25 tháng 8, 2022

Động Quan Âm ở Đà Nẵng

Động Quan Âm ở Đà Nẵng - Kỳ quan tâm linh

Giữa một Đà Nẵng đang từng ngày vươn lên trong xu thế công nghiệp hóa hiện đại hóa, có một khoảng không gian tĩnh lặng thiêng liêng này, để đến Đà Nẵng có những phút giây quên đi những trần ai, hòa mình vào thiên nhiên, với cửa Phật, để nội tâm quay về với những điều bình yên hướng thiện.

Dưới ngọn Kim Sơn trong quần thể Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), qua hàng triệu năm kiến tạo và dấu mình trong lòng núi một hang động đẹp. Đến năm 1956, Hòa thượng Thích Pháp Nhãn mới có cơ duyên phát hiện ra động này:

“Ngũ Hành có núi Kim Sơn 
Có chùa tĩnh lặng bên sông Cổ Cò 
Bàn tay tạo hóa điểm tô 
Quan Âm thạch động, vọng chuông kinh cầu” 

Cơ duyên đó là một giấc thần mộng về Ngài Quán Thế Âm Bồ tát ứng hiện nơi động thiêng, pháp đàn của Ngài. Theo đó, Hòa thượng đã tìm thấy ngôi thạch động có tôn tượng Quán Âm thiên tạo, thật ứng nghiệm. 


Trong khi đó, động Quan Âm là một hang động rất khó phát hiện so với các hang động khác, nằm dưới chân núi, miệng hang quay về hướng Tây Nam, phía ngoài miệng hang có một vách đá che kín như cố tình lấp đậy, ngụy trang để con người khó phát hiện. 

Đường vào cửa động, hai bên vách đá dựng đứng, miệng hang nhỏ có hướng đi xuống, âm so với mặt đất, càng vào sâu càng có cảm giác mát lạnh. Vào phía bên trong, động lớn dần, phình ra có hình thù như hạt lúa giống khổng lồ đang nẩy mầm. Chiều dài hang động 64m, rộng khoảng 5-7m, cao 7m. 


Động Quan Âm là động kín so với với đa số động mở trong quần thể Ngũ Hành Sơn. Động này có nhiều thạch nhũ hơn, thạch nhũ ở đây có màu sắc, hình thể đa dạng, đường nét rõ ràng, sắc sảo, tưởng chừng như có bàn tay của nghệ nhân tác tạo. Không gian của động được bao phủ bởi một lớp hơi nước mờ ảo. Khi mới vào cửa động, điểm nhấn đầu tiên là bức tượng ngài Bồ tát Quan Thế Âm cao như người thật với lớp áo kim tuyến lấp lánh, kết tinh từ loại đá kim sa quý hiếm của thiên nhiên, tay cầm bình cam lồ, mắt nhìn về phía cuối động. Bức tượng thành hình bởi tác động bào mòn của mạch nước ngầm chảy xuống từ trong lòng núi qua nhiều thế kỷ. 

Dưới chân bức tượng có hình một con rồng tự nhiên uốn lượn trong điển tích Quan Âm Nam Hải, cưỡi rồng, vượt cơn sóng dữ không ngại khó khăn cứu người gặp nạn. Phía sau có Thiện Tài Đồng Tử, bụi trúc, phía trước có chim Khổng tước, hợp với điển tích Quan Âm Thị Kính ở Việt Nam. Do hình tượng tự nhiên trên mà Hòa thượng Thích Pháp Nhãn đã đặt tên động và chùa là Quán Thế Âm. 



Trên các vách động, thạch nhũ tạo ra những hình tượng kỳ lạ, thú vị, nào là Tiên ông đang thản nhiên đánh cờ, nào là những chú hưu cao cổ trong rừng sâu núi thẳm ..., tất cả đều kết tinh bằng đá nhưng hiện hữu trước mắt ta như một bức tranh rất thực. 

Giữa trần động, cách mặt đất khoảng 0,3m một thạch nhũ dài thòng xuống, khi gõ vào âm thanh tạo ra như tiếng chuông thật, (đây là một thạch nhũ đặc biệt quý hiếm tại hang động Ngũ Hành Sơn), kế bên còn có cả trống và mỏ đá tự nhiên. Những khí cụ trên được gọi là bộ nhạc lễ của nhà Phật. 

Đi vào cuối động, không gian khép lại làm cho ta cảm tưởng đây là đoạn kết của động. Nhưng thực tế, khi vượt qua khoảng 2m, không gian lại mở ra một lần nữa với một hồ nước lớn, mát lạnh trong lành, dòng nước thẩm thấu từ mạch sông Cổ Cò, thanh lọc qua lớp đá cẩm thạch nên rất tinh khiết. Từ sự tinh khiết này, người ta mường tượng đến dòng nước Cam Lồ được ơn trên ban phát, dòng nước bắt nguồn từ tình thương của mỗi tâm hồn tưới lên vạn vật, từ tình thương của Mẹ (Quan Âm) tưới lên sự sống chúng sinh.

Giữa một Đà Nẵng đang từng ngày vươn lên trong xu thế công nghiệp hóa hiện đại hóa, nên chăng giữ lại một khoảng không gian tĩnh lặng thiêng liêng này, để con người đến Đà Nẵng có những phút giây quên đi những điều trần ai, hòa mình vào thiên nhiên, với cửa Phật, để nội tâm quay về với những điều bình yên hướng thiện.

Thùy Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét