13 tháng 4, 2022

Chùa Già Lam Thiện Sanh

GIÀ LAM THIỆN SANH
  • Địa điểm: khu phố 6, phường Tân Tiến, Tp. Biên Hòa
  • Năm xây dựng: 1967
  • Người trụ trì: Thầy Thích Phước Minh
  • Năm trùng tu: 2000-2001
  • Hệ phái: Bắc Tông (Phật giáo Việt Nam thống nhất)
  • Điện thoại: 061. 826377
Tọa lạc trong khu dân cư đông đúc, ở Trung tâm Tp. Biên Hoa, cách Quốc lộ 1 khoảng 100 m về hướng tây, Già Lam Thiện Sanh được Phật tử gần xa biết đến không chỉ là nơi trở Phật, mà còn là nơi mở rộng vòng tay nhân ái đến với người nghèo khổ, trẻ mồ côi, khuyết tật, những nạn nhân chiến tranh... của vị tu sĩ giàu lòng từ bi bác ái. Đó là thầy Thích Phước Minh, thế danh Phạm Văn Chơn.

Già Lam Thiện Sanh

Thầy Thích Phước Minh, sinh năm 1942 trong một gia đình Phật giáo gốc ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Phụ thân là một nhà giáo. Vâng theo lời di chúc của từ mẫu, năm lên 6 tuổi, thầy xuất gia tu học tại chùa Từ Đàm - một trong những ngôi chùa nổi tiếng ở xứ Huế do ngài Minh Hoàng Tử Dung đời thứ 34 dòng Lâm Tế khai sơn để hoằng dương Phật pháp theo phái Thiền Lâm Tế.

Năm 1958, thầy tu học tại Viện Phật học Nha Trang. Năm 1963, thầy vào Sài Gòn để tham dự cuộc đấu tranh đòi bình đẳng của những người Phật giáo và tu học tại chùa Ấn Quang, đồng thời đảm trách cương vị Phó Giám đốc Cô nhi Quách Thị Trang.

Trong bước đường tu học của mình, thầy đã chứng kiến bao cảnh đời bất hạnh của các em nhỏ mồ côi, tàn tật do ảnh hưởng chất độc chiến tranh. Để có kiến thức phụng sự chúng sanh bằng con đường đạo pháp, thầy đã quyết tâm học cả hai chương trình nội điển (Phật học) và ngoại điển (thế gian). Năm 1964, thầy nhận 02 bằng đại học (Đại học Phật giáo và Đại học Bách Khoa Phú Thọ tại Sài Gòn).

Năm 1967, theo sự phân công của Giáo Hội, thầy về Biên Hòa mở trường Kỹ thuật Phật giáo và khai sơn Già Lam Thiện Sanh. Với quan điểm "phụng sự chúng sanh là báo đáp Hồng ân chư Phật", nên Già Lam Thiện Sanh luôn mở rộng vòng tay nhân ái đến với chúng sanh đang gặp khổ đau, mất mát và nghèo khó trong xã hội.

Thầy Thích Phước Minh

Bằng nguồn kinh phí thu nhập từ chính sức lao động của bản thân (trồng cây kiểng, bán bông) thầy đã xây dựng trường dạy nghề từ thiện vào năm 1992 ngay khuôn viên chùa để dạy cho con em lao động ở địa phương và một quán cơm xã hội phục vụ cho mọi tầng lớp nhân dân với giá chỉ 2.000 đ/suất. Bằng những việc làm thiết thực, mỗi năm Già Lam Thiện Sanh đã xây được từ 2 đến 3 căn nhà tình thương, tình nghĩa, cứu trợ đồng bào bão lụt khắp ba miền đất nước, trợ giúp học sinh nghèo hiếu học, những trẻ em tật nguyền bất hạnh.

Nói về thầy Thích Phước Minh có lẽ ai cũng biết: thầy là một vị tu sĩ sống cuộc đời thanh bạch, giản dị, lấy công việc từ thiện làm niềm vui trong cuộc sống tu hành của mình.

Mỗi dịp xuân về, người ta thường thấy ở Hội hoa Xuân của Tp. Biên Hòa có một vị tu sĩ áo lam bán từng chậu bông, góp nhặt từng đồng để cứu giúp chúng sanh đang trong bể khổ đó chính là thầy Thích Phước Minh của Già Lam Thiện Sanh.

Với tấm lòng nhân từ, bác ái, cứu nhân độ thế, thầy đã được tặng nhiều bằng khen của Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai, Hội Chữ thập đỏ Tp. Biên Hòa và phường Tân tiến. Đặc biệt, thầy được tặng thưởng Huy chương "Vì sự nghiệp Nhân đạo" của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý "Nhà giáo ưu tú", di dự Hội nghị "Nhà giáo ưu tú" lần thứ nhất của Nhà nước tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Hiện tại, thầy là thành viên của Hội từ thiện Quảng Nam - Đà Nẵng.

Với quan điểm: "đạo pháp và dân tộc luôn hòa quyện vào nhau" nên trong kiến trúc và cách bài trí của Già Lam Thiện Sanh cũng không ngoài mục đích ấy.

Ở khoảng sân rộng trước chánh điện có các nhóm tượng bằng đất nung: đức Phật nhập Niết bàn giữa hai gốc cây sa la song thọ, đức Phật hóa độ trẻ chăn trâu và người nông dân. Hai tác phẩm này do thầy Phước Minh sáng tác. Ngoài ra, còn có tháp thờ Tổ Bồ Đề Đạt Ma, tượng Tam Thế Phật. Phía sau bộ Tam Thế là bức phù điêu mặt trống đồng Ngọc Lũ biểu tượng văn hóa Việt Nam thời các vua Hùng. Ở hai bên bậc tam cấp vào chánh điện là cặp rồng vàng chầu về Tam Thế Phật và phù điêu trống đồng, mang dụng ý: đạo Pháp và dân tộc luôn gắn liền với nhau.

Mặc dù ngôi chùa đã được trùng tu, xây mới bằng vật liệu bền vững, song những đường nét kiến trúc cổ, mang đậm phong cách Á Đông đã được thể hiện một cách hài hòa, uyển chuyển trong kiến trúc của Già Lam Thiện Sanh. Chánh điện được xây dựng dạng cổ lầu, các đầu mái uốn cong, trên bờ nóc trang trí cặp lưỡng long chầu Bát Chánh đạo tạo cho mái chùa nửa tân, nửa cổ, thanh thoát, nhẹ nhàng.

Nội thất chánh điện là một không gian rộng rãi, thoáng mát với lối kiến trúc cột âm tường chỉ tôn thờ duy nhất tượng Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật.

Đến Già Lam Thiện Sanh, chúng ta được đắm mình trong không gian tĩnh lặng của chốn Thiền môn, tham quan trường dạy nghề miễn phí cho con em tầng lớp lao động, được trò chuyện với thầy trụ trì và được bái Phật, cúng dường, làm điều phúc đức.

Tâm sự với chúng tôi, thầy Thích Phước Minh bộc bạch: Ước mơ và mong muốn duy nhất của thầy là biên soạn và cho phát hành cuốn sách "Những cảnh đời bất hạnh do ảnh hưởng của chất độc chiến tranh" để kêu gọi lòng hảo tâm của các Phật tử gần xa, chia sẻ nỗi đau bất hạnh với họ. Nguyện cầu Hồng ân chư Phật gia hộ cho Phật sự này sớm thành hiện thực.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)
Chùa Già Lam Thiện Sanh

Tên tự viện: CHÙA GIÀ LAM THIỆN SANH

Địa chỉ: 120/68/22 Nguyễn Ái Quốc, Khu phố 6, phường Tân Tiến, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Số điện thoại liên lạc: 0937836192.

Hệ phái: Bắc tông

Tông phong: Nguyên Thiều

Năm thành lập: 1967.

Khai sơn: Hòa thượng Thích Phước Minh

Trụ trì hiện nay: Đại đức Thích Trung Phú

Chùa Già Lam Thiện Sanh đã được GHPGVN và Nhà nước công nhận.




Hòa thượng Thích Phước Minh

Thanh Huyền
Ban TTTT GHPGVN TP. Biên Hòa - 26/05/2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét