14 tháng 8, 2022

Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm

 Trong một dịp dạo chợ đêm Cần Thơ, tui tình cờ thấy một tòa nhà lớn, có kiến trúc khá lạ: hơi cổ và mang dáng vẻ Trung Hoa. Bảng tên trên tòa nhà ghi là Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm, và phía trên bảng tên ấy là dòng chữ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Vậy đây là một ngôi chùa Phật giáo? Rất lạ, vì nhìn đây không hề giống một ngôi chùa. Vì đang bận... đi chợ đêm, nên tui chỉ chụp vội một tấm hình để ghi nhớ, như dưới đây.



Ngay cả cái tên chùa cũng lạ, Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm, không phải thiền viện, tịnh xá, tu viện... như thường thấy. Tui có dự định tìm hiểu, nhưng rồi... quên luôn.

Thế rồi bữa nay anh Hà Duy Đức đi Đà Lạt, ảnh post lên Facebook hình ảnh điểm đến của mình, đó là Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm Đà Lạt! Tui ngạc nhiên thiệt sự. Thứ nhứt, đây là một điểm đến ở Đà Lạt mà tui chưa hề biết tới. Thứ hai, Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm không chỉ ở Cần Thơ mà còn có ở Đà Lạt, vậy còn ở đâu nữa không?


Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm Đà Lạt. Ảnh: Hà Duy Đức

Lần này, sợ quên nữa, tui vội vàng tìm hiểu, phát hiện ra nhiều điều thú vị và ghi sơ bộ lại đây, mai mốt có thời gian sẽ tìm hiểu kỹ hơn.

Tư liệu về Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm không nhiều và có phần... mơ hồ, nhưng may thay tui tìm được bài viết Truyền bá và biến đổi văn hoá người Hoa ở Nam Bộ (nghiên cứu trường hợp Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm) của PGS. TS. Nguyễn Ngọc Thơ (Trường ĐH KHXH&NV TPHCM) và ThS Huỳnh Hoàng Ba (Chi hội VHNT các DTTS TP. Cần Thơ), đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam số 6 năm 2019 (trang 3 - 12).

Bài dài lắm, tui chỉ xin tóm lược mấy dòng dưới đây, gọi là cho biết:

Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm (MNCSL) là một tông phái tôn giáo của người Hoa Triều Châu tổng hợp từ Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian Trung Hoa, Phật giáo Mật tông Nhật Bản và Phật giáo Tịnh độ tông Việt Nam. Hiện tại, MNCSL có một Tổng lâm ở Tp. HCM và các cơ sở tôn giáo tại Cần Thơ, Sa Đéc, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Đà Lạt. MNCSL du nhập và phát triển trong bối cảnh đa văn hóa, được công nhận là một bộ phận của Phật giáo Hoa tông Việt Nam từ năm 1954, trong khi tại Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan tông phái này vẫn tồn tại độc lập tương đối gần gũi hơn với tín ngưỡng dân gian. Với vị trí xuất thân là một tông phái ngoại vi văn hóa Trung Hoa, MNCSL nở rộ, phát triển và truyền bá vào thời chiến tranh loạn lạc, du nhập vào Việt Nam theo dòng di dân. MNCSL ở Việt Nam phải chuyển hóa gắn với Phật giáo để được công nhận và tạo điều kiện phát triển dù vẫn duy trì hình thức tu sĩ tại gia. Cũng theo dòng di dân, MNCSL trong thập niên 1980 đã lan rộng đến Canada, Hoa Kỳ và Australia, hình thành một mạng lưới đa quốc gia hết sức thú vị.

Như vậy Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm không chỉ có cơ sở ở Cần Thơ, Đà Lạt mà còn ở Cà Mau, Sa Đéc, Sóc Trăng, Bạc Liêu và cả ở Sài Gòn nữa, trong đó cơ sở ở Sài Gòn gọi là Tổng lâm (tương tự như Phật giáo có Tổ đình)!

Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm ở Sài Gòn nằm tại số 26 - 30 đường Vũ Chí Hiếu, quận 5 (trước 1975 là đường Đốc phủ Thơm, Đốc phủ Thoại), nhìn ảnh chụp có vẻ không hoành tráng bằng ở các nơi khác.

Dưới đây là ảnh chụp Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm tại một số nơi do tui góp nhặt trên mạng:

Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm Cần Thơ. Ảnh: Wikimapia

Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm Sa Đéc. Ảnh: Trang TTĐT TP Sa Đéc

Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm Cà Mau. Ảnh: Hotel84.com

Về tên gọi Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm, tài liệu trên giải thích: Minh Nguyệt bắt nguồn từ tên gọi của 2 vị tổ sư khai sinh ra tôn giáo này, Minh là tên của Lý Đạo Minh Thiên tôn còn Nguyệt là tên của Tống Thiền tổ sư Tống Siêu Nguyệt. Lý Đạo Minh Thiên tôn tương truyền là hóa thân của Lý Thiết Quải trong nhóm Bát Tiên quá hải của Đạo giáo. Tống Thiền tổ sư được cho là người khởi nguồn của Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm, ông họ Tống, tự Siêu Nguyệt, hiệu Nhất Kính, người Quảng Đông. Những tu sĩ theo tôn giáo này là người Triều Châu, tu tại gia và tự gọi là cư sĩ, họ gọi cộng đồng của mình là Cư sĩ lâm (trong đó Lâm là rừng).

Tại Việt Nam, Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm ra đời năm 1947 nhưng khi đó chưa được công nhận là một tông phái Phật giáo vì mang màu sắc Đạo giáo. Mãi đến năm 1954, để được đăng ký tư cách pháp nhân với chính quyền Sài Gòn, Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm chính thức lấy tên là Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm Phật học hội. Dưới sự bảo trợ của ông Mai Thọ Truyền, Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm đã đăng ký thành công là một tông phái Phật giáo.

Trên đây là một số thông tin khái quát tui trích từ tài liệu nhằm thỏa mãn sự tò mò của mình thôi, viết dài hơn nữa sợ... hiểu sai, viết sai mà mọi người đọc cũng chán. Dù sao cũng tạm đủ để biết Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm là gì, héng?

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét