Có nhiều điều để nói về ngôi Thiền viện này:
- Như ta đã biết, Thiền phái Trúc Lâm là một thiền phái Việt do Phật hoàng Trần Nhân Tông khởi lập từ thế kỷ 13. Sau nhiều năm tháng, thiền phái này bị quên lãng. Từ năm 1968, Hòa thượng Thích Thanh Từ là người đã gầy dựng lại Thiền phái Trúc Lâm. Từ đó Ngài đã cho xây dựng nhiều thiền viện Trúc Lâm trên khắp cả nước (và cả ở nước ngoài), trong đó được biết đến nhiều nhất là Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng (tức Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, 1993), Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh, 2002), Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc, 2005)... Thế nhưng mãi đến năm 2012 vẫn chưa hề có ngôi thiền viện Trúc Lâm nào ở miền Tây Nam bộ (trong khi sinh quán của ngài Thích Thanh Từ là ở Vĩnh Long). Vì vậy, để thỏa ước mong của Phật tử nơi đây về một nơi tu tập, ngôi thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác được hình thành.
- Khởi đầu, ngôi thiền viện chỉ dự kiến xây dựng trên một diện tích vừa phải, nhưng do Phật tử phát tâm hiến đất xây chùa rất nhiều, nên diện tích khuôn viên thiền viện lên đến 30 ha. Đây trở nên ngôi thiền viện có quy mô lớn nhất Việt Nam.
- Kinh phí xây dựng thiền viện đều do lòng thiện tâm đóng góp của Phật tử. Đáng chú ý là thay vì từ các doanh nghiệp rất lớn bỏ ra số tiền khổng lồ để xây chùa (như khá nhiều ngôi chùa khác) thì ngôi thiền viện được góp phần dựng xây bởi rất - rất nhiều những Phật tử là cá nhân hoặc doanh nghiệp nhỏ. Rất nhiều cổ thụ trong sân chùa được người dân tự nguyện hiến từ cây quý ở nhà mình, với mong muốn tạo phúc cho đời sau.
- Khu đất nơi thiền viện tọa lạc là vùng đất trũng, nước ngập, toàn bộ diện tích xây dựng các công trình có cao độ thấp hơn mặt đường giao thông từ 2,5 - 3 mét. Vì vậy công việc đầu tiên là phải đắp đê bao xung quanh với chiều cao 3,7 m để bơm cát vào để đạt đến cao trình xây dựng +3 m. Bốn đoạn đê bao ấy có tổng chiều dài 2.200 m với lượng đất đào đắp là 109.890 m³. Sau đó, khối lượng cát lấp để tạo mặt bằng xây dựng cũng nhiều không kém, với hơn 100.000 m³.
I. Nhân duyên hình thành thiền viện
Vào những năm cuối thế kỷ 20, với công cuộc phục hưng Thiền tông Việt Nam, Trưởng lão Hòa thượng thượng Thanh hạ Từ đã viết thêm vào những trang vàng rực rỡ cho lịch sử Phật giáo Việt Nam. Hơn 40 năm qua, Ngài đã dốc hết sức mình cho Phật pháp, đặc biệt là làm sống lại Thiền tông đời Trần, mở ra một giai đoạn mới cho Phật giáo Việt Nam nói chung và Thiền tông Việt Nam nói riêng.
Bằng sự kiên định vững vàng không lay chuyển, cộng với phong thái ung
dung “tùy duyên bất biến”, Trưởng lão Hòa thượng đã từng bước vượt qua
chướng duyên trở ngại, làm cho hoa Thiền nở rộ trên đất nước Việt Nam và
một số nước khác trên thế giới. Tất cả các Thiền viện được xây dựng đều
hướng đến 3 mục tiêu mà Hòa thượng đã tuyên bố trong diễn văn khai mạc
lễ đặt đá xây dựng thiền viện Trúc Lâm Phụng Hoàng (Đà Lạt) vào ngày 28
tháng 5 năm 1993 (nhằm ngày 08 tháng 4 năm Quý Dậu), đó là:
1. Tạo cảnh quan xinh đẹp mang sắc thái dân tộc.
2. Khôi phục Thiền tông đời Trần.
3. Tạo điều kiện thuận lợi cho Tăng Ni và Phật tử hữu duyên chuyên tu Thiền.
Tuy nhiên, cho đến đầu thập niên 20 của thế kỷ XXI vẫn chưa có một thiền viện nào thuộc thiền phái Trúc Lâm được xây dựng trên vùng đất miền Tây Nam Bộ, đây cũng là quê hương của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Từ.
Từ lâu, tâm nguyện của Hòa thượng và cũng là mong mỏi thiết tha của nhiều Phật tử thuộc đồng bằng sông Cửu Long, muốn xây dựng một thiền viện thuộc thiền phái Trúc Lâm để tiếp nối, phát huy tôn chỉ và đường lối tu tập của Tổ sư về với người dân chất phát hiền hòa trên miền đất vốn thấm nhuần tinh thần Phật giáo này.
Đầu năm 2011, một số Phật tử vốn hâm mộ đường lối tu Thiền do Hòa thượng chủ trương, cũng như phần nào muốn đáp đền thâm ân giáo dưỡng của Hòa thượng; được sự hứa khả của Hòa thượng Tôn sư, quý Phật tử đã tiến hành lựa chọn và mua đất tại huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang để cúng dường cho Hòa thượng xây dựng Thiền viện. Ngôi Thiền viện đã được Trưởng lão Hòa thượng đặt tên là Trúc Lâm Chánh Giác.
Sáng ngày 28/04/2012 (nhằm ngày 28 tháng 4 năm Nhâm Thìn), hòa trong không khí tháng 4 đầy ý nghĩa của người con Phật đang nô nức chào mừng Đại lễ Phật đản PL.2556; được sự đồng thuận của HĐTS, BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang và chính quyền các cấp, Ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã tổ chức lễ đặt đá chính thức xây dựng thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, tại xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Từ đây ngôi Thiền viện đầu tiên của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được xây dựng mới tại vùng đất bưng biền Đồng Tháp Mười.
Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác có tổng diện tích là 30 ha, được xây dựng theo mô hình truyền thống của các thiền viện thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, với 2 khu vực biệt lập là nội viện và ngoại viện. Theo quy hoạch tổng mặt bằng, thiền viện có 26 hạng mục, bao gồm các hạng mục thuộc ngoại viện như Chánh Điện, Tổ Đường, Giảng Đường, Nhà Tăng ngoại viện, Trai đường, Thư viện, Nhà Trưng bày, Lầu chuông, Lầu trống, Nhà Khách cư sĩ Nam, Nhà khách cư sĩ Nữ v.v.., với tổng diện tích hơn 47.000 m². Khu vực nội viện được quy hoạch với diện tích gần 16.000 m², bao gồm 04 Tăng đường, 01 Thiền đường và 10 Thất chuyên tu. Khu vực nhà khách nữ được bố trí trên một diện tích gần 19.000m2 với Thiền đường, Trai đường riêng và 10 Thất chuyên tu. Tổng diện tích xây dựng của 2 khu vực hơn 80.000 m².
Sáng ngày 20/10/2013 (nhằm ngày 16 tháng 09 năm Quý Tỵ), dưới sự chứng minh của Trưởng lão Hòa thượng thượng Thanh hạ Từ và sự chấp thuận của Ban Quản trị thiền phái Trúc Lâm; chư Tăng thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác cùng Phật tử đã long trọng tổ chức lễ An vị Tôn tượng Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền tại Đại hùng Bảo điện. Tôn tượng Đức Phật Thích Ca tôn trí tại Chánh điện được các nghệ nhân Myanmar gia tâm chế tác, chất liệu bằng ngọc, cao 4,5m, trọng lượng 30 tấn. Hai tôn tượng Bồ tát được làm bằng đá granite.
Sau ba năm khởi công xây dựng, sáng ngày 22/11/2015 (nhằm ngày 11 tháng 10 năm Ất Mùi), Ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm đã long trọng tổ chức Đại lễ Khánh thành giai đoạn I thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, gồm các hạn mục như: Chánh điện, Nhà Thờ Tổ, Gác Trống, Lầu Chuông, Cổng Tam Quan và khu Thiền thất chư Tăng.
II. Khu Thánh tích Tứ Động Tâm
1. Ý nghĩa của tứ động tâm
Tứ động tâm là bốn Thánh tích thiêng liêng của Phật giáo tại Ấn Độ - Nepan, nơi ghi dấu bốn sự kiện trọng đại trong cuộc đời và sự nghiệp hoằng hóa của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Bốn nơi này là Thánh địa rất thiêng liêng, khiến cho khách hành hương xúc động, chấn động mạnh mẽ khi đến chiêm bái tại đây và từ đó tăng trưởng niềm tin, tinh tấn hơn trong sự nghiệp tu tập.
Trong Kinh Trường Bộ I (Đại Bát Niết Bàn), trước khi nhập diệt, Đức Thế Tôn đã có lời căn dặn như sau: “Này Ananda, có bốn Thánh tích, người thiện tín cư sĩ cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. Này Ananda, các thiện tín Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, nam nữ cư sĩ sẽ đến với niềm suy tư: Đây là chỗ Như Lai đản sanh, đây là chỗ Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng giác, đây là chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng, đây là chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết bàn. Này Ananda, những ai trong khi chiêm bái những Thánh tích mà từ trần với tâm thâm tín hoan hỷ, thời những vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh cõi thiện thú, cảnh giới chư Thiên”.
Như vậy, theo lời dạy của Đức Phật, những ai có đủ duyên lành hành hương chiêm bái, đảnh lễ Tứ động tâm thì được phước báo lớn.
2. Quá trình xây dựng tứ động tâm tại thiền viện
Trong định hướng xây dựng từ buổi ban đầu của quần thể thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, chư Tôn đức đã quy hoạch một khu vực rộng lớn để xây dựng khu Thánh tích Tứ Động Tâm, nhằm tạo duyên lành cho những Phật tử gần xa không có đủ duyên đến Ấn Độ thì có thể đến thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác để chiêm bái. Thế nên, sau khi hoàn thành giai đoạn I, Ban Quản trị Thiền phái và chư Tăng tại thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác bắt tay vào việc xây dựng khu Thánh tích tâm linh vô cùng quan trọng này.
Thánh tích Tứ động tâm tại thiền viện được phục dựng mô phỏng theo đúng nguyên mẫu của Ấn Độ với tỉ lệ 6-10, gồm có: Lâm Tỳ Ni - nơi Đức Phật đản sanh, Bồ đề Đạo tràng – nơi Đức Phật thành đạo, vườn Lộc Uyển – nơi Phật thuyết pháp lần đầu tiên và Câu Thi Na - nơi Phật nhập Niết bàn; trong đó tôn tượng Đức Phật đản sanh cao 1,4 mét; Đức Phật thành đạo cao 2,4 mét; Đức Phật chuyển Pháp Luân cao 1,8 mét và tượng Đức Phật nhập Niết bàn dài 06 mét đều được làm từ đá hoa cương rất đẹp.
Trải qua gần 3 năm cật lực, khẩn trương thi công, bốn Thánh tích đã được hoàn thành. Ngày 16/09/2018 (nhằm ngày 7/08 năm Mậu Tuất), chư Tăng thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác đã tổ chức lễ An vị Phật tại bốn Thánh tích rất trọng thể. Hoàn thành giai đoạn II công trình xây dựng thiện viện.
III. Kết luận:
Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác hiện nay (năm 2023) đã hoàn thành cơ bản các hạn mục xây dựng, đảm bảo có chổ thoáng mát để chư Tăng và Phật tử gần xa trở về tu học Phật pháp với số lượng lớn trong thời gian dài. Tuy vậy, Ban Quản trị Thiền phái và chư Tăng tại thiền viện vẫn còn phải tiếp tục xây dựng một số công trình nữa mới hoàn thiện theo dự kiến như: Khu Vườn kinh Pháp Cú trên đá; quần thể Không gian Thiền sư Việt; bảo Tháp cốt Lục hòa (thờ chư Tăng tu học tại thiền viện sau khi viên tịch);...
Một số ảnh tư liệu:
Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang
Giáo hội Phật giáo Tiền Giang - 03/05/2023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét