12 tháng 4, 2022

Chùa Thanh Long

THANH LONG CỔ TỰ
  • Tên gọi cũ: Chùa Xóm
  • Địa điểm: khu phố 2, đường Hưng Đạo Vương, phường Trung Dũng, Tp.Biên Hòa
  • Năm khai sơn: 1881
  • Người khai sơn: Dân làng
  • Trụ trì hiện nay: Thượng tọa Thích Huệ Hiền
  • Năm trùng tu: 1916
  • Hệ phái: Cổ truyền Lục Hòa Tăng
  • Điện thoại: 061. 825094
Cổng chùa Thanh Long

Nhân dân địa phương kể rằng: Chùa Thanh Long xưa kia là một bãi đất trống cỏ mọc um tùm, có con suối nước trong vắt chảy qua. Đám mục đồng thường đến đấy chăn dắt trâu bò, những lúc rãnh rỗi, mục đồng nặn tượng Phật phơi khô rồi thả xuống suối. Điều kỳ lạ là những pho tượng ấy không bị chìm xuống mà nổi bồng bềnh trên mặt nước. Nhân dân trong xóm nghĩ rằng: đây là đất Phật nên cùng nhau đóng góp công của dựng một ngôi chùa nhỏ khoảng năm 1881 để thờ phụng và lấy tên là Chùa Xóm nhằm phân biệt với Chùa Làng (Thiên Long Cổ Tự) ở xóm trên. Năm 1886, nhân dân trong làng cùng nhau dựng lại ngôi chùa diện tích 40 m² bằng cây, mái lá. Tác duyên đến, có một vị Tăng du phương dừng chân và chọn nơi đây làm nơi trú xứ hành đạo. Năm 1916, vị Tăng viên tịch, chùa được bổn đạo xóm làng cung thỉnh Hòa thượng Thượng Pháp Hạ Tuyên dòng Lâm Tế thứ 42 về trụ trì. Nhờ vào đạo hạnh và công đức hoằng hoá, Hòa thượng đã trùng tu lại ngôi chánh điện khang trang về quy mô cũng như kết cấu vật liệu xây dựng. Năm 1952, Hòa thượng Pháp Tuyên hóa duyên viên mãn, thâu thần thị tịch. Kế tiếp về trụ trì là Yết ma Thiện Duyên (em ruột cố Hòa thượng). Năm 1955, Yết ma viên tịch. Các đời trụ trì kế tiếp là Yết ma Tịnh Quang (1957-1971), Ni sư Thích nữ Huệ Hương (1971-1976). Từ năm 1976 đến nay do Thượng tọa Thích Huệ Hiền trụ trì.

Chùa Thanh Long

Thượng tọa Thích Huệ Hiền, thế danh Lương Trung Hiếu, sinh năm 1955 tại Sài Gòn, xuất gia năm 1968, cầu pháp với Hòa thượng Thích Huệ Thành - Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh - Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Tổ đình Long Thiền (Biên Hòa), thọ Tỳ kheo năm 1978 tại giới đàn Tổ đình Long Thiền. Thượng tọa tốt nghiệp Đại học Vạn Hạnh (Tp.Hồ Chí Minh) chuyên khoa Phật học và Cao học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp.Hồ Chí Minh. Hiện nay là Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai kiêm Chánh thư ký, Chánh Đại diện Phật giáo Tp.Biên Hoà, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa 6, thành viên Mặt trận Tổ quốc Tỉnh khóa 4 và 5, Ủy viên MTTQ Tp.Biên Hòa.

Lớp Trung cấp Phật học

Thượng tọa Huệ Hiền đã đóng góp xây dựng chỉnh trang lại ngôi chùa cũng như góp phần đáng kể trong việc phát triển Giáo hội Phật giáo tỉnh nhà. Ngoài ra, trong vai trò trụ trì Thanh Long Cổ Tự, thầy luôn tích cực tham gia nhiều công tác từ thiện xã hội và được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen các cấp. Đặc biệt năm 1998, Thượng toạ vinh dự nhận Huy chương "Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân"; Huy chương "Vì sự nghiệp Chữ Thập đỏ".

Chùa Thanh Long tọa lạc trong diện tích 2.500 m² ngay trung tâm Tp.Biên Hòa. Phía trước chùa là cây bồ đề cổ thụ toả bóng bên đài Quan Âm và tượng Di Lặc lộ thiên tạo cảnh quan thoáng mát và cổ kính. Chùa kiến trúc kiểu chữ Tam (三) có cải biên nối tiếp nhau theo trục dọc, tạo nên tổng thể khép kín, hài hòa bao gồm: chánh điện, nhà giảng và hậu liêu với diện tích xây dựng là 350 m².

Phật điện

Thanh Long Cổ Tự là một trong số các ngôi chùa cổ ở Đồng Nai còn bảo lưu được nét kiến trúc đặc trưng cũng như nghệ thuật bài trí ở những đình, chùa Nam bộ xưa. Chùa được tạo dựng bằng 40 cây cột gõ đỏ đường kính 40m được phân bố đều theo chức năng ở từng hạng mục kiến trúc. Lối kiến trúc dân gian thể hiện khá nhuần nhuyễn đạt đến độ tinh xảo. Đó là kiến trúc kiểu nhà tứ trụ truyền thống với bộ kèo đâm, kèo quyết khiến chánh điện được mở rộng ra 4 phía. Riêng nhà giảng và hậu liêu là kiểu nhà 3 gian 2 chái được nối với nhau bằng hệ thống cây xiên, cây trính cùng các vì kèo nối tạo không gian rộng rãi thoáng mát. Bộ chày cối được tôn trí trên các cây trính vừa có tác dụng trang trí tạo thế cân bằng trong lối kiến trúc vừa mang đậm tính dân gian theo thuyết âm dương. Nghệ thuật bài trí thể hiện khá sắc sảo trên hệ thống bao lam gỗ chạm lộng có từ năm 1932 với đề tài: Lưỡng long tranh châu cùng 6 tượng Phật hòa với những áng mây và các đề tài truyền thống: mai điểu, dơi, cúc, trúc tạo sự đa dạng cho nghệ thuật trang trí tại chùa. Các bức hoành phi, liễn đối với nét chữ chân phương chạm khắc tinh xảo được sơn son thếp vàng bày trí ở những vị trí trang trọng nhất làm tăng thêm tính cổ kính cũng như giá trị văn hóa. Các bộ tượng Tam Thế Phật, Thập điện Minh Vương, Địa Mẫu, Quan Công, đức Diêu Trì, Ngọc Hoàng.. mang nét đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XIX phần lớn được bảo lưu nguyên vẹn và tôn trí theo truyền thống: tiền Phật, hậu Tổ.

Năm 1997, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Nai chuyển từ chùa Long Thiền về Thanh Long Cổ Tự. Ngoài việc là nơi đặt Văn phòng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai, là nơi sinh hoạt Phật sự của tỉnh, chùa Thanh Long còn là địa điểm của lớp Trung cấp Phật học Đồng Nai khóa 4 với Ban điều hành gồm 3 vị và Ban giảng huấn có 10 người. Trường đào tạo ba môn cơ bản: Kinh, Luật, Luận; ngoài ra còn học thêm về chủ trương đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trường Trung cấp Phật học Đồng Nai với 4 cơ sở đào tạo Tăng, Ni phát huy đạo đức, kế tục sự nghiệp theo đạo pháp tại chùa Thanh Long, chùa Long Phước Thọ (đào tạo Tăng giới) và Bửu Hoa Ni Tự, chùa Giác Minh (đào tạo Ni giới). Qua hơn 12 năm hình thành, trường Trung cấp đã đào tạo được 4 khóa học với hơn 800 Tăng Ni sinh trong và ngoài tỉnh.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)
Chùa Thanh Long

Tên tự viện: CHÙA THANH LONG

Địa chỉ: Số 199/23, đường Hưng Đạo Vương, khu phố 2, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Số điện thoại liên lạc: 093 7209699.

Hệ phái: Bắc tông

Tông phong: Cổ truyền

Năm thành lập: 1890.

Khai sơn: Cố Hòa thượng Thích Pháp Tuyên

Trụ trì hiện nay: Thượng tọa Thích Huệ Sanh (ĐT: 093 7209699).

Chùa Thanh Long đã được GHPGVN và Nhà nước công nhận.


















Đức Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét