26 tháng 9, 2021

Chùa Tam Bảo (Rạch Giá)

Tên thường gọi: Chùa Tam Bảo

Chùa tọa lạc ở số 3 đường Sư Thiện Ân, phường Vĩnh Lạc, thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. ĐT: 077.862439. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Cổng chùa (năm 1990)

Cổng chùa (năm 2003)

Mặt tiền chùa (năm 1990)

Chùa Tam Bảo (năm 2003)

Vào cuối thế kỷ XVIII, bà Dương Thị Oán (bà Hoặng) đứng ra xây một ngôi chùa đặt tên Tam Bảo. Sách Lược sử những ngôi chùa ở Kiên Giang (TT. Thích Giác Phước chủ biên, NXB. TP. Hồ Chí Minh, 2002) cho biết trong những năm chiến tranh với nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã có một thời gian tạm lánh ở chùa, nên sau khi lên ngôi, ông đã ban sắc tứ cho chùa năm 1803.

Đến năm 1913, Hòa thượng Thích Trí Thiền (thế danh Nguyễn Văn Đồng) về trụ trì chùa. Các năm 1915 – 1917, ngài tổ chức đại trùng tu ngôi chùa. Ngài đã trụ trì chùa đến năm 1941 thì bị bắt đày Côn Đảo và mất năm 1943.

Hòa thượng Thích Trí Thiền sanh năm Nhâm Ngọ (1882) tại làng Vĩnh Thanh Vân, huyện Châu Thành, tỉnh Rạch Giá, trong một gia đình nông dân. Năm Nhâm Tý (1912), ngài xuất gia, làm đệ tử Hòa thượng Thích Vĩnh Thùy ở chùa Hòn Quéo, Hòn Đất. Ngoài ngôi chùa Sắc tứ Tam Bảo, trên bước đường hoằng pháp lợi sanh, ngài đã tạo dựng được nhiều ngôi chùa khác như chùa Tam Bảo Hòa Thanh, chùa Vĩnh Phước, chùa Bửu Hưng, chùa Phước Hưng, chùa Tam Bảo Từ Tôn, chùa Tam Bảo Kỳ Viên, chùa Tam Bảo Long Sơn.

Điện Phật (năm 1990)

Điện Phật (năm 2003)

Bàn thờ Ngọc Hoàng

Tượng đức Phật (năm 1990)

Hòa thượng thiết tha với công cuộc chấn hưng Phật giáo. Ngày 26–8–1931, Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học chính thức thành lập, đặt trụ sở tại chùa Linh Sơn (149 đường Cô Giang, TP. HCM hiện nay), ngài được mời làm cố vấn cho Hội. Ngày 23 – 3 – 1937, Hội Phật học Kiêm Tế thành lập, trụ sở đặt tại chùa Sắc tứ Tam Bảo, ngài giữ nhiệm vụ Chánh Tổng Lý. Ngoài học Phật, Hội còn thực hành kinh bang tế thế, như tổ chức các lớp học miễn phí cho trẻ em nghèo, lập phòng thuốc phước thiện, lập viện mồ côi tại chùa, cứu trợ nạn nhân bão lụt… Tạp chí Tiến Hóa của Hội, xuất bản mỗi tháng một kỳ, nội dung đề cao chánh pháp, bài trừ mê tín dị đoan, nâng cao dân trí…

Sau Hòa thượng Thích Trí Thiền, chùa không có trụ trì cho đến năm 1956. Các vị trụ trì kế tiếp là: Thượng tọa Thích Tâm Chơn (1957 – 1962), Hòa thượng Thích Bổn Châu (1962 – 1970), Hòa thượng Thích Thiện Đạo (1970 – 1974), Hòa thượng Thích Bổn Châu (1974 – 1995).

Hòa thượng Thích Bổn Châu thế danh Trần Văn Bạch, thuộc dòng Lâm Tế Chánh tông đời thứ 40. Trong ba nhiệm kỳ từ 1981 đến 1993, ngài đảm nhiệm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Kiên Giang. Ngài viên tịch năm 1995, bảo tháp được tôn tạo tại chùa.

Tháp Tam Bảo

Tượng đức Phật Thích Ca

Đại đức Thích Thiện Chơn kế tục trụ trì chùa đến nay. Hiện nay, Đại đức đảm nhận nhiệm vụ Chánh văn phòng Phật giáo tỉnh, Chánh đại diện Phật giáo thị xã Rạch Giá. Đại đức đã cho trùng tu ngôi chánh điện năm 1997, nhà Hậu tổ năm 1998, Tây lang năm 1999, cất Tăng xá năm 2000, Đông lang năm 2001.

Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Đức Phật A Di Đà được đăt ở vị trí cao nhất, kế dưới là tượng đức Phật Thích Ca, tượng Đản sanh. Chùa còn lưu giữ nhiều tượng gỗ quý như: tượng đức Di Lặc, Quan Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, Chuẩn Đề, Địa Tạng… Bao lam trên chánh điện được chạm trỗ tinh vi theo dạng Lưỡng long chầu nguyệt, Song phụng triều châu, Bát tiên…

Từ năm 1981 đến nay, chùa đặt văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Kiên Giang. 

Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.

Đài Quan Âm (năm 2003)

Bản công nhận chùa là di tích lịch sử–văn hóa quốc gia năm 1989.

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường
Thăm Chùa Sắc Tứ Tam Bảo ở Rạch Giá – Kiên Giang

Chùa Sắc Tứ Tam Bảo là một ngôi chùa cổ tọa lạc trên đường Sư Thiện Ân ở thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Chùa là một di sản văn hóa quý báu của tỉnh không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn đang lưu giữ nhiều tượng Phật bằng gỗ quý.

Chùa Sắc Tứ Tam Bảo ở Rạch Giá – Kiên Giang

Chùa Tam Bảo có vai trò quan trọng trong tiến trình hình thành và phát triển Phật giáo Kiên Giang. Nơi đây từng là trụ sở của hội Phật Học Kiêm Tế, hội Phật Học Nam Việt – Kiên Giang. Từ năm 1982 đến nay, chùa là Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Kiên Giang. Trải qua các thời kỳ, với bề dày lịch sử, chùa Sắc tứ Tam Bảo đã để lại dấu ấn sâu đậm. Nơi đây, được xem là lá cờ đầu cho các hoạt động Phật sự Phật giáo ở Kiên Giang. Vì vậy, khi nhắc đến những ngôi chùa tiêu biểu nhất của Phật giáo tỉnh Kiên Giang, không ai không biết đến chùa Tam Bảo – Rạch Giá.

Quá trình hình thành ngôi chùa cổ này là một sự tích gắn liền với dòng chảy lịch sử vùng đất Kiên Giang. Chùa Tam Bảo được thành lập vào cuối thế kỷ XVIII, một Phật tử tại Rạch Giá – bà Dương Thị Oán đã đứng ra xây dựng một ngôi chùa bằng cây lá đơn sơ đặt tên là Tam Bảo. Trong những năm chiến tranh với nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã từng có thời gian tạm lánh tại chùa Tam Bảo nên khi lên ngôi ông đã ban sắc tứ để tỏ lòng biết ơn. Từ đây, chùa có tên là“ Tam Bảo tự” hay chùa Tam Bảo. Tên khác là “Sắc Tứ Tam Bảo”.

Đến năm 1913, Hòa thượng Trí Thiền (Nguyễn Văn Đồng) được Phật tử địa phương thỉnh về trụ trì chùa Tam Bảo. Vào năm 1915, Hòa thượng cho đại trùng tu lại ngôi chùa. Đến năm 1917, công trình đại trùng tu hoàn thành, với lối kiến trúc cơ bản còn được lưu lại đến nay. Thời gian gần 30 năm trụ trì chùa Sắc Tứ Tam Bảo của Ngài là quãng thời gian ngôi chùa có nhiều sự kiện lịch sử nhất vì thế cư dân địa phương còn gọi chùa Tam Bảo là chùa Ông Đồng.


Vào năm 1936, Hòa thượng Trí Thiền cùng nhà sư Thiện Chiếu thành lập hội Phật Học Kiêm Tế và tạp chí Tiến Hóa là cơ quan ngôn luận của Hội. Chùa Tam Bảo được sử dụng làm trụ sở và cũng là tòa soạn của tạp chí Tiến Hóa. Hội đã chủ trương tổ chức các hoạt động xã hội như: mở phòng thuốc miễn phí, thành lập cô nhi viện, cứu trợ đồng bào hạn hán, lũ lụt, lớp học bình dân…

Trong giai đoạn 1939 – 1941 chùa cũng là trạm liên lạc của Xứ ủy Nam Kỳ – địa điểm họp bí mật của Đảng; nơi chế tạo lựu đạn bởi nhà sư Thiện Ân (Trần Văn Thâu); nơi cất giấu vũ khí, in truyền đơn chuẩn bị cho cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa. Tuy nhiên, do bị chỉ điểm hoạt động cách mạng của chùa bị bại lộ. HT. Trí Thiền, sư Thiện Ân và nhiều đồng chí khác bị bắt. Chùa Tam Bảo bị đóng cửa. Mãi cho đến sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 mới được mở cửa trở lại.

Mặc dù gặp nhiều biến động nhưng sức sống chùa Tam Bảo vẫn luôn duy trì một cách mãnh liệt và còn là cái nôi của Phật giáo tỉnh Kiên Giang. Đến năm 1956, khi hai vị Thượng tọa Thích Huyền Vi và Thích Thanh Từ về chùa Tam Bảo mở lớp Phật học Phổ thông, vận động quý Phật tử thành lập chi hội – Hội Phật Nam Việt tỉnh Kiên Giang, chùa được chọn làm trụ sở của Hội. Từ ngôi chùa Tam Bảo này đã kết nối với các tự viện trong tỉnh, nêu cao tinh thần học Phật, phục hưng chánh pháp, đào tạo tăng tài, chấn chỉnh giáo lý khiến cho không khí học Phật phát triển rầm rộ trở lại. Nơi đây đã từng tiếp đón nhiều dấu chân của Chư tôn thạc đức, trong đó có HT. Thích Bổn Châu. Để đáp lời kiền thỉnh của Phật tử, Giáo hội Tăng già Nam Việt cử Ngài xuống trông coi ngôi Tam Bảo tự từ năm 1962. Có thể nói, sau HT. Trí Thiền thì HT. Bổn Châu là người có nhiều đóng góp tích cực và tiếp tục giữ gìn nêu cao vị thế chùa Tam Bảo trong lòng Giáo hội Phật giáo tỉnh Kiên Giang.

Chùa Tam Bảo được trùng tu tôn tạo nhiều lần với nhiều thế hệ nhà sư trụ trì. Đây là ngôi chùa có nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc khá đẹp với một không gian yên tĩnh, trang nghiêm. Lần trùng tu gần đây nhất là năm 2000, chùa được xây dựng lại sạch đẹp, khang trang.

Từ ngoài lộ du khách bước vào cổng chùa được xây theo lối kiến trúc mái Tam Quan, lợp ngói ống, các họa tiết trang trí như chữ “Vạn”, bông sen tượng trưng cho Phật pháp.

Cổng chùa

Trong sân có cây bồ đề cổ thụ bốn mùa xanh tươi. Dưới cội bồ đề, người nghệ nhân đã khéo léo tạo tác hình tượng đức Phật A Di Đà đang ngồi thiền định, trên đầu là 7 con rồng che chở cho ngài. Trong sân chùa có ngọn Tam Bảo Tháp được xây ba tầng. Tầng trên cùng là để thờ Phật. Tầng giữa thờ kinh và tầng dưới thờ tro cốt của các Hoà thượng đã trụ trì chùa Tam Bảo như Hòa thượng Thích Trí Thiện, hòa thượng Thích Bảo Châu vv…

Tượng đức Phật A Di Đà đang ngồi thiền định và ngọn Tam Bảo Tháp

Từ sân chùa, du khách vào Tây Lang là dãy nhà phía trước, bên phải Chánh điện. Nhà Tây Lang gồm 3 gian, mái lợp ngói, nền lót gạch Tàu dùng để làm Phòng thuốc nam miễn phí gọi là “Tuệ Tĩnh Đường”.

Từ Tây Lang có cửa thông ra một hồ sen trồng toàn sen trắng. Một cây cầu nhỏ, cong cong được bắc ngang hồ sen tạo lối dẫn lên bậc tam cấp đặt bức tượng Quan Thế Nam Hải cao khoảng 2 mét, đang đứng trên một toà sen. Hai bên cầu trang trí hình bánh xe tròn tượng trưng cho vòng luân hồi của tạo hóa. Xung quanh hồ sen là đủ các loại cây kiểng, nào là Hải Đường, nào là Thược Dược, Thiết Mộc Lan… Hương thơm từ hoa cỏ quyện lẫn trong mùi hương trầm ngan ngát khiến du khách và Phật Tử cảm thấy sảng khoái, quên hết mọi ưu phiền.

Tượng Quan Thế Âm Nam Hải đang đứng trên một toà sen

Đối diện với Tây Lang là Đông Lang. Đây là dãy nhà được dùng làm Trụ sở Văn phòng thường trực của Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang. Trong dãy nhà Đông Lang còn dành ra một gian làm phòng truyền thống trưng bày nhiều hình ảnh truyền thống của Phật giáo Việt Nam. Trong đó có những hình ảnh nổi bật như các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước về thăm chùa qua các thời kỳ. Anh chân dung các vị Hòa thượng gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng chùa Tam Bảo như các vị: Thích Trí Thiện, Thích Thiện An, Thích Thiện Chiếu, Pháp Linh…

Tòa Chánh Điện là dãy nhà tường xây, nền tôn cao 70 cm thiết kế theo kiểu thượng lầu hạ hiên. Điện thờ bày trí tôn nghiêm với tượng đức Phật A Di Đà bằng đá xanh cao 1,03m ở vị trí cao nhất, kế dưới là các tượng Phật Thích Ca, Đản Sanh cùng nhiều tượng gỗ quý như tượng Di Lặc, Quan Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, Chuẩn Đề, Địa Tạng. Bao lam quanh các bàn thờ được chạm trổ công phu, sơn son thếp vàng các hình rồng phượng, hoa lá, chim muông, đầy tính nghệ thuật tạo ấn tượng linh thiêng cho người xem. Những mặt tường bên trong chánh điện có vẽ các bức tranh theo điển tích của đức Phật.

Chánh Điện

Nhà Hậu Tổ là dãy nhà ba gian lợp ngói ống dùng làm nơi thờ vị tổ phái thiền dòng Lâm Tế và các vị Hòa thượng trụ trì chùa Tam Bảo qua các thời kỳ. Điểm độc đáo nhất của nhà Hậu Tổ là hai cánh cửa bằng gỗ lim dày khoảng 10 cm được biến thành một tác phẩm điêu khắc tinh xảo tuyệt đẹp với hình tượng thần Kim Cang gác cửa.

Năm 1988 chùa Sắc tứ Tam Bảo được công nhận là Di tích Lịch sử Văn Hóa cấp Quốc gia

Chùa Tam Bảo từ khi thành lập đến nay đã trải qua bao biến đổi thăng trầm theo thời gian nhưng vẫn giữ được vị trí quan trọng của mình trong tiến trình phát triển Phật giáo tỉnh Kiên Giang và đồng hành với dân tộc, trong phong trào đấu tranh giải phóng đất nước, giữ gìn trật tự xã hội, hộ quốc an dân. Chính vì vậy, năm 1988 chùa Sắc tứ Tam Bảo – Rạch Giá được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích Lịch sử Văn Hóa cấp Quốc gia trở thành địa điểm du lịch Kiên Giang thu hút nhiều khách tham quan chiêm bái mỗi năm.

Mekong Delta Explorer
Chùa Sắc tứ Tam Bảo ở Rạch Giá

Du khách tới Rạch Giá thường được hướng dẫn tới chùa Tam Bảo, với lý do đây là Di tích cấp Quốc gia, là ngôi chùa cổ nhất ở Rạch Giá. Khoảng những năm 1790, một Phật tử tại Rạch Giá là bà Dương Thị Oán (cư dân địa phương gọi là Bà Hoặng) đã đứng ra xây dựng một ngôi chùa trên một khu đất thuộc phường Vĩnh Lạc, thị xã Rạch Giá hiện nay và đặt tên hiệu là chùa Tam Bảo.

Chùa Sắc tứ Tam Bảo. Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên

Cổng chùa

Khoan nói tới chuyện di tích Quốc gia hay ngôi chùa cổ nhất, ta hãy nghe kể xem tại sao ngôi chùa này gọi là Sắc tứ Tam Bảo. Những ngôi chùa có danh hiệu Sắc tứ là do được vua sắc phong để ca ngợi hay khen tặng về điều gì đó. Chùa Tam Bảo được vua Gia Long ban Sắc tứ năm 1803 (chỉ một năm sau khi vua lên ngôi), từ đó gọi là Sắc tứ Tam Bảo. Người ta cho rằng trong những năm chiến tranh với nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã từng có thời gian tạm lánh tại chùa Tam Bảo nên khi lên ngôi ông đã ban sắc tứ để tỏ lòng biết ơn. Nhà văn Sơn Nam thì kể câu chuyện ly kỳ hơn một chút: bà Dương Thị Oán (người tạo lập chùa Tam Bảo) là người giàu có nhờ buôn bán lúa gạo tại địa phương, đã cho Nguyễn Ánh những cuộn tơ tằm quý giá để làm quai chèo không đứt khi vượt biển thay cho loại quai chèo thắt bằng gai, bằng bố dễ đứt
, khi đang trốn chạy Tây Sơn. Nhớ ơn này, sau đó vua đã ban Sắc tứ cho chùa.

Kiểu ban sắc tứ của vua cũng hơi giống như kiểu công nhận di tích văn hóa cấp quốc gia thời nay. Di tích văn hóa hiện nay có 2 loại: Di tích Lịch sử Văn hóa và Di tích Kiến trúc Nghệ thuật. Chùa Tam Bảo là Di tích Quốc gia, nhưng không phải Di tích Kiến trúc Nghệ thuật (có kiến trúc độc đáo, tính nghệ thuật cao), mà là Di tích Lịch sử Văn hóa. Đó là những di tích gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng nào đó. Và sự kiện lịch sử khiến cho chùa được Bộ Văn hóa Thể thao công nhận di tích không phải sự kiện liên quan đến đến vua Gia Long như đã kể trên, mà là liên quan đến... cộng sản! Chùa từng được các nhà sư như Sư Trí Thiền (trụ trì chùa), Sư Thiện Chiếu, Sư Thiện Ân sử dụng làm trụ sở Hội Phật học Kiêm tế, tạp chí Tiến hóa, điểm liên lạc Liên tỉnh ủy Hậu Giang. Một tấm bảng gắn bên hông chùa nhắc nhở rằng đây từng là Trụ sở Liên lạc Xứ ủy Nam kỳ năm 1941.


Bảng ghi nhận vị trí lịch sử của chùa

Nói Sắc tứ Tam Bảo tự là ngôi chùa cổ nhất Rạch Giá e rằng không chính xác. Như đã nêu trên, chùa được bà Dương thị Oán xây khoảng năm 1790 trở về sau, lúc bấy giờ kết cấu đơn sơ, vật liệu chính là tre nứa. Mãi đến 1917 mới có kiến trúc như ngày nay, trùng tu ngôi chánh điện năm 1997, nhà hậu tổ năm 1998, Tây lang năm 1999, cất tăng xá năm 2000, Đông lang năm 2001. Ta có thể dễ dàng thấy nét kiến trúc rất mới. Nếu chỉ xét riêng chùa Việt và xét từ thời điểm thành lập ban đầu thì cũng chỉ có thể nói đây là một trong những ngôi chùa xưa nhất Rạch Giá, vì cùng thời điểm 1790 cũng có một ngôi chùa khác được xây dựng nơi đây mà chưa chắc ai xưa hơn ai, đó là chùa Sắc Tứ Thập Phương. Còn nếu xét cả các chùa Khmer thì chắc chắn chùa Khmer xưa hơn nhiều, có thể kể chùa Phật Lớn thành lập từ năm 1504.


Quang cảnh chùa


Bộ tượng Di đà Tam tôn

Tháp mộ của Hòa thượng Bổn Châu, trụ trì chùa Tam bảo 1962 - 1970 và 1974 - 1995

Cổng chùa, nhìn từ bên trong. Điều đáng tiếc là tên chùa lại viết... sai chính tả! Đáng lẽ là "Tam Bảo Tự" thì lại viết thành "Tam Bão Tự"

Tóm lại, nếu bạn muốn tìm đến một ngôi cổ tự với những kiến trúc xa xưa thì bạn sẽ thất vọng. Còn nếu bạn muốn tìm đến một địa chỉ đỏ, một di tích cách mạng thì... được đó!

Phạm Hoài Nhân
Chùa Sắc tứ Tam Bảo - Kiên Giang

Địa điểm: Phường Vĩnh Lạc, TP. Rạch Giá
Thành lập năm: Cuối thế kỷ 18
Người sáng lập: Bà Dương Thị Oán
Hệ phái gốc: Bắc Tông
Năm trùng tu: 1915, 1917, 1961, 1972, 1997 đến 2001


Vào thập niên cuối thế kỷ 18, một Phật tử tại Rạch Giá là bà Dương Thị Oán (cư dân địa phương gọi là Bà Hoặng) đã đứng ra xây dựng một ngôi chùa trên một khu đất thuộc phường Vĩnh Lạc, thị xã Rạch Giá hiện nay và đặt tên hiệu là chùa Tam Bảo. Đến nay, người ta vẫn chưa rõ tiểu sử của bà Dương Thị Oán cũng như những vị trụ trì đầu tiên của ngôi chùa mà chỉ biết rằng, trong những năm chiến tranh với nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã từng có một thời gian tạm lánh tại chùa Tam Bảo nên sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã ban Sắc tứ cho chùa vào năm 1803 và từ đó, được gọi là chùa Sắc Tứ Tam Bảo. Nhà văn Sơn Nam trong quyển Hồi ký (tập 1 : Từ U Minh đến Cần Thơ) của ông kể lại rằng bà Dương Thị Oán giàu có nhờ buôn bán lúa gạo tại địa phương đã cho Nguyễn Ánh, khi đang trốn chạy Tây Sơn, những cuộn tơ tằm quý giá để làm quai chèo không đứt khi vượt biển thay cho loại quai chèo thắt bằng gai, bằng bố dễ đứt và có thể từ công ơn này mà sau này vua Gia Long đã ban Sắc tứ cho chùa Tam Bảo.


Đến năm 1913, Hòa thượng Trí Thiền (thế danh Nguyễn Văn Đồng) được Phật tử địa phương cung thỉnh về trụ trì chùa Tam Bảo và 2 năm sau, Ngài cho đại trùng tu lại ngôi chùa với lối kiến trúc còn được lưu lại đến ngày nay. Năm 1917, công trình trùng tu hoàn tất. Hòa thượng Trí Thiền tiếp tục trụ trì cho đến năm 1941. Thời gian gần 30 năm trụ trì chùa Sắc Tứ Tam Bảo của Ngài là quãng thời gian ngôi chùa có nhiều sự kiện lịch sử nhất vì thế cư dân địa phương còn gọi chùa Tam Bảo là chùa Ông Đồng.

Sinh năm 1882 trong một gia đình nông dân tại làng Vĩnh Thanh Vân, huyện Châu Thành, tỉnh Rạch Giá. Năm 30 tuổi, Ngài xuất gia tu học với Hòa thượng Vĩnh Thùy tại chùa Hòn Quéo (huyện Hòn Đất) và năm sau, về trụ trì chùa Tam Bảo. Đầu thập niên 1930, Hòa thượng Trí Thiền tham gia phong trào Chấn hưng Phật giáo tại kỳ và trở thành một vị cố vấn có tên tuổi trong giới Phật giáo thời bấy giờ. Chính trong thời gian này, ông hội ngộ Sư Thiện Chiếu, một nhà sư có học vấn sâu rộng, tư tưởng tiến bộ theo chủ nghĩa Mácxít. Ngài rất tán đồng lập trường tiến bộ của Sư Thiện Chiếu và xem như một người đồng chí.


Thiền sư Thiện Chiếu, ngoài thế danh là Nguyễn Văn Sáng, còn có một tên khác là Nguyễn Văn Tài và một bí danh là “Xích Liên “ (Bông sen đỏ), sinh năm 1898 tại Gò Công. Năm 8 tuổi, Ngài theo hầu ông nội là Thiền sư Huệ Tịnh (trụ trì chùa Linh Tuyền, Gò Công) để vừa học Phật pháp, vừa học chữ Nho. Năm 1923, Ngài về trụ trì chùa Linh Sơn (Sài Gòn ) và sau đó, cộng tác với Hội Nam kỳ Nghiên Cứøu Phật Học trong Phong trào Chấn hưng Phật giáo do Thiền sư Khánh Hòa chủ trương. Tuy nhiên, một thời gian sau, Ngài bất đồng chánh kiến với tổ chức này và đến năm 1936, Ngài đến Rạch Giá gặp Hòa thượng Trí Thiền đề nghị cùng thành lập một tổ chức Phật giáo thực sự tiến bộ. Thế là, Hội Phật Học Kiêm Tế được thành lập tại Rạch Giá và chùa Tam Bảo được sử dụng làm trụ sở và cũng là tòa soạn của tạp chí Tiến Hóa của Hội. Chánh tổng lý của Hội là Hòa thượng Trí Thiền, hai phó tổng lý là Hòa thượng Bửu Ngươn (trụ trì chùa Thập Phương) và Hòa thượng Bửu Thành (trụ trì chùa Phước Thạnh). Tạp chí Tiến Hóa ra số đầu tiên vào đầu năm 1938 do Phan Thanh Hà (Sư Pháp Linh) làm Chủ bút và Chủ nhiệm là ông Đỗ Kiết Triệu. Tên gọi Phật Học Kiêm Tế đã nêu bật ý hướng của những người chủ trương : ngoài việc tìm hiểu Phật pháp còn thực hành kinh bang tế thế. Tên gọi Tiến Hóa cho thấy lập trường tiến bộ của tạp chí. Thực vậy. Trong những số báo của Tiến Hóa (xuất bản mỗi tháng một kỳ), người ta tìm thấy những bài viết đề cao chánh pháp, bài trừ mê tín dị đoan, nâng cao dân trí… Linh hồn của tạp chí Tiến Hóa là những bài viết xuất sắc mang đậm quan điểm Duy vật biện chứng của Sư Thiện Chiếu và Sư Pháp Linh. Hội Phật Học Kiêm Tế chủ trương mở Cô nhi viện, lớp học bình dân, phòng thuốc miễn phí, cứu trợ nạn nhân thiên tai… Thời gian này, Hội Phật Học Kiêm Tế và tạp chí Tiến Hóa là những công cụ hợp pháp để Hòa thượng Trí Thiền, Thiền sư Thiện Chiếu và các cộng sự thực hiện nhiệm vụ chấn hưng đạo pháp và tham gia cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ năm 1940, chùa Tam Bảo là địa điểm liên lạc của Liên Tỉnh ủy Hậu Giang và là nơi cất giấu vũ khí tự tạo cùng tài liệu, truyền đơn chuẩn bị cho Khởi nghĩa Nam kỳ. Thế rồi, tháng 6-1941, do bị chỉ điểm từ Sa Đéc, Mật thám Pháp ập vào khám xét chùa Tam Bảo, bắt Hòa thượng Trí Thiền và Sư Thiện Ân cùng số tài liệu và vũ khí tự tạo. Khi bị bắt và tra tấn tại chỗ, sư Thiện Ân đã đạp đổ một cái bàn trên đó chất đầy tạc đạn. Tạc đạn nổ khiến tên chánh mật thám Sa Đéc chết ngay tại chỗ và làm bị thương một tên lính khác. Sư Thiện Chiếu trốn thoát được, Hòa thượng Trí Thiền bị Tòa Đại hình của Thực dân Pháp kết án 5 năm đày Côn đảo, còn Sư Thiện Ân bị kết án tử hình Năm 1943, Ngài tuyệt thực phản đối chế độ lao tù khắc nghiệt và hy sinh trong ngục tối ngày 26.6 AL, thọ 62 tuổi.


Sư Thiện Ân (thế danh Trần Văn Thâu) là một Đảng viên Cộng sản. Trong thời gian hoạt động bí mật tại chùa Tam Bảo, Ngài phụ trách cất giấu tài liệu, vũ khí và bố trí nơi ăn, ở cho các cán bộ cách mạng đến liên hệ công tác. Năm 1996, Hòa thượng Trí Thiền và Sư Thiện Ân được công nhận là Liệt sĩ.


Trốn thoát được về Sài Gòn, Sư Thiện Chiếu tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1942, Ngài bị bắt, bị tra tấn đến bại xuội và bị đày đi Côn đảo. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Ngài tham gia Tỉnh ủy Gò Công và tập kết ra Bắc năm 1955. Năm 1956, Ngài sang Trung Quốc làm Tổ trưởng Ban Phiên dịch Nhà xuất bản Ngoại văn tại Bắc Kinh. Năm 1961, Ngài về Hà Nội, công tác tại Viện Triết học (Ủy Ban Khoa Học Xã Hội) và qua đời tại đây năm 1974, thọ 76 tuổi.

Sau khi Hòa thượng Trí Thiền bị đày ra Côn đảo, chùa Tam Bảo không có trụ trì cho đến năm 1956 và từ 1957 đến 1995, các đời trụ trì là Thượng tọa Tâm Chơn (1957 – 1962), Hòa thượng Bổn Châu (1962 – 1970), Hòa thượng Thiện Đạo (1970 – 1974), Hòa thượng Bổn Châu (1974 – 1995). Hòa thượng Bổn Châu thuộc dòng Lâm Tế Chánh tông đời thứ 40 có thế danh là Trần Văn Bạch, sinh năm 1922 trong một gia đình trung nông có truyền thống yêu nước trọng đạo tại huyện Cái Bè (Tiền Giang). Năm 1945, khi bộ bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, Ngài trực tiếp tham gia phong trào kháng chiến tại quê nhà. Sau Hiệp định Genève, năm 1957, Ngài bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam trong 2 năm vì là người kháng chiến cũ không chịu hợp tác. Năm 1959, sau khi được trả tự do, Ngài xuất gia tại chùa Vạn Thọ (Sài Gòn) và dự khóa Như Lai Sứ Giả do Giáo hội Tăng Già Nam Việt tổ chức tại chùa Ấn Quang. Năm 1962, Ngài được cử về trụ trì chùa Sắc Tứ Tam Bảo đến năm 1970 và lần thứ hai từ 1974 đến 1995. Trong thời gian trụ trì chùa Sắc Tứ Tam Bảo trước ngày Giải phóng, Ngài cùng Cư sĩ Trịnh Văn Minh thường xuyên vận động tài chính mua lương thực, thuốc trị bệnh tiếp tế cho Quân Giải phóng qua ngã huyện Gò Quao. Sau ngày Giải phóng, Ngài là Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Kiên Giang phụ trách công tác tôn giáo và là Đại biểu HĐND tỉnh suốt nhiều nhiệm kỳ. Năm 1981, hưởng ứng công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam, với tài tổ chức của Ngài, Tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang là một trong số những Tỉnh hội đầu tiên của cả nước và trong 3 nhiệm kỳ liền từ 1981 đến 1993, Ngài là Phó Trưởng ban TT Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang phụ trách Phật giáo Bắc Tông. Năm 1993, Ngài lâm trọng bệnh và viên tịch; 2 năm sau đó, thọ 73 tuổi đời, 32 tuổi đạo. Bảo tháp của Ngài được tôn tạo tại chùa Sắc Tứ Tam Bảo. Nổi tiếng là một người có tài làm thơ và có nhiều bài viết về Phật pháp được đăng trên báo trước và sau ngày Giải phóng với bút danh Trần Trung Nghĩa, khi lâm trọng bệnh, Ngài đã viết một bài thơ xem như đó là những lời cuối cùng của một con người đã hết lòng vì đạo vì đời:

Nhâm Tuất sinh ra giữa chợ đời
Cái Bè huyện ấy vốn quê tôi
Thế danh thường gọi Trần Văn Bạch
Mẹ Giỏi, cha Lưu cùng một nơi

Nóp giáo lên đường theo tiếng gọi
Trường kỳ chiến đấu chẳng hề lui
Tù đày Năm Bảy, tu Năm Chín
Về trụ chùa này tuổi Bốn mươi

Sắc lệnh Như Lai bổ sứ về
Tứ phương đạo pháp phá tà mê
Tam thời chuyển pháp hoằng khai đạo
Bảo tạng huyền thâu tứ diệu đề

Tự tại thần thông qua bến giác
Bút thần đưa kẻ vượt sông mê
Ký tên bút hiệu Trần Trung Nghĩa
Lưu dấu pháp danh Thích Bổn Châu

Phật bổ về đây tu ở đây
Công phu công quả dạ nào sai
Tam ngươn vọng bái về Linh thứu
Tứ quí hằng lo phụng tổ thầy

Rạch Giá trụ trì Tam Bảo tự
Hoằng khai chánh pháp đức Như Lai
Tế nhơn lợi vật tâm hằng giữ
Phật bổ về đây tu ở đây

Mấy chục năm qua phụng tổ thầy
Đạo đời nặng gánh dạ nào phai
Đắng cay thuận nghịch lòng không nản
Dạ chắc bền gan chí chẳng lay

Giả từ bổn đạo ở nơi đây
Hãy gắng lo tu sẽ gặp thầy
Bên đạo bên đời vai gánh nặng
Công tròn quá mản trở về Tây

Lúc sống ít nhiều cũng có sai
Xin cùng tất cả thảy ai ai
Thân này sai phạm chi chi đó
Mong được thứ tha lỗi những ngày

Địa ngục thiên đường cũng tại tâm
Khổ đau chìm đắm bởi mê lầm
Não phiền dứt bỏ Bồ đề hiện
Chẳng nhọc Tây phương chạy kiếm tầm
(1993)


Sau khi Hòa thượng Bổn Châu viên tịch, Trụ trì chùa Sắc Tứ Tam Bảo từ năm 1995 đến nay là Đại đức Thiện Chơn (thế danh Lâm Văn Minh). Sinh năm 1962 trong một gia đình sùng tín Phật pháp tại huyện Châu Thành (Kiên Giang), năm 23 tuổi, thầy xuất gia tại chùa Tam Bảo với Hòa thượng Bổn Châu và tốt nghiệp trường Trung cấp Phật học năm 1995. Cũng trong năm này, Đại đức Thiện Chơn được bổ nhiệm trụ trì chùa Tam Bảo và hiện nay, là Chánh Văn phòng Tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang, Chánh Đại diện Phật giáo thị xã Rạch Giá, Đại biểu HĐND tỉnh, Ủy viên MTTQ thị xã, Ủy viên MTTQ phường, Ủy viên Hội Chữ Thập Đỏ phường Vĩnh Lạc.. Sau khi về trụ trì, Đại đức Thiện Chơn đã bắt đầu cho trùng tu chùa Tam Bảo như trùng tu Chánh điện (1997), Hậu Tổ (1998), Tây lang (1999), xây cất dãy xá cho chư Tăng ni an cư kiết hạ (2000) và Đông lang (2001) Nếu vào những năm từ 1955 đến 1980, chùa Tam Bảo là trụ sở của Hội Phật Học Nam Việt thì từ 1981 đến nay, chùa là Văn phòng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang và là nợi sinh hoạt Phật sự của tỉnh. Năm 1988, được Bộ Văn Hóa công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa của quốc gia. Chùa Sắc Tứ Tam Bảo là một di sản văn hóa quý báu của tỉnh Kiên Giang với lối kiến trúc còn nguyên trạng suốt 80 năm qua. Trong chùa còn lưu giữ được những tác phẩm độc đáo của nghệ thuật chạm khắc gỗ như toàn bộ các bao lam trên Chánh điện được chạm trổ tinh vi theo dạng “Lưỡng Long Chầu Nguyệt”, “Song Phụng Triều Châu”, “Bát Tiên”… với màu sơn son thếp vàng còn rực rỡ, quần thể tượng gỗ Phật Di Lặc, Chuẩn Đề, Địa Tạng, Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm Thế Chí… đạt trình độ cao.

Nguồn: "Lược sử những ngôi chùa ở Kiên Giang"; NXB TP.HCM (năm 2002)
Ảnh bổ sung: Phạm Hoài Nhân - 2018
Ngôi chùa của ân nhân chúa Nguyễn 

Được xây dựng vào năm 1802, chùa Sắc tứ Tam Bảo (P. Vĩnh Bảo, TP. Rạch Giá, Kiên Giang) là nơi gắn liền với cuộc đời tu hành của hòa thượng Thích Trí Thiền. Đây còn là trụ sở, tòa soạn Tạp chí Tiến hóa của Hội Phật học kiêm tế vào năm 1936.

Chúa Nguyễn ở Phú Quốc

Sách Đại Nam thực lục chép rằng, tháng 7 năm Quý Mão (1783), Nguyễn Huệ nghe tin Nguyễn Phúc Ánh đang ở đảo Côn Lôn, bèn sai phò mã Trương Văn Đa đem thủy binh đến vây ba vòng. Bỗng mưa to gió lớn nổi lên, bốn bề mây mù giăng kín. Trận bão đã nhấn chìm đội thủy binh của Trương Văn Đa. Thuyền của chúa Nguyễn nhân đó vượt vòng vây, đến hòn Cổ Cốt, rồi lại trở về đảo Phú Quốc. “Ở đây quân lương thiếu thốn, binh sĩ phải hái cỏ tìm củ mà ăn. Bấy giờ có người đàn bà tên là Thị Uyển chở một thuyền gạo đến dâng. Thuyền vua gặp gió, buồm và cột buồm bị hỏng, lại có thuyền buôn đem lá buồm đến dâng”.


Thị Uyển mà Đại Nam thực lục nói đến chính là bà Dương Thị Oán, người Rạch Giá. Nhà văn Sơn Nam trong quyển hồi ký của mình thì cho rằng bà Oán đã dâng cho Nguyễn Phúc Ánh những cuộn tơ tằm quý giá để làm quai chèo không đứt khi vượt biển, thay cho loại quai chèo thắt bằng gai. Về sau, bà Oán cất một ngôi chùa ở Rạch Giá để tu hành. Khi Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua, có nhã ý trả ơn nhưng bà từ chối. Nhớ công lao xưa, vua đã sắc tứ ngôi chùa do bà lập.

Vào giai đoạn chúa Nguyễn Phúc Ánh ở đảo Côn Lôn cũng có nhiều huyền thoại được người đời sau thêu dệt. Năm 1964, trên Tạp chí Phổ Thông của Nguyễn Vĩ có đăng bài viết về bà Phi Yến của tác giả Sơn Vương. Theo Sơn Vương, khi chúa Nguyễn Phúc Ánh bị Tây Sơn truy đuổi ra Côn Đảo có đem theo bà thứ phi tên là Phi Yến, tên tục là Răm. Bà thứ phi có một con trai với chúa Nguyễn là hoàng tử Cải. Trong lúc khó khăn, chúa Nguyễn bàn với quần thần định đưa hoàng tử Cải sang Pháp cầu viện nhưng bị bà Phi Yến ngăn cản. Tức giận, chúa định đưa ra chém nhưng quần thần can gián kịp thời. Song chúa Nguyễn vẫn nghi ngờ bà thông đồng với Tây Sơn nên cho nhốt vào hang đá.

Hoàng tử Cải biết mẹ bị oan ức nên khóc lóc, chúa tức giận bắt quăng xuống biển. Dân làng Cỏ Ống vớt xác lên chôn cất và lập miếu thờ. Rồi khi quân Tây Sơn tấn công, chúa Nguyễn Phúc Ánh chạy về Phú Quốc. Bà Phi Yến thoát ra được. Dân làng bèn làm cho một ngôi nhà gần mả Cậu. Giai thoại này giải thích câu ca dao: “Gió đưa cây Cải về trời/Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay”.

Theo Đại Nam thực lục thì chúa Nguyễn Ánh có bị Tây Sơn vây ở đảo Côn Lôn như đã nêu trên, còn chuyện bà Phi Yến có lẽ là câu chuyện dân gian hư cấu.

Các nhà sư đi tù...

Lịch sử phát triển của chùa Sắc tứ Tam Bảo ở Rạch Giá gắn liền với sự nghiệp hoằng pháp của hòa thượng Thích Trí Thiền, thế danh là Nguyễn Văn Đồng. Vì vậy chùa còn có tên gọi là chùa Ông Đồng. Ông sinh năm 1882 tại làng Vĩnh Thanh Vân, Rạch Giá, xuất gia tu học từ năm 30 tuổi. Năm 1913, ông được phật tử địa phương thỉnh về trụ trì ngôi chùa sắc tứ do bà Dương Thị Oán lập. Năm 1915 ông vận động phật tử đóng góp, xây dựng lại ngôi chùa và đổi tên là chùa Tam Bảo. Ông là người có công trùng tu lại ngôi chùa với lối kiến trúc độc đáo của nghệ thuật chạm khắc gỗ. Nhiều tượng Phật bằng gỗ quý được lưu giữ nguyên trạng đến ngày nay.

Ngày 26.8.1931, Thống đốc Nam kỳ Kratreimer cho phép thành lập Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học. Thời bấy giờ, thực dân Pháp hạn chế việc thành lập hội đoàn và xuất bản báo chí, nên các sư phải nhờ Trần Nguyên Chấn - ở dinh Đốc lý cùng đứng đơn xin phép. Hoạt động được hai năm, một số cao tăng trong hội cảm thấy có điều bất thường, xin rút ra khỏi hội. Rời Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học, sư Thiện Chiếu tìm gặp hòa thượng Trí Thiền vận động thành lập Hội Phật học kiêm tế, xuất bản tờ Tiến hóa, thế là chùa Tam Bảo được sử dụng làm trụ sở hội và tòa soạn báo. Lúc này hòa thượng Trí Thiền giữ chức Chánh tổng lý của Phật học kiêm tế, chủ trương mở viện mồ côi ngay tại chùa, lớp học bình dân, phòng thuốc miễn phí, cứu trợ nạn nhân thiên tai...

Trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ cuối năm 1940, Liên tỉnh ủy Hậu Giang đã chọn chùa Tam Bảo làm nơi liên lạc và tàng trữ vũ khí sản xuất tại vùng U Minh chuyển ra, để phân phối đi các nơi. Lúc này, cách mạng đã phân công Trần Văn Thâu (pháp danh Thích Thiện Ân) đến ở chùa với hòa thượng Trí Thiền để hoạt động.

Tháng 6.1941, do có chỉ điểm, mật thám Pháp dẫn theo một số người bị bắt như Phan Văn Bảy, Lưu Nhơn Sâm tới chùa lục soát và thu được 59 trái lựu đạn cùng một số tài liệu. Chúng đem số lựu đạn thu được để trên một chiếc bàn, đồng thời dẫn hai nhà sư cùng các ông Phan Văn Bảy, Lưu Nhơn Sâm... đều bị trói, đứng gần bàn để thẩm vấn, tra khảo. Trong lúc tra khảo thì một quả lựu đạn phát nổ làm bị thương nhiều người. Báo cáo chính trị tháng 6.1941 của Mật thám Nam kỳ (hồ sơ B42-v/1443) miêu tả sự việc như sau: “Trong khi tra khảo nơi cất giấu bom và truyền đơn, y (tức sư Thiện Ân) đã giả vờ ngất và trong khi mọi người săn sóc, y đã nhảy về phía chiếc bàn trên có xếp những trái bom và không thể dùng các cánh tay bị trói, y đã tìm cách dùng người hất đổ chiếc bàn. Đương sự làm rơi một trái bom, trái bom phát nổ và các mảnh của nó đã làm bị thương nặng một viên cảnh sát...”.

Sau vụ này, chính quyền thực dân Pháp đã đưa ra tòa và kết án tử hình các ông Phan Văn Bảy, Lưu Nhơn Sâm và sư Thích Thiện Ân. Hòa thượng Thích Trí Thiền bị đày đi Côn Đảo. Năm 1943, hòa thượng đã hy sinh tại nhà tù Côn Đảo. Chùa Tam Bảo bị đóng cửa, không ai được lui tới và không có sư trụ trì cho đến năm 1956. Năm 1988, chùa đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Ngọc Phan - Hoàng Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét