25 tháng 8, 2022

Chùa Bảo Quang

Chùa Bảo Quang và những giá trị văn hoá, nghệ thuật

Chùa Bảo Quang có tên chữ là Bảo Quang tự, hiện nay thuộc thôn Yên, xã Thạch Xá thuộc Hà Nội (Hà Tây cũ). Ngoài những giá trị văn hoá nghệ thuật độc đáo, chùa còn có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây.

Lịch sử khởi dựng ngôi chùa


Kiến trúc của ngôi chùa hiện nay là kiến trúc của lần sửa chữa mới nhất vào đầu thế kỷ XXI. Do vậy, để tìm ra niên đại khởi dựng của chùa Bảo Quang, phải dựa trên hệ thống di vật, cổ vật còn lưu giữ tại chùa.

Gác chuông của chùa hiện còn treo quả chuông ghi niên đại năm Quý Sửu. Trên văn chuông ghi: “ Bảo Quang giả, Nguyễn Xá chỉ Yên thôn tự dã, Quý sửu thu tự chung thành, thôn trung thiện tín kỳ dịch dĩ văn khấu ư dư, dư khải độc năng kim ngọc kì âm tai ngưỡng thưởng văn chỉ hình nhi thượng giả, vị chỉ đạo hình nhi hạ giả…” dịch nghĩa “ chùa Bảo Quang thuộc làng Triền xã Nguyễn xá, vào mùa thu năm Quý Sửu đúc xong chuông, các vị thiện tích kỳ dịch trong thôn gửi thư nhờ tôi viết bài ( cho chuông), tôi há dám một mình có thể đủ lời vàng ngọc sao, cung kính ngước lên…” .


Chùa hiện không còn lưu giữ đạo sắc phong nào phong cho thiền sư Thích Thánh Tầm. Song có một số hoành phi câu đối và có 3 tấm bia cổ còn nguyên vẹn tất cả đều là bia hậu, rất tiếc là trên bia có ghi năm dựng bia nhưng không ghi rõ vào thời đại vua nào nên khó xác định được thời gian dựng bia cụ thể.

Căn cứ vào hệ thống di vật và tượng thờ tại chùa Bảo Quang có thể khẳng định rằng sự tồn tại của ngôi chùa từ thế kỷ XVIII trở về trước. 


Trong suốt quá trình tồn tại của mình, chùa Bảo Quang đã trải qua nhiều thăng trầm nhưng luôn được nhân dân thôn Yên hết sức quan tâm. Trước năm 1945, chùa từng được tu sửa, có thể là nhiều lần, mà lần còn được ghi lại là vào năm 2004.

Sau Cách mạng tháng Tám, vào những năm 1960, chùa là địa điểm cho một trường tiểu học với một lớp học ở ngay Tiền đường.

Cùng với thời gian, chùa dần bị xuống cấp và đến năm 1985 đã được tu sửa. Lúc này chùa có kiến trúc gồm bái đường, nhà thiêu hương, thượng đường, tam quan. Chùa gồm 2 nếp nhà nằm ngang, song song nối tiếp với nhau bằng nhà dọc uống muống gọi là nhà thiêu hương. Nhà nằm ngang phía ngoài gọi là bái đường, nhà nằm ngang phía trong gọi là thượng đường. Qua khoảng sông rộng, phía ngoài là tam quan kiêm gác chuông, làm theo kiểu chồng riêm hai tầng tám mái, trên treo quả chuông đồng lớn.

Với nguyên dạng sau các lần trùng tu đó, chùa Bảo Quang được Bộ Văn Hóa Thông Tin ( nay là Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch ) công nhận di tích lịch sử văn hóa, loại hình kiến trúc nghệ thuật, ngày 30 tháng 06 năm 1996. Trong lý lịch di tích chùa được đánh giá là “ có nguồn gốc lịch sử rất độc đáo” và “ đã bảo tồn được những di sản thuộc về công lao, tài nghệ lao động sáng tạo của tổ tiên ta nói chung, thôn Yên nói riêng.”

Sau khi được công nhận, chùa Bảo Quang càng được phật từ gần xa, đặc biệt là nhân dân sở tại nhiệt tình đầu tư tu sửa. Năm 1993, chùa xây lại cổng. Năm 2004, chùa xây dựng lại nhà Tổ và nhà Mẫu. năm 2006 – 2007, tam bảo của chùa được tu sửa lại. Từ đó chùa Bảo Quang mang diện mạo như ngày nay.

Giá trị kiến trúc nghệ thuật chùa Bảo Quang

Chùa Bảo Quang tọa lạc tại thôn Yên - Thạch Xá - Thạch Thất - Hà Nội được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa năm 1996. Từ đó đến nay, di tích này đã được nhiều lần trùng tu, sửa chữa.

Về kiến trúc và trang trí nghệ thuật, chùa Bảo Quang đã có nhiều thay đổi so với khi được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa. Nhiều đơn nguyên trong chùa được xây lại hoặc xây mới thêm. Điều đáng trân trọng là tuy xây bằng những vật liệu mới nhưng kết cấu của các đơn nguyên đều cố gắng mô phỏng theo thức kiến trúc và lối trang trí truyền thống. Sự kết hợp như vậy có lẽ sẽ là một hướng đi hợp lý trong khi vật liệu truyền thống là gỗ ngày càng hiếm và đắt, đồng thời đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong thời đại ngày nay. Tuy nhiên, việc tu sửa chùa Bảo Quang cũng là một kinh nghiệm trong công tác quản lý di tích của chính quyền địa phương.


Lễ hội chùa Bảo Quang là một sinh hoạt cộng đồng được nhân dân địa phương hết sức xem trọng. Lễ tế trang nghiêm cùng với phần hội nhiều trò chơi đa dạng đã quy tụ được khách thập phương. Nếu có thể khôi phục đấu phép đặc sắc trong lễ hội cổ truyền, đây sẽ là một trong những lễ hội độc đáo nhất ở Hà Nội với nhiều lớp ý nghĩa tích hợp.

Như vậy, dù đã có nhiều thay đổi nhưng về cơ bản, chùa Bảo Quang vẫn có những giá trị nhất định, nhất là trong đời sống của nhân dân địa phương. Bởi vậy, cần có những biện pháp để bảo tồn và phát huy giá trị của chùa Bảo Quang theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Về cơ bản, để bảo vệ chùa theo các nội dung được quy định trong văn bản pháp lý của Việt Nam và quốc tế, cần dựa vào ba đối tượng là nhà quản lý, nhà khoa học, chính những người trực tiếp sử dụng di tích là các nhà sư và nhân dân làng Yên thôn. Bằng các biện pháp nhằm nâng cao tính hữu hiệu của công tác quản lý, nghiên cứu khoa học phát hiện các giá trị vật thể và phi vật thể của di tích cũng như xã hội hóa các hoạt động bảo tồn di tích, các đối tượng trên sẽ đi đúng hướng để đạt được những thành công trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa của chùa Bảo Quang.

Hà Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét