28 tháng 11, 2024

Chùa Bửu Tháp

Thị xã Cai Lậy: Lịch Sử Chùa Bửu Tháp

Chùa Bửu Tháp tọa lạc tại ấp Tân Phong, xã Tân Hội, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Thượng tọa Thích Tịnh Niêm đương nhiệm trụ trì.

Ngôi chùa Bửu Tháp có từ thời Cao Miên, hiện được xếp vào một trong những điểm di tích khảo cổ thuộc Văn hóa Phù Nam (Văn hóa Óc Eo), đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang xếp hạng di tích năm 2000.

Thế nhưng theo thời gian chuyển biến của xã hội, có những lúc chùa Bửu Tháp không người trông coi, bị bỏ hoang, cho đến đầu thế kỷ XX, có Thân phụ của Giáo thọ Nguyễn Văn Tập (tức Thầy Thích Chơn Phổ) phát tâm trùng tu xây dựng lại để làm nơi trang nghiêm cho tín đồ Phật tử địa phương đến chiêm bái, cầu nguyện. Lúc này chùa được làm bằng chất liệu bán kiên cố, mái lợp ngói âm dương, vách gỗ, nền lát gạch tàu.

Đến năm 1925, Thân phụ qua đời, Thầy Giáo thọ Thích Chơn Phổ để về kế vị trụ trì, chăm lo Tam Bảo chùa Bửu Tháp. Thầy ở đây tu tập và hành đạo đến năm 1941 thì viên tịch.

Sau khi Giáo thọ Thích Chơn Phổ viên tịch, đệ tử của Ngài là thầy Thích Chơn Tịnh, thế danh Nguyễn Văn Chiên, kế vị trông coi chùa Bửu Tháp. Thầy hành đạo tại đây cho đến năm Kỷ Dậu (1969) thì viên tịch. Thời gian trụ trì, thầy Thích Chơn Tịnh cũng có trùng tu lại chùa Bửu Tháp một lần.


Năm 1970, Thượng tọa Thích Tịnh Niệm kế nghiệp Tổ thầy chăm lo chùa Bửu Tháp cho đến ngày nay.

Thượng tọa Thích Tịnh Niệm thế danh Nguyễn Văn Bé, sinh năm 1940, xuất gia tu học với Thầy Thích Chơn Tịnh tại chùa Bửu Tháp. Thầy được Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang cấp quyết định bổ nhiệm trụ trì vào ngày 17 tháng 12 năm 2013; đồng thời được Giáo hội tấn phong lên hàng Giáo phẩm Thượng tọa trong lần Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc năm 2017.


Năm 1998 Thượng tọa Thích Tịnh Niệm trùng tu lại chùa Bửu Tháp, cất thêm nhà Hậu Tổ lợp mái tol.

Đầu năm 2024, được sự trợ duyên của Phật tử tại đạo tràng, Thượng tọa đã thay toàn bộ vách ván đã mục thành vách tường, cửa nhôm cao cấp, thay nền gạch tàu bằng gạch men.

Chùa Bửu Tháp ngày nay còn lưu giữ Tôn tượng Đức Phật A Di Đà được chế tác từ gỗ cẩm hương và 03 bộ lam chạm trổ Tứ quý, Tứ linh rất tinh xảo, có từ thời đầu thành lập Chùa. Đây cũng được xem là di vật quý giá cùng với những hình ảnh hiện tại của ngôi Chùa, đã góp phần ghi lại dấu ấn hình thành và phát triển của chùa Bửu Tháp trên mãnh đất Tân Hội thân thương này.

Một số ảnh tư liệu:












Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét