Huyện Cái Bè: Lịch Sử Chùa Hội Thọ
LỊCH SỬ CHÙA HỘI THỌ
Chùa Hội Thọ hiện nay tọa lạc tại ấp Mỹ Hưng, xã Thiện Trí, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang; do Đại đức Thích Trung Mỹ đảm nhiệm trông coi ngôi Tam bảo.
Cũng giống như chùa Khải Tường, chùa Hội Thọ được xem là “hậu thân” của chùa Sắc tứ Thiên Trường (hay Sắc tứ Phổ Quang, Sắc tứ Kim Chương) xứ Gia Định vào thời Nguyễn.
Năm Kỷ Mùi (1859), quân Pháp tấn công thành Gia Định, chùa Sắc tứ Thiên Trường bị Pháp lấn chiếm nên Hòa thượng Minh Giác – Kỳ Phương (1791-1884) là Bổn sư của Tổ Thiệu Long, bấy giờ đang làm trụ trì đã cho dời chùa về hậu cứ xã Mỹ Thiện (Cái Bè). Lúc đó vùng này còn hoang vu hẻo lánh và gần cơ sở đồn điền chống giặc, dân ở thành phố chạy tản cư về đây khẩn đất rất đông nên Hòa thượng Minh Giác đã theo chân đồng bào và nghĩa quân về đây cất chùa và lấy tên là Chùa Hội Thọ.
Hòa thượng Thiệu Long (1844-1937) và người em là ngài Yết-ma Quảng Tục (1855-1942), đệ tử của Hòa thượng Minh Giác, đều là những nhà sư yêu nước, nên bấy giờ (khoảng từ năm 1920 đến năm 1925) cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc thường đến Chùa để đàm đạo với hai vị cao Tăng này.
Đầu năm 1946, thực dân Pháp đánh chiếm vùng Mỹ Tho – Định Tường, ngôi chùa Hội Thọ lại nằm gần quốc lộ, sợ rơi vào tay giặc làm đồn bốt nên ông Nguyễn Văn Lai là cán bộ lãnh đạo vùng Mỹ Thiện, mà lại là thân tộc của Hòa thượng Thiệu Long đã khuyên Ngài “Tiêu thổ kháng chiến” (dở chùa dẹp rút vào bưng biền lo cuộc kháng chiến). Chùa Hội Thọ nguy nga, bấy giờ được gom lại thành một cái am nhỏ thờ cúng đốt hương.
Sau ngày đất nước giải phóng, dân cư trở lại phục hóa đất đai. Năm 1982, môn đồ Pháp quyến của Hòa thượng Thiệu Long và Phật tử gần xa chung nhau xây dựng lại ngôi chùa Hội Thọ rất khiêm tốn để có nơi thờ cúng Phật và sinh hoạt tín ngưỡng.
Năm 1992 Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang bổ nhiệm Đại đức Thích Phước Huy về làm trụ trì chùa Hội Thọ. Những tưởng ngôi chùa sẽ được trùng hưng nhưng không ngờ Thầy vắn số, sớm về cõi Phật.
Đến năm 2003, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh tiếp tục bổ nhiệm Đại đức Thích Lệ Ngộ thế danh Phan Văn Hoạch, là Tăng chúng chùa Bửu Lâm (TP. Mỹ Tho) về Trụ trì chăm lo Tam bảo nơi đây.
Với cương vị Trụ trì, Đại đức Thích Lệ Ngộ từng bước trùng tu lại ngôi Tam bảo Hội Thọ ngày thêm khang trang. Năm 2008 Đại đức Trụ trì tiến hành khởi công xây dựng mới ngôi Chánh điện với kiến trúc thượng lầu hạ hiên bằng chất liệu bê tông trên phần đất 515 m², mái đúc dán ngói, vách tường, cửa gỗ, nền lát gạch men kiến, các đầu đao mái chùa được trang trí hoa văn rồng lượn rất đẹp. Ngôi Chánh điện cũ hiện vẫn còn giữ làm khách đường.
Bên trong ngôi Chánh điện thờ Tôn tượng Phật Thích Ca lớn và các pho tượng Phật A Di Đà cùng chư Bồ tát, Thập điện Diêm Vương có nguồn gốc từ chùa Sắc tứ Kim Chương chuyển về; bộ Thập bát La hán thỉnh từ chùa Phật Ân (TP. Mỹ Tho). Ngôi Tổ đường cũng còn lưu giữ nhiều Long vị chư Tổ sư, chư Hòa thượng tiền nhiệm trụ trì chùa Sắc tứ Kim Chương cho đến chùa hội Thọ.
Đại đức Thích Lệ Ngộ cũng xây dựng Tăng xá, Giảng đường, cổng Tam quan và một số công trình phụ cận khác để phục vụ cho việc tu học của Tăng chúng và Phật tử. Đại đức cũng thường xuyên hướng dẫn Phật tử tổ chức trao quà hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn tại địa phương trong tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian giác”. Với những đóng góp cho đạo pháp và xã hội, Đại đức Thích Lệ Ngộ được Giáo hội tấn phong lên hành Giáo phẩm Thượng tọa trong kỳ Hội nghị thường niên năm 2018.
Hóa duyên ký tất, Thượng tọa Thích Lệ Ngộ thị hiện bệnh duyên và viên tịch vào ngày 5 tháng 7 năm 2021 (nhằm ngày 26 tháng 05 năm Tân Sửu); Trụ thế 80 năm, Hạ lạp 26 năm.
Để có người tiếp tục chăm lo ngôi Tam bảo, Ban Trị sự GHPGVN huyện Cái Bè đã đề cử Đại đức Thích Trung Mỹ thế danh Nguyễn Thanh Hoàng, sinh năm 1978, là đệ tử của Thượng tọa Thích Lệ Ngộ, làm Giám tự chùa Hội Thọ từ ngày 21 tháng 5 năm 2022 cho đến nay.
Ghi niệm ân đức của Thượng tọa Bổn sư và chư Hòa thượng tiền bối, Đại đức Thích Trung Mỹ đã tiến hành xây Bảo tháp thờ nhục thân Thượng tọa Thích Lệ Ngộ và kiến tạo lại toàn bộ khu vườn Tháp Tổ; tu bổ cảnh quan cây kiểng xung quanh chùa, xây dựng tịnh trù, … Học theo hạnh nguyện của Thầy, Đại đức Thích Trung Mỹ cũng tích cực vận động Phật tử tham gia các phong trào an sinh xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng quê hương ngày thêm văn minh, tươi đẹp.
Một số ảnh tư liệu:
Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang
Phật giáo Tiền Giang - 14/12/2023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét