17 tháng 7, 2022

Chùa Trường Phước

Huyện Châu Thành: Lịch Sử Chùa Trường Phước

CHÙA TRƯỜNG PHƯỚC
Ấp Tân Thạnh, xã Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang


Theo lịch sử ghi nhận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang là một trong những vùng đất được khai phá và ổn định dân cư sớm nhất ở đồng bằng Sông Cữu Long. Vào khoảng đầu thế kỷ thứ XVII, vùng giồng cát huyện Châu Thành đã có người vào khai hoang lập nghiệp.

Chùa Trường Phước hay còn gọi là Trường Phước Cổ Tự có mặt tại vùng đất giồng cát Tân Hương này từ rất sớm, cùng với ngôi Đình Tân Hương cổ kính làm nơi tu tập, nuôi dưỡng tâm linh của người dân địa phương.

Do bị ảnh hưởng của các cuộc chiến tranh vệ quốc, chùa Trường Phước hiện không còn lưu giữ được những tư liệu lịch sử các đời trụ trì và hành đạo buổi ban sơ. Chỉ biết khoảng đầu thập niên 50 của thế kỷ 19, Hòa thượng Pháp Tri trụ trì và hành đạo tại chùa Trường Phước, Hòa thượng đã tham gia hoạt động Cách mạng và bị địch phát hiện nên bị bắt vào ngày 19 tháng 5 sau đó mất tích, hiện nay đạo tràng chùa Trường Phước vẫn làm lễ tưởng niệm Hòa thượng hàng năm vào ngày Ngài bị bắt.


Năm 1958 Hòa thượng Thích Tâm Chánh bấy giờ đang hành đạo tại chùa Thiên Phước (phường Tân Khánh, TP.Tân An, tỉnh Long An), thấy ngôi chùa Trường Phước nơi quê nhà bị hoang phế nên Hòa thượng quyết định giao chùa Thiên Phước lại cho Ni trưởng Thích Nữ Như Ngộ và về đảm nhận trụ trì chùa Trường Phước để xiển dương Tam Bảo, hướng dẫn Phật tử tu tập.

Hòa thượng thượng Nghiêm hạ Phước, húy Tâm Chánh thuộc dòng Tế thượng Chánh tông đời thứ 43, thế danh là Lê Văn Phó, sinh năm 1912 tại ấp Tân Hòa, xã Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.


Đến năm 1982, với tâm nguyện lấy đức tu giải thoát hướng dẫn hậu lai nên Hòa thượng Thích Tâm Chánh đã quyết định giao quyền trụ trì chùa Trường Phước lại cho Ni sư cùng quê là cố Ni sư Thích Nữ Như Nhàn - Đệ tử của Ni trưởng viện chủ chùa Thiên Phước, TP.Tân An. Chẳn ngờ duyên trần nối pháp của Ni sư Thích Nữ Như Nhàn sớm hết nên cố Ni sư đã viên tịch năm 1997. Từ đó Hòa thượng Thích Tâm Chánh lại phải tiếp tục cố vấn cho Ni sư Thích Nữ Huệ Ánh (là đệ tử lớn của cố Ni sư Thích Nữ Như Nhàn) trong việc “Trụ Pháp Vương gia, Trì Như Lai tạng” nơi chùa Trường Phước cổ kính này.

Trong thời gian trụ trì chùa Trường Phước, Hòa thượng Thích Tâm Chánh cũng có vài lần trùng tu, xây dựng lại chùa Trường Phước bằng cây Dầu, mái lợp gói âm dương, nền lát gạch tàu đỏ; cất thêm Giảng đường để có nơi cho Phật tử trở về thính pháp, tu tập.


Năm 1991, Ni sư Thích Nữ Như Nhàn trùng tu lại ngôi Chánh điện bằng bê tông, xây tường, nền lát gạch bông.

Từ khi đảm nhiệm trọng trách tại chùa Trường Phước vào năm 1997, Ni sư Thích Nữ Huệ Ánh đã nỗ lực phát huy đạo tràng, từng bước trùng tu cơ sở vật chất và nuôi dạy đệ tử tu học, hầu tiếp nối đèn thiền, rạng danh chốn Tổ.


Năm 2008, nhận thấy ngôi chùa cổ đã bị xuống cấp, không còn đủ đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt tu tập của Ni chúng và Phật tử; lại được sự chứng minh của Hòa thượng ân sư nên Ni sư Trụ trì đã quyết định khởi công xây dựng mới ngôi Chánh điện với quy mô kiên cố bằng chất liệu bê tông cốt thép, theo kiến trúc thượng lầu hạ hiên với hai mái rộng, chiều ngang là 18m, chiều dài 23m. Mái đúc bê tông dán ngói mũi hài, các mũi đao gắn hoa văn rồng rất đẹp; cột chạm đá mài và được trang trí hoa sen ở hai đầu; các khung cửa được làm bằng gỗ căm xe; nền lát gạch bóng kiến. Xung quanh Chánh điện là khoản hành lan được làm rộng và thoáng mát, rất tiện nghi để Phật tử thiền hành niệm Phật trong những ngày tham dự khóa tu tại Chùa.


Bên trong Chánh điện thờ Tôn tượng đức Phật A Di Đà, hai nên là phù điêu Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí; phía trước đức Phật Di Đà là ba pho tượng Hoa Nghiêm Tam thánh và Tôn tượng bảy đức Phật Dược Sư.

Sau khi xây dựng xong ngôi Chánh điện vào năm 2011, Ni sư Thích Nữ Huệ Ánh còn tiến hành san lắp khuôn viên phía trước sân Chùa, an trí Tôn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm cao 9m, xây lại sân khấu để dành tổ chức các Đại lễ như Phật Đản, Vu Lan, …; tôn tạo tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn dài 12m, và tiểu cảnh Tứ Động Tâm, xây đài thờ Phật Di Lặc và kiến tạo không gian xung quanh khuôn viên Chùa, trồng nhiều hoa kiểng xanh tươi bốn mùa trổ bông thơm ngát.


Để có được kinh phí xây dựng, ngoài việc phát tâm hỷ cúng của Phật tử gần xa, Ni sư Thích Nữ Huệ Ánh còn phải cần cù lao động, thâm canh sản xuất, chăm sóc hơn 3000 m² đất vườn dừa, trồng hoa kiểng bán vào các dịp Tết Nguyên Đán, …

Ngoài việc trùng hưng Tam Bảo, Ni sư Huệ Ánh còn rất quan tâm đến việc hướng dẫn Phật tử tu tập, mở các khóa tu Niệm Phật định kỳ để quý Phật tử tham gia thực hành lời Phật dạy, thỉnh Giảng sư về thuyết pháp cho Phật tử hiểu rõ giáo lý Phật đà mà chuyển hóa tâm thức để được an lạc. Ni sư Trụ trì cũng thường xuyên tổ chức hướng dẫn các em thiếu nhi Phật tử tu học Phật pháp, dạy cho các em múa dâng hoa và những bài hát về Đạo để cúng dường chư Tăng trong các kỳ lễ hội Phật giáo.

Ni sư cũng hướng dẫn Phật tử thường xuyên tham gia các phòng trào đền ơn đáp nghĩa, xây nhà tình thương, tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, tặng quà đến các hoàn cảnh khó khăn, tặng cơm từ thiện tại bệnh viện đa khoa huyện mỗi tháng hai kỳ, … góp phần cùng với chính quyền xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp. Thật đúng là:

“Chùa đứng hiền lành tự thuở xưa
Tình dân gửi ấm đã bao đời;
Tổ tiên bồi đắp bao năm thành,
Nối tiếp không ngừng lớp tuổi thơ”.

Sau đây là một số ảnh tư liệu:




















Người viết: Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét