Chùa Khánh Vân
Số 235, ô1, Khu III, thị trấn Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang
Chùa được thành lập vào khoảng đầu thế kỷ 19 (1817), lúc ban đầu có tên là Chùa Lá Xé, tuy nhiên do thời gian và chiến tranh tàn phá Chùa không còn giữ được vết tích cũng như sử liệu ghi lại đáng tin cậy.
Theo lời kể lại của các vị Bô Lão thì trong thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh có hai chị em gái tên là Lê Thị Thu và Lê Thị Nga chạy lánh nạn vào Nam, dọc đường không nơi nương tựa nên đã đến chùa xin tạm lánh. Lúc bấy giờ trụ trì chùa là ông thầy Ba Che cho ở công quả và đùm bọc xem như con. Hai chị em ở lại một thời gian thì thầy Ba Che qua đời, hiện mộ ông vẫn còn được chôn cất tại đất chùa bằng đá đỏ.
Thời gian sau đó Bà Thu và Bà Nga cho cất lại ngôi Chùa với kiến trúc 3 gian, 2 chái, cột gỗ căm xe, đòn tay bằng cây chò, bàn Phật xây gạch, vách đóng bổ kho, bốn bên có hành lan rộng 2,5m. Trước Chùa có trồng cây điệp, đầu ao mé Đông hông Chùa có trồng cây khế. Sau đó, đi thỉnh tượng Phật từ Tây Tạng về chùa thờ. Cổng Chùa để bảng hiệu “Chùa Bà Thu Bà Nga”.
Sau khi hai Bà qua đời chùa Khánh Vân đã lần lượt trải qua nhiều đời trụ trì, nhưng vì thời gian lưu trú của các vị không lâu nên không được ghi chép lại, hoặc giả có được biết đến nhưng lại không ghi rõ niên đại cụ thể như: Thầy Thiện Hiếu, Thầy Năm Lẫm, Thầy Chùa Sang, Thầy Dần ở Chùa từ năm 1948 đến năm 1953 thì viên tịch, có xây tháp tại Chùa.
Năm 1953 ông Nguyễn Văn Lợi pháp danh Thích Thiện Huệ tiếp tục trụ trì đến năm 1968 thì viên tịch tại Chùa có làm tháp thờ.
Khoảng năm 1958, thầy Thiện Huệ vận động bá tánh đóng góp đổ gạch block để xây lại bức tường Chánh điện.
Năm 1973 do chiến tranh tàn phá, nóc chùa bị hư hại nặng nên Hòa thượng vận động bá tánh trùng tu lại Chánh điện khang trang hơn theo kiến trúc tứ trụ, 2 cột giữa có đắp 2 con rồng uốn lượn rất tinh xảo và bức hoành phi, nền lót gạch bông, mái lợp ngói tây. Cũng thời gian nầy Hòa thượng còn nuôi chứa khoảng 15 người trốn lính quân dịch nương náo tại Chùa cho đến năm 1975, đất nước được giải phóng nên các anh em giải tán về quê sinh sống.
Để có nơi thoáng mát cho đồ chúng sinh hoạt tu học, Hòa thượng đã từng bước cho trùng tu lại các công trình phụ của chùa vào các năm 1996, 2000 và xây cổng chùa vào năm 2005.
Toàn bộ nền móng đà, cột, cổ lầu, rìa mái điều đúc bê tông kiên cố, xây tường đôi, mặt trong và ngoài dán gạch men trắng cao đến đầu cửa, tường trên cao, sơn nước, các bộ lam thông gió, nền lót gạch bóng kiến.
Cửa đi, cửa sổ đều làm bằng gỗ căm xe, ba bộ khung bao lam điện thờ được chạm trổ hoa văn tinh xảo thếp vàng, góc mái uốn lượn mềm mại, xung quanh rìa mái gắn lá bồ đề, sơn màu xanh rêu cổ kính, nóc cổ lầu dán ngói mũi hài bằng đất nung đỏ, mái hiên lợp bằng ngói Phan Thanh Giản loại 40 cm, 2 lớp xà gồ bằng thép nhôm màu đồng.
Hai bên bậc cấp dẫn lên thềm chánh điện là 2 con rồng đắp bằng xi măng sơn nhũ vàng. Mặt tiền đình chánh điện trên giữa là cuốn thư lớn đề chữ “Chùa Khánh Vân” chạm trổ hoa văn rồng phụng sơn son thếp vàng, tả hữu là 2 cuốn thư nhỏ đề chữ “Từ Bi” và “Hỷ Xã”.
Chánh điện thờ đức Phật Thích Ca ngự trên tòa sen trong tư thế thiền định cao 2.8m, hai bên là tượng Bồ tát Quan Âm và Địa Tạng đều cao 2.5m, tư thế đứng tất cả đều làm bằng đá non nước màu xanh vân mây.
Tầng thứ hai ở giữa là tượng Phật đứng A Di Đà cao 1.2m cũng bằng đá non nước, trước là tượng Phật Thích Ca Đản sanh. Bên trái tượng Phật A Di Đà (từ trong nhìn ra) cũng là tượng Phật A Di Đà, ngồi ngoài cùng là Phật Dược Sư (bằng đất nung), bên phải đức A Di Đà là Phật Di Lặc, Bồ Tát Quan Thế Âm ngồi (bằng đất nung) đều là những pho tượng Phật cũ của Chùa trước đây.
Tầng cuối cùng thờ 7 tượng Phật Dược Sư, giá trên sau lưng tượng Phật Thích Ca là bức tranh vẽ cây bồ đề 3D và hoa cảnh sông núi hữu tình tạo cảm giác an lạc cho khách mỗi khi đến viếng chùa. Nền của bệ thờ đều dán đá hoa cương (granite).
Hai bên tường gần cửa ra vào là bàn thờ Hộ Pháp và Tiêu Diện. Sau vách chánh điện là nhà Tổ, thờ chư vị Tổ sư khai sơn tạo tự. Trên tường chính giữa là bức tượng Tổ sư Đạt Ma đắp nổi, dưới bục thờ là tượng Tổ sư Đạt Ma và Lục Tổ Huệ Năng bằng sành (tượng cũ), giá trên tượng Tổ là cuốn thư sơn son thiếp vàng đề chữ “Tổ Ấn Trùng Quang”, hai bên tả hữu là hai câu đối:
“Sanh Tiền Giáo Dưỡng Đắc Nhơn Vô Tử Nhi Hữu Tử
Một Hậu Thịnh Danh Tại Thế Tuy Vong Dả Bất Vong”.
Hai bên cửa sổ thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế và kế tiếp hậu tổ là Trai đường cũng là giảng đường đặt án thờ Bồ Tát Chuẩn Đề. Sau là bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ và ban thờ hai Bà Thu và Bà Nga, hai bên là bàn thờ chư hương linh nam, nữ.
Bên trái chánh điện từ ngoài nhìn vào là ngôi Đông lang gồm 2 phòng. Thất của HT viện chủ và phòng khách tăng. Bên phải chánh điện là ngôi Tây lang, gồm nhà khách Phật tử, phòng chư Ni, nhà bếp phía sau là khu vệ sinh. Phía trước chánh điện là Đài Quan Âm, tôn trí tượng cao 2,2m, sơn màu trắng, kế bên là Tháp dưỡng sanh của Hòa thượng Viện Chủ.
Chùa Khánh Vân hiện tại có 03 vị. Diện tích đất: 9.543,7 m² (bao gồm cả đất nghĩa địa). Đạo tràng niệm Phật vào ngày chủ nhật hàng tuần có khoảng 20 người tham dự.
Về các hoạt động xã hội, Chùa thường xuyên vận động Phật tử đóng góp phát quà cho người nghèo vào dịp Tết nguyên đán và các ngày lễ của Phật giáo; tham gia chương trình “Địa chỉ nhân đạo” do đài phát thanh truyền hình Tiền Giang tổ chức từ năm 2012 đến nay và cùng hỗ trợ nhiều chương trình từ thiện, an sinh xã hội do địa phương phát động.
Sau đây là một số hình ảnh tư liệu ghi nhận được:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét