Huyện Chợ Gạo: Lịch Sử Chùa Long Phan (Chùa Bà Kết)
CHÙA LONG PHAN (Chùa Bà Kết)
Ấp Bình Hưng, Bình Phan, Chợ Gạo, Tiền Giang
Tương truyền gò đất này trước kia là chỗ cư trú của một người đàn bà quốc tịch Campuchia có tên là Bà Kết. Bà thường làm nhiều việc phước thiện giúp dân làng. Bà là người đã cho xây cất ngôi Tam Bảo này để có nơi thờ cúng tu tập. Chính vì vậy mà chùa còn có tên gọi là “Chùa Bà Kết”.
Đây là ngôi chùa có nhiều sự tích huyền bí; thế nhưng hoà cùng với vận mệnh thăng trầm của đất nước, trải qua hai cuộc chiến tranh của dân tộc, chùa Long Phan đã bị hư hỏng, cháy sập và được xây cất lại nhiều lần nên hiện nay không còn giữ được vết tích ban đầu đầy huyền bí của nó.
Lần trùng tu chùa Long Phan năm 1949, dân làng đã phát hiện dưới lớp đất khoảng một mét là vô số gạch xưa dính liền nhau như một thành trì lớn. Ngày nay, sau nhiều cuộc khai quật khảo cứu, các nhà khảo cổ học đã xác định vùng đất nơi chùa Long Phan đang tọa lạc thuộc vùng Văn hoá Óc Eo - Một vùng văn hoá lớn nằm về phía nam châu Á kéo dài thộc các nước: Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Inđônêxia …
Trong hai cuộc kháng chiến, chùa Long Phan còn là một trong những cơ sở cách mạng lớn của huyện Chợ Gạo.
Năm 2001 Đại đức Thích Lệ Thới được Giáo hội bổ nhiệm kế vị trụ trì chùa để chăm lo hương khói và hướng dẫn Phật tử tu tập.
Năm 2007, được sự phát tâm của Phật tử Lê Thị Huỳnh pháp danh Ngộ Vàng và quý Phật tử gần xa, Đại đức Thích Lệ Thới đã tiến hành trùng tu lại ngôi Chánh điện với kiến trúc bán kiên cố, mái lợp ngói, vách tường, nền lát gạch bông rất trang nghiêm.
Năm 2010 Đại đức tiếp tục xây dựng ngôi Tổ đường, Giảng đường để có nơi tiện nghi cho Phật tử trở về tham dự khóa tu học Phật pháp. Thế nhưng hạnh nguyện chưa thành thì Đại đức đã viên tịch vào tháng 4 năm 2012, để lại các công trình xây dựng còn nhiều dang dở.
Sau khi hoàn thành ngôi Hậu Tổ và Giảng đường, Đại đức Thích Trung Nhàn tiếp tục xây dựng cổng Tam Quan, hàng rào bao bộc quanh chùa, xây điện thờ Tây phương Tam Thánh, đài thờ Bồ tát Quán Thế Âm, nhà Vãng Sanh và các công trình phụ khác để cho Phật tử trở về tu học có nơi sinh hoạt; Đại đức cũng cho san lấp mặt bằng cải tạo lại toàn bộ khuôn viên chùa bằng phẳng, sạch đẹp (vì nơi đây trước kia là một gò đất cao, không bằng phẳng).
Đại đức Trụ trì còn mở khóa tu cho Phật tử gần xa trở về niệm Phật mỗi tháng vào các ngày mùng 9, 19 và 29. Hướng dẫn Phật tử tích cực tham gia các phong trào an sinh xã hội tại địa phương; tổ chức tặng quà người nghèo vào các ngày lễ lớn, góp phần xây dựng quê hương, trang nghiêm Giáo hội.
Một số ảnh tư liệu được ghi nhận:
Người viết: Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét