17 tháng 7, 2022

Chùa Long Thạnh

Huyện Gò Công Tây: Lịch Sử Chùa Long Thạnh

CHÙA LONG THẠNH
Ấp Bình Hòa Long, xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang


Đi dọc theo Huyện lộ 20 đến địa phận ấp Bình Hòa Long, xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang chúng ta sẽ nhìn thấy xa xa giữa cánh đồng quê bát ngát lại có một ngôi chùa nhỏ hiện lên với kiến trúc đơn sơ nhưng cảnh trí rất hữu tình, là một nơi thanh tịnh, thiền vị cho những ai muốn tịnh dưỡng tâm hồn qua một ngày lao động mệt nhọc.

Chùa Long Thạnh là ngôi chùa cổ được Mục Đồng thành lập vào năm 1787, cách đây 235 năm. Theo lời kể của các cụ: Thái Ngọc Thao (SN:1894), Huỳnh Văn Diệp (SN:1920), Lâm Quang Sang (SN:1920) và cụ Nguyễn Ngọc Bích (SN:1926) vào ngày 20 tháng 03 năm 1990 như sau:


Ngày xưa, ngôi chùa Long Thạnh này thuộc ấp Tân Long, xã Thạnh Nhựt, quận Hòa Đồng, tỉnh Gò Công (nay thuộc ấp Bình Hòa Long, xã Bình Nhì).

Nơi đây là vùng đất hoang vắng, gò nỏng, nhiều ao hồ, cây cối sầm uất và có một cái ao rất lớn là nguồn nước sinh hoạt cho dân làng (tục gọi Ao Chùa) thềm ao râm mát nên mỗi ngày các vị mục đồng đều tụ tập thả trâu ăn để chơi bắn bi, đánh đáo… rồi một hôm các vị cùng rủ nhau chơi nắn đất sét thành tượng Phật đem thả xuống ao, lạ thay các tượng Phật đều nổi lên mặt nước. Thấy chuyện lạ, mục đồng lại vớt tượng Phật lên đem đặt vào nơi gò cao, che lá cây dã tôn thờ, đốt nhang khói cho Phật. Không bao lâu chuyện lạ truyền xa, dân trong làng cùng bá tánh các nơi đến thắp hương, lễ bái ngày một đông. Thấy vậy, các vị bô lão trong làng cùng nhau xây dựng thành một ngôi Chùa, đồng thời thành lập “Bổn Hựu” phân công thay phiên nhau đến thắp hương, lễ bái và lo công việc quét dọn trong chùa. Thời gian sau, có vị thầy (không rõ ở đâu) đến trụ trì gìn giữ ngôi chùa và tịch năm nào không rõ.

Theo lời cụ Thái Ngọc Thao nói rằng: Thân phụ của cụ xưa cũng là người từng trụ trì ngôi chùa này cho đến ngày viên tịch, vào thời gian nầy không rõ năm nào chùa được trùng tu lại; từ mái lá trở nên mái ngói, xây tường kín đáo. Đặc biệt Chùa có rất nhiều cổ vật như: Chuông đồng, tượng đồng, lư đồng, lục bình và đèn cổ .v.v… nhưng trải qua các cuộc chiến tranh, các vật cổ ấy đã bị thất lạc gần hết.


Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa Long Thạnh là nơi hội họp và làm lớp học xóa mù chữ cho dân làng. Thời gian này chùa Long Thạnh đã có Hòa thượng Thích Thiện Lạc và Đại đức Thích Trí Cần trông coi.

Sau chiến tranh, đất nước được thanh bình các thầy cũng trở về quê nhà sinh sống với gia đình. Đại đức Thích Trí Hội còn lưu lại trụ trì một thời gian. Vì hoàn cảnh kinh tế hiện tại rất khó khăn, sức khỏe kém, vào năm 1988 thầy giao lại ngôi chùa cho Giáo hội và trở về quê nhà. Khoảng thời gian này, ngôi chùa trở nên hoang tàn lạnh vắng, ít người lui tới, cỏ mọc giăng bít lối. Thật tiết thay, buồn cả một vùng quê rộng lớn trong buổi đất nước thanh bình mà thiếu vắng một ngọn đèn đạo đức. Thấy chùa hoang vắng, bổn đạo đã lập Ban Hộ Tự do ông Huỳnh Văn Diệp làm Trưởng ban Hộ tự để bảo quản ngôi chùa.


Trải qua bao mưa nắng dãi dầu, cuối năm 1990 Phật tử và chính quyền địa phương cung thỉnh Hòa thượng Thích Tịnh Hiển về trụ trì. Lúc này Hòa thượng tuổi gần 80 nên sức khỏe cũng kém. Hơn nữa Hòa thượng đang trụ trì chùa Đồng Linh (huyện Chợ Gạo) nên Ngài chỉ đưa vài vị đệ tử và cư sĩ về trông coi, sớm hôm kinh kệ, hương khói cho Phật, nhưng rồi không có ai đủ duyên trụ lại lâu dài.

Đầu năm 1998 bệnh duyên của Hòa thượng ngày càng nặng hơn, không thể đảm đương nỗi hai ngôi Chùa, nên Hòa thượng đã giao lại chùa Long Thạnh cho Thượng tọa Thích Trí Huờn (bấy giờ đang trụ trì chùa An Dương) đảm trách. Vì muốn vâng lời chỉ dạy của Hòa thượng Bổn Sư thắp sáng ngọn đèn Chánh pháp, nên Hòa thượng Thích Trí Huờn giao lại chùa An Dương cho đệ tử kế vị rồi trở về chùa Long Thạnh tiếp nối chức vụ trụ trì cho đến ngày nay.


Tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức là nền tảng tu học của người Tăng sĩ “Trụ Pháp Vương gia - Trì Như Lai tạng”. Bằng cả tâm huyết, Hòa thượng đã cùng với tín đồ Phật tử gần xa đoàn kết một lòng bắt tay vào việc kiến tạo đạo tràng, trùng tu ngôi Tam Bảo, từng bước sửa sang xây dựng lại những chổ dột nát, trang nghiêm nơi thời tự, chỉnh trang phòng ốc để khả dĩ đáp ứng nhu cầu tu học cho quý Phật tử.
Trải qua thời gian dài chi phối bởi định luật vô thường, ngôi Chánh điện dần dần xuống cấp. Nhờ hồng ân Tam Bảo gia hộ, noi theo dấu chân của Hòa thượng Tôn sư trùng hưng ngôi Tam Bảo.

“Cơ thiền tịnh chung phò xây dựng
Hết lòng thành chớ luận công lao.
Ngày ngày phương tiện giúp vào,
Hộ cơ thiền tịnh trước sau vững bền.”

Ngày 20 tháng 10 năm 1998 Hòa thượng chính thức khởi công xây dựng lại Chánh điện và Tổ đường chùa Long Thạnh. Tiếp những năm sau Hòa thượng lần lượt xây thêm Tăng đường dành riêng cho khách Tăng đến nghĩ trong các dịp lễ. Dần dần các hạng mục của công trình bên trong khuôn viên Chùa như: Vườn Lâm Tỳ Ni, Đài Quán Âm, Cổng tam quan, hàng rào, hoa cảnh xanh tươi được bố trí hài hòa tăng vẽ mỹ quang cho cảnh Già lam thật thanh nhã, giúp cho người viếng chùa cảm giác nhẹ nhàng thanh thản.


Qua nhiều năm kiến thiết, chùa Long Thạnh ngày nay không còn là nơi thanh vắng hoang sơ. Thay vào là một ngôi chùa vùng quê được chuyển mình trang nghiêm thanh tịnh, làm ấm lòng khách thập phương vảng cảnh mỗi khi có dịp viếng thăm, đến nơi đây dường như mọi ưu phiền đã được trút bỏ. Cảnh vật êm đềm từ tiếng chuông chùa thanh vắng, nghe thênh thang thăm thẳm giữa cõi mây ngàn. Vì thế chùa Long Thạnh được Ủy ban Nhân dân huyện Gò Công Tây công nhận “Cơ sở thờ tự văn hóa điển hình” vào ngày 07 tháng 09 năm 2010.

Thật vậy:

“Mái chùa che chở hồn dân tộc,
Nếp sống muôn đời của Tổ tông.”

Song song việc kiến tạo và trùng hưng ngôi Tam Bảo, chùa Long Thạnh còn tổ chức các ngày lễ lớn trong năm rất trang nghiêm, hướng dẫn Phật tử tu hành đúng chánh pháp, thực thi lời Phật dạy vào đời sống tu học và chấp hành đúng theo luật pháp nhà nước, xứng đáng là người công dân có đạo. “Phục vụ chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật.”
a thượng Trụ trì còn hướng dẫn Phật tử tham gia các công tác từ thiện xã hội, giúp đở đồng bào bị thiên tai lũ lụt, xây dựng nhà tình thương, giúp đở các em học sinh nghèo hiếu học, tặng quà cho bà con nghèo có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương, ủng hộ Hội chữ Thập đỏ, Hội nạn nhân chất độc da cam … để xoa bớt nỗi bất hạnh trên cuộc đời. Công hạnh thật lớn lao vì đạo pháp và dân tộc của Hòa thượng trong nhiều năm qua, Hòa thượng được Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam tấn phong Giáo phẩm Hòa thượng trong Đại hội VII năm 2012 tại Thủ đô Hà Nội. Hiện nay Hòa thượng là Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang.

Thật là:

“Trí định trang nghiêm Hòa Long Thạnh
Huờn tâm thanh tịnh Thượng Minh Sư.”

Sau đây là một số ảnh tư liệu:










Người viết: Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét