27 tháng 7, 2024

Chùa Long Bửu

Huyện Cai Lậy: Lịch sử Chùa Long Bửu

Chùa Long Bửu tọa lạc tại ấp Đông Hòa, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Ni sư Thích Nữ Trung Thảo đảm nhiệm trụ trì.

Cổng chùa Long Bửu năm 2024

Chùa Long Bửu do Hòa thượng Thích Thiện Tín thành lập vào năm 1951.

Hòa thượng Thích Thiện Tín, thế danh Đoàn Văn Được, sinh năm 1911 tại xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy. Thuở nhỏ sớm phải chịu mồ côi, nên Hòa thượng phải nhờ sự đùm bọc của anh chị em và bà con lối sớm.

Với túc duyên sẵn có, năm lên 17 tuổi, Hòa thượng đã xin phép anh chị em vào Chùa tu học, được Sư cụ Tổ thượng Khánh hạ Viễn hoan hỷ tiếp nhận và làm lễ thế phát xuất gia tại chùa Long Hải, xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Sau 3 năm Sư tổ viên tịch, Hòa thượng phải gánh vác trọng trách mọi Phật sự mà Thầy Tổ đã giao phó tại chùa Long Hải.

Toàn cảnh chùa Long Bửu nhìn từ trên cao

Năm 1945, người Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, phong trào cách mạng Việt Minh khởi nghĩa, thế nên Hòa thượng tham gia Đồng Khởi được bầu làm Hội trưởng Phật giáo Cứu quốc huyện Cai Lậy, kiêm Dân vận Quân khu. Khi giặc pháp đánh phá mất cơ sở, Hòa thượng phải lánh nạn ra quốc lộ 28 xã Tam Bình. Tại đây, được chính quyền cách mạng Việt Minh yêu cầu, Hòa thượng lưu lại và lập nên chùa Long Bửu, thuộc xã Tam Bình ngày nay, đó là vào năm 1951.

Chùa Long Bửu năm 1985

Đến năm 1958, bà con Phật tử ở xã Tân Lợi (nay là xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) vì cảm mến Đạo hạnh của Hòa thượng nên đã đến thỉnh Ngài về nhận trách nhiệm ngôi chùa Đông Thiền ở nơi đây. Chùa Đông Thiền xây dựng lâu đời nhưng chư Tăng đến ở đây một thời gian rồi cũng ra đi, chùa không có người thừa kế. Hòa thượng hứa khả về đây góp phần vào việc hoằng dương Phật Pháp và chịu trách nhiệm những lễ cúng Tam ngươn Tứ quý trong năm. Hòa thượng kêu gọi Ban Hội hương Đình Thần và bà con Phật tử bổn đạo địa phương góp công giúp của trùng tu lại ngôi Tam Bảo chùa Đông Thiền tạm hoàn thành vào năm 1961. Từ đó Hòa thượng chính thức trụ trì liên tự Long Hải – Long Bửu – Đông Thiền. Phật tử Qui y với Hòa thượng ở ba ngôi chùa này rất đông.

Năm 1962 đến 1966, Hòa thượng được bầu giữ chức vụ Tăng Giám Giáo hội Lục Hòa Tăng huyện Cai Lậy.

Năm 1963, Hòa thượng kiến thiết ngôi chùa Long Bửu lại bằng vật liệu kiên cố. Năm 1959, Hòa thượng tiếp tục kiến thiết lại ngôi Tổ đình Long Hải.

Đến năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Hòa thượng lúc bấy giờ sức khỏe yếu, nên giao hẳn cho 3 đệ tử: Thầy Thích Tâm Huệ trụ trì chùa Đông Thiền, xã Tân Phú, huyện Châu Thành, Bến Tre; Thầy Thích Tâm Chơn trụ trì chùa Long Hải, xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy, Tiền Giang; Thầy Thích Tâm Tại thế danh Nguyễn Văn Minh trụ trì chùa Long Bửu, ấp Đông Hòa, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, Tiền Giang. Sau đó Hòa Thượng về lập riêng một tịnh thất ở cù lao Năm Thôn, ấp Long Quới, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy để hàng ngày yên bề tịnh dưỡng, chuyên tu thiền định. Ngày 20 tháng 11 năm Giáp Tuất, Hòa thượng an nhiên viên tịch, Trụ thế được 83 năm; hành đạo trọn 66 năm.

Thầy Thích Tâm Tại trụ trì và hành đạo tại chùa Long Bửu từ năm 1975 đến năm 1999 thì viên tịch.

Ni sư Thích Nữ Trung Thảo - Trụ trì chùa Long Bửu

Bấy giờ bổn đạo Phật tử đã đến tổ đình Sắc tứ Linh Thứu (Châu Thành, Tiền Giang) thỉnh Sư về trụ trì. Được sự chấp thuận của các cấp Giáo hội, Ni sư Thích Nữ Trung Thảo đã về đảm nhận chăm lo Tam bảo và điều hành Phật sự tại đây theo quyết định số 138 của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang, ký ngày 29 tháng 01 năm 1999.

Ni sư Thích Nữ Trung Thảo, thế danh Võ Thị Huệ, sinh năm 1968 người quê gốc tỉnh Cà Mau; phát tâm xuất gia tu học với Ni trưởng Thích Nữ Như Quang tại Tổ đình Sắc tứ Linh Thứu năm 1988. Sau đó được thầy Bổn sư cho theo học chương trình Trung cấp Phật học tại Tiền Giang, trước khi về đảm nhận trụ trì chùa Long Bửu.

Bên trong Chánh điện chùa Long Bửu năm 2024

Với trách nhiệm của người Trụ trì, Ni sư Thích Nữ Trung Thảo từng bước trùng tu, xây dựng lại chùa Long Bửu thêm khang trang bằng chất liệu bê tông cốt thép kiên cố, thoáng mát, làm nơi chiêm bái và tu tập của tín đồ Phật tử tại địa phương. Ngôi Chánh điện hiện tại có kiến trúc thượng lầu hạ hiên, mái lợp tole, vách tường, cửa gỗ, nền lát gạch men kiến. Bên trong thờ các pho Tam Thế Phật, Tây phương Tam thánh và chư vị Bồ tát với đầy đủ pháp khí thiền gia.

Ni sư trụ trì cũng mở khóa tu niệm Phật định kỳ mỗi tháng để Phật tử trở về tu học và thực hành lời Phật dạy, làm an lạc tự thân và tô đẹp thêm cho cuộc đời.

Một số ảnh tư liệu:









Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang
Phật giáo Tiền Giang - 16/07/2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét