách, xây nhà Cửu huyền Thất Tổ.

Chùa Phước Long tọa lạc trên một gò cao, có diện tích khoảng 5.000 m², xung quanh có nhiều cây dầu cổ thụ, toả bóng mát. Chùa xây cất theo kiểu chữ Công (工) có diện tích 279 m² gồm: chánh điện, nhà khách và nhà vong (nay là nhà Ni ở) tiếp nối nhau theo chiều dọc. Mặt tiền chùa quay theo hướng đông nam. Chùa thấp, mang dáng dấp chùa xưa, giống kiến trúc chùa thời nhà Trần ở miền Bắc. Tường xây bằng gạch tô vôi, 4 mái lợp ngói vẩy cá. Trên bờ nóc có cặp rồng chầu bằng gốm men xanh. Trên cửa chính ra vào mặt tiền chùa có tấm biển gỗ khắc dòng chữ Hán "Phước Long Cổ Tự". Sân chùa khá rộng, láng xi măng. Giữa sân có bệ thờ Phật Di lặc, gần cổng ra vào có tượng Quan Âm lộ thiên cao 3m.

Sư Cô Thích Nữ Như Hoài

Chánh điện có diện tích 144 m² (12mx12m), xây cất theo kiểu tứ trụ, 4 cột chính bằng gỗ gõ đỏ rất đẹp. Chính giữa chánh điện có bàn thờ Phật xây bằng gạch xi măng, chia làm 3 bậc.

Bậc trên cùng sát mái nhà thờ bộ Di Đà Tam tôn ở tư thế đứng, tượng cao 2,5m. Bậc giữa thờ bộ Di Đà Tam tôn ở tư thế tọa thiền, tay cầm bông sen. Bậc cuối cùng thờ đức Bổn sư Thích Ca tọa thiền, tượng Phật đản sanh, Phật Dược Sư. Hai bên cửa ra vào thờ ông Tiêu và ông Hộ Pháp.

Sau Bảo điện là nơi thờ Tổ sư Đạt Ma. Tả hữu thờ Quan Âm Bồ tát và Địa Tạng Vương Bồ tát. Ngoài ra còn thờ: Quan Công (Quan Vân Trường), Quan Bình và Châu Xương là những vị phúc thần của Trung Quốc. Trải qua hơn 200 năm, chùa Phước Long cũng đã trải qua 8 đời trụ trì và quản tự:

1. Ông Đào Văn Nuôi (là cư sĩ)

2. Hòa thượng Thích Huệ Đức (Tổ khai sơn)

3. Hòa thượng Thích Huệ Phú

4. Hòa thượng Thích Giác Phổ

5. Hòa Thượng Thích Giác Hoàng

6. Thượng tọa Thích Thiện Thuận

7. Sư cô Thích nữ Như Trí (Quản tự)

8. Sư cô Thích nữ Như Hoài (hiện đang trụ trì tại chùa)

Hàng năm, chùa tổ chức giỗ Tổ vào ngày 29/7 âm lịch. Ngoài ra, còn tổ chức cúng lớn vào lễ Phật Đản (15/4 âm lịch) và Vu Lan (15/7 âm lịch) có Phật tử gần xa và nhân dân địa phương đến tham dự.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)
Ngôi chùa mang tên Mục Đồng

Ở miền Nam có nhiều ngôi chùa được gọi là chùa Mục Đồng lắm. Truyền thuyết chung về tên gọi Mục Đồng của các ngôi chùa này là: Trẻ chăn trâu dùng đất sét nặn tượng Phật, rồi lập am để thờ. Nhờ Phật ấn chứng tâm thành thuần khiết của chúng, cho nên một số am, chùa mục đồng đơn sơ với các tượng Phật đất sét hồn nhiên sau này đã trở thành những ngôi chùa khang trang rộng lớn. Bổ sung cho truyền thuyết này còn có lời kể sau: Mục đồng nặn tượng Phật rồi thả xuống nước (sông, rạch), tượng nào nổi tức là linh thiêng sẽ được mang lên thờ. Các am, chùa ấy thường có tên là chùa Phật nổi...

Ngày nay còn rất nhiều ngôi chùa mục đồng ra đời theo lời kể như vậy đã trở nên khang trang, nổi tiếng và được khách thập phương kính viếng, như chùa Phật Nổi (Phước Lâm tự) ở Củ Chi, chùa Long Phước ở Bến Tre, chùa Thanh Trước, Thiên Trường ở Gò Công, chùa Sắc Tứ Linh Thứu ở Châu Thành, Tiền Giang…

Phước Long cổ tự, còn gọi chùa Gò Cát, theo lời kể là một ngôi chùa do mục đồng khởi dựng

Chỉ riêng tại Biên Hòa (và chỉ kể những ngôi chùa mà tui có dịp may biết đến) đã có đến 3 ngôi chùa mang tên chùa Mục Đồng có nguồn gốc theo lời kể giống như trên. Đó là các ngôi chùa:
  • Chùa Phước Long, ở ấp Tam Hòa, xã Hiệp Hòa (Cù lao Phố), còn gọi là chùa Gò Cát (vì chùa xây trên Gò Cát) do mục đồng lập nên cách đây hơn 200 năm. Nguyên thủy, chùa là một lều rơm thờ nhiều tượng Phật nhỏ bằng đất sét do mục đồng nặn.
  • Chùa Phước Hội, ở ấp Nhất Hòa, xã Hiệp Hòa (Cù lao Phố), còn gọi là chùa Mục Đồng vì do nhóm trẻ mục đồng dựng lên vào năm 1862. Ban đầu chỉ là một am nhỏ, lợp lá.
  • Chùa Bửu Linh, ở ấp Tân Mỹ, phường Bửu Hòa, cũng có tên gọi là chùa Mục Đồng. Theo lời kể, trẻ chăn trâu nặn tượng Phật bằng đất sét, thả xuống sông, tượng Phật nổi lên được mang đi thờ dưới gốc cây già. Đến năm 1935, hình thành chùa với vách bằng cây lá, mái lợp ngói.
Chỉ riêng ở Cù lao Phố đã có tới hai ngôi chùa mục đồng. Chùa Phước Hội ngày nay đã được xây dựng lại khá quy mô.


Chùa Phước Hội đã được trùng tu lớn năm 2012

Riêng ngôi chùa Phước Long, vừa còn giữ nét mộc mạc đơn sơ, vừa nằm ở nơi thôn quê vắng vẻ nên tạo được cảm giác yên ả, trầm mặc của một ngôi cổ tự bình dị.

Cổng sau chùa Phước Long

Sân chùa

Chùa thấp, kiến trúc đơn giản. Khuôn viên chùa rộng đến 5.000 met vuông, nơi ấy có những cụm tượng khá đơn giản, mộc mạc, có những tiểu cảnh gần gũi với thiên nhiên.



Trong sân chùa có những ngôi cổ mộ, tạo thêm vẻ cổ kính.


Tui thích ngồi nơi đây. Yên ả, tĩnh lặng. Trong một ngôi chùa vắng lặng, bình yên giữa một vùng quê vắng lặng, bình yên. Nhìn lá vàng rơi trong sân chùa, nhìn vị ni nhẹ nhàng quét lá...



Và một đặc điểm nữa càng tạo thêm vẻ yên bình, tĩnh lặng của ngôi Phước Long cổ tự là những cây dầu cổ thụ ở quanh chùa. Cây xanh trầm mặc, vươn cao, tỏa bóng mát yên lành khiến ta quên hẳn đi những lao xao, phù phiếm chốn bụi trần...



(Tui viết về ngôi chùa mục đồng này không phải với tư cách một Phật tử hay một người nghiên cứu mà chỉ là cảm nhận của một gã lang thang. Các bạn muốn tìm hiểu thêm về chùa Phước Long xin đọc tại đây: Chùa Phước Long)

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét