24 tháng 10, 2022

Chùa Bà Già

Chùa Bà Già

Ở làng Phú Gia, phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội, chùa Bà Già là một công trình kiến trúc Phật giáo, có niên đại hơn 1.000 năm.

Chùa nằm trong thôn Bà Già nên được gọi là chùa Bà Già. Tên gọi “Bà Già” có nghĩa là gì, huyền tích về “Bà Già” như thế nào thì có rất ít tài liệu giải thích, đề cập đến.

Năm 1985, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc thông qua quyển “Bản xã thần ký” ghi chép về thần phả của làng Phú Gia nên đã giải mã một số thông tin về địa danh “thôn Bà Già”.

Theo các bậc cao niên, từ những năm 1980, một cố lão làng Phú Gia dịch cuốn “Bản xã thần ký”. Nội dung thần tích có nói thuở xa xưa, làng quê này có tên là Bà Già hương (hương Bà Già). Đến thời kỳ nước ta bị nhà Đường đô hộ (thế kỷ VIII), hương Bà Già được đổi là An Dưỡng phường.

Chùa Bà Già. Ảnh: St

Thế kỷ XIII, vua Trần huy động dân phường An Dưỡng đến sửa chữa bến Đông Bộ Đầu và đắp thành Đại La để chống quân Nguyên xâm lược, vua đã cho đổi gọi là An Dưỡng thành Phú Gia.

Ở Phú Gia, từ thời Bắc thuộc đã có nhiều miếu thờ thổ thần và đền thờ, có một đền thờ thổ thần từ lâu đời. Đến năm Thiệu Long đời Trần Thánh Tông (1258-1272), Thiền sư Văn Thao đã sửa lại đền, đổi thành chùa An Dưỡng. Sau chùa bị hư hỏng nhiều, đã dời về gò Con Quy.

Vẫn theo thần tích xã Phú Gia, vào thời Hồng Đức (1470-1497) nhà Lê, người Phú Gia có ông Nghĩa Đạt đã đỗ Nhất giáp Tiến sĩ, làm quan Phó đô ngự sử, đã hưng công cho chuyển ngôi đình làng từ chỗ giáp làng Quán La về, ông gọi là hình nhân bái tướng, còn chùa An Dưỡng (chùa Bà Già) tọa lạc cạnh đình, trên gò Con Quy.

Theo sách “Đại Việt Sử ký Toàn thư”, thôn Bà Già là nơi các vua nhà Trần từng đến ở, một bộ phận tù binh Chiêm Thành (Champa) được đưa từ phía Nam ra, đã dựng nên ngôi chùa mà trong sách phiên âm là Đa-da-li. Thái úy Trần Nhật Duật (1254 – 1330) thường cưỡi voi tới đàm đạo với vị sư trụ trì người Champa, có thể cái tên Bà Già đã bắt nguồn từ Đa-da-li chăng?

Tại hội thảo khoa học tháng 11 năm 1999 về “Thăng Long, Đông Đô, Đông Kinh, Hà Nội”, Gs Trần Quốc Vượng khi tổng kết có phần nói về chuông chùa Bà Già, Gs Vượng cho rằng chuông chùa Bà Già là loại chuông hiếm có, ở Hà Nội cũng rất ít.

Bản chữ Việt dịch trên thân chuông: “Tiết cuối đông Ất Hợi Chinh Hòa, nho sinh thợ Liễu Tràng khắc chữ. Ông Nhã Lương, người đậu khoa thi Tam Trường Mậu Thìn soạn văn. Nguyễn Thắng Khôi chức tài phó bá, cục Chinh tài người làng Thái Tự Thượng, xã Đế Cầu cùng hiệp hội thợ tổ chức đúc chuông.

Bài Minh thường nhắc:

Tiếng chuông răn đời
Vật báu đất nước
Âm vang muôn nơi
Cỏ cây đua mọc
Mùa xuân xinh tươi
Tụng niệm kinh Phật
Chăm chú đời đời
Công đức to nhỏ
Quả phúc vàng mười.

Tiếng chuông vang thôn Bà Già, một nơi danh lam thắng cảnh. Chùa ở thế đất Quy Bộ đầu, nơi rùa chầu rồng bay, hổ phục, lân xòe, phượng múa. Xưa chùa ở cánh đồng, giờ chuyển về vùng đất cao ráo này có ao trong, cây cao bóng cả, nhà cửa san sát, làng xóm đông vui. Buổi sớm hôm, tiếng chuông gỡ lên động rèm mây sắc biếc. Ai nấy nhớ về Tây Trúc bao la. Ôi! Đạo Phật là sự bình yên, hướng thiện, trừ ác, mang phúc lớn cho con người. Buổi sớm hôm, tiếng chuông ngân nga, cỏ cây lòng người bồi hồi. Ngày Rằm, mồng Một, người đi lễ đông vui
.

Chùa Bà Già. Ảnh: St

Quan viên, hương trưởng, lão điền, bà vãi, tăng ni…không kể giàu nghèo đều phát tâm bồ để góp công góp của đúc chuông, tô tượng, sửa chùa.

Quả phúc lớn sẽ đến với mọi người, mọi gia đình”.


(TS Nguyễn Hồng Lam dịch).

Chuông có 303 chữ, 4 mặt có múi chữ khắc năm Chính Hòa (1665) thời Hậu Lê. Chuông ở thế kỷ XVII theo nhà nghiên cứu quá cố Đỗ Thỉnh ở vùng Từ Liêm xưa từ sông Tô đến sông Nhuệ chỉ có 2 quả. Chùa Bà Già và chùa Trung Kính (P. Trung Hòa) Q. Cầu Giấy.

Chuông cao 129 cm, chu vi miệng 70 cm, tỷ lệ chiều cao so với chiều ngang là 1,84. Quai là 2 rồng đấu lưng làm khung lớn. Thân rồng mập mạp. Chuông có 6 núm tròn để gõ trên 4 núm, dưới 2 núm. Tên chuông là 8 chữ khắc chìm trong họa tiết lá để kiểu chùa Mui (Hà Tây), chùa Nành (Hà Nội), chùa Cam (Ninh Bình). Bài Minh chuông cho ta biết người đúc là hiệp thợ tài hoa ở xã Đế Cầu, phủ Thuận An, Kinh Bắc. Đế Cầu gồm làng Mé Co (Châu Mỹ), làng Điền (Điền Tiến), làng Ri Hj (Hạ), làng Ri Thượng (Thượng). Nay, thuộc xã Nguyệt Đức, Thuận Thành, Bắc Ninh.

Những người thợ này thời Lê đã di cư sang lập làng Ngũ Xã, quận Ba Đình, thợ đúc đã đúc và tượng A Di Đà (Chùa Thần Quang) năm thuộc dòng họ Ông Nghĩa Đạt, tiến sĩ 1475 có công chuyển đình, chùa Phú Gia từ cánh đồng giáp Quán La về đất Quy Bộ Đầu. Dòng họ này thờ Tự Đức (188-1883) chuyển ra họ Công. Hiện nay có nhiều chi họ: Công Văn, Công Nghĩa, Công Doãn…Nhà bà Công Thị Tý, trụ sở in báo Cờ giải phóng thời kỳ tiền khởi nghĩa. Công Doãn Đương lái trực thăng cho Bác Hồ (1962-1963). Gia đình đồng chí Kha được 2 lần đón Bác Hồ 24/8/1945 và ngày 24/11/1946. Hiện nay gia đình đã nhượng ngôi nhà cổ làm nhà lưu niệm. Cụ Nguyễn Thị An, 104 tuổi (đã khuất) người từng mời cơm Bác Hồ năm xưa được “Huy chương kháng chiến hạng II”.

Văn Hậu – Hội VNDG Hà Nội

*
 Nhà cụ An được xếp Di tích LSCM cấp thành phố tháng 8/2020 và Di tích Quốc gia tháng 8/2022.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét