24 tháng 8, 2022

Chùa Sala Pôthi

Vài nét về chùa Sala Pôthi và truyền thuyết cá ông

Thị xã Vĩnh Châu có 43 km bờ biển, là nơi hội đủ điều kiện để phát triển các nghề nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản và các vùng phát triển nông nghiệp đặc thù nổi tiếng như: nuôi tôm sú, cá kèo, nghêu, artemia, làm ruộng muối, trồng củ cải trắng, củ hành tím, tỏi... Toàn Thị xã có dân số khoảng 170.000 người, gồm ba dân tộc: Kinh, Khmer và Hoa. Trong đó, dân tộc Khmer chiếm khoảng 53%, còn dân tộc Hoa chiếm khoảng 20%. Chính sự đa dạng trong sự cộng cư của ba dân tộc đã tạo cho Thị xã có nét sinh hoạt, văn hóa truyền thống và tín ngưỡng phong phú. Hệ thống chùa chiền của người Hoa và người Khmer là nét đặc trưng riêng khi nhắc đến vùng đất này. Trong đó, phải kể đến ngôi chùa Sala Pôthi với lối hoa văn, kiến trúc nổi bật gắn với truyền thuyết cá Ông, loài cá được ngư dân vùng biển tôn kính hay còn gọi là thần Nam Hải.

Cổng chùa Sala Phôthi

Chùa Sala Phôthi có tên đầy đủ Wat Sala Phôthi Sêrey Sakô hay còn được người dân trong vùng gọi là Wat Thmây (chùa Mới). Chùa tọa lại tại khóm Vĩnh Bình, phường 2, thị xã Vĩnh Châu - tỉnh Sóc Trăng, Chùa được xây dựng vào năm 1938 với tổng diện tích 01 hec ta. Chùa trải qua 12 đời trụ trì và hiện nay do Hòa thượng Thạch Phết làm trụ trì (từ năm 1998) và có 39 vị sư sãi đang tu, học tại Chùa. Trao đổi về nguồn gốc đặt tên chùa, Hòa thượng Thạch Phết cho biết nguồn gốc tên Wat Sala Phôthi Sêrey Sakô xuất phát từ một vùng đất gắn với biển và sự tồn tại hy hữu của cây Bồ Đề. Theo tiếng Khmer cây Bồ Đề gọi là “Pô”, còn theo tiếng Phạn được phiên âm là “Bodhi”, có nghĩa là sự tỉnh thức, sự thông suốt đạo lý. Theo tương truyền, thái tử Tất Đạt Đa đã ngồi thiền định dưới gốc cây Bồ Đề 49 ngày sau khi thành tựu, đạt thành Đấng Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Vì vậy, chùa Sala Phôthi còn mang ý nghĩa khác là: nơi Phật thiền định. Hiện tại cây Bồ Đề của chùa vẫn còn ra lá và cành xanh tốt, gần với khu vực lò hỏa thiêu của Chùa. Cây Bồ Đề này không rõ do ai trồng, hay tự mọc và cũng không tính được cây đã bao nhiêu tuổi. 

Chánh điện chùa Sala Phôthi

Ngôi chùa có 01 cổng chính và 02 cổng phụ. Trong này, cổng chính và 01 cổng phụ nằm trong khu vực Chùa. Còn 01 cổng phụ (cổng ngoài) nằm cặp với Quốc lộ Nam Sông Hậu, sau cổng là đường tráng nhựa dẫn vào làng trong, cách vị trí chùa khoảng 500 m. Cổng này có bề ngang lọt lòng khoảng 06m, cao khoảng 12 m. Cổng được thiết kế có thêm 02 băng đá ở chân cột, được xây kiên cố dành cho bà con dừng chân. Cổng được sơn 03 màu chủ đạo gồm: màu vàng, nâu và hồng nhạt. Bên dưới được xây vách tường cao khoảng 2,5 m, vươn rộng ra 02 bên (kiểu xòe cánh quạt), dài khoảng 04 m, mỗi vách có đắp nổi 06 hình tượng thần Hanuman đứng chùng chân, 02 tay đặt ở 02 đầu gối, miệng mở hơi rộng. Khỉ Hanuman là 01 nhân vật trong truyền thuyết của Ấn Độ giáo, Hanuman được coi là biểu tượng hoàn hảo của sự hy sinh và trung thành. Việc thờ thần Hanuman sẽ giúp con người đối diện với chính bản thân mình, trao cho con người sức mạnh, lòng dũng cảm để chịu đựng những thử thách trong cuộc đời. Tại đầu mỗi vách sử dụng hình tượng rắn Nagar 05 đầu dùng trang trí ngay đầu cổng, còn thân rắn được đắp nổi nằm dài và đuôi tiếp giáp với 02 cột cổng. Ở 02 vách cột chính có 02 hình tượng Yeak (chằn) cũng được đắp nổi, đầu đội mão, mình mặc áo giáp, chân mang hài tướng, 02 tay cầm cái chày dài dựng đứng trước ngực, với tư thế uy nghiêm, mắt nhìn thẳng. Bên trên đà ngang, được đề tên chùa theo thứ tự từ trái sang phải gồm 03 thứ tiếng: Kinh, Khmer và Hoa. Bên trên 03 tầng, được thiết kế và xây dựng theo kiểu “cuốn thư”, có 03 nếp và chồng lên nhau 03 tầng và nhỏ dần lên trên, tạo cảm giác chắc chắn và đồ sộ. Ở mỗi bên mép cuốn thư đều có đắp nổi đầu rắn thần Nagar (01 đầu) vươn ra ngoài. Ở giữa là ngọn tháp được xây thẳng lên trên, tạo sự cân đối vững chắc.

Ngôi mộ cá Ông tại chùa Sala Phôthi

Đi qua cổng là con đường nhựa rộng khoảng 06 m, ở 02 bên đường là những thảm màu xanh, trồng củ hành tím của người dân. Đi sâu vào khoảng 300m nữa là gặp khoảnh đất, nơi đặt 02 lò hỏa thiêu của Chùa. Lò hỏa thiêu được xây dựng và có mái che đơn sơ. Ở phần nhà chờ, Hòa thượng có cho vẽ hình 01 người đàn ông và người đàn bà đang ngồi uống trà. Hòa thượng kể rằng “lúc 02 vợ chồng này còn sống ở trong làng, tuy là 02 vợ chồng nhưng ông ở 01 nhà, bà ở 01 nhà và thường xuyên khắc khẩu hay cãi nhau. Đến già và khi mất thì đi ngồi thiền hết rồi, không còn cãi nhau nữa, nên Hòa thượng hóa giải cho 02 vợ chồng hoan hỷ, sống hòa thuận nơi suối vàng”. Hình ảnh này thường gây chú ý cho khách thập phương tò mò, một số người ngưỡng mộ tâm đức của Hòa thượng đã vào thắp nhang, cầu chúc cho đôi vợ chồng họ sống hòa thuận - mỹ mãn.

Từ lò hỏa thiêu này, hướng mắt về trước là toàn cảnh cây sao, cây thốt nốt và ngôi nhà Sala với phần nóc màu đỏ nổi bật. Đi thêm một đoạn nửa là đến cổng chính được xây dựng vào năm 2004, đề tên bằng chữ Khmer và đọc là Wat Sala Phôthi Sêrey Sakô. Cổng chùa được xây dựng theo cổng tam quan, đây có thể được xem là 01 công trình kiến trúc khá đồ sộ với chiều cao khoảng 15 m, bề ngang 8 m, lối đi chính lọt lòng 4 m. Cổng nổi bật hẳn với các hoa văn có 02 màu: vàng và màu nâu. Ở phần trên được đặt 05 pho tượng thần Maha Prum (thần Bốn Mặt). Pho tượng nơi chính giữa cổng là tượng lớn và cao hẳn so với các pho tượng còn lại. Phía trên mỗi pho tượng được đổ thêm khối bê tông hình lục giác và ở trên cùng là khối hình hồ lô có 04 ngấn và nhỏ dần lên trên, phía đỉnh hồ lô là phần ngọn, được xem là phần tim, dùng để gắn đèn chiếu sáng. Riêng phần hàng rào được xây dựng kiên cố, cao khoảng 02 m, được sử dụng nổi bật với hình tượng búp sen, lá Bồ Đề đắp nổi cách điệu và những vòng bánh xe chuyển pháp luân. Bánh xe này có 08 căm tượng trưng cho Bát chánh đạo, gồm có: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định. 

Cặp hàm cá Ông

Bước qua cánh cổng là cả một công trình kiến trúc được tách hẳn với sự ồn ào từ bên ngoài. Những hàng cây sao, cây dầu đứng thẳng tắp che bóng mát. Ngôi chánh điện nằm ngay trung tâm của khuôn viên chùa và các tháp để tro cốt người quá cố. Phía trước ngôi chánh điện có 02 cây cột cờ Phật giáo, 01 ngôi nhà (nhỏ) thờ ông Thiên và 01 ngôi nhà tháp. Ở hai bên trái, phải ngôi chánh điện, mỗi bên có 03 ngôi nhà tháp. Ở lối chính đi lên chánh điện có 07 bậc thang, ở hai bên lối cầu thang được xây dựng kiên cố và đắp nổi hình tượng rắn Nagar 05 đầu dẫn lối. Phần trên cổng đi vào là khối búp sen, có 02 tầng cách điệu, phần viền là thân rắn Nagar (01 đầu) bò từ trên xuống. Ở giữa là Phật Thích Ca Mâu Ni đang ngồi thiền dưới cây Bồ Đề, 02 bên mái cổng vào là 02 nữ thần Keynor dang tay rộng đỡ mái. Ở bậc thứ 2 đi vào chánh điện có 02 lối lên, mỗi lối có 03 bậc thang, cũng được trang trí và đắp nổi hình tượng rắn Nagar 05 đầu. Chánh điện có tất cả là 04 lối vào chính, tương ứng với 04 cột ở phía trước và sau, ở các cột này được trang trí cả thân rắn quấn tròn, dài theo thân cột. Chánh điện được đại trùng tu vào năm 2002 với điện tích (12 x 8m), có 09 x 06 hàng cột và có 06 cửa sổ. Chánh điện được bao bọc bởi lớp hàng rào kiên cố và cao hẳn so với mặt đất khoảng 03m. Chùa Sala Phôthi cũng giống như các chùa Khmer khác, có 03 mái chồng lên mái. Phần nóc: có 02 tháp nóc theo chiều dài; chiều ngang có 01 tháp nóc, mái chồng lên mái và nhỏ dần lên trên, ở mỗi đầu nóc được đắp phần đuôi rắn Nagar đưa lên không trung, phần thân rắn bò từ đầu nóc xuống thấp dần đến chân nóc và đặt hình tượng đầu rắn Nagar (01 đầu). Ở giữa là ngôi tháp hình vuông, có 03 tầng và nhỏ dần lên trên, xung quanh tháp được vẽ hoa văn và mỗi góc có 01 đầu rắn Nagar. Phần ngọn là hình tượng bình hồ lô nhỏ dần và trên cùng là một bóng đèn điện tạo ánh sáng. Ở phần mái tiếp giáp với đầu cột chánh điện là hình tượng chim thần Krud dang rộng đôi vai chống đỡ mái chùa. Theo Hòa thượng, ngôi chánh điện cũ có kiến trúc, hoa văn được thiết kế, xây dựng theo phiên bản giống như chánh điện của chùa Mahatup (chùa Dơi - thành phố Sóc Trăng). Do thời gian, ngôi chánh điện bị xuống cấp và chân cột, đà bị yếu, nên Hòa thượng vận động bà con, Phật tử và một số mạnh thường quân xây dựng lại ngôi chánh điện. Hiện nay, Chùa vẫn còn lưu lại những tấm ảnh của ngôi chánh điện cũ được treo trang trọng tại phòng khách. Hòa thượng Thạch Phết cho biết “Kiến trúc, hoa văn của ngôi chánh điện nay, ngoài việc sử dụng một số hoa văn truyền thống của người Khmer Nam bộ, Hòa thượng có phối hợp hài hòa trong việc sử dụng một số mô típ kiến trúc của Ấn Độ và Thái Lan, nhằm làm phong phú và đẹp hơn cho ngôi chùa”.

Cây Bồ Đề gần khu vực chùa Sala Phôthi

Với sự giao thoa về kiến trúc và hoa văn, không chỉ thể hiện ở phần ngôi chánh điện mà nổi bật nhất là sử dụng hình tượng Thái tử Tất Đạt Đa đang phi Bạch Mã được xây dựng kiên cố tại phần nóc của ngôi nhà Sala. Theo Phật giáo, con ngựa trắng, có tên gọi khác là Kiền Trắc Mã hoặc Kanthaka (hay còn gọi: Kiền - đức, Càn - trắc, Khiên - đặc, Ca - tha - ca) tồn tại vào thế kỷ thứ VI trước công nguyên, ở Bihar và Uttar Pradesh, Ấn Độ. Đó là con ngựa trắng dài 18 cubit (đơn vị đo chiều dài ngày xưa 1 cubit bằng 45cm 72). Kanthaka là con ngựa hay nhất trong hoàng cung của đức Vua Suddhodana và cũng là con ngựa yêu thích của thái tử Siddhartha. Trong kinh Vimānavatthu có chép: Ngựa Kiền Trắc sinh ra một ngày với thái tử Tất Đạt Đa, tại thành Ca - tỳ - la - vệ. Khi thái tử định xuất gia, Ngài đến vỗ về con ngựa và bảo nó đưa Ngài lên rừng, ngựa Kiền Trắc lấy làm hân hoan. Họ ra đi lúc nửa đêm và đến rạng sáng thì tới cánh rừng cách thành Ca - tỳ - la - vệ rất xa. Họ đã vượt qua nhiều vương quốc nhưng không một ai hay biết bởi bốn vó ngựa đã được chư thiên nâng đỡ nên không phát ra tiếng động. Ngài xuống ngựa, khuyên dỗ Xa Nặc (Channa/người giữ ngựa) đem ngựa trở về hoàng cung. Đưa Ngài lên rừng rồi, lúc trở về, nó chẳng còn muốn sống nữa. Nó nhịn ăn và đến chết và sanh lên cõi trời Đạo Lợi. Như vậy, Hòa thượng cho xây biểu tượng này gọi nhớ về con vật cưỡi của thái tử Tất Đạt Đa trong Cuộc ra đi vĩ đại của Ngài. Ngôi nhà Sala có diện tích (32 x 19m), với 02 tầng được xây dựng khang trang với 02 màu chủ đạo là màu đỏ và màu nâu. Toàn bộ các linh vật như chim thần Krud, tiên nữ Keynor, Hòa thượng Thạch Phết đều xây, đắp tại chỗ, không đổ khuôn rồi treo lên như một số chùa khác. Những hình ảnh kể về quá trình sinh ra, trưởng thành cho đến tu thành Phật và nhập niết bàn của Đức Phật, Hòa thượng đều cho các vị sư đắp nổi, sơn dầu, làm người xem hiểu rõ quá trình tu thành Phật của Thái tử và có cảm giác như cùng trải nghiệm theo lối chân của Ngài.

Ngoài ngôi chánh điện và nhà tháp để tro cốt của người quá vãng, trong khuôn viên chùa còn có Trường tiểu học phường 2, (có tất cả là 20 phòng, được xây dựng từ 1945 (02 phòng) và bổ sung từ đó đến nay; Trường sơ cấp Pali, được xây dựng từ 1995; thư viện, có 02 loại sách theo 02 ngôn ngữ Việt - Khmer; nhà bếp (47 ), tăng xá có 07 phòng (07 x 03m). Nổi bật là ngôi tháp thờ tượng Phật Thích Ca bằng đá nguyên khối, cao 1,5m, nặng khoảng 3 tấn, do Hòa Thượng Thạch Phết thỉnh từ Campuchia về năm 2013. Đến năm 2015, Hòa thượng tiếp tục thỉnh thêm 01 tượng Phật Thích Ca nữa và đặt thờ trong ngôi nhà Sala.

Ngoài các công trình trên, chùa Sala Phôthi còn được nhiều Phật tử, du khách thập phương biết đến với ngôi mộ cá Ông. Ngôi mộ được xây dựng khang trang trong khuôn viên chùa, cách cổng khoảng 50m ở bên tay phải từ cổng bước vào. Cá Ông lên cạn cách chùa khoảng 2 km về phía Đông - Nam, vào ngày 11 tháng 10 năm 2013 (nhằm mùng 7 tháng 9 năm Quý Tỵ), cá có chiều dài 12,5 m, ngang 2,4 m, cao 1,4 m, nặng hơn 10 tấn, và lụy lúc 16 giờ 10 phút cùng ngày. Sau khi được sự cho phép của chính quyền địa phương, Hòa thượng Thạch Phết cùng bà con, Phật tử đóng góp công sức, tiền của long trọng tổ chức cung nghinh cá Ông về chùa, xây mộ và tổ chức lễ chôn cất cho cá. Từ đó, hàng ngày đều có khách thập phương đến thắp hương, cầu nguyện cho cá, đông nhất là người dân sống bằng nghề cá hoặc sống gắn với biển. Cao điểm vào các ngày lễ, hội. Chùa thu hút hàng ngàn người đến tham quan chùa và cúng bái mộ cá Ông. Ngoài phần mộ cá Ông được xây dựng thờ cúng bên ngoài, hiện trong chùa còn có thờ 01 cặp hàm cá Ông trong phòng khách của chùa, hàm cao khoảng 2 m, được thờ cúng vào ngày 26/4/1935. Hòa thượng cho biết “Hàng ngày, khi du khách và Phật tử đến viếng chùa thì đều đến thắp nhang, vuốt hàm cá Ông rồi bôi lên đầu và trước ngược, cầu nguyện cho bản thân có sức khỏe, gia đình được bình an”.

Theo lời kể cả của người dân vùng biển, cá Ông là loài cá rất linh thiêng, thường che chở cho ngư dân khi gặp sống gió hay mưa bão. Người đi biển thường xuyên cầu nguyện được “Ông” che chở, đánh bắt thuận lợi. Khi có mưa giông hay bão lớn, Cá xuất hiện dùng thân to khỏe của mình để che chắn, be cho các tàu, ghe từ ngoài khơi vào vùng an toàn thì cá bơi đi. Theo tín ngưỡng của người Việt và người Hoa, cá Ông chính là mảnh pháp y (áo choàng sau) của Quan Thế Âm (hay Nam Hải Bồ tát) quăng xuống biển để cứu giúp cư dân vùng biển trong cơn giông tố giữa biển.

Theo lệ, người dân vùng biển khi phát hiện được cá Ông mắc cạn, tục gọi là “Ông lụy” thì có bổn phận chôn cất và để tang Ông như để tang chính cha mẹ mình. Xác cá Ông được đem tắm bằng rượu rồi liệm bằng vải đỏ. Xác cá Ông được mai táng trong đụn cát gần biển. Người phát hiện ra cá Ông mắc cạn thì được nhân dân tôn sùng và dưới triều nhà Nguyễn, còn ban ân huệ cho người phát hiện ra cá mắc cạn được miễn sưu dịch 03 năm. Và dân gian có câu: “Thấy Ông vào làng như vàng vào tủ” vì theo tín ngưỡng này, cá Ông lụy và trôi dạt vào làng nào, làng đó muôn đời ấm no, tai qua nạn khỏi.

Sau vài năm, chôn cất thì dân làng phải cải táng, thường làm vào mùa xuân sang hè rồi đem cốt cho nhập lăng và tế chung. Đối với xương cá Ông to lớn thì dân làng sẽ chờ đủ 03 năm cho xương cốt rã ra rồi mới đem vào hòm để đưa về làng thờ. Với trường hợp cá nhỏ, người ta sẽ cho trực tiếp vào hòm và đem về thờ. Khi tế cá thì dân làng cũng cúng các vong hồn ngư dân chết ngoài biển. Tế xong thì có các tiết mục văn hóa, văn nghệ cùng các trò chơi dân gian được diễn ra.

Riêng ở tỉnh Sóc Trăng, nhân dân ở vùng Kinh Ba, huyện Trần Đề sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá và tổng số lượng tàu thuyền khoảng 500 chiếc, trong đó có trên 200 tàu đánh bắt xa bờ với công suất trên 90 mã lực mỗi chiếc. Sản lượng hải sản đạt trên 30.000 tấn/năm. Hàng năm, vùng Kinh Ba đều tổ chức Lễ hội Nghinh Ông từ ngày 21 đến ngày 23/3 âm lịch. Ngư dân xứ biển Kinh Ba và các vùng lân cận lại tưng bừng tổ chức lễ hội Nghinh Ông. Từ sáng ngày 21/3 âm lịch, nhân dân vùng biển cùng đông đảo du khách gần xa đã hội tụ về Lăng Ông để bắt đầu lễ hội. Đoàn Đào Thầy (hầu Ông) tiến hành những nghi thức lễ truyền thống sau đó tham gia diễu hành cùng đoàn múa lân rồi lên thuyền ra biển cúng Ông. Thuyền chính sẽ xuất phát đầu tiên theo sau là hàng trăm chiếc thuyền đánh cá của những ngư dân mang theo rất nhiều du khách. Trên đường ra biển, đoàn tiến hành các nghi thức cúng vái, cầu cho mưa thuận gió hòa, ngư dân có mùa bội thu... Tùy thuộc vào khả năng của từng người mà lễ vật cúng cũng có thể khác nhau nhưng chủ yếu vẫn là xôi, chè, heo quay, vịt luộc, rượu, trái cây cùng hoa tươi,... Sau khi cúng vái xong, đại diện Đoàn nghi lễ sẽ xin keo, xin thành công có nghĩa là Ông đã chứng cho tấm lòng thành của ngư dân. Thuyền chính sẽ phát tín hiệu để các thuyền khác cùng quay vào bờ.

Đến bờ, Đoàn nghi lễ sẽ diễu hành và hầu Ông về Lăng. Đúng 07 giờ 30 phút, đoàn sẽ thực hiện các nghi thức rước Ông vào lăng rất trang trọng với phần nhạc lễ, múa lân và dâng lên Ông những sản vật mà ngư dân đã thu hoạch được. Sau đó lần lượt làm lễ cúng Tiên sư, cúng Tiền giảng, và cúng Ông là kết thúc. Sau đó, Ban Trị sự Lăng Ông phân công người mang những lễ vật đã cúng xong ra tiếp đãi quan khách đến thắp nhang cho Ông, mọi người quây quần với chén trà, ly rượu thể hiện tình đoàn kết, khắng khít của nhân dân trong vùng, tính phóng khoáng và lòng mến khách của ngư dân nơi đây. Song song với Lễ thì những hoạt động của Hội cũng diễn ra rất sôi nổi và đầy hấp dẫn thu hút đông đảo mọi người tham gia với những trò chơi dân gian, thi đấu thể thao như: kéo co, bóng chuyền, bi sắt… Vào các buổi tối ở Lăng Ông còn tổ chức hát bội, đờn ca tài tử phục vụ các nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân và du khách. Kết thúc Lễ hội là cảnh đưa đoàn tàu thuyền ra khơi trong niềm hân hoan của ngư dân địa phương và du khách.

Hiện nay, cùng với việc tổ chức sinh hoạt văn hóa, lễ hội theo Phật giáo Nam tông, chùa Sala Phôthi còn làm lễ cầu an cho cá Ông vào ngày mùng 7 tháng 9 hàng năm. Ngoài ra, nhà chùa còn quan tâm, động viên bà con, Phật tử trong bổn sóc chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo điều kiện cho phòng Giáo dục Đào tạo tổ chức, quản lý tốt việc giảng dạy tại trường Tiểu học Phường 2 và Trường sơ cấp Pali nằm trong khuôn viên chùa; Hòa thượng Thạch Phết đặc biệt quan tâm đến con em hiếu học trong bổn sóc, hàng năm đều dành phần kinh phí riêng để hỗ trợ cho các em, như: tập, sách, mua xe đạp cho các cháu được đến trường.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Đọc tài liệu ghi chép còn lưu lại tại chùa Sala Phôthi Sêrey Sakô

[2]. Khảo sát thực địa; tiếp xúc nhân chứng Hòa thượng Thạch Phết.

[3]. Tham khảo http://phatgiao.org.vn

[4]. Tham khảo https://giacngo.vn

[5]. Tham khảo https://vi.wikipedia.org/wiki/Tục thờ cá Ông.

[6]. Tham khảo https://www.soctrang.gov.vn - /wps/portal/vinhchau - Giới thiệu chung về Thị xã Vĩnh Châu.

[7]. Tham khảo dulichsoctrang.org.


Lý Thị Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét