LỊCH SỬ CHÙA PHƯỚC HÒA
“Chùa xưa thanh vắng ẩn mình,
Giữa đồng ruộng lúa thắm tình quê hương.
Hồ sen hoa nở ngát hương,
Tiền nhân kiến tạo cảnh thiền tu tâm.”
Chùa Phước Hòa tọa lạc tại ấp Thạnh Lạc, xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.
Vào thập niên 50, Hòa thượng Pháp Tông xuất gia, cầu pháp với Tổ Minh Trực (Pháp chủ Giáo hội Thiền Tịnh Đạo Tràng) nơi Tổ đình Phật Bửu, quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Với tố chất thông minh, có căn duyên nhiều đời với phật pháp. Ngài tham học với Tổ Minh Trực thông suốt giáo lý, thiền môn qui củ.
Năm 1957, Ngài trở về quê hương tại ấp Thạnh Lạc, xã Đồng Thạnh kiến tạo ngôi chùa bằng vật liệu bán kiên cố, vách tường, lợp ngói âm dương với kiến trúc hình tứ trụ lấy hiệu “Phật Bửu Tự”.
“Kiến tạo già lam nối đạo thiền.
Pháp Tông gương sáng mãi triền miên.
Lập tự, tiếp Tăng ân tế độ,
Sáng mãi nghìn sau chốn đạo tràng.”
Tiếng chuông chùa vang vọng nơi thanh vắng, khiến lòng người thanh thản vơi bớt nỗi ưu phiền. Trong thời chiến tranh loạn lạc, nhiều thanh niên vào nương náu nơi cửa thiền, xuất gia học đạo, được Hòa thượng thế phát gần 300 vị. Ngài ân cần dạy bảo, tinh tấn tu trì, tụng kinh bái sám. Với tinh thần “nhứt nhựt bất tác, nhứt nhựt bất thực” của Bách trượng Thiền Sư, Ngài hướng dẫn tăng chúng trồng tỉa hoa màu, lúa bắp để cải thiện đời sống hằng ngày. Hòa thượng còn cho xây dựng hai cảnh chùa ở xã Đồng Sơn và xã Bình Nhì để chia bớt thanh niên Tăng về ở tu học (hiện nay 2 ngôi chùa này không còn, trở thành trường tiểu học Đồng Sơn và nhà Văn hóa xã Bình Nhì).
Vào năm 1970 Hòa thượng giao lại ngôi chùa cho đệ tử trông nom. Ngài lên Sài Gòn, được sự trợ duyên của Tổ Minh Trực, Hòa thượng xây dựng ngôi chùa lấy hiệu “Phật Bửu Tự” tọa lạc tại đường Trần Văn Đang, quận 3, TP.Hồ Chí Minh.
Năm 1971, Hòa thượng Pháp Tông giao lại ngôi chùa Phật Bửu (xã Đồng Thạnh) cho Sư đệ. Thầy Chơn Giác thế phát xuất gia với Hòa thượng Thích Thiện Tường - Trụ trì chùa Vạn Thọ (quận 1, TP. Hồ Chí Minh), được Hòa thượng Bổn sư cho phép về kế thừa sự nghiệp của Sư huynh tiếp tục duy trì, gìn giữ ngọn đèn chánh pháp, hướng dẫn thanh niên tăng tu học.
Năm 1972, Thượng tọa Chơn Giác cùng Tăng chúng xây dựng lại ngôi Chánh điện bằng vật liệu bán kiên cố, tường gạch, mái lợp ngói tây, kiến trúc kiểu thống nhất để có nơi sinh hoạt cho tăng chúng và đổi lại hiệu “Phước Hòa Tự” cho đến ngày nay.
“Phước Hòa in dấu bóng Tăng thân,
Chơn Giác bền tu báo Phật ân.
Phật pháp thế gian còn lưu mãi,
Đời sống tâm linh dạ sắc son.”
Sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, chùa Phước Hòa cũng gia nhập Giáo hội, hướng dẫn Phật tử tu học dưới sự chỉ đạo của Ban Đại diện Phật giáo huyện nhà.
Năm 1999, Thượng tọa Thích Chơn Giác cho trùng tu lại nhà Tổ theo kiến trúc nhà 5 gian, mái lợp ngói tây, tường xây kiên cố, có không gian sinh hoạt cho Phật tử khi rằm ngươn trở về.
Cả cuộc đời cống hiến cho Phật pháp, tuổi càng cao, Thượng tọa lâm bệnh không còn tham gia sinh hoạt cùng Giáo hội. Phật tử Võ Văn Ca pháp danh Thanh Minh đêm ngày chăm sóc thuốc thang, chữa trị. Cơn vô thường đến, vào ngày mùng 8 tháng 6 năm Ất Mùi (2015) Ngài thuận thế vô thường viên tịch, để lại niềm kính tiếc cho gia đình thân quyến và Phật tử. Để ghi nhận công đức của bậc thầy khả kính, hàng Phật tử an táng nhục thân Ngài trong khuôn viên chùa và lập Bảo tháp tôn thờ.
Sau khi Thượng tọa viên tịch, chùa không có đệ tử kế thừa. Phật tử Thanh Minh xin thế phát xuất gia với Đại đức Thích Thiện Nghiêm (trụ trì chùa Phước Hựu, xã Long Vĩnh) duy trì ngôi chùa Phước Hòa dưới sự hướng dẫn của Ban Trị sự Phật giáo huyện nhà. Mặc dù trong thời gian dài ở chùa lo cho Thầy tổ, học được ít nhiều giáo lý và thiền môn qui củ nơi Thầy Bổn sư. Tịnh nhơn Thanh minh được Ban Trị sự và Bổn sư khuyến tấn tham dự khóa An cư kiết hạ, học hỏi thêm giáo lý thiền môn qui củ nơi chốn tòng lâm áp dụng vào thực tiển đời sống tu học của tự thân và hướng dẫn tín đồ tu học đúng theo chánh pháp và tuân thủ nội qui Giáo hội và Pháp luật nhà nước trở thành người công dân sống tốt đời đẹp đạo. Nhưng vô thường vội đến, Tịnh nhơn Thanh Minh viên tịch vào ngày 29 tháng chạp năm Canh Tý (2020) để lại cho huynh đệ và môn nhơn pháp quyến niềm tiếc thương vô hạn.
Hiện tại ngôi chùa Phước Hòa được Phật tử Võ Văn Mến Pháp danh Lệ Tâm gìn giữ, hằng ngày tụng kinh niệm Phật, tham gia hội họp cùng Ban Trị sự Phật giáo huyện nhà và tương lai phát tâm xuất gia thừa kế sự nghiệp của Tổ thầy.
“Tiếp bước Tổ thầy mong giải thoát.
Thiền môn hưng thạnh bóng trăng thanh.”
Một số ảnh tư liệu:
Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang
Giáo hội Phật giáo Tiền Giang - 10/02/2023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét