Huyện Cai Lậy: Lịch Sử Chùa Vạn Linh
LỊCH SỬ CHÙA VẠN LINH
Chùa Vạn Linh tọa lạc tại ấp Tân Thiện, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Hòa thượng Thích Quảng Thanh, Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Cai Lậy đương nhiệm trụ trì.
Vùng đất cù lao Tân Phong trước kia còn có tên gọi là Cồn Cù. Dưới triều Nguyễn và thời kỳ Pháp thuộc, nơi đây đều thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Long.
Năm 1967, do thấy qua lại sông Tiền khó khăn, đất Tân Phong lại gần với Cai Lậy và Cái Bè nên chính quyền kháng chiến miền Nam quyết định cắt chuyển sang huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang để dễ dàng xây dựng phong trào cách mạng. Rồi giữ nguyên hiện trạng cho đến nay.
Nằm ngay giữa dòng sông Tiền, cù Lao Tân Phong sở hữu 6 cồn chính là: cồn Ngậm, cồn Tre, cồn Trích, cồn Đại Diện, cồn Bầu, cồn Cá Ngát. Về mặt địa lý hành chính, hiện nay xã Tân Phong gồm có 7 ấp là: Tân Thái, Tân Thiện, Tân Luông A, Tân Luông B, Tân Bường A, Tân Bường B, Tân An.
Ngày nay vẫn chưa có cầu bắc qua sông nên việc đi lại đến xã Tân Phong đều bằng phà. Phía Tây Bắc cù lao là phà Tân Phong nhìn qua phía bên kia sông là bến tàu Cái Bè, phà quan trọng thứ hai là phà Rạch Giông nằm ở hướng Đông Nam nhìn qua phía bên kia sông Tiền là tỉnh Vĩnh Long Ngoài ra, còn nhiều điểm bến phà khác. Chính quyền tỉnh Tiền Giang đang xây dựng cầu bắc qua sông.
Năm 1961 Hòa thượng Thích Thiên Quang, thế danh Lê Phước Thiện đã đến vùng đất cù lao này hóa duyên; được sự phát tâm của tín chủ tại địa phương, Hòa thượng đã dừng chân và cất lên ngôi chùa bằng cây lá, lấy hiệu là Vạn Linh, trên phần đất cồn nhỏ khiêm tốn (chưa đầy 1.000 m²) thuộc ấp Tân Thiện, để làm nơi tịnh tu và phương tiện hóa độ người hữu duyên.
Năm 1970, được sự phát tâm của hàng thiện tín, Hòa thượng đã xây lại ngôi chùa bằng chất liệu bê tông, mái lợp tôn. Thời gian này Ngài cũng đắp thêm các bãi bồi xung quanh chùa, dần dần khiến diện tích đất chùa được rộng rãi hơn. Hòa thượng hành đạo nơi đây cho đến năm 1975 thì viên tịch.
Ngôi chùa Vạn Linh sau đó được Hòa thượng Thích Quảng Thanh, thế danh Lê Văn Minh kế nhiệm trụ trì cho đến ngày nay.
Năm 1979, sau một cơn bão chùa Vạn Linh bị sập nên Hòa thượng đã trung tu lại có phần kiên cố hơn, cũng bằng chất liệu bê tông cốt thép, mái lợp tôn xi măng. Phía trước có xây tiền đường và đắp chữ nổi “Vạn Linh Tự”.
Do vì đường đi lại vào chùa khó khăn, Hòa thượng Thích Quảng Thanh lại là người “an bần thủ đạo”, vì vậy hơn 30 năm, chùa Vạn Linh rất ít có khách thập phương biết đến, phần nhiều chỉ có bá tánh quanh vùng tới lui lễ bái vào các kỳ sóc vọng.
Những năm gần đây, cùng với chương trình phát triển nông thôn mới, con đường vào chùa Vạn Linh hiện tại đã được bê tông hóa, nên Phật tử về chùa ngày thêm đông hơn.
Năm 2017, vì thấy ngôi chùa bị xuống cấp, để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tu học của chư Tăng và Phật tử, Hòa thượng Thích Quảng Thanh một lần nữa đã vận động đại trùng tu Chánh điện chùa Vạn Linh kiên cố theo kiến trúc thượng lầu hạ hiên, mái lợp ngói, các đầu đao có trang trì hoa văn rồng, vách tường, cửa gỗ, nền lát gạch men kiến.
Hòa thượng cũng xây dựng Tăng xá, Khách đường, kiến tạo Đại tượng Bồ tát Quán Thế Âm, kiến tạo tại khuôn viên chùa thêm xinh tươi, sạch đẹp.
Bên cạnh đó, Hòa thượng cũng vận động các nhà hảo tâm cùng với Phật tử đạo tràng tích cực tham gia các phong trào an sinh xã hội, xây nhà tình thương, bắt cầu và làm đường nông thôn, tặng quà hỗ trợ người nghèo, tổ chức vui tết trung thu cho các cháu thiếu nhi, …. Đem đạo vào đời, tô đẹp thêm cho cuộc sống.
Với công đức tu tập và những đóng góp cho xã hội, Hòa thượng Thích Quảng Thanh đã được Giáo hội tấn phong lên hàng Giáo phẩm Thượng tọa trong kỳ Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII và Giáo phẩm Hòa thượng trong kỳ Đại hội lần thứ IX. Cũng trong nhiệm kỳ này, Hòa thượng được thỉnh vào ngôi vị Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN huyện Cai Lậy.
Một số ảnh tư liệu:
Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang
Phật giáo Tiền Giang - 12/06/2024
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét