Huyện Gò Công Tây: Lịch Sử Tịnh Thất Lộc Uyển
Tịnh thất Lộc Uyển tọa lạc tại ấp Thạnh Phú, xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.
Ngày tháng trôi qua, trên 30 năm tu học nơi đất Sài Thành; ở quê nhà mẹ hiền tuổi ngày càng cao, không người trông coi khi tuổi về chiều.
Năm 1999 Ni sư xin xuất chúng trở về nơi Từ đường để phụng dưỡng cha mẹ già. Nhưng Ni sư không quên bổn phận của người tu sĩ, đêm ngày tụng kinh bái sám cầu an cho mẹ và mong quê hương được an bình. Lời kinh tiếng kệ âm vang thức tỉnh mọi người dân quê thiếu vắng mầm xanh Phật pháp. Bà con xung quanh trở về nơi Từ đường cùng Ni sư trì kinh, lễ Phật hằng đêm, nghe được kinh kệ, giúp cho bà con vơi bớt đi sự khổ cực sau một ngày lao động mệt nhọc. Ni sư nhận thấy ở nơi đây có đủ nhân duyên để phát triển Phật pháp nên thưa với mẹ thỉnh Phật về tôn thờ. Năm tháng trôi qua, lời kinh tiếng kệ, tiếng chuông mõ âm vang thức tỉnh chúng hữu tình. Ni sư hết lòng vì tất cả, luôn hướng dẫn, nhắc nhở bà con hiểu được tầm quan trọng của Phật pháp hiện hữu ở thế gian.
Vạn vật hữu tình đều hư hoại bởi định luật vô thường, thời gian biến đổi, ngôi nhà xưa dần dần xuống cấp, không đảm bảo khi mưa về. Vào năm 2013, Ni sư xin phép chính quyền xây dựng lại ngôi Từ đường bằng chất liệu kiên cố bê tông, cốt thép với diện tích 300 m vuông (ngang 12 m, dài 25 m), kiến trúc một trệt, một lầu. Tầng lầu dùng để thờ Phật, các vị Bồ tát, tầng trệt dùng làm trai đường để có nơi sinh hoạt của bà con Phật tử.
Với ước nguyện của nhiều bà con nơi ấp Thạnh Phú này, luôn mong muốn Giáo hội và Nhà nước cho phép thành lập ngôi Tịnh thất để đầy đủ pháp nhân sinh hoạt tu học lâu dài. Tâm nguyện chí thành, được chư Phật gia trì; cũng trong năm 2013, được sự đề xuất của Ban Đại diện Phật giáo, sự đồng thuận của lãnh đạo các cấp chính quyền, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tiền Giang chính thức ra quyết định số 73 ký ngày 17 tháng 5 năm 2013 chính thức cho phép nơi đây thành lập ngôi Tịnh thất với tên gọi Tịnh thất Lộc Uyển.
Sau khi ngôi Tịnh thất được thành lập, đường đi vào Tịnh thất rất nhỏ hẹp, hạn chế cho việc đi lại của bà con. Ni sư cùng Phật tử từ TP.Hồ Chí Minh và bà con nơi đây cùng mua đất, đổ bê tong đường đi với bề ngang 4m, dài khoảng 150m, thuận tiện cho bà con về chùa và người dân xung quanh đi lại, rộng rãi lưu thông khi bà con đến mùa thu hoạch đồng áng.
Ni sư cho tôn tạo đài Quan Âm lộ thiên trước Chánh điện cho Phật tử lễ bái, chiêm ngưỡng khi về chùa, nhìn kim thân hiền hòa của Bồ tát giúp cho hàng Phật tử xa lìa khổ đau.
Năm 2020, Ni sư trùng tu lại ngôi Tổ đường và Ni xá cho Ni chúng có nơi sinh hoạt thật nghiêm trang, nề nếp; dần dần các hạng mục phụ như: cổng tam quan, hàng rào, nhà bếp, ngoài khuôn viên ngôi Tịnh thất Ni sư còn cho xây dựng vườn Lộc uyển, hồ sen, cảnh Đức Phật thiền tọa, Phật nhập Niết bàn để qua đó giúp cho Phật tử hiểu thêm về cuộc đời đức Phật; chỉnh trang lại khuôn viên, trồng cây cảnh, hoa lá xanh tươi, hương thơm tỏa ngát tạo vẽ mỹ quan và không gian tươi mát cho ngôi Tịnh thất, giúp Phật tử them hoan hỷ mỗi khi về chùa.
Tu tứ nhiếp pháp là hạnh nguyện cao cả của Bồ tát hạnh. Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành, Đồng sự được Ni sư chuyển hóa trên nền tảng Phật pháp, đem ánh sáng Phật pháp vào hiện thực của cuộc đời, giúp cho tín đồ Phật tử thân tâm được an lạc. Ni sư cùng Giáo hội, chính quyền địa phương thực hiện tốt phong trào đoàn kết xây dựng văn hóa ở khu dân cư, vận động tín đồ Phật tử làm tốt công tác từ thiện xã hội, xoa dịu nỗi khổ niềm đau của bà con quê hương Thạnh phú thân thương. Vì thế ngôi Tịnh thất Lộc Uyển được UBND huyện công nhận là Cơ sở thờ tự văn hóa năm 2016.
Một số ảnh tư liệu:
Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang
Giáo hội Phật giáo Tiền Giang - 25/12/2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét