27 tháng 8, 2021

Chùa Linh Quang

Tên thường gọi: Chùa Bà Đá

Chùa thường được gọi là chùa Bà Đá, tọa lạc ở số 03 phố Nhà Thờ, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Mặt tiền chùa

Chùa được dựng vào thời Hậu Lê ở làng Báo Thiên, huyện Thọ Xương. Tương truyền lúc Chúa Trịnh cho đào đất đắp thành, có một người dân làng thấy một pho tượng Bà bằng đá, liền dựng một miếu nhỏ để thờ. Về sau dân làng xây miếu thành chùa, nên ngôi chùa có tên “Bà Đá”. Tượng đá ở chùa đã mất.

Điện Phật được bài trí trang nghiêm. Hệ thống tượng ở điện Phật là những tác phẩm điêu khắc đặc sắc của thế kỷ XIX. Chùa có hai đại hồng chung, một đúc năm 1823, một đúc năm 1881 và một khánh đúc năm 1842.

Chùa là ngôi tổ đình của Thiền phái Lâm Tế ở Miền Bắc.

Chùa là điểm An cư kiết hạ hàng năm của Tăng Ni Hà Nội.

Chùa hiện đặt Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo thành phố Hà Nội, Trường trung cấp Phật học thành phố Hà Nội.

Điện Phật


Tượng Minh Vương

Tòa Cửu Long

Phù điêu

Tụng kinh

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường

Chuyện kỳ bí về sự ra đời của ngôi chùa cổ bên bờ hồ Gươm

Khi đào đất đắp thành Thăng Long vào đời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497), người dân ở làng Báo Thiên Tự Tháp đã đào được một pho tượng đá hình một phụ nữ...

Nằm tại số 3 phố Nhà Thờ, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, chùa Bà Đá còn được gọi là Linh Quang tự hay Sùng Khánh tự, là một ngôi chùa có lịch sử hình thành và phát triển khá đặc biệt của thủ đô Hà Nội

Tương truyền, khi đào đất đắp thành Thăng Long vào đời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497), người dân ở làng Báo Thiên Tự Tháp đã đào được một pho tượng hình dáng một phụ nữ, hoặc một vị Phật bà bằng đá

Cho rằng bức tượng là hiện thân của Thánh Mẫu, người ta đã lập đền thờ ngay tại nơi đào được tượng và gọi là đền Bà Đá. Sau dân làng thấy linh thiêng mới góp công, góp của xây thành chùa lớn, đón sư về trụ trì và thờ Phật

Trong cuộc hành quân của quân Tây Sơn ra thành Thăng Long, chùa Bà Đá đã bị ảnh hưởng bởi tình hình chiến sự, trở nên đổ nát hoang tàn. Đến năm 1850, một vị sư là Giác Vượng đến trụ trì và cho tái thiết chùa

Đến thời Pháp thuộc, chùa bị phá hủy trong một vụ cháy, bức tượng Bà Đá cũng bị mất. Dân làng cho xây lại chùa, đồng thời rước một pho tượng Phật Thích Ca bằng đá để thờ thay thế tượng Bà Đá cũ

Sau nhiều biến động lịch sử, ngày nay diện tích chùa Bà Đá đã thu hẹp nhiều so với khi xưa. Cổng chùa nhỏ, nằm lọt giữa hai ngôi nhà ống trên mặt phố Nhà Thờ

Sau cánh cổng là một lối đi hẹp dẫn vào khu chùa chính

Sau vài đợt trùng tu những thập niên gần đây, chùa có mặt bằng xây dựng kiểu “Nội Công Ngoại Quốc” với các hạng mục chính là tiền đường và thượng điện thờ Phật, hậu đường thờ Tổ và Mẫu

Hai bên chính điện có hai dãy hành lang nằm đối xứng tả hữu kéo xuống giáp với hậu đường

Các tháp mộ nằm rải rác trên sân chùa, ở mặt trước, mặt sau và bên hông chính điện

Bên trong chùa Bà Đá còn lưu giữ được nhiều pho tượng có giá trị, đặc biệt là bộ tượng gỗ lớn tạc hình đức Phật Thích Ca niêm hoa, hai bên là tượng các tôn giả A-nan, Ca-diếp...

Chùa Bà Đá có một vai trò khá quan trọng trong lịch sử Phật giáo ở Thăng Long – Hà Nội. Chùa xưa vốn là trường sở của Lâm Tế tông, được truyền thừa qua nhiều đời tổ sư

Hiện nay chùa là trụ sở chính của Thành hội Phật giáo Hà Nội. Trong khuôn viên chùa có Trường Trung cấp Phật học Hà Nội

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chùa là một cơ sở cách mạng ở nội thành thủ đô. Tăng ni Phật tử trong chùa đã đã góp phần vào công cuộc chống giặc ngoại xâm với các hoạt động tuyên truyền vận động, quyên góp ủng hộ kháng chiến...

Chùa Bà Đá đã được công nhận là Di tích lịch sử - kiến trúc cấp quốc gia của Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét