5 tháng 7, 2024

Chùa Phước Chơn

Huyện Cái Bè: Lịch Sử Chùa Phước Chơn

LỊCH SỬ CHÙA PHƯỚC CHƠN

Chùa Phước Chơn tọa lạc tại ấp Lương Trí, xã Mỹ Lương, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Hiện nay do Thượng tọa Thích Nhật Thanh đảm nhiệm Trụ trì.

Năm 1940, được sự hiến đất của gia đình ông bà Tham Vĩnh tại xã An Hữu, huyện Giáo Đức, tỉnh Định Tường (nay là ấp Lương Trí, xã Mỹ Lương, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang); Cư sĩ Đặng Văn Sâm đứng ra thành lập ngôi Chùa lấy hiệu là Phước Chơn để tu tập và làm nơi cho người dân quanh vùng nương tự tu học Phật pháp.

Một thời gian sau khi thành lập, Cư sĩ Đặng Văn Sâm đã đến thỉnh ngài Giáo thọ Thích Huệ Hóa (cũng là người gốc ở An Hữu xưa) về trụ trì ngôi chùa và hướng dẫn tín đồ tu học. Hòa thượng viên tịch vào năm 1963.

Kế thừa Giáo thọ Thích Huệ Hóa là ông Võ Văn Từ (thường gọi là ông Tám Tự) chăm lo hương khói tại chùa Phước Chơn. 

Qua một thời gian, ông Võ Văn Từ giao Chùa lại cho ông Đặng Văn Ninh (người dân quen gọi là ông Đạo Năm); đến khi tuổi già sức yếu, ông Đặng Văn Ninh giao chùa lại cho ông Đặng Văn Phúc chăm lo ngôi Tam bảo. Ông Đặng Văn Phúc về sau xuất gia có Pháp danh là Đại đức Thích Thiện Diệu.

Năm 2004, Đại đức Thích Thiện Diệu đã đến thỉnh Đại đức Thích Nhật Thanh về phụng sự ngôi Tam bảo và hoằng dương Phật pháp tại chùa Phước Chơn.

Đại đức Thích Nhật Thanh thế danh Trần Minh Tuấn, sinh ngày 15 tháng 8 năm 1977 tại xã Thanh Tân, huyện Mõ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Xuất gia năm 1989 với Hòa thượng Thích Hồng Liên tại chùa An Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
Đại đức Thích Nhật Thanh được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang bổ nhiệm trụ trì chùa Phước Chơn vào năm 2005.

Nói về kiến trúc, buổi sơ khai ngôi chùa Phước Chơn được cất lên bằng cây gỗ đơn sơ, trải qua các đời trụ trì tiền nhiệm ngôi chùa dần được trùng tu lại bằng mái ngói âm dương, tường gạch nhưng vẫn với không gian rất khiêm tốn.

Năm 2005, Đại đức Thích Nhật Thanh bắt đầu khởi công đại trùng tu lại Chánh điện chùa Phước Chơn bằng chất liệu bê tông cốt thép theo lối kiến trúc thượng lầu hạ hiên, mái đúc dán ngói, cửa gỗ. Ngôi Chánh điện thờ duy nhất Tôn tượng Phật Thích Ca bằng đá trắng Non Nước rất đẹp. Phía sau Chánh điện là Tổ đường thờ tôn tượng Đạt Ma Tổ Sư cũng làm bằng chất liệu đá trắng Non Nước; Hậu Tổ thờ di ảnh Tổ Khương Tăng Hội, Tam tổ Trúc Lâm được chế tác bằng gỗ và di ảnh chư Hòa thượng tiền bối.

Tiếp theo những năm sau đó, Đại đức Thích Nhật Thanh xây dựng Tăng xá, Khách đường, Tịnh trù, cổng Tam quan, tường rào bao bọc xung quanh Chùa. Đại đức trụ trì cũng cho tôn tạo tượng Bồ tát Quán Thế Âm lộ thiên, xây lầu chuông, lầu trống phía trước sân chùa; công trình được bố trí hài hòa xen với cây cảnh xanh tươi mang sự nhẹ nhàng đặc trưng của chốn thiền môn. Hiện tại về cơ sở vật chất chùa Phước Chơn đã hoàn chỉnh, đảm bảo tiện nghi cho chư Tăng an tịnh tu tập.


Với những công hạnh tu tập và hành đạo tinh tấn, Đại đức Thích Nhật Thanh được Giáo hội tấn phong lên hàng Giáo phẩm Thượng tọa trong kỳ Đại hội toàn quốc lần thứ IX vừa qua tại Thủ đô Hà Nội.

Ngoài việc kiến tạo già lam trang nghiêm, tiếp Tăng độ chúng có quy củ; Thượng tọa Thích Nhật Thanh còn luôn nỗ lực tham gia các công tác của Giáo hội và Xã hội; hiện tại Thượng tọa đang giữ chức vụ Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang, Phó trưởng ban Thường trực ban Trị sự Phật giáo huyện Cái Bè và cũng là Đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện Cái Bè. 

Thượng tọa cũng luôn hướng dẫn Phật tử tu học đúng chánh pháp và tích cực tham gia các phong trào an sinh xã hội tại địa phương, góp phần làm cho quê hương ngày thêm văn minh giàu đẹp.

“Phước địa muôn đời lưu dấu ấn,
Chơn như vạn pháp thảy đồng quy.
Chùa quê hôm sớm vang chuông quyện,
Nhật nhật Thanh âm vọng Pháp huyền.”

Một số ảnh tư liệu:






















Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang
Phật giáo Tiền Giang - 27/10/2023

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét