13 tháng 7, 2022

Chùa Tân Long

Huyện Gò Công Đông: Lịch sử chùa Tân Long

CHÙA TÂN LONG
Ấp Gò Lức, xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.


Ngôi chùa này được hình thành vào khoảng thập niên 1890 với diện tích 2.933.2 m² do Hòa thượng Thích Chí Minh thành lập và trụ trì cho đến năm 1930 Hòa thượng viên tịch.

Sau khi Hòa thượng Chí Minh viên tịch, chùa Tân Long đã được quý thầy tiếp nối trụ trì và hành đạo như sau:

  1. Thầy Tư Dục (1930 – 1950)
  2. Hòa thượng Thích Huyền Quý (1950 - 1965)
  3. Đại đức Thích Thiện Thống (1965 – 1980)
  4. Thượng tọa Thích Thiện Tâm 1980 cho đến ngày nay (tháng 02/2020).

Cũng như nhiều ngôi tự viện khác trên đất nước, chùa Tân Long không khỏi bị mai một và chịu sự tàn phá trong hai cuộc chiến tranh lớn của đất nước. Mặc dù cũng được chư Tôn đức tu bổ, sửa chữa vào các năm 1930, 1955, 1985, 2005 nhưng theo định luật vô thường, ngôi chùa xuống cấp trầm trọng, cột kèo mục nát, tường vách bong tróc, mưa đến thấm dột, nhìn lên nắng chiếu, làm ảnh hưởng rất lớn cho sự tu tập, tụng kinh, bái sám của chư Tăng và Phật tử nơi đây.

Trong bối cảnh đất nước thái bình, xã hội phồn vinh, chưa bao giờ nhu cầu tu tập tâm linh của mọi người dân phát triển như hiện nay trên khắp mọi miền đất nước, nhiều ngôi chùa đã có thiện duyên đại trùng tu mở rộng để đáp ứng sự tu học, hành Pháp của chư Tăng Ni và Phật tử, xây dựng đời sống hướng thiện, hạnh phúc an lạc, nối tiếp sự nghiệp hoằng Pháp độ sanh báo Phật ân đức.


Được sự tin tưởng của Thượng tọa trụ trì giao phó, Đại đức Thích Nguyên Sĩ và Đại đức Thích Thiện Lương cùng với lòng nhiệt tâm của Phật tử gần xa đã Phát nguyện đại trùng tu chùa Tân Long, lễ đặt đá động thổ xây dựng vào ngày 09/03/2014 (09/02 năm Giáp Ngọ). Sau 4 năm xây dựng, ngôi phạm vũ Tân Long đã hoàn thiện đưa vào sử dụng với tổng kinh phí xây dựng gần 8 tỷ đồng. Lễ khánh thành được tổ chức trang nghiêm vào ngày 25/02/2018 (nhằm ngày mùng 10 tháng Giêng năm Mậu Tuất).

Ngày nay, ngôi chùa Tân Long trang nghiêm hài hòa giữa vùng quê Gò Công Đông bát ngát. Ngôi Chánh điện được xây dựng với chất liệu bê tông cốt sắt, bề ngang rộng 16,5 m, chiều dài 36 m bao gồm Điện Phật và Tổ Đường.


Về kiến trúc, phần mái được đúc bê tông chắc chắn và dán ngói lưu ly màu xanh; các mái đao được trang trí bằng những con rồng rất đẹp. Phần kèo giao tiếp với các trụ cột được gắn hoa văn theo kiểu chữ Triện, tuy đơn giản nhưng rất mạnh mẽ và thanh thoát. Các khung cữa được làm bằng gỗ căm xe, hành lanh rộng rãi và được bao bọc bởi lan can với các họa tiết nhẹ nhàn. Nền chùa được lát gạch men hiện đại. Các bậc tam cấp được lát bằng đá hoa cương rất hài hòa.


Giữa Chánh điện an trí tôn tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trầm mặc; hai bên tả và hữu là bức phù điêu Bồ tát Văn Thù và Phổ Hiền. Xung quanh các khoảng trống của vách tường được đắp các bức tranh diễn tả về cuộc đời Đức Phật Thích Ca từ khi Đản sinh cho đến nhập Niết bàn, làm cho không gian Chánh điện tuy rộng rãi nhưng rất ấm áp và tịch tĩnh.

Tiền sảnh Chánh điện là ban thờ Hộ Pháp và Tiêu Diện và hai bên mặt tiền Chùa là ông Thiện và ông Ác, tất cả đều được đắp dạng phù điêu rất tinh tế.

Phía sau Chánh điện là Tổ đường, nơi tôn trí bức phù điêu Tổ Đạt Ma, di ảnh và long vị chư lịch đại Tổ sư, quý Hòa thượng tiền bối khai sơn tạo tự chùa Tân Long, chư Hòa thượng hoằng truyền Phật pháp tại Việt Nam; Ban thờ chư Tín chủ ký hậu và hương linh bá tánh.


Cổng Tam Quan, hàng rào và các công trình phụ khác cũng được chư Tăng nơi bổn tự xây dựng, tu bổ rất khang trang, tạo nên khung cảnh hài hòa của một ngôi chùa thuần Việt.

Chùa Tân Long từ khi thành lập đến nay đã trãi qua 5 đời trụ trì, chư Tôn đức các thế hệ luôn ý thức gìn giữ và phát huy mạng mạch Phật pháp, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của Giáo hội và công cuộc xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp, văn minh.


Sau đây là một số ảnh tư liệu:












Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét