- Tên gọi khác: Chùa Ông Sảnh
- Địa điểm: 444 ấp 4, phường Tân Vạn, Tp. Biên Hòa
- Năm xây dựng: 1903
- Người khởi dựng: Huyện hàm Trần Ngọc Du
- Trụ trì đầu tiên: Hòa thượng Thích Huệ Minh
- Giám tự hiện nay: Đại đức Thích Thiện Nguyện và Đại đức Thích Thiện Thắng
- Năm trùng tu: 1970
- Hệ phái: Phật Giáo Bắc Tông
Núi ông Sảnh là một trong những quần thể núi đá xanh bao gồm núi Bửu Long và núi Châu Thới nằm rải rác ở hai bên sông Đồng Nai thuộc tỉnh Biên Hòa xưa. Vị trí của núi ông Sảnh ở giữa hai núi Bửu Long và Châu Thới tính theo đường chim bay. Tên núi ông Sảnh được người dân lưu truyền như sau: nơi đây xưa kia còn là rừng rậm đồi núi hoang vu, hàng ngày có một lão tiều phu tên Sảnh vác búa lên núi đốn củi đem về đổi gạo. Một ngày nọ, do tuổi cao sức yếu, lão tiều ấy lên núi rồi chết tại đây, từ đó mọi người gọi tên núi là núi ông Sảnh.
Núi ông Sảnh xưa kia rất rộng lớn, cách bờ sông Đồng Nai khoảng 800 m. Cuối thế kỷ XIX Huyện hàm làng Tân Vạn, tổng Chánh Mỹ Thượng, tỉnh Biên Hòa là Trần Ngọc Du đã cho khai khẩn vùng núi ông Sảnh rộng 3,7 hecta để lập chùa. Khoảng năm 1903, chùa Vạn Linh chính thức được ông huyện Du đứng ra khởi dựng với diện tích khoảng trên 200 m², kiến trúc ban đầu kiểu chữ Nhị (=) bao gồm: chánh điện, nhà Tổ và nhà túc. Chùa được xây dựng vật liệu: cột và cửa bằng cây bằng lăng, vách xây bằng vôi, mái lợp ngói âm dương. Kiến trúc kiểu chùa cổ, rộng ba gian, mặt tiền chùa quay về hướng nam.
Huyện hàm Trần Ngọc Du sau khi nghỉ hưu đã về tu tại chùa Vạn Linh cùng với ông giáo Thọ (người miền Bắc) và mất trước năm 1933. Năm 1945, ông giáo Thọ mất, chùa không người cai quản. Năm 1948, con ông Trần Ngọc Du là Trần Ngọc Danh làm Hội đồng Địa hạt tỉnh Biên Hoà, đã thỉnh Đại đức Thích Huệ Minh từ chùa Sắc Tứ (Tân Vạn) về trụ trì chùa, đi theo thầy Huệ Minh có học trò tiểu học tên Nguyễn Văn Tài (11 tuổi), sau là Tỳ kheo Thích Thiện Nguyện.
Phật Điện
Năm 1998, sau 50 năm trụ trì ngôi Tam bảo Thượng tọa Huệ Minh viên tịch, kế tục là thầy Thích Thiện Nguyện và Thích Thiện Thắng làm giám tự cho tới nay.
Trải qua thời gian gần 70 năm, chùa Vạn Linh đã xuống cấp nặng: ván mục, mái ngói cũ dột nát.... Năm 1970 được Phật tử địa phương và Tp.Hồ Chí Minh cúng dường, Hòa thượng Thích Huệ Minh đã cho đại trùng tu chùa có kiến trúc hình dáng như hiện nay. Chùa có diện tích khoảng 306 m², kiến trúc theo kiểu chữ Đinh trong đó chánh điện được xây lại dựa trên nền móng cũ với kiến trúc tứ trụ mặt tiền quay về hướng đông. Tường xây gạch, nền lót gạch bông, vì kèo bằng gỗ, đà đổ bê tông, mái lợp ngói móc. Mái chùa kiến trúc theo chùa cổ có hai lớp mái chồng diêm, phía trước là lầu chuông và lầu trống. nhà Tổ (nay làm nhà khách) và nhà trù được tu sửa theo kiến trúc cũ nhưng diện tích được thu hẹp lại 2m so với nền móng ban đầu.
Chánh điện xây dựng kiểu tứ trụ có cột xi măng trên khắc liễn đối. Tượng thờ ở đây được bày trí theo truyền thống: tiền Phật, hậu Tổ. Phía trước thờ Phật: Di Đà Tam tôn, Ngọc Hoàng, Ngũ điện Minh Vương, Thập điện Minh Vương, Bổn sư Thích Ca (cao 2m), đức Quan Thế Âm Bồ tát, đức Địa Tạng và ông Hộ Pháp. Hậu Tổ thờ: Đạt Ma Tổ Sư, 3 long vị Tổ (ông giáo Thọ, Thích Hồng Ân và Thích Huệ Minh), Quan Thánh Đế quân, long vị Y Thanh Thiền sư (cháu cố ông Trần Ngọc Du) và long vị Thích A Ngộ (phái Tiểu thừa).
Do hậu Tổ có diện tích chật hẹp, nên nhà khách còn được bày trí như nhà Tổ, trong đó thờ tượng Ông Sảnh (lão tiều phu đốn củi) và di ảnh người quá vãng do phật tử gởi vào chùa.
Tiền sảnh chùa xây kiểu ba gian, hai cột giữa có khắc câu đối bằng xi măng. Tiền điện có bệ thờ Tiêu Diện. Mặt tiền chùa ngoài lầu chuông và lầu trống, còn trang trí búp sen và dây lá chầu chữ Vạn. Nóc chùa là biểu tượng chữ Vạn. Trước chùa có tượng Quan Âm lộ thiên.
Năm 1999, thầy Thiện Nguyện cho xây thêm nhà cốt, diện tích khoảng 30 m² ở bên phải chùa. Mặt tiền hữu chùa còn có hai Bảo tháp của thầy Thích Huệ Minh và Y Thanh Thiền sư (cháu cố ông Du mất ở Hà Lan đem về chùa Vạn Linh nhập tháp).
Đối diện với hai Bảo tháp, ở mặt tả tiền chùa còn có khu mộ kiểu cổ có vòng thành bằng đá ong cẩn đá gạch gốm ghép men xanh dương và tượng gốm men Biên Hoà của hai ông bà huyện hàm Trần Ngọc Du. Trước khu mộ có tấm bia đá cẩm thạch khắc chữ Hán ghi thời gian các con Trần Ngọc Danh và Trần Ngọc Phương đồng lập mộ năm 1933.
Chùa Vạn Linh với lịch sử xây dựng gần 100 năm, do đó tượng thờ trong chùa cũng rất lâu đời. Trừ tượng Bổn sư Thích Ca (năm 1970), còn lại toàn bộ các tượng thờ (kể cả tượng ông Sảnh) đều có từ thời ông Trần Ngọc Du. Theo thầy trụ trì, các tượng này được nhóm giáo viên trường Mỹ nghệ Biên Hòa ở Tân Vạn như thầy quản Quới, thầy Võ Kim Đôi tạo mẫu thạch cao rồi đổ khuôn bằng xi măng. Màu sơn của các tượng giống với màu men gốm Biên Hoà. Trong chùa còn có đại hồng chung cao 1,5m, đường kính 55cm được ông giáo Thọ mua từ năm 1936.
Thầy Thích Thiện Nguyện, thế danh Nguyễn Văn Tài quê Tân Vạn, sinh năm 1937, xuất gia năm 1970 tại chùa Thanh Lương, thọ Tỳ kheo năm 1998 tại giới đàn chùa Long Thiền là đệ tử của Hòa thượng Thích Thiện Khải. Thầy Thích Thiện Thắng, thế danh Trần Hữu Hạnh, quê An Giang, sinh năm 1972, xuất gia năm 1985, thọ Tỳ kheo năm 1989 tại giới đàn chùa Long Thiền. Thầy Thiện Thắng hiện đang theo học lớp Cao học Phật học tại Tp.Hồ Chí Minh.
Thầy Thiện Nguyện và thầy Thiện Thắng đã đóng góp nhiều công lao và tâm huyết cho ngôi chùa, kiến tạo ngôi Tam bảo ngày một to đẹp hơn.
Chùa Vạn Linh không những đẹp về cảnh quan sơn thủy, hùng vĩ thơ mộng mà còn có giá trị về lịch sử xây dựng, đặc biệt bộ tượng thờ và nhiều đồ gỗ thờ cúng trong chùa có giá trị về cổ vật xứng đáng được bảo quản tốt. Hy vọng trong tương lai chùa Vạn Linh sẽ là địa chỉ tham quan lý tưởng và lễ bái, cúng dường của Phật tử và du khách gần xa.
Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)
Chùa Núi Ông Sảnh
Chùa Vạn Linh tọa lạc tại số A4/444 đường Bùi Hữu Nghĩa, Tân Vạn, Biên Hòa. Thú thật là sống ở Biên Hòa bao lâu nay nhưng tui không hề biết ở đây có núi Ông Sảnh, như tên gọi dân gian được ghi ở cổng chùa.
Lần dò tìm hiểu thì được biết như sau:
Núi ông Sảnh nằm trong quần thể núi đá xanh bao gồm núi Bửu Long và Châu Thới, nằm rải rác hai bên bờ sông Đồng Nai. Vị trí núi Ông Sảnh khoảng giữa núi Bửu Long và Châu Thới, tính theo đường chim bay. Người ta kể lại rằng xưa kia có ông tiều phu tên Sảnh thường lên núi đốn củi. Sau, do già yếu, ông mất ở trên núi. Từ đó người ta gọi đây là núi ông Sảnh.
Cuối thế kỷ 19, Huyện hàm làng Tân Vạn, tổng Chánh Mỹ Thượng, tỉnh Biên Hòa là Trần Ngọc Du đã cho khai khẩn vùng núi ông Sảnh rộng 3,7 ha để lập chùa. Năm 1903, chùa Vạn Linh được khởi dựng với diện tích 200 m². Kiến trúc chùa kiểu cổ, rộng ba gian, quay về hướng Nam.
Ông Trần Ngọc Du sau khi nghỉ hưu đã về tu ở chùa Vạn Linh và mất năm 1932.
Sau gần 70 năm, ngôi chùa xuống cấp nặng và được đại trùng tu năm 1970, có kiến trúc như hiện nay. Chùa có diện tích mới là 306 m², kiến trúc kiểu chữ Đinh (J), trong đó chánh điện được xây lại dựa trên nền móng cũ với kiến trúc tứ trụ mặt quay về hướng Đông.
Từ ngoài đường lộ đi vào, qua khỏi cổng chùa, khách đi qua đoạn dốc dài để lên chùa, gợi nhớ lại ngày xưa vị trí của chùa là đỉnh núi Ông Sảnh. Bên cạnh chùa vẫn còn những tảng đá to, vết tích của núi đá. Với vị trí, địa thế như vậy, cảnh quan chùa Vạn Linh là sơn thủy hữu tình.
Hầu hết các tượng thờ trong chùa (trừ tượng Phật Thích Ca có vào năm 1970, thời điểm trùng tu chùa) đều có từ thời ông Trần Ngọc Du, tức khoảng 100 năm.
Một di tích rất đặc biệt là khu mộ cổ của ông bà Trần Ngọc Du, ở phía trái của mặt tiền chùa. Khu mộ có vòng thành bằng đá ong cẩn đá gạch gốm men xanh dương và tượng gốm men Biên Hòa, được lập năm 1933.
Xin nói thêm một chút, phía đối diện chùa Vạn Linh, ở bên kia đường Bùi Hữu Nghĩa là ngôi nhà cổ Trần Ngọc Du, ngôi nhà hơn trăm năm tuổi từng được UNESCO trao “Giải thưởng công trạng kiến trúc nhà Việt cổ” (năm 2004) và UBND tỉnh Đồng Nai xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh (năm 2005).
Lần dò tìm hiểu thì được biết như sau:
Núi ông Sảnh nằm trong quần thể núi đá xanh bao gồm núi Bửu Long và Châu Thới, nằm rải rác hai bên bờ sông Đồng Nai. Vị trí núi Ông Sảnh khoảng giữa núi Bửu Long và Châu Thới, tính theo đường chim bay. Người ta kể lại rằng xưa kia có ông tiều phu tên Sảnh thường lên núi đốn củi. Sau, do già yếu, ông mất ở trên núi. Từ đó người ta gọi đây là núi ông Sảnh.
Cuối thế kỷ 19, Huyện hàm làng Tân Vạn, tổng Chánh Mỹ Thượng, tỉnh Biên Hòa là Trần Ngọc Du đã cho khai khẩn vùng núi ông Sảnh rộng 3,7 ha để lập chùa. Năm 1903, chùa Vạn Linh được khởi dựng với diện tích 200 m². Kiến trúc chùa kiểu cổ, rộng ba gian, quay về hướng Nam.
Ông Trần Ngọc Du sau khi nghỉ hưu đã về tu ở chùa Vạn Linh và mất năm 1932.
Từ ngoài nhìn vào, chùa ở vị trí trên gò cao
Ao ở bên cạnh chùa
Sau gần 70 năm, ngôi chùa xuống cấp nặng và được đại trùng tu năm 1970, có kiến trúc như hiện nay. Chùa có diện tích mới là 306 m², kiến trúc kiểu chữ Đinh (J), trong đó chánh điện được xây lại dựa trên nền móng cũ với kiến trúc tứ trụ mặt quay về hướng Đông.
Từ ngoài đường lộ đi vào, qua khỏi cổng chùa, khách đi qua đoạn dốc dài để lên chùa, gợi nhớ lại ngày xưa vị trí của chùa là đỉnh núi Ông Sảnh. Bên cạnh chùa vẫn còn những tảng đá to, vết tích của núi đá. Với vị trí, địa thế như vậy, cảnh quan chùa Vạn Linh là sơn thủy hữu tình.
Hầu hết các tượng thờ trong chùa (trừ tượng Phật Thích Ca có vào năm 1970, thời điểm trùng tu chùa) đều có từ thời ông Trần Ngọc Du, tức khoảng 100 năm.
Một di tích rất đặc biệt là khu mộ cổ của ông bà Trần Ngọc Du, ở phía trái của mặt tiền chùa. Khu mộ có vòng thành bằng đá ong cẩn đá gạch gốm men xanh dương và tượng gốm men Biên Hòa, được lập năm 1933.
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét