22 tháng 10, 2022

Chùa Tế Xuyên

Tổ đình Tế Xuyên, nơi phát xuất nhiều vị cao tăng Phật giáo

Tổ đình Tế Xuyên được xây dựng trên một khu đất cao, rộng gần 3 mẫu, mặt quay về hướng tây, nay thuộc thôn Tế Xuyên, xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Chùa Tế Xuyên gồm 3 tòa nhà xây kiểu chữ nhị, hậu chữ đinh cùng với hệ thống tường bao phía trước, hai dãy tăng phòng hai bên và nhà Tổ phía sau tạo thành kiểu nội công ngoại quốc hài hòa, kín đáo.


Tòa Bái đường năm gian hai trái làm theo kiểu chồng diêm hai tầng lợp ngói nam.

Căn cứ vào những chữ Hán khắc ở câu đầu ngoài tòa Bái đường thì chùa Tế Xuyên được trùng tu lần cuối vào năm niên hiệu Thành Thái nguyên niên (1889).
Hệ thống tượng chùa Tế Xuyên hiện còn 23 pho tượng, trong đó tiêu biểu là các pho tượng Tam thế, Phật bà 12 tay và tòa Cửu Long.

Tổ đình Tế Xuyên được xây dựng thời Lý. Hiện nay ngoài việc thờ Phật, Tổ đình Tế Xuyên còn thờ các vị Tổ đã từng tu hành ở đây cùng với phu nhân của chúa Trịnh Sâm – người đã đóng góp tiền của, ruộng đất để tu sửa lại chùa.

Căn cứ vào văn bia “Bảo Am tự kỷ niệm tiền tu công đức bi ký” (bia kỷ niệm công đức tu sửa trước đây tại chùa Bảo Am) (1) và sách “Nam Xang phong vật chí” (2) thì vào năm 1770 vị phu nhân của chúa Trịnh Sâm tên là An Hòa người ở Tế Xuyên đã để lại 10 mẫu ruộng bầu hậu vào chùa. Sau này nhân dân địa phương tưởng nhớ công ơn đã cho tạc tượng thờ, bốn mùa khói nhang lễ bái.


Phía trước chùa có đầm nước rộng trong xanh cùng với hệ thống tường hoa và hai cổng ở hai bên làm cho không gian mặt tiền của chùa trở nên thoáng đãng.

Trên gian bên phải của tòa chồng diêm ngoài Bái đường có quả chuông đồng đường kính 55 cm, cao 80 cm là quả chuông của chùa Bảo Am được đúc vào niên hiệu Tự Đức thứ 14 (1861).

Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ một lượng lớn khoảng 1700 bản kinh bằng gỗ có kích thước trung bình khoảng 25x35 cm. Ngoài ra, chùa Tế Xuyên còn bảo lưu được một số bộ cửa võng, nhang án thờ, câu đối, đại tự chạm khắc nhiều đề tài sinh động có giá trị về nghệ thuật.

Trong chiến tranh, Tổ đình Tế Xuyên là nơi đón tiếp nhiều cơ quan đoàn thể góp một phần công sức vào sự nghiệp cách mạng chung của đất nước.


Theo văn bia và truyền thuyết địa phương thì chùa Tế Xuyên hiện đang thờ các vị Tổ sư đã từng trụ trì, tu hành tại đây. Ngoài việc tu hành, các vị Tổ đã đóng góp nhiều công sức trong việc tu sửa, đúc chuông, tạc tượng, in kinh Phật… làm cho chùa Tế Xuyên trở thành chốn Tổ của nhiều sơn môn trong khu vực.

Tổ đình Tế Xuyên, nơi phát xuất của nhiều tăng tài bậc Tùng lâm thạch trụ của Phật giáo Việt Nam.

Hải Thiên – Hồng ân Lịch đại Tổ sư trụ trì:

Đệ nhất Tổ: Đạt Tôn sa môn, Tịnh Tâm giải thoát, pháp tự Tính Thức Giác Đạo tổ sư. Viên tịch ngày 18/10, họ Hoàng, quê ở Hải Thiên, Tiên Lữ, Hưng Yên. Thuộc dòng thiền của Tổ sư Minh Châu Hương Hải, chùa Nguyệt Đường Hưng Yên.

Đệ nhị Tổ: Hành Thiện tháp, tự Hải Tâm – Khoan Hòa Tổ sư. Viên tịch ngày 22 tháng Giêng, họ Nguyễn, quê ở Đồng Nại, Bình Giang.


Tế Xuyên Bảo Khám Lịch đại Tổ sư – Hòa thượng Trụ trì:

1. Đệ Nhất tổ: Diệu Hạnh tháp, tự Tịch Viên – Thích Từ Tế tổ sư. Ngài đã có công khắc kinh Kim Cương, Nhật tụng, Đúc chuông (1850).

2. Đệ Nhị tổ: Diệu Hạnh tháp, tự Chiếu Trí – Thích Không Không tổ sư. Ngài có công khắc bản Luận Long Thư Tịnh Độ, Tăng hộ, Tăng huấn, Luật Trùng Trị, Luật Sa di.

3. Đệ Tam tổ: Tịnh Quang tháp, tự Phổ Tụ – Thích Hoàn Hoàn tổ sư. Ngài đã khắc bản Kinh, Luật, Luận: Quy Nguyên, Trùng Trị, Tỷ khiêu ni Sớ sao, Di Đà Viên trung.

4. Đệ Tứ tổ: Hương Vân tháp, tự Thông Hiển – Thích Doãn Hài hiệu Minh Đức tổ sư.

5. Đệ Ngũ tổ: Chân Thực tháp, tự Thông Đoan – Thích Thiện Bản tổ sư.

6. Kế đăng đời thứ 6: Hưng Đồng tháp, tự Tâm Thiều – Thích Hải Triều Hòa thượng.

7. Kế đăng đời thứ 7: Nhân Hòa tháp, tự Đức Hạnh – Thích Nguyên Trác Hòa thượng.


Tổ sư – Danh tăng Sơn môn Tế Xuyên Bảo Khám

1. Sư tổ Thích Thông Tập, pháp hiệu Duy Tiến, tháp hiệu Hòa Bình.

2. Đại lão Hòa thượng Thích Tâm An, pháp hiệu Từ Tuệ, tháp hiệu Phổ Đồng.

3. Đại lão Hòa thượng Thích Thông Ban, pháp hiệu Nhân Hòa, tháp hiệu Hải Nhân.

4. Đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải, pháp hiệu Thanh Thao, tháp hiệu Thanh Minh.

5. Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch, pháp hiệu Như Sơn, tháp hiệu Cao Phong.

6. Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Nguyện, pháp hiệu Tinh Cần, tháp hiệu Nam Bình.

7. Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Bích, pháp hiệu Trí Tịnh, tháp hiệu Phúc Thắng.

8. Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Giác, hiệu Uyên Minh, tháp hiệu Chân Định.

Anh Văn
———————
CHÚ THÍCH:

(1). Bia khắc vào niên hiệu Bảo Đại thứ 12 (1937)
(2). Sách do Bùi Thức ở Châu Cầu viết vào năm 1900 – Tài liệu chép tay do Dương Văn Vượng cán bộ Bảo tàng lưu giữ.
Tư liệu Bảo tàng tỉnh Nam Hà, 1996
Tư liệu Cục Di sản Văn hóa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét