29 tháng 7, 2022

Chùa Long Tường

Huyện Châu Thành: Lịch Sử Chùa Long Tường

CHÙA LONG TƯỜNG
Ấp 5, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang


Vào cuối thế kỷ 18, vùng đất Chợ Bưng - Giồng Dứa dần trở thành một trong những căn cứ địa quan trọng chống thực dân Pháp ở miền Tây Nam Bộ. Rạch Chợ Bưng - Bến Chùa nối liền nguồn nước Sông Tiền chảy về vùng bưng biền Đồng Tháp Mười; tuy là con rạch nhỏ nhưng người dân giao thương qua lại đông đúc.

Năm 1782, Hòa thượng Bình Công (một vị sư người Hoa) đến hành đạo nơi vùng đất trù phú này và dừng chân tại ấp Long Thới, xã Long Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Định Tường (nay là ấp 5, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) cất thảo am, hàng ngày bóc thuốc trị bệnh miễn phí cho bá tánh, làm phương tiện truyền bá Phật pháp. Đó là tiền thân của chùa Long Tường.


Hòa thượng có duyên nên trị bệnh rất hiệu nghiệm, tiếng lành đồn xa, mọi người tới lui ngày càng đông, rồi phát tâm hùn phước xây lại nơi đây thành ngôi phạm vũ để Hòa thượng có nơi tu tập và hành đạo, hướng dẫn Phật tử tu học. Từ đó Tam Bảo chùa Long Tường hình thành và phát triển với tinh thần Y Phương minh của Phật giáo, phương tiện đem đạo vào đời, làm lợi ích cho chúng hữu duyên.


Cũng như bao ngôi chùa khác ở miền Nam lúc bấy giờ, nối tiếp mạng mạch Phật pháp, chùa Long Tường được chư Tôn đức truyền thừa qua nhiều thế hệ theo môn phái Phật giáo Cổ Sơn môn Lục Hòa Tăng giàu lòng yêu nước, góp phần nuôi dưỡng cán bộ chiến sĩ cách mạng mong sớm ngày giải phóng đất nước để muôn dân được an cư lạc nghiệp. Trong đó có Hòa thượng Thích Thiện Nguyên giai đoạn 1932 – 1940 đã đào hầm bí mật tại chùa để nuôi giúp cán bộ như: ông Sáu Cự, ông Thái Bình, ông Mười Ty, ông Tư Cắng… đều là những vị chủ chốt trong phong trào Việt Minh giải phóng miền Nam. Nói sau hết những công hạnh của quý Hòa thượng trải qua bảy đời trụ trì ngôi chùa Long Tường đã đi vào dấu ấn cách mạng của hai cuộc kháng chiến giữ nước.


Đời trụ trì thứ nhất: Từ Lâm tế Chánh tông Tam thập Tam thế, trụ pháp 1816 - 1876 húy Cổ Hiển - Bình Công Hòa thượng Giác linh.

Đời thứ hai: Từ Lâm tế Gia phổ Chánh tông Tam thập Bát thế, trụ pháp 1877 - 1911 Hòa thượng Thượng Minh hạ Long, Yết ma Giác linh.


Đời thứ ba: Từ Lâm tế Gia phổ Chánh tông Tam thập Cữu thế, trụ pháp 1917- 1932 Hòa thượng thượng Như hạ Ngọc, húy Như Lựa, Yết ma Giác linh.

Đời thứ tư: Từ Lâm tế Gia phổ Chánh tông Tứ thập thế, trụ pháp 1933 - 1940 Hòa thượng thượng Thiện hạ Nguyên, húy Hồng Nguyễn Giác linh.

Đời thứ năm: Từ Lâm tế Gia phổ Chánh tông Tứ thập thế, trụ pháp 1940 - 1957 thượng Thiện hạ Huệ, húy Hồng Huệ, Nguyễn Công Yết ma Giác linh.

Đời thứ sáu: Từ Lâm tế Gia phổ Chánh tông Tứ thập thế, trụ pháp 1958 - 1960 Hòa thượng thượng Thiện hạ Tâm, húy Hồng Niệm, Nguyễn Công Yết ma Giác linh.

Đời thứ bảy: Từ Lâm tế Gia phổ Tứ thập thế, trụ pháp 1960 - 1982 Hòa thượng thượng Thiện hạ Tài, hiệu Nhựt Tải, húy Hồng Phúc, Hồ Công Giác linh.

Năm 1968, bổn đạo chùa Long Tường đã đến cung thỉnh Hòa thượng Thích Thiện Tài (Nhựt Tải) tu học tại chùa Bửu Lâm (TP.Mỹ Tho) về trụ trì, hành đạo và hướng dẫn Phật tử tu học. Với bẩm chất ôn hòa, bình dị nên thời gian trụ trì chùa Long Tường, Hòa thượng Thích Thiện Tài có duyên độ rất nhiều vị phát tâm xuất gia theo tu học hạnh giải thoát như: Hòa thượng Thích Chơn Lệ (chùa Thành Phước), Hòa thượng Thích Chơn An (chùa Long Tường), Hòa thượng Thích Chơn Thành, v.v...

Năm 1982, trước khi hóa duyên ký tất, Hòa thượng Thích Thiện Tài đã giao lại ngôi Tam bảo Long Tường cho Hòa thượng Thích Chơn An đảm nhiệm trụ trì, tiếp nối con đường pháp huy chánh pháp. Noi theo hạnh nguyện của Thầy, Hòa thượng Thích Chơn An từng bước trùng hưng Tam Bảo, tiếp Tăng độ chúng, trong đó có các đệ tử như: Thượng tọa Thích Trung Chánh, Đại đức Thích Lệ Huệ, Đại đức Thích Trung Định, Đại đức Thích Lệ Phương, v.v … hiện đang tích cực phụng đạo cho Giáo hội tỉnh nhà, góp phần làm lợi lạc nhân sinh.


Đứng trước kiến trúc xinh đẹp của ngôi chùa Long Tường như ngày nay chúng ta mới cảm kích những công đức của các bậc tiền nhân. Thập niên 80 của thế ký 18, khi được bá tánh gần xa hùn phước dựng lên ngôi chùa với kiến trúc ba gian, hai chái, cột gỗ Căm Xe, mái lợp ngói âm dương, mặt tiền chùa quay về hướng Nam. 
Từ đó mãi đến nhiều năm về sau, do ảnh hưởng chiến tranh, ngôi chùa không được trùng tu lại. Những năm cuối thế kỷ 19, phần đất phía trước chùa còn bị chiếm dụng nên quý Hòa thượng phải trổ hướng đi của chùa xoay về hướng Bắc (tức quay ra bờ rạch Chợ Bưng).

Năm 1990, sau khi đã nhận lại được phần đất của chùa bị chiếm dụng trước đây; mặt khác vì thấy ngôi chùa nhiều năm đã bị xuống cấp trầm trọng nên Hòa thượng Thích Chơn An đã quyết định đại trùng tu lại ngôi Chánh điện bằng chất liệu bê tông kiên cố, mái lợp ngói âm dương, vách tường, nền lát gạch bông. Lần trùng tu này, Hòa thượng cũng đã xoay mặt chùa trở về hướng Nam như trước đây. Sau đó Hòa thượng còn xây thêm nhà Tổ, Tăng xá; dựng Tôn tượng Bồ tát Quan Thế Âm lộ thiên để bá tánh về chùa chiêm bái, học hạnh từ bi; xây gác Chuông để sớm hôm phụng thỉnh, làm thức tỉnh lòng người; mở rộng đường đi vào chùa, tạo mỹ quan chùa cảnh, ….

Với hạnh tu bình dị, chân chất, hiền hòa, khiêm tốn; vì vậy các công trình nơi chùa Long Tường được hoàn thành là cả một chuổi ngày nhiều năm dành dụm, chắt chiêu của Hòa thượng Trụ trì. Những tưởng công việc xây dựng như thế đã xong, nào ngờ đến năm 2013, khi nhận được thông báo của chính quyền về việc nạo vét công trình thủy lợi rạch Chợ Bưng cho biết sẽ ảnh hưởng đến một phần Chánh điện chùa Long Tường; vì vậy Hòa thượng Thích Chơn An phải bắt đầu xây dựng lại ngôi Chánh điện mới. Ngôi Chánh điện được khởi công vào ngày 26/5/2013 (14/4 năm Quý Tỵ), công trình kéo dài hết 7 năm mới hoàn thành như hiện nay.


Công trình xây dựng theo kiến trúc một tầng trệch và một tầng lầu. Phần mái có cổ lầu được đúc bê tông, dán ngói lưu ly xanh; các đầu đao trang trí hoa văn rồng. Ngôi Chánh điện bên trong thờ Tôn tượng đức Phật A Di Đà, Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí. Tầng trệch là Trai đường, có tôn trí tượng đức Phật Thích Ca, Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền; phía trước là tôn tượng Bồ tát Thiên thủ Thiên nhãn; phía sau là Tổ đường tôn thờ long vị chư Hòa thượng trụ trì tiền nhiệm. Các pho tượng thờ tại chùa đều được làm bằng gỗ quý và được điêu khắc rất đẹp.

Năm 2021, nhận thấy tuổi đã cao nên Hòa thượng Thích Chơn An đã giao lại quyền Trụ trì chùa Long Tường cho Đại đức Thích Lệ Huệ trong coi Tam Bảo và điều hành Phật sự, tiếp nối con đường hoằng pháp độ sinh.


Như vậy ngôi chùa Long Tường từ khi hình thành và không ngừng phát triển, trải qua hơn 200 năm, mái am tranh ngày nào giờ đã là ngôi phạm vũ uy nghi, làm chỗ dựa tâm linh không thể thiếu cho hàng Phật tử nương về tu học Phật pháp.

Thật là:


“Long thủy hữu duyên tương hợp,
Tường quang chánh pháp lưu phương.
Chùa xưa chuông vọng đêm thanh vắng,
Cổ kim tương hợp Pháp âm vang.”

Một số ảnh tư liệu:





















Người viết: Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét