25 tháng 4, 2022

Chùa Thái Hòa

CHÙA THÁI HÒA
  • Địa điểm: khu 4, ấp Hiệp Nhất, thị trấn Định Quán, huyện Định Quán
  • Năm xây dựng: 1963
  • Người trụ trì đầu tiên: Đại đức Lý Xê (người Khơ me)
  • Trụ trì hiện nay: Đại đức Thích Pháp Tân
  • Năm trùng tu: 1996
  • Hệ phái: Nam Tông
  • Điện thoại: 061. 852810
Chùa Thái Hòa nằm trên sườn đồi Rơ-năng-si ở phía sau cụm Hòn Dĩa thuộc khu vực núi đá Ba Chồng (Định Quán), cách Quốc lộ 20 chừng 400m. Ngôi chùa tọa lạc giữa xóm dân cư (khoảng 50 hộ) dân tộc Khơme của thị trấn Định Quán, do Đại đức Lý Xê (người Khơme) khai sơn vào năm 1963, để những người dân Khơme ở địa phương có nơi bái Phật, cúng dường.

Chùa Thái Hòa

Đất chùa khá rộng hơn 2 hecta, nhưng ngôi chùa lại được xây dựng khá đơn sơ và khiêm tốn. Các cơ sở thờ tự, sinh hoạt của chùa không tập trung thành một khối mà được xây dựng rải rác trong diện tích gần 2.000m².

Nổi bật ở trung tâm là ngôi chánh điện, diện tích 108 m² (12mx9m), cất theo kiểu tứ trụ, được tạo dựng hoàn toàn bằng gỗ: cột gỗ, vách gỗ, mái lợp tole. Nội thất chánh điện được bày trí tôn nghiêm theo truyền thống của Phật giáo Nam Tông với bàn thờ duy nhất thờ đức Thích ca Mâu ni, tượng cao 1,2m; chất liệu bằng xi măng (Phật tử cúng dường năm 1996); ngoài ra còn có một số tượng Phật Thích Ca kích thước nhỏ có từ khi tạo lập chùa.

Đối diện với cổng ra vào là Trai đường, diện tích 96 m² (16mx6m). Đây là dãy nhà cấp 4 vách tường xi măng, mái lợp tole. Ngoài ra chùa còn có các công trình: đài Phật Thích Ca trì bình (Phật Thích Ca ôm bát khất thực), tượng bằng xi măng cao 1,8m. Đặc biệt, Bảo tháp tôn trí Xá Lợi Phật Thích ca Mâu ni (Xá lợi thỉnh từ chùa Kỳ Viên Tp.Hồ Chí Minh về chùa ngày 27/1/2002). Bên cạnh Bảo tháp còn có một số cốc, thất để các chư Tăng tịnh tu và làm phước thiện.

Từ ngôi chùa nhỏ đơn sơ, năm 1996 Đại đức Thích Pháp Tân từ tịnh xá Phước Huệ (xã Phú Túc-Định Quán) được sự yêu cầu của Phật tử địa phương về trụ trì và đã cho trùng tu lại chùa có kiến trúc và hình dáng như ngày nay.

Đại đức Pháp Tân, thế danh Võ Văn Dũng, sinh năm 1968, quê tỉnh Tiền Giang, xuất gia năm lên 10 tuổi, thọ Tỳ kheo năm 1994 tại giới đàn chùa Kỳ Viên (Q.3, Tp.Hồ Chí Minh).

Phật Điện

Là người xuất gia từ nhỏ, nay đã có gần 25 năm sống tu học theo tôn chỉ Phật Đà. Với vai trò là một vị trụ trì mặc dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng bằng đức độ và uy tín của mình, Đại đức Pháp Tân đã được Phật tử gần xa kính trọng và mến mộ. Đại đức Pháp Tân hiện đang tu học lớp Trung cấp giảng sư tại Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Thiền viện Quảng Đức Tp.Hồ Chí Minh).

Hàng năm, chùa tổ chức các ngày lễ truyền thống của Phật giáo (Phật Đản, Vu Lan...), đặc biệt chùa còn tổ chức lễ dâng Y Kathina (lễ truyền thống của hệ phái Nam Tông) trong khoảng thời gian từ 16/9 đến rằm tháng 10 (không có ngày cố định). Đây thực sự là ngày hội truyền thống của chư Tăng, Phật tử Nam Tông ở thị trấn Định Quán-Đồng Nai.

Để có nơi trang nghiêm tôn trí Xá Lợi Phật và có nơi rộng rãi cho chư Tăng, phật tử tu học, Đại đức Thích Pháp Tân có hoài bão muốn xây dựng lại ngôi chùa khang trang hơn. Được sự trợ duyên của các cấp có thẩm quyền, hiện nay bản vẽ thiết kế và giấy phép xây dựng đã hoàn thành, chỉ còn chờ khi đủ duyên sẽ khởi công xây dựng lại để chùa Thái Hòa luôn là bóng mát, điểm hội tụ của chư Tăng Phật giáo Nam Tông tu hành và Phật tử hành hương lễ bái, cúng dường Tam bảo.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)

Chùa Ki-Ri-Mean-Chey (Sơn Thắng) – Thái Hòa


1. Lược sử ngôi chùa

Chùa Thái Hòa là một trong hai ngôi chùa thuộc hệ phái Nam tông Khmer ở tỉnh Đồng Nai1. Chùa tọa lạc trên sườn đồi của núi Ba Chồng, thuộc khu 4, ấp Hiệp Nhất, thị trấn Định Quán, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, với diện tích khoảng 3.300 m²; cách Quốc lộ 20 khoảng 300 m và cách ngã ba Dầu Giây khoảng 45 km về phía Tây Nam. (Từ ngã ba Dầu Giây, theo Quốc lộ 20 về hướng Bảo Lộc – Lâm Đồng khoảng 45 km). Chùa được Đại đức Lý Xê cùng bà con Khmer trong vùng khởi tạo năm 1963. Ban đầu, chùa có tên gọi là Kirimeanchey (Sơn Thắng). Năm 1980, sau khi Đại đức Lý Xê viên tịch, Đại đức Lý Sang tiếp quản một thời gian và bàn giao cho Đại đức Lâm Ym đến tiếp quản và làm trụ trì ngôi chùa. Đến năm 1986, Đại đức Lâm Ym chuyển đi nơi khác. Từ năm 1986 đến năm 1995, chùa không có trụ trì, quản lý ngôi chùa trong khoảng thời gian này (gần 10 năm) do Ban Quản trị là những Phật tử của chùa, đại diện là ông Châu Phon đảm trách.

Năm 1996, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai phân công Đại đức Pháp Tân, thế danh Võ Văn Dũng, sinh năm 1968, quê ở Tiền Giang về làm trụ trì, và chùa được đổi tên thành chùa Thái Hòa như hiện nay.

Trước đây, Định Quán là vùng đồi núi, dân cư còn thưa thớt, lại trải qua chiến tranh ác liệt, nên chùa chỉ xây dựng đơn sơ, chỉ gồm có hai cốc, một trai đường, và một chánh điện nhỏ, vật liệu chủ yếu bằng cây gỗ, tranh, tre… Cho đến khi Đại đức Võ Văn Dũng về làm trụ trì, ngôi chùa mới được trùng tu, xây dựng lại với quy mô to lớn, và thu hút được nhiều tín đồ đến sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tại chùa. Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, nhiều hạng mục công trình trong chùa được cải tạo và xây mới như: cổng chùa, chánh điện, sala, nhà tăng, tháp thờ, tháp cốt… làm cho ngôi chùa trở nên uy nghi, bề thế hơn.


2. Kiến trúc chùa

* Cổng chùa

Cổng chùa được thiết kế tương đối đơn giản nhưng rất kiên cố. Kết cấu của cổng theo kiểu tam quan, gồm một cổng lớn ở chính giữa và hai cổng nhỏ ở hai bên. Nghệ thuật trang trí cổng chùa thể hiện sự kết hợp giữa các yếu tố vừa hiện đại, vừa truyền thống. Đỡ lấy phần mái của cổng là hai trụ cột được đúc bằng bê tông, phần đầu của mỗi cột được trang trí hình vảy rồng đắp nổi. Nối liền hai cột là tấm đan bằng bê tông khắc tên chùa; phía trên trang trí các hoa văn đắp nổi mang biểu tượng Bát chánh đạo – Bánh xe luân hồi theo triết lý của Phật giáo.

Tuy nhiên, ấn tượng nhất là phần mái của cổng; được thiết kế gồm ba lớp mái chồng lên nhau, trên đỉnh mái được trang trí hình tượng tháp búp sen – tượng trưng cho cõi Niết bàn của Đức Phật.


* Chánh điện

Nằm ở vị trí trung tâm, cách cổng chùa khoảng 100 m về phía đồi cao của ngôi chùa, quay mặt về hướng đông là ngôi chánh điện. Ngôi chánh điện được khởi công xây dựng năm 2008 và làm lễ Kiết giới sây ma vào năm 2010.

Để lên chánh điện, có hai con đường; bên phải là đường dốc trải nhựa còn bên trái là đường bậc thang được lát bằng đá. Mặt bằng chánh điện có hình chữ nhật với chiều rộng khoảng 15 m, chiều dài 25 m, chiều cao khoảng 16 m, nền của chánh điện có chiều cao khoảng 0,5 m.


Bố cục của chánh điện gồm hai phần, liên kết với nhau theo hình chữ T: phần mặt dựng phía trước – mặt tiền của chánh điện được thiết kế làm hai tầng với tổng chiều cao khoảng 16 m, với diện tích mỗi tầng khoảng 75 m²; tầng trên dùng để thờ Đức Phật còn tầng dưới chỉ bài trí một lư hương lớn ở giữa; còn lại để trống nhằm tạo không gian cho các chư tăng Phật tử tập trung trước khi hành lễ; hai bên vách có thiết kế cầu thang cho chư tăng đi lên tầng trên lễ Phật.


Phần mái mặt tiền của chánh điện gồm ba lớp xếp chồng theo hình tam giác, ở các góc mái trang trí hình tượng rồng uốn lượn; phần trên các đỉnh nóc trang trí hình đuôi rắn cách điệu; phần mái trên cùng có trang trí hình tượng tháp Angkor ở chính giữa…

Nối với mặt trước của chánh điện là tòa nhà một tầng, có diện tích chừng 300 m², được thiết kế với bốn hành lang xung quanh nhằm tạo sự thông thoáng cho chánh điện.

Mặt tiền chánh điện – Ảnh: Đăng Huy – năm 2020

Dọc theo chiều dài hai bên của tòa nhà là dãy cột gồm năm trụ cột bằng bê tông đỡ lấy phần mái; bốn mặt của tòa nhà được thiết kế gồm bốn cửa chính và hai cửa sổ cân xứng ở hai bên.


Phần mái của tòa nhà mặt sau chánh điện được thiết kế giật cấp, thấp hơn so với phần mặt tiền của chánh điện, gồm ba lớp mái chồng lên nhau tạo thành hình tam giác cân ở hai bên tựa như cánh Én. Ở hai đỉnh đầu và cuối của nóc mái chánh điện cũng được trang trí hình tượng đầu rắn (Naga) cách điệu, ở giữa mái trang trí biểu tượng tháp Angkor, và ở bốn góc nóc mái trang trí đầu rồng uốn lượn làm cho ngôi chùa trông mềm mại và thanh thoát.

Không gian bên trong của chánh điện được bài trí hài hòa bằng các tượng Phật, các bích họa, các phù điêu đắp nổi tạo cảm giác vừa tôn nghiêm, lại vừa thanh thoát, nhẹ nhàng.

Ở không gian bên trong mặt trước của chánh điện, tầng trên trang trí một bệ thờ tượng Phật ở vị trí trung tâm, ba mặt của các vách tường còn lại trang trí các tranh vẽ phác họa về cuộc đời của Đức Phật, và các hình ảnh tượng trưng cho giáo lý của Phật…


Phần không gian chính bên trong của chánh điện cũng bài trí khá đơn giản. Chính giữa của phần vách trong cùng chánh điện đặt một bệ thờ tượng Phật bằng đá lớn màu trắng, cao khoảng 1,2 m; bên dưới đặt một tượng Phật bằng đồng nhỏ; toàn bộ không gian còn lại để trống nhằm tạo điều kiện cho các cuộc hành lễ. Bên trên các vách tường trang trí những bức tranh kể về cuộc đời của Đức Phật từ khi sinh ra cho đến lúc thành đạo.

* Sala


Kiến trúc sala tương đối đơn giản, gần giống kiểu nhà của người Việt, kết hợp với kiểu nhà truyền thống của người Khmer. Mặt bằng sala cũng được thiết kế theo hình chữ nhật, có diện tích khoảng 90 m², được xây mới từ năm 2012. Các cột và tường của ngôi nhà chủ yếu làm bằng xi măng, cốt thép. Duy chỉ các vi kèo được làm bằng gỗ. Mái của sala lợp bằng tôn màu đỏ, các diềm mái được trang trí hoa văn màu vàng. Mặt tiền của sala được thiết kế gồm ba cửa ra vào và bốn cửa sổ; cửa chính đặt ở chính giữa, hai cửa sổ hai bên và cuối cùng là hai cửa phụ ở hai đầu nhà.

Bên trong sala được bài trí khá đơn giản, được chia làm ba gian. Gian trong cùng, bố trí bệ tượng thờ Đức Phật Thích Ca ở vị trí trung tâm; gian chính giữa là nơi dùng để chư tăng thọ trai, hội họp và cũng là nơi thuyết giảng, nghỉ ngơi của trụ trì; gian ngoài cùng dùng vào việc tiếp khách.

Ngoài ra, chùa còn xây dựng các tăng xá, nhà phước, nhà bếp… nhằm phục vụ chư tăng, Phật tử ở xa mỗi khi đến chùa hành lễ…


* Tháp thờ Đức Phật Thích Ca

Trước mặt và bên trái, về hướng Đông Nam của chánh điện là các tháp thờ Đức Phật Thích Ca. Các tháp trang trí tương đối giống nhau; được đúc theo hình khối vuông vức với các cạnh là 3 m, có chiều cao 5 m. Trong tháp chỉ đặt các pho tượng Đức Phật bằng đá thể hiện cuộc đời hành đạo của Ngài (gọi là Phật cảnh), bao gồm các cảnh: Đức Phật đản sanh, Đức Phật rải tâm từ, Đức Phật chuyển pháp luân, Đức Phật thành đạo, Đức Phật nhập Niết bàn. Trước các tượng Phật chỉ bài trí một lư hương bằng đá để Phật tử thắp nhang mỗi khi lễ Phật; các mái của tháp đều được lợp ngói; trên các đỉnh mái trang trí hình tượng quả chuông úp, hoặc trang trí đắp nổi biểu tượng Bát chánh đạo… Điều đặc biệt là các tháp thờ Phật này đều do các gia đình Phật tử cúng dường cho chùa.

* Tiểu cảnh, không gian chùa

Tọa lạc ở một khu đồi cao, xung quanh được bao bọc bởi những rừng cây và vườn cao su xanh ngút ngàn; có thể nói, từ vị trí của ngôi chùa nhìn xuống xung quanh là một màu xanh trải dài bất tận. Chính các đặc điểm này tạo cho chùa Thái Hòa có một cảnh quan vô cùng đặc sắc.

Cách bài trí không gian trong chùa cũng hết sức ấn tượng. Đặc biệt, trong khuôn viên chùa, ngoài những công trình kiến trúc được thiết kế xây dựng cho việc hành lễ, sinh hoạt văn hóa… không gian còn lại, xen lẫn những cỏ cây, hoa lá là những hình tượng tái hiện một cách khái quát về câu chuyện cuộc đời của Đức Phật Thích Ca hết sức ấn tượng, như: cảnh Đức Phật đản sanh; cảnh Đức Phật thuyết giảng, cảnh Đức Phật thành đạo, cảnh Đức Phật nhập diệt… Tất cả những cảnh ấy làm cho ngôi chùa vừa trang nghiêm, tĩnh mịch nhưng cũng không kém phần thơ mộng.


3. Chùa trong đời sống cộng đồng cư dân

Trong đời sống văn hóa của cộng đồng cư dân ở huyện Định Quán, chùa Thái Hòa có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là đối với các gia đình Phật tử nơi đây. Trong nhiều năm qua, chùa là nơi chăm lo cho đời sống tâm linh tín ngưỡng của nhiều thế hệ Phật tử người Khmer và cả người Kinh. Hằng năm, chùa đều tổ chức thực hiện những nghi lễ lớn, như: lễ Chol Chnam Thmay – Tết năm mới, lễ Phật đản, lễ Đôn Ta, lễ Ok Om Bok – lễ cúng trăng… thu hút hàng trăm Phật tử và người dân huyện Định Quán cùng nhiều khách thập phương đến tham dự.

Ngoài việc tổ chức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cho cư dân và Phật tử trong vùng, các sư trong chùa còn tham gia vào việc tổ chức thực hành tín ngưỡng tại gia đình của các Phật tử, như: lễ cầu an, lễ làm nhà mới, lễ cưới, lễ tang… Bên cạnh đó, chùa thường xuyên tổ chức dạy tiếng Khmer cho con em đồng bào, tổ chức các khóa tu ngắn hạn, hỗ trợ chi phí học tập cho các em gia đình khó khăn, mời nghệ nhân truyền dạy âm nhạc dân tộc cho con em đồng bào,…

Ngoài ra, chùa còn quan tâm đến đời sống vật chất của người dân bằng các hoạt động thiết thực, ý nghĩa, như quyên góp tặng nhà tình thương những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tặng quà định kỳ cho những hộ nghèo…

Tóm lại, chùa Thái Hòa ở Định Quán, Đồng Nai không chỉ là nơi chăm lo đời sống tâm linh tín ngưỡng cho cộng đồng người Khmer, mà còn là nơi giúp họ lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa tộc người… Mặt khác, với vị trí và không gian đặc sắc, chùa còn là địa chỉ văn hóa, là một điểm đến rất tuyệt cho những ai muốn tham quan, tìm hiểu và thưởng lãm…

Trích sách Những ngôi chùa PHẬT GIÁO NAM TÔNG của người Khmer ở Đông Nam Bộ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét