24 tháng 4, 2022

Chùa Quang Mỹ

CHÙA QUANG MỸ
  • Địa điểm: ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch
  • Niên đại dựng chùa: 1925
  • Người xây dựng: ông bà Lê Văn An và Nguyễn Thị Lâu
  • Trụ trì hiện nay: Ni sư Thích nữ Như Thuận
  • Năm trùng tu: 1990-1993
  • Hệ phái: Bắc Tông
  • Điện thoại: 061. 848779
Quang Mỹ Tự do ông bà Phủ tỉnh Sóc Trăng, thế danh Lê Văn An và Nguyễn Thị Lâu tạo dựng vào năm 1925, lễ khánh lạc năm 1926. Ban đầu ngôi chùa chỉ có chánh điện và hậu Tổ cũng là hậu liêu thờ Cửu huyền, Đông lang, Tây lang được xây dựng bằng gạch thẻ tô vôi, ô dước; móng bằng đá xanh, nền lát gạch Tàu; mái lợp ngói âm dương.

Chùa Quang Mỹ

Từ năm tạo dựng đến nay chùa trải qua các đời trụ trì: Hòa thượng Hoằng Đạo, cư sĩ Cả Hiền, Hòa thượng Thích Chí Hảo. Trụ trì chùa hiện nay là Ni sư Thích nữ Như Thuận.

Trải qua thời gian dài chịu sự tác động của thời tiết và chiến tranh tàn phá, ngôi chùa bị xuống cấp. Cuối năm 1990, Sư cô Như Thuận đã đứng ra chỉ đạo trùng tu lại nóc mái chánh điện. Tháng 12 năm Tân Mùi (1991) dựng tượng Quan Thế Âm Bồ tát lộ thiên trước chùa; tượng đúc bằng xi măng cao 3,6m. Năm 1992, Sư cô tiếp tục cho trùng tu nhà hậu Tổ thành giảng đường. Năm 1993, trùng tu lại nóc chánh điện, mái cổ lầu, lợp ngói tây; làm thêm mái nối giữa chánh điện và giảng đường làm nhà hậu Tổ; trùng tu lại mái giảng đường, Đại hùng Bảo điện; tu sửa các công trình sinh hoạt như: nhà trù (nhà bếp), giếng nước, tạo khuôn viên cảnh quan trong chùa...

Chùa Quang Mỹ tọa lạc trong khu đất rộng gần 2 hecta, do chiến tranh một số hộ gia đình ở nơi khác đã về đây lánh nạn xin ở tạm trên đất chùa nên nay thu hẹp chỉ còn trên 3.000m, mặt tiền quay theo hướng bắc nhìn ra lộ 19 con đường liên xã. Bao bọc quanh chùa là hàng rào lưới B.40. Trước chùa có tượng Quan Âm lộ thiên. Sau chùa có khu mộ cổ (song mộ của ông bà tạo dựng chùa). Cảnh chùa Quang Mỹ thanh nhã với khoảng sân rộng trước chánh điện có nhiều chậu cây kiểng được bài trí khoa học, đẹp mắt. Bên phải chánh điện là rặng tre xanh um, phất phơ, xào xạc trong gió - khung cảnh đặc trưng của một vùng quê Nam bộ.

Nổi bật ở trung tâm là ngôi chùa kiến trúc kiểu chữ Tam (三) có cải biên gồm: chánh điện, hậu Tổ, giảng đường diện tích gần 600m nối liền theo trục dọc. Chánh điện xây cất kiểu tứ trụ, lối xây cất đình, chùa truyền thống ở Nam bộ. Mái cổ lầu, lợp ngói tây, các góc mái uốn cong trang trí rồng cách điệu. Giữa nóc mái là bàn tay mền mại nâng niu "Bát Chánh đạo" biểu tượng của đạo Phật.

Dãy nhà Khách

Nội thất chánh điện thoáng rộng, nổi bật 4 cột xi măng tròn giả gỗ, đường kính 45cm. Trên mỗi cột đều treo hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng. Ở Đại hùng Bảo điện (bàn thờ Phật) thờ bộ Di Đà Tam tôn, tượng bằng gỗ mít nài, ngoài khoác y dát vàng. Ngoài ra còn thờ tượng Thích ca Mâu ni, Quan Công, Ngọc Hoàng Thượng đế, Nam Tào, Bắc Đẩu.... Các pho tượng này đều được tạc bằng gỗ mít. Chùa có đại hồng chung khá lớn, đúc năm 1926 (năm tạo lập chùa). Sau chánh điện là hậu Tổ, tả hữu là Đông lang và Tây lang rộng rãi. Mái hậu Tổ có lối kiến trúc khá đặc biệt: ở hai bên đầu hồi có hai nóc mái hình tháp nhô cao khỏi nóc chùa chính. Đây là dạng mái kiến trúc theo trường phái Ấn Độ. Tiếp theo nhà Tổ là giảng đường. Nhà Tổ và giảng đường được nối liền với nhau không có hệ thống tường ngăn cách, tạo cho không gian ở đây rất thoáng rộng, mát mẻ. Ngoài ra, chùa còn có các công trình phụ: hai dãy nhà khách diện tích 250 m² và một số liêu, thất để các Ni chúng trong chùa tịnh tu.

Nhìn chung, chùa Quang Mỹ được xây dựng theo kiến trúc vừa cổ điển vừa hiện đại, sự thâm trầm ẩn trong dáng vẻ thanh thoát, bay bổng. Nét độc đáo của ngôi chùa là sự kết hợp giữa khuôn viên, sân vườn, mái chùa cổ kính, Bảo tháp, tượng đài... vươn lên tầm cao. Ban đầu chỉ là ngôi chùa nhỏ, nơi tu hành, tín ngưỡng của các bậc tiền nhân, tôn túc. Ngày nay, chùa Quang Mỹ đã là một đại Già Lam tiêu biểu của huyện Nhơn Trạch-Đồng Nai.

Ni sư Như Thuận, thế danh Bùi Thị Nở, sinh năm 1943 tại Sài Gòn (nay là Tp. Hồ Chí Minh), là con một trong gia đình công chức, tin Phật. Sẵn có hạt giống bồ đề, năm 1958, Sư cô và song thân quyết định bán hết tài sản cúng dường rồi cùng xuất gia tu tại chùa Pháp Tựu (Q.8 Sài Gòn). Ni sư y chỉ với Sư bà Thượng Như Hạ Nghĩa tại chùa Hải Huệ (Sa Đéc), thọ Tỳ kheo Ni năm 1968 tại chùa Từ Nghiêm (Sài Gòn). Từ khi xuất gia đến nay, Ni sư chỉ có một tâm nguyện: hoằng pháp, lợi sanh, tiếp độ Tăng chúng. Ngoài ra, Sư cô còn tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội với mong muốn: "tốt đạo, đẹp đời".

Hàng năm chùa tổ chức giỗ Tổ vào ngày 12/5 âm lịch và ngày này cũng là giỗ Hiệp kỵ của các vị Hòa thượng trụ trì tại chùa đã tịch.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét