30 tháng 8, 2022

Chùa Đông Lai (chùa Bánh Xèo)

Chùa Bánh Xèo

Chùa Bánh Xèo tọa lạc tại khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Đây là ngôi chùa cổ, qua nhiều đời trụ trì, đã xuống cấp. Chính vì vậy mà thượng tọa trụ trì đương thời, Thích Thiện Chí đã tiến hành xây dựng, tôn tạo cho thêm phần uy nghi, tôn nghiêm bắt đầu từ vài năm nay. 


Chùa Bánh Xèo còn có tên gọi dân gian khác là chùa Phật Nằm. Vì, bên phải trước chánh điện có tượng Phật nằm khá lớn. Tượng này, qua thời gian xuống cấp, cũng đang được tôn tạo cho thêm phần uy nghiêm, tôn kính. Hiện nay, đến chùa, đập vào mắt khách thập phương là Đài Quan Âm tọa lạc bên trái trước chánh điện. Đài gồm tượng Phật Quan Âm và hòn non bộ phía sau lưng có dòng thác róc rách tuôn chảy suốt ngày đêm. Đài có diện tích 5,5mx7m, với số tiền xây dựng khoảng 200 triệu đồng.

Chánh điện chùa đang trong thời kỳ nâng cấp. Dù vậy, đứng trước hàng hiên chánh điện, khách phương xa vẫn thích thú với bề mặt u nhã của nó. Tiền điện có hai cặp đối. Một cặp bên ngoài ghi dọc hai câu đối âm Hán tự: "Hoằng pháp vi gia vụ/Lợi sanh vi bổn hoài". Cặp đối bên trong, cũng bằng âm Hán tự, ghi dọc: "Đông độ Tây Thiên trụ đại pháp/Lai nhân duyên hữu thoát trẩn ai". Cặp đối này đáng chú ý vì mỗi câu được khởi đầu bằng chữ: "Đông" và "Lai". Ghép hai chữ này lại thành Đông Lai, là tên chữ chính thức của chùa: Đông Lai cổ tự. Nhưng vì chùa tổ chức phục vụ miễn phí bánh xèo cho bất cứ ai đến viếng, nên người ta gọi là chùa Bánh Xèo cho "thân mật" và dân dả như bản tính của thượng tọa trụ trì. Dù sư trụ trì "xuề xòa" nhưng việc xây cất chùa không đơn giản. Kiến trúc chùa mang đậm phong cách Á Đông và phương Tây. Trong chánh điện, tượng phật to lớn, chỉ vài ba vị, nổi bật nơi tôn nghiêm nhất. Dài hai tường chùa là phù điêu Thập bát la hán được chạm khắc tinh xảo, mỹ thuật. Trần chùa cao thoáng. Nóc chùa ba lớp nhỏ dần lên, lợp ngói đỏ, mái đao theo truyền thống chùa chiền Việt Nam... Thời gian này việc xây sửa chùa lúc nào cũng rộn rịp. Và, theo Thượng tọa Thích Thiện Chí, khi quyên góp được số tiền lớn nữa, sẽ tiến hành tạo thêm nét mỹ quan cho chùa...

Cô Trương Thị Kim Thùy, 32 tuổi, phật tử chùa Đông Lai, người phụ trách bếp cho biết: Việc tổ chức đổ bánh xèo và bánh tét khởi phát từ năm 1999, khi Thượng tọa Thích Thiện Chí về đây trụ trì. Đó là trước ngày kỷ niệm sư ông cất chùa (cũ) viên tịch, thầy Thiện Chí nghĩ đến việc làm này. Và, ngoài số phật tử đến dự lễ giỗ sư ông, còn có một số khách thập phương tình cờ đến viếng chùa, cùng được thưởng thức món bánh xèo và bánh tét. Tất nhiên, sau khi thưởng thức bánh xèo, bánh tét, khách gần xa đều không ngớt lời khen ngợi, nên từ đó nhà chùa thường xuyên đổ bánh xèo phục vụ khách thập phương. Cô tâm sự, sáng nào cô cũng đều ra chợ thị trấn Tịnh Biên mua rau cải, gạo, củi... Biết chùa làm việc thiện, một số người bán hàng "hiến cúng" một số rau cải, giá, đậu... Đặc biệt, vào mùa mưa, một số phật tử và một số người thiện ý lên núi hái ngành ngạnh, kim thất, lá sung, cát lồi, đọt bứa, lá vông, mã đề, măng tươi… đem "cúng" chùa. Đây là những loại rau rừng ngoài việc giúp thực khách ngon miệng với món bánh xèo, còn giúp họ bồi bổ cơ thể, ngăn ngừa một số bệnh.

Trước khi tái thiết chùa, bên cạnh chánh điện là nhà ăn, bếp, nhà vệ sinh khá gần kề nhau. Hiện nay nhà vệ sinh xây mới đẹp đẽ với gạch men láng bóng cùng nhiều lavabo... Nhà vệ sinh được "cắt" khỏi hông chùa, nhằm tạo không khí thanh sạch cho nơi tôn nghiêm. Phía sau chánh điện là nhà ăn, sau nữa là nhà bếp với hai nhóm: nhóm lặt rau, làm nhưn bánh xèo và nhóm nấu cơm. Riêng đổ bánh xèo có bốn nhóm, mỗi nhóm có khoảng hai người, anh Ngô Văn Vũ (31 tuổi, đổ bánh xèo cho chùa khoảng 5 năm nay) cho biết như vậy. Một người đổ bánh với 10 chảo, một người phụ việc, chuyển bánh lên nhà ăn. Củi lửa lúc nào cũng hừng hực, nên khu vực đổ bánh xèo là dãy nhà bên phải và cách chánh điện một khoảng sân, nhằm tránh ảnh hưởng sức nóng đến chùa và các phần việc liên quan khác.

Cô Kim Thùy cho biết vào các ngày rằm, mồng một âm lịch, chùa có tổ chức nấu bánh tét phục vụ khách thập phương, khoảng 800 – 900 đòn/ngày. Phần việc này do bà con lối xóm tự nguyện đến làm công quả. Đáng quan tâm hơn, ngoài đổ bánh xèo, phục vụ bánh tét, chùa còn khoản đãi cơm chay cho khách viếng chùa. Cơm chay với các món: chiên, xào, mặn, canh. Muốn thưởng thức cơm chay, khách phải đặt trước để nhà chùa chuẩn bị.

Từ 6 giờ sáng đến 7-8 giờ tối, khách viếng chùa lúc nào cũng được ăn bánh xèo. Ăn đến no thì thôi. Khi khách ít, người phục vụ liên tục chuyển bánh đến. Những lúc khách đến đông thì khách phải tự mình xuống bếp mang bánh lên. Những ngày khách viếng chùa đông, những người làm công quả lâu năm đều biết, nên mạnh ai nấy tới chùa lãnh một vài nhiệm vụ. Nhà ăn có 30 bàn với 300 ghế, vậy mà ngày rằm, mồng một (âm lịch) hoặc lễ vía lớn, lúc nào cũng "hết chỗ", khách phải đứng chờ. Nhờ lực lượng làm công quả mà việc phục vụ ăn uống cho khách lúc nào cũng khá vẹn toàn. Bàn ăn và ghế bằng nhôm lúc nào cũng láng bóng. Chén đũa sạch sẽ, tinh tươm. Mỗi bàn ăn đặt sẵn lọ tăm xỉa răng, hộp khăn giấy, hộp đũa muỗng, hũ nước mắm chanh ớt, chén nhỏ đựng ớt trái... Càng chu đáo hơn, sau khi khách ăn (cứ ăn thoải mái đến no bụng thì thôi) xong còn được tráng miệng bằng ly cà phê đá mát lịm cần cổ. Tất cả đều hoàn toàn miễn phí. Đáng ca ngợi nhất là thái độ phục vụ của những người làm công quả, ai cũng vui vẻ, nhiệt tình với khách. Chính vì vậy mà chùa Đông Lai ngày càng thu hút khách thập phương đến viếng, ngoài khách khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn có khách từ miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên đến.


Bài, ảnh: PHƯƠNG KIỀU
Xem các "siêu đầu bếp" ở chùa đổ bánh xèo nhanh như máy

Tại An Giang có một ngôi chùa cực kỳ độc lạ, các "đầu bếp" chẳng qua trường lớp đào tạo nhưng lại có tay nghề đổ bánh xèo siêu đỉnh, cùng một lúc họ có thể đổ tới 12 cái bánh xèo.

Phục vụ bánh xèo chay từ năm 1999

Dù có tên gọi là Thiền viện Đông Lai (tọa lạc tại xã Xuân Hòa, huyện Tịnh Biên, An Giang) nhưng ít người gọi ngôi chùa này với tên chính gốc mà thường gọi tắt là chùa Bánh Xèo.

Những "siêu đầu bếp" tại chùa Bánh Xèo xã Xuân Tô, huyện Tịnh Biên, An Giang (Ảnh: Bảo Kỳ).

Sở dĩ có tên chùa Bánh Xèo cũng bởi hơn 20 năm qua nhà chùa đều đặn phục vụ khách đến tham quan, chiêm bái bằng món bánh xèo chay miễn phí.

Nếu trên Chánh điện hương khói nghi ngút, phật tử dâng hoa kính viếng tấp nập thì trong gian bếp "Nhà bánh xèo" cũng đông đúc không kém.

Nhiều du khách cho biết, dù không gian nhà bếp chật chội, ám khói nhưng họ vẫn chấp nhận đứng chờ cả chục phút để được xem các đầu bếp trổ tài đổ bánh xèo. 

Cùng một lúc, người thợ đổ bánh phải làm liên tục các công đoạn đổ bột, nhân, đảo bánh, chụm củi với hơn 10 chảo bánh xèo (Ảnh: Bảo Kỳ).

Cầm dĩa bánh bước ra khỏi "Nhà bánh xèo", chị Nguyễn Huỳnh Như (du khách Vĩnh Long) hí hửng nói: "Chờ đợi hơn 10 phút cuối cùng tôi cũng được thưởng thức bánh xèo. Vỏ bánh mỏng, giòn vàng ươm rất đẹp mắt, bên trong có nhân củ sắn, đậu xanh... ".

Trước khi vào nhà ăn, chị Như còn tấm tắc khen tài nghệ đổ bánh xèo cực đỉnh của các đầu bếp ở đây càng khiến chúng tôi tò mò, quyết tận mục sở thị. 

Ông Đào Quốc Hận gắn bó gần 20 năm với bếp bánh xèo ở Thiện viện Đông Lai (Ảnh: Bảo Kỳ).

Những "đầu bếp" xuất thân từ xe ôm, thợ hồ...

Theo quan sát, gian bếp nhỏ chưa đầy 10 m² lại là nơi "ra lò" hàng nghìn chiếc bánh xèo chay mỗi ngày. Bếp có 3 cụm lò, mỗi cụm có 10 hoặc 12 bếp lửa đặt chảo tương đương có 3 thợ nấu sẽ đổ bánh cùng một lúc.

Ông Đào Quốc Hận (51 tuổi, ngụ xã Xuân Tô, huyện Tịnh Biên, An Giang) được biết đến là một trong những "đầu bếp" đổ bánh nhanh - đều - đẹp ở chùa Bánh Xèo.

Nhân bánh xèo chay gồm đậu xanh, củ sắn, nấm rơm... (Ảnh: Bảo Kỳ).

Đội ngũ làm bánh xèo có hơn 20 thành viên, trong đó nam giới sẽ trực tiếp đổ bánh, pha bột, chẻ củi... Phụ nữ gọt rau củ, xào nhân bánh.

"Mỗi ngày tôi đến chùa lúc 6h sáng nhóm bếp lửa, chuẩn bị bột, nhân khi có khách đến thì đổ bánh. Chúng tôi làm liên tục người này mệt thì đổi ca sang cho người khác, đổ bánh chỉ ngưng khi không còn khách chứ bột bánh lúc nào cũng dư", ông Hận chia sẻ.

Chiếc bánh xèo chay vàng ươm, giòn rụm (Ảnh: Bảo Kỳ).

Cũng theo "đầu bếp" U60, trước đây chỉ đổ một lượt 2 chảo rồi tăng lên 5 chảo nhưng do khách đến mỗi lúc một đông hiện giờ đã tăng lên hơn 10 chảo.

"Làm lâu thì quen tay chứ không phải cao siêu gì. Quan trọng mình phải biết canh lửa, muốn cho bánh giòn khi múc bột phải xoay đều để bột lan ra rồi đặt lên bếp, lửa phải cháy liên tục khoảng 2-3 phút thì nhấc bếp", ông Hận nói thêm.

Được biết, ông Hận đã gắn bó với bếp bánh xèo gần 20 năm trước đây ông Hận chạy xe ôm mưu sinh hay chở khách đi chùa Bánh Xèo, mỗi lần chờ khách ông cũng hay vào nhà bếp xem thợ đổ bánh, thấy công việc ý nghĩa, tạo công ích nên ông dành thời gian rảnh xin vào chùa đổ bánh xèo. Bây giờ khi con cái lớn và có thu nhập ổn định ông xin vào chùa làm "tình nguyện viên" đổ bánh mỗi ngày.

Xuất phát từ tấm lòng thiện nguyện như ông Hận, anh Hồ Văn Nhẫn (39 tuổi) cũng gắn bó với bếp bánh xèo hơn 13 năm. Anh Nhẫn hiện tại là thợ hồ, vào dịp Rằm hoặc khi rảnh rổi anh hay đến chùa phụ đổ bánh xèo.

Bột bánh xèo được pha hoàn toàn bằng nước cốt dừa nên vỏ bánh rất béo (Ảnh: Bảo Kỳ).

Ngồi giữa hơn chục bếp lửa cháy rực, mồ hôi anh Nhẫn tuôn như mưa, chốc lát anh lại lấy tay quẹt mắt vì bị khói làm cay, phía sau lưng có nhiều thực khách vây quanh, cầm dĩa chờ bánh chín.

"Khách đến càng đông chúng tôi càng vui chứ không thấy bực dọc gì cả. Chỉ có lúc đông quá trở bánh không kịp thì có khi khét hoặc bị bỏng do dầu văng trúng hoặc lỡ đụng tay vào chảo", anh Nhẫn bày tỏ.

Được biết, do số lượng khách đến quá đông các "đầu bếp" chẳng đếm được số lượng bánh chính xác mà ước lượng bằng cây bột. Ngày thường bếp sử dụng khoảng 3 cây bột, con số này sẽ tăng gấp đôi, gấp ba vào tháng Giêng, lễ Vu lan hoặc rằm tháng Mười, tương đương có hàng nghìn chiếc bánh xèo "ra lò" mỗi ngày.

Rau ăn kèm được chuẩn bị sẵn ở nhà ăn (Ảnh: Bảo Kỳ).

Chị Nguyễn Huỳnh Như - Du khách ở Vĩnh Long cho biết, chị đến chùa hành hương cùng gia đình, sau khi dâng hương chị vào nhà bếp xem các nam đầu bếp đổ bánh và rất ấn tượng vì họ đổ một lúc cả chục cái bánh xèo mà không khét cái nào (Ảnh: Bảo Kỳ).

Bảo Kỳ


Độc đáo thiền viện Đông Lai

Từ lâu, thiền viện Đông Lai (xã An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang7) được người dân và du khách gần xa nhớ đến với cái tên... chùa Bánh xèo. Đến đây, du khách không chỉ lễ Phật cầu an, mà còn được sống trong nghĩa tình chan hòa hiếm nơi nào có được.

Tọa lạc bên trục giao thông chính vào trung tâm huyện Tịnh Biên, thiền viện Đông Lai là nơi tiếp đón rất đông du khách vào mùa hành hương hàng năm. Không chỉ nổi tiếng với “đặc sản” bánh xèo chay miễn phí, nơi này còn sở hữu kiến trúc đẹp với thế lưng tựa vào núi cao hùng vĩ.

Ngay lối vào chánh điện, du khách sẽ gặp ngay tượng phật Di Lặc với nụ cười hoan hỉ, hiền từ, phổ độ chúng sinh.

Kiến trúc trong chánh điện của thiền viện Đông Lai khá đẹp, mang đậm sự trang nghiêm, thanh tịnh của Phật giáo. Du khách đến đây cầu nguyện sự bình an, buông bỏ muộn phiền, hướng về nẻo thiện.

Trong gian bếp, những người thiện nguyện tới làm công quả cho nhà chùa đang tất bật phục vụ bánh xèo chay miễn phí. Hiếm có nơi nào, việc đổ bánh xèo được du khách trầm trồ khen ngợi. Bởi lẽ, những thợ bếp ở đây có thể canh lửa cùng lúc khoảng 10, 12 hay thậm chí 14 chảo bánh.

Những chiếc bánh xèo chay với phần nhân đơn giản nhưng cũng ngon đáo để. Màu bánh vàng ươm, giòn tan khiến cho thực khách phương xa thích thú.

Mồ hôi nhễ nhại, anh Vũ, người có 20 năm kinh nghiệm đổ bánh, vẫn cảm thấy vui vẻ khi được phục vụ du khách gần xa. Với anh, đổ bánh xèo vừa là công quả, vừa là niềm vui. Nó trở thành một thói quen của cuộc sống. Ngày nào không đến chùa, anh lại thấy cuống tay, cuống chân vì nhớ đến gian bếp quen thuộc.


Du khách thưởng thức bánh một cách ngon lành. Họ đến đây dùng bánh để gieo duyên với Phật, cũng như đóng góp một chút lòng thành để nhà chùa tiếp tục phục vụ người tiếp theo.


Ngoài bánh xèo, rau sống ở thiền viện Đông Lai cũng khá ngon và được xử lý hợp vệ sinh để phục vụ thực khách phương xa.


Ngoài tên gọi chùa Bánh Xèo, thiền viện Đông Lai còn được gọi với cái tên dân gian là chùa Phật Nằm. Tại đây, có bức tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn với ý nghĩa chấm dứt nghiệp báo luân hồi, đoạn trừ dục vọng, thanh tịnh tuyệt đối.

Cùng với các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của huyện Tịnh Biên, thiền viện Đông Lai xứng đáng là điểm đến lý tưởng, đậm chất nhân văn mà mọi người có thể trải nghiệm, để cảm nhận sâu sắc hơn về một An Giang mến khách, nghĩa tình.

THANH TIẾN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét